Cô Nguyễn Thái Yên Hương: “Hãy để đam mê dẫn lối"
Đam mê nghiên cứu - Đam mê giảng dạy
Khi được hỏi về hai niềm đam mê lớn nhất của cuộc đời: nghiệp nghiên cứu và nghiệp nhà giáo, cái nào đến trước, cái nào gắn bó hơn với cô, cô đã chân thành chia sẻ, cuộc đời 32 năm tuổi nghề ở Học viện, khởi thủy là cán bộ nghiên cứu, sau đó một thời gian cô mới tham gia đứng lớp. Đam mê nghiên cứu từ khi còn trẻ, nhưng có lẽ nghiệp giảng dạy đến với cô nhờ cái duyên. Trước đây cô cũng chưa từng nghĩ mình sẽ đứng lớp trước hàng trăm học sinh để giảng bài, nhưng sau này khi đến với nghề giáo, cô cảm thấy sinh viên của mình có những nét “đáng yêu” cực kỳ, vì vậy cô vẫn gắn bó với phấn với bút, với bục giảng cho tới tận bây giờ.
Giữa hai niềm đam mê chiếm trọn cả tuổi trẻ và tuổi nghề của mình, cô tâm sự rằng mỗi niềm đam mê đều có những “cái thú riêng” khiến cô không nỡ từ bỏ. Không chỉ vậy, chúng còn hỗ trợ nhau rất nhiều, giúp cô “tròn vai” hơn trong từng vai trò mà mình đảm nhận.
Bí quyết để hạnh phúc: “Hãy để đam mê dẫn lối”
Bất cứ ai khi tiếp xúc, gặp gỡ và trò chuyện với cô đều cảm nhận được niềm hạnh phúc toát ra thành thần thái tự tin, yêu đời của cô. Những công việc, những trải nghiệm hằng ngày trong cuộc sống của cô xuất phát từ những niềm đam mê lớn lao và cháy bỏng. Đối với cô, “bí quyết” để thành công và hạnh phúc chính là việc được làm những điều mình thích mỗi ngày. Cô không theo đuổi đam mê với mong muốn gặt hái những danh hiệu lớn, những tiếng vang xa, mà đơn giản vì khi nghiên cứu và giảng dạy, cô cảm thấy mình có ích.
Cả sự nghiệp của cô luôn gắn bó với Học viện, với những trang sách. Là cán bộ đối ngoại nhưng chưa từng đi nhiệm kỳ, cô nói với chúng tôi rằng cô biết ít nhất một lần nên trải nghiệm điều đó, tuy nhiên cô chưa bao giờ hối hận. Bởi lúc nào cô cũng có một ý tưởng mới muốn vun đắp cho Học viện nên cô “không nỡ” rời đi. Đó cũng chính là con đường phát triển mà cô đã tự chọn cho riêng mình để theo đuổi đam mê.
Gửi tới các trò nữ của cô: “Hãy biết cân bằng cuộc sống”
Đối với đa phần sinh viên nữ tại Học viện, cô Yên Hương luôn là một “thần tượng” đáng ngưỡng mộ. Khi chúng tôi bày tỏ điều này, cô bật cười và nhắn nhủ: Đừng ngay lập tức muốn trở thành một người như cô bây giờ, bởi phía sau mỗi thành công là cả một quá trình miệt mài cố gắng, đối với cô hay bất kỳ ai cũng vậy. Cô luôn mong các bạn nữ đừng bao giờ quá cầu toàn về mọi mặt trong cuộc sống, hãy biết dung hòa, trân trọng những gì mình có và phấn đấu vươn lên. Hạnh phúc sẽ đến với những người phụ nữ biết tự chủ, biết cân bằng cuộc sống và nỗ lực với đam mê của mình.
Gửi tới các DAVers của cô: “Hãy học cách đứng dậy sau vấp ngã”
Hơn 30 trong năm nghề gắn bó với Học viện Ngoại giao, hơn ai hết cô rất thấu hiểu sinh viên của mình. Cô biết và tin rằng sinh viên của cô có tài năng, có sự tự tin và có cái “chất” riêng của Ngoại giao, nhưng sinh viên không bao giờ nên có suy nghĩ rằng mình sẽ không thể hoặc không được phép vấp ngã. Mỗi khi gặp phải những khó khăn, thử thách, hãy cố gắng thích nghi và chinh phục nó.Cô cho rằng người trẻ đừng giữ cho mình những suy nghĩ quá bảo thủ, mà hơn tất cả phải dám thay đổi để đứng dậy sau vấp ngã. Hơn nữa, cô mong sinh viên hãy có “tầm nhìn”.Tầm nhìn ở đây không phải là điều gì mang nghĩa to lớn, mà là tầm nhìn cho chính cuộc đời của mình. Cô nói các bạn đừng nên đặt nặng vấn đề mình sẽ phải làm được những gì, mà hãy xác định mình thích làm những gì và mình phải cố gắng như thế nào. Nếu có đam mê bạn sẽ có động lực thực hiện nó, cùng với niềm tin thì chắc chắn sẽ có thể thành công.