Hội thảo khoa học quốc tế “Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu lịch sử và quan hệ quốc tế thế kỷ XX – XXI: Từ góc nhìn của giới học giả Việt Nam và Pháp”
Ngày 20/2/2024, Hội thảo Khoa học quốc tế nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt - Pháp với chủ đề: "Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu lịch sử và quan hệ quốc tế thế kỷ XX – XXI: Từ góc nhìn của giới học giả Việt Nam và Pháp" được tổ chức bởi Học viện Ngoại giao, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, và Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 (UPVM3).
Về phía Học viện Ngoại giao, Phó Giám đốc, TS. Nguyễn Thị Thìn (đoàn chủ tịch) đã có phát biểu khai mạc Hội thảo. Hội thảo đã nhận được hơn 40 báo cáo tham luận của các nhà sử học và chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế hàng đầu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam, Pháp, Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Các báo cáo tham luận tại Hội thảo với góc nhìn đa dạng đã nghiên cứu rộng mở ở nhiều khía cạnh trong nghiên cứu lịch sử và quan hệ quốc tế, trong đó có các báo cáo đề dẫn, bài tham luận từ những giảng viên của Học viện Ngoại giao: PGS. TS Nguyễn Thị Hạnh, PGS.TS Dương Văn Quảng, T.S Nguyễn Hoàng Như Thanh, ThS. Phạm Thị Thanh Huyền, ThS. Vương Thị Thanh Thủy, TS. Lê Thị Ngọc Hân, ThS. Phạm Thanh Tùng,…
Hội thảo quy tụ các nhà khoa học, sử học và chuyên gia quan hệ quốc tế hàng đầu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam, Pháp và một số quốc gia khác, cùng đông đảo các nhà nghiên cứu trẻ, học viên cao học và nghiên cứu sinh Việt Nam và Pháp để cùng trao đổi, chia sẻ các cách thức tiếp cận và phương pháp nghiên cứu lịch sử và quan hệ quốc tế, qua đó tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ về học thuật lẫn nhau của giới học giả ở hai nước.
Vào buổi tối cùng ngày, tại Học viện Ngoại giao đã diễn ra Tiệc chiêu đãi sau Hội thảo, chào đón các nhà khoa học, sử học và chuyên gia quan hệ quốc tế hàng đầu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong bầu không khí gần gũi và gắn kết.
Thông qua các nghiên cứu chuyên sâu, công phu của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, Hội thảo góp phần hệ thống hoá và cập nhật các lý thuyết, cách thức tiếp cận và phương pháp nghiên cứu lịch sử và quan hệ quốc tế thế kỷ XX và XXI, đặc biệt là các phương pháp nghiên cứu mới, như lịch sử xuyên quốc gia, lịch sử toàn cầu, lịch sử môi trường, trật tự thế giới, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá, quyền lực mềm… Cũng tại Hội thảo lần này, các nhà khoa học đã gợi mở những hướng nghiên cứu mới, các phương pháp và tư duy nghiên cứu mới trong lĩnh vực sử học và quan hệ quốc tế, qua đó thúc đẩy sự hợp tác về khoa học, công nghệ và giáo dục lịch sử giữa hai nước Việt Nam - Pháp.
Một số hình ảnh khác: