• Khoa kinh tế quốc tế
< >

Sinh viên Khoa Kinh tế Quốc tế trình bày tham luận tại “Tác động của các gói hỗ trợ chống suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 đến bất ổn tài chính tại Việt Nam”

00:00 06/03/2023

Sáng ngày 4/3/2023, Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Mở Hà Nội đã tổ chức thành công Hội thảo với chủ đề “Tác động của các gói hỗ trợ chống suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 đến bất ổn tài chính tại Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo, về phía Đại học Mở Hà Nội có sự tham gia của TS. Bùi Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng. Về phía Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Mở Hà Nội, có sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Trọng Tài - giảng viên, chủ nhiệm đề tài; ThS. Trần Anh Tuấn - giảng viên, thành viên đề tài; TS. Trần Phương Thảo - giảng viên, thư ký đề tài cùng các giảng viên và đại diện sinh viên các lớp, khoá đang học tập tại Khoa Tài chính Ngân hàng. Về phía Khoa Kinh tế Quốc tế - Học viện Ngoại giao có sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch - Nguyên trưởng Khoa Kinh tế quốc tế cùng sinh viên Vũ Thị Kim Liên - lớp KT46C và Nguyễn Hải Phương - lớp KT46B.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo cả trong nghiên cứu khoa học và thực tiễn. Tại buổi Hội thảo, sinh viên Vũ Thị Kim Liên đã trình bày tham luận “Các giải pháp và khuyến nghị chính sách nhằm ứng phó với nguy cơ bất ổn tài chính từ các gói hỗ trợ chống suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19”. Bài tham luận chỉ ra rằng, các gói hỗ trợ tài khóa giúp các nước phục hồi kinh tế, nhưng khiến lạm phát diễn biến phức tạp, kéo theo bất ổn tài chính. Từ phân tích thực trạng cũng như những diễn biến khó lường, nhiều vấn đề cần được các nhà quản lý quan tâm nhằm có các kịch bản phù hợp trong điều hành chính sách. Tiếp theo, sinh viên Nguyễn Hải Phương đã trình bày tham luận với chủ đề “Kinh nghiệm ứng phó với nguy cơ bất ổn tài chính từ các gói hỗ trợ chống suy thoái kinh tế”. Bài viết nghiên cứu các gói hỗ trợ kinh tế được Mỹ và EU sử dụng để đối phó với dịch COVID-19, những hệ quả của các gói hỗ trợ này đến nền kinh tế và các biện pháp của các nước nhằm ứng phó với nguy cơ bất ổn tài chính. Qua đó tìm hiểu hiệu quả các biện pháp và rút ra một số kinh nghiệm để Việt Nam học hỏi và ứng phó với nguy cơ bất ổn tài chính từ các gói hỗ trợ kinh tế của mình.

Cùng với 2 sinh viên trên tham gia trực tiếp hội thảo, 2 sinh viên khác là Nguyễn Thị Quỳnh Anh (KT46C) và Hoàng Mai Linh (KDQT48C1) cũng có bài nghiên cứu được đăng trong Kỷ yếu. Nhìn chung, các nghiên cứu của sinh viên HVNG đã thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học và được đánh giá cao về phương pháp nghiên cứu, cũng như những đóng góp về tri thức.

Hội thảo này là một minh chứng về việc Khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao luôn tạo điều kiện cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học; tiếp xúc và học hỏi các giảng viên, các nhà khoa học trong và ngoài Khoa để nâng cao kiến thức chuyên môn cùng khả năng nghiên cứu độc lập. Thông qua các hoạt động này, sinh viên có thể trau dồi thêm các kỹ năng thiết yếu như phân tích, tóm tắt, tổng hợp số liệu, thông tin, thuyết trình tại các hội nghị, hội thảo… Đây sẽ là bước đệm quan trọng giúp các bạn phát triển khả năng của bản thân, ghi điểm trong mắt các nhà tuyển dụng và gia tăng cơ hội nhận được nhiều học bổng có giá trị trong tương lai./.

NVT

Cùng chuyên mục