Đối thoại Toàn cầu Galileo số 26: "Cuộc chạy đua chíp bán dẫn toàn cầu: Định vị, Thách thức và Cơ hội đối với Việt Nam"
Ngày 20/3/2024, Đối thoại Toàn cầu Galileo lần thứ 26 với chủ đề “Cuộc chạy đua chip bán dẫn toàn cầu: Định vị, Thách thức và Cơ hội đối với Việt Nam" đã được tổ chức tại Học viện Ngoại giao với sự tham gia của đông đảo sinh viên Học viện và từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Tại Tọa đàm, GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, kiêm nhiệm Chủ nhiệm Bộ môn Vi cơ điện tử và Vi hệ thống, Khoa Điện tử - Viễn thông có bài thuyết trình quan trọng về những bước phát triển vượt bậc của lĩnh vực vi điện tử, chính sách phát triển chíp bán dẫn của các cường quốc, và những cơ hội, thách thức đối với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Sự kiện vinh dự được chủ trì bởi Đại sứ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Học viện đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Sự tham gia tích cực của các bạn sinh viên Học viện với một chủ đề thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên cho thấy sự hưởng ứng rộng rãi đối với xu hướng tiếp cận liên ngành, xuyên ngành và mối quan tâm sâu sắc đến một trong những vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia.
Qua phần thuyết trình và trả lời câu hỏi của GS.TS Chử Đức Trình, có thể thấy ngành bán dẫn thế giới đã có bước phát triển vượt bậc và ngày càng được áp dụng rộng rãi, tạo ra những thay đổi căn bản trong sản xuất, kinh doanh, y tế và đời sống xã hội. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này hiện nay bị kiểm soát bởi một số ít các tập đoàn, quốc gia nắm được công nghệ nguồn. Các quốc gia lớn hay nhỏ đều có mong muốn có vai trò lớn hơn, sở hữu các công nghệ, tham gia sâu hơn vào các công đoạn khác nhau trong quy trình thiết kế, sản xuất, đóng gói và áp dụng các sản phẩm bán dẫn.
Là công nghệ nền tảng có khả năng tạo ra những thay đổi lớn ở tất cả các ngành công nghiệp, chíp bán dẫn cũng là lĩnh vực chứng kiên sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước và các tập đoàn công nghiệp. Một số nước đã xây dựng các chiến lược phát triển dài hạn, đầu tư nguồn lực lớn để giành lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực này. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng đã phát triển các chính sách quan trọng để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, đầu tư và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Khác với nhiều nhận định, GS. TS. Chử Đức Trình cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế để tham gia, giành vị trí tốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu về chíp bán dẫn, trong đó quan trọng nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phiên thứ hai của buổi tọa đàm đã diễn ra trong không khí sôi nổi, cởi mở giữa diễn giả, khách mời và các bạn sinh viên. Diễn giả đã nhận được nhiều câu hỏi xoay quanh tiềm năng đất hiếm, quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ chip bán dẫn trên thế giới và tại Việt Nam cũng như những khó khăn, thách thức của nước ta trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên quy mô toàn cầu. GS. TS kiên trì trả lời câu hỏi, giải đáp thấu đáo thắc mắc của của người tham dự, cung cấp những góc nhìn đa chiều, mới mẻ và thú vị về các chủ đề liên quan.
Phát biểu bế mạc tọa đàm, Đại sứ, TS. Phạm Lan Dung nhấn mạnh chip bán dẫn cùng với các ngành công nghệ mới nổi như AI là xu thế Việt Nam không thể đứng ngoài, nếu muốn phát triển, vươn lên. Tuy nhiên, là một nước đi sau, Việt Nam cần nghiên cứu thấu đáo, tiếp cận từ nhiều chiều và cân nhắc kỹ càng để xây dựng một chiến lược tiếp cận phù hợp. Trong xu thế đó, nguồn lực con người và khuôn khổ chính sách vẫn là các nhân tố quan trọng nhất để tạo ra các môi trường thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mũi nhọn. Các cơ sở giáo dục, ngay cả trong lĩnh vực KHXH, cũng không thể đứng ngoài xu thế này.
Đối thoại Toàn cầu (Galileo Global Dialogue) là chuỗi tọa đàm do CLB Galileo Society chủ trì và tổ chức định kỳ, nhằm tạo ra một diễn đàn học thuật giúp các bạn sinh viên học hỏi, kết nối, chia sẻ và giao lưu với các diễn giả là chuyên gia có bề dày kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng trong nhiều lĩnh vực./.
Phương Hoa, Văn Toàn và Bảo Phúc