Số 33 - Quan hệ Mỹ - Trung: Hiện trạng và triển vọng
Quan hệ Mỹ - Trung: Hiện trạng và triển vọng
Tác giả: Lê Linh Lan.
Diễn biến và chiều hướng phát triển quan hệ Mỹ-Trung là một trong những quan tâm hàng đầu đối với các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và các nhà phân tích chiến lược ở khu vực Châu A'-Thái Bình Dương(CA-TBD). Mối quan tâm này có thể được lý giải chủ yếu bởi một thực tế quan hệ Mỹ-Trung là mối quan hệ song phương quan trọng nhất ở khu vực Châu A'-Thái Bình Dương thời kỳ sau chiến tranh lạnh. Đây là mối quan hệ giữa một siêu cường duy nhất còn lại từ khi Liên Xô sụp đổ với một cường quốc đang nổi lên, có tiềm năng thách thức vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ trong thế kỷ 21. Xét về sức mạnh quốc gia tổng hợp, Mỹ và Trung Quốc là hai nước lớn nhất ở khu vực CA-TBD hiện nay, và có khả năng trở thành hai cường quốc lớn nhất trên thế giới vào thế kỷ 21. Hơn nữa, mối quan hệ này là quan hệ giữa một siêu cường duy nhất đang nỗ lực thiết lập một thế giới đơn cực, một nền hoà bình theo kiểu Mỹ với những giá trị Mỹ được phổ biến với một cường quốc đang nổi lên và ấp ủ mục tiêu xây dựng một trật tự thế giới đa cực. Bài viết này tập trung phân tích những diễn biến gần đây trong quan hệ Mỹ-Trung và đưa ra một số nhận định về chiều hướng phát triển của mối quan hệ này trong tương lai ngắn đến trung hạn.
Chu kỳ căng thẳng mới ?
Nhìn lại cả chiều dài mối quan hệ giữa Mỹ và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, nguời ta dễ dàng nhận thấy những thăng trầm trong quan hệ Mỹ-Trung có tính chất chu kỳ, và đặc điểm nổi bật của những chu kỳ này là chu kỳ căng thẳng nổi trội và thường kéo dài hơn chu kỳ hoà dịu. Cho đến những năm 70, tức là trong 20 năm đầu kể từ khi nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời, hai nước đối đầu căng thẳng. Sau đó, quan hệ hai nước đi vào bình thường hoá với việc Mỹ điều chỉnh chính sách, kéo Trung Quốc vào ván bài chiến lược chống Liên Xô. Chu kỳ này kéo dài khoảng hơn 10 năm cho đến khi sự kiện Thiên An Môn xảy ra đưa quan hệ hai nước vào một chu kỳ căng thẳng mới. Mỹ đã áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc và phải đến năm 1997, quan hệ giữa hai nước mới có những dấu hiệu tan băng.
Chuyến đi thăm Mỹ của Giang Trạch Dân tháng 10/1997 và sau đó là chuyến thăm Trung Quốc của Clinton tháng 6/1998 với tuyên bố của hai nước bày tỏ mong muốn và quyết tâm xây dựng "mối quan hệ đối tác chiến lược" đã làm cho nhiều nhà phân tích chiến lược lạc quan cho rằng quan hệ Mỹ-Trung đã bước sang một thời kỳ mới. Sự khởi sắc trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thậm chí đã làm cho Nhật Bản, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu A' lo ngại. Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau khi quyết tâm xây dựng quan hệ đối tác chiến lược được hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung công bố, tình hình phát triển gần đây trong quan hệ Mỹ-Trung cho thấy mối quan hệ này giống quan hệ giữa hai đối thủ mâu thuẫn và bất đồng với nhau trên một loạt các vấn đề hơn là mối quan hệ giữa hai đối tác chiến lược.
Bước vào năm 1999, vấn đề nhân quyền của Trung Quốc và những nghi ngờ về việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ phát triển hạt nhân của Mỹ đã làm u ám quan hệ hai nước. Tiếp đó, việc Mỹ và NATO tấn công Kosovo ngày 24/3/1999 làm bầu không khí quan hệ Mỹ-Trung thêm phần căng thẳng. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc Mỹ và NATO tấn công Kosovo, bỏ qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tức là bỏ qua vai trò thành viên thường trực Hội đồng Bảo an của Trung Quốc. Chu kỳ căng thẳng đạt tới mức độ mới sau vụ ném bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade. Trung Quốc đã phản ứng gay gắt trước vụ ném bom này và giải thích của Mỹ về "sự nhầm lẫn" không thể thuyết phục được Trung Quốc. Lần đầu tiên kể từ khi Hồng Kông trở về Trung Quốc, Trung Quốc đã cấm không cho các tầu quân sự của Mỹ ghé vào Hồng Kông để lấy đồ tiếp tế. PhíaTrung Quốc đã đình chỉ quan hệ hợp tác quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Bản báo cáo Christopher Cox đưa ra những chứng cớ về việc Trung Quốc đánh cắp kỹ thuật hạt nhân của Mỹ từ những năm 70 giáng tiếp một đòn vào mối quan hệ vốn đã đầy trắc trở này. ở Mỹ, bản báo cáo này gây ra một làn sóng chống đối mạnh mẽ trong Quốc hội Mỹ, cả phái tả- những người vẫn lên án mạnh mẽ những hành động vi phạm dân chủ nhân quyền của Trung Quốc và phái hữu- những người vốn chủ truơng ngăn chặn Trung Quốc vì lý do địa chiến lược. Những cuộc thăm dò ý kiến trong dân chúng Mỹ cũng cho thấy tình cảm chống Trung Quốc ngày càng tăng ở Mỹ. Theo một cuộc thăm dò ý kiến do Time và CNN tiến hành ngày 26-27/5/1999, 46% người được hỏi cho rằng Trung Quốc là mối đe doạ nghiêm trọng đối với Mỹ. Trả lời câu hỏi tương tự, chỉ có 34% cho rằng I-rắc là mối đe doạ nghiêm trọng, 24% đối với Nga và 16% đối với Nam Tư(1). Người ta dường như nghe thấy một dàn đồng ca phản đối chính sách can dự của chính quyền Clinton đối với Trung Quốc. Tình cảm chống Mỹ ở Trung Quốc cũng không kém về cường độ cũng như phạm vi. Ngày nay, ngay cả thế hệ trẻ của Trung Quốc đã trở nên nghi ngờ những giá trị dân chủ và nhân quyền mà phương Tây đứng đầu là Mỹ truyền bá. Hàng loạt các cuộc biểu tình rộng lớn diễn ra ở Bắc Kinh, trước Đại sứ quán Mỹ và Đại sứ quán của một số nước NATO để phản đối việc Mỹ ném bom Đại sứ quán Trung Quốc. Nói tóm lại, quan hệ vốn đã dễ bị tổn thương giữa hai nước lại đi vào một chu kỳ căng thẳng mới bộc lộ rõ sự nghi kỵ sâu sắc và mâu thuẫn trên một loạt các vấn đề.
Hai thoả thuận quan trọng cuối năm 1999 giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề gia nhập WTO của Trung Quốc trong cuộc gặp giữa Giang Trạch Dân và Clinton ở Aukland, tháng 11/1999, và thoả thuận giải quyết việc đền bù những thiệt hại do vụ ném bom vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade chưa kịp làm cho quan hệ giữa hai nước ấm lại, thì những sự kiện gần đây lại làm cho mối quan hệ vốn đã sứt mẻ càng trở nên căng thẳng. Bầu cử tổng thống ở Đài Loan và căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan đương nhiên sẽ có tác động bất lợi trực tiếp đối với quan hệ Mỹ-Trung. Ngày 21/2/2000, Trung Quốc đã đưa ra Sách trắng gồm 11.000 từ về "Nguyên tắc một nước Trung Quốc và vấn đề Đài Loan", nhấn mạnh nguyên tắc một nước Trung Quốc và đe doạ sẽ sử dụng vũ lực nếu Đài Loan không sớm tiến hành các cuộc đàm phán về việc thống nhất đất nước. Một mặt, Sách trắng về Đài Loan của Trung Quốc thể hiện mong muốn của Trung Quốc nối lại đàm phán với tổng thống mới của Đài Loan, và ở mức độ nào đó, Trung Quốc tỏ ra mềm dẻo trong việc đề nghị tiến hành đàm phán trên cơ sở bình đẳng giữa hai bên (on the basis of equality) và nhượng bộ hai bên có thể nối lại đàm phán tập trung trước hết vào các vấn đề hợp tác chuyên ngành để xây dựng lòng tin trước khi đi vào vấn đề then chốt là vấn đề thống nhất. Mặt khác, lời lẽ cứng rắn và việc bổ sung thêm điều kiện Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực trong trường hợp Đài Loan trì hoãn vô thời hạn việc nối lại đàm phán không tránh khỏi làm cho Mỹ lo ngại. Mỹ là nước đầu tiên đã phản ứng gay gắt trước Sách trắng về Đài Loan của Trung Quốc. Mỹ cũng đưa ra những tín hiệu rõ ràng về khả năng can thiệp nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực ở eo biển Đài Loan. Đài Loan tiếp tục là một vấn đề gai góc nhất trong quan hệ Mỹ-Trung trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, dự luật tăng cường an ninh cho Đài Loan mà Hạ viện Mỹ mới thông qua và cuộc thảo luận đang diễn ra về việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường TMD bao gồm cả Nhật Bản và Đài Loan cũng là một trong những nguồn gây căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung những tháng đầu năm 2000. Nói tóm lại, những cố gắng vá víu quan hệ của hai nước khó có thể cải thiện đáng kể mối quan hệ dường như đang trượt sâu vào một chu kỳ căng thẳng có khả năng kéo dài trong nhiều năm tới.
Quan hệ Mỹ-Trung: dàn xếp sách lược, mâu thuẫn chiến lược.
Những tuyên bố đầy hào hứng về mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Trung và những dự đoán vội vã về sự xuất hiện của cơ chế hoà hợp quyền lực giữa các nước lớn dường như đã trở nên lạc lõng trước những diễn biến gần đây trong quan hệ Mỹ-Trung. Vậy thực ra cơ sở của mối quan hệ đối tác chiến lược là gì? Những nhân tố nào đã dẫn đến quyết định của hai nước xây dựng một mối quan hệ đối tác chiến lược trong thế kỷ 21? Quan điểm của bài viết này cho rằng, tạm ước cuối năm 1997 và năm 1998 đạt được bởi có sự hội tụ của một lọat những điều kiện đặc biệt, không có tính chất quy luật đối với quan hệ hai nước. Nói cách khác, tuyên bố xây dựng "mối quan hệ đối tác chiến lược" chỉ có ý nghĩa là một dàn xếp sách lược, thể hiện mong muốn của hai nước hàn gắn và tránh gây đổ vỡ mối quan hệ mà cả hai phía đặt ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Nó không thể tồn tại lâu dài bởi cơ sở sự ra đời của tạm ước này là không chắc chắn.
Chuyến thăm Trung Quốc của Clinton tháng 6/1998 diễn ra trong những hoàn cảnh thuận lợi đặc biệt. Thời gian trước chuyến đi của Clinton, sau khi cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan đưa quan hệ hai nước đến bên bờ của sự đổ vỡ, phía Trung Quốc đã có những bước đi linh hoạt và được phía Mỹ đánh giá cao. Việc Trung Quốc ký hiệp định CTBT tháng 9/1996 đã được phía Mỹ nhìn nhận rất tích cực bởi kiểm soát hạt nhân chiếm ưu tiên cao trong chính sách của chính quyền Clinton(2). Sau khi Mỹ gia hạn quy chế Tối huệ quốc cho Trung Quốc tháng 6.1997, Trung Quốc đã đồng ý tham gia đàm phán 4 bên về Bán đảo Triều Tiên. Vai trò của Trung Quốc trong vấn đề bán đảo Triều Tiên vô cùng quan trọng và Mỹ cần sự hợp tác của Trung Quốc về vấn đề này. Cuộc khủng hoảng ở châu A' cũng làm nổi bật vai trò củaTrung Quốc. Việc Trung Quốc giữ cam kết không phá gía đồng nhân dân tệ là nhân tố quan trọng giúp tránh được vòng khủng hoảng thứ 2 của cuộc khủng hoảng. Vào thời điểm đó, cả hai nước đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của nước kia đối với một loạt các vấn đề ở CA-TBD(3). Hơn nữa, chuyến thăm Mỹ của Giang Trạch Dân tháng 10/1997 đã góp phần cải thiện quan hệ Mỹ-Trung. Việc thu hồi Hông Kông đã được Mỹ đánh giá tích cực. Chính sách một nước hai chế độ đang được vận hành tốt. Báo cáo thường niên của Mỹ công bố ngày 2/4/1998 thừa nhận không có sự can thiệp của chính phủ Trung ương đối với công việc của địa phương(4). Đại hội lần thứ 15 của Đảng Cộng sản Trung Quốc thành công. Chính trị Trung Quốc ổn định, ban lãnh đạo mới của Trung Quốc quyết tâm thúc đẩy công cuộc cải cách mở cửa. Tình trạng nhân quyền của Trung Quốc cũng được Mỹ đánh giá có những cải thiện nhất định. Trong Bản báo cáo nhân quyền các nước 30/1/1998, lần đầu tiên chính phủ Mỹ thừa nhận Trung Quốc đã có những bước đi tích cực về mặt nhân quyền. Nói tóm lại, sự hội tụ của những điều kiện thuận lợi đặc biệt này đã che khuất một cách nhất thời những bất đồng sâu xa hơn giữa hai nước.
Trên thực tế, những bất đồng và mâu thuẫn sâu xa giữa hai nước vẫn còn đó cho dù hai bên có quyết tâm xây dựng quan hệ đối tác chiến lược đến đâu. Và những mâu thuẫn này cũng sớm bộc lộ trong một loạt những diễn biến trong quan hệ Mỹ-Trung kể từ giữa năm 1999 đến nay. Mâu thuẫn căn bản nhất và có tính chi phối nhất đối với quan hệ Mỹ-Trung là mâu thuẫn chiến lược: mâu thuẫn giữa chủ trương bá quyền, xây dựng một trật tự thế giới đơn cực và ngăn chặn không cho một nước hay một nhóm nước nổi lên thách thức vị trí của Mỹ và quyết tâm củaTrung Quốc vươn lên thành một cực trong một trật tự thế giới đa cực. Xét về lâu dài, mâu thuẫn này có tính chất không thể dung hoà. Mâu thuẫn này bộc lộ ở phản ứng của Trung Quốc trước việc Mỹ tấn công I-rắc, hay gần đây nhất là thái độ của Trung Quốc đối với việc Mỹ và NATO tiến hành chiến tranh chống Nam Tư ở Kosovo. Mâu thuẫn này cũng thể hiện rõ nét trong phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc đối với việc Mỹ duy trì và củng cố Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật (Trung Quốc đã từng cho rằng Hiệp ước này góp phần tích cực vào hoà bình và ổn định ở khu vực), sửa đổi phương châm hợp tác phòng thủ Mỹ-Nhật và việc Mỹ-Nhật hợp tác phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa TMD. Trung Quốc theo dõi chặt chẽ và vô cùng lo ngại trước khả năng Đài Loan tham gia vào chương trình phát triển TMD. Tăng cường hiệp ước an ninh song phương với các đồng minh của Mỹ ở châu A', duy trì lực lượng triển khai phía trước của Mỹ bao gồm 100.000 quân ở Nhật Bản và Hàn Quốc, mở rộng NATO về phía Đông nằm trong chiến lược thiết lập vị trí bá chủ thế giới và nhằm ngăn chặn và răn đe những cường quốc có tiềm năng thách thức vị trí của Mỹ. Việc Mỹ và Nhật Bản sửa đổi phương châm hợp tác phòng thủ Mỹ-Nhật, mở rộng phạm vi bao gồm cả "khu vực xung quanh" có thể được coi là nỗ lực của Mỹ "khu vực hoá" các liên minh an ninh song phương(5). Đối với Trung Quốc, chiến lược này của Mỹ là nhằm vào Trung Quốc, nhằm kiểm soát và răn đe hành động của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và xa hơn nữa là ở Biển Đông.
Bên cạnh mâu thuẫn chiến lược về chủ trương xây dựng một hệ thống thế giới đơn cực và đa cực giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nước còn bất đồng trên một loạt các vấn đề trong cả lĩnh vực an ninh, kinh tế và dân chủ, nhân quyền nếu xét từ góc độ ba trụ cột chính sách đối ngoại của Mỹ.
Về an ninh, Trung Quốc là một trong những quan ngại an ninh dài hạn của Mỹ. Tài liệu của Bộ quốc phòng Mỹ dự đoán sau năm 2015, Trung Quốc sẽ trở thành "đối thủ cạnh tranh toàn cầu" của Mỹ (Báo cáo quốc phòng Mỹ 2/98). Là một cường quốc hạt nhân, Trung Quốc có khả năng đe doạ an ninh của nước Mỹ, và trên thực tế đã có lúc Trung Quốc ngầm tỏ ý vũ khí hạt nhân của Trung Quốc nhằm vào Mỹ và có khả năng đe doạ nước Mỹ. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc cung cấp kỹ thuật hạt nhân cho Pakixtan và Iran, những nước bị Mỹ liệt vào hàng ngũ bất hảo và là kẻ thù của Mỹ, cũng gián tiếp đe doạ an ninh của Mỹ. Mỹ cũng cho rằng việc Trung Quốc ủng hộ tinh thần, và cả vật chất cho những nước có quan hệ không hữu hảo với Mỹ như Xu-đăng, Nigiêria là một hình thức đối kháng với Mỹ(6). Việc Trung Quốc tăng cường hiện đại hoá quân sự và các lực lượng hải quân cũng như những hành động của Trung Quốc ở biển Đông không tránh khỏi làm Mỹ lo ngại về tự do hàng hải ở khu vực biển Đông, tuyến đường biển quốc tế duy nhất nối Thái Bình Dương với Â'n Độ Dương.
Về mặt kinh tế, mặc dù quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển mạnh mẽ (Trung Quốc là bạn hàng lớn thứ 4 của Mỹ và Mỹ là bạn hàng lớn thứ hai của Trung Quốc), mối quan hệ này cũng tạo nên một trong những nguồn gốc gây căng thẳng quan hệ song phương. Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đạt tới 58 tỷ năm 1998(7), chỉ đứng thứ hai sau Nhật Bản. Mặc dù ít có khả năng trở thành một cuộc chiến tranh thương mại, nhưng không thể đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của vấn đề cọ xát thương mại. Ngay cả đối với những đồng minh cốt tử của Mỹ là Nhật Bản và Tây Âu, những nước không chỉ là đồng minh mà còn chia sẻ với Mỹ những giá trị cơ bản về dân chủ nhân quyền, không ít hơn một lần những căng thẳng về thương mại giữa những nước này đã có lúc đến bên bờ của một cuộc chiến tranh thương mại. Hơn nữa, ngày nay khi những tính toán về kinh tế ngày càng trở nên quan trọng, những vấn đề mở của thị trường hay sở hữu trí tuệ và thâm hụt thương mại có khả năng tác động đáng kể đến chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.
Trụ cột thứ ba trong chính sách của Mỹ là thúc đẩy dân chủ nhân quyền. Những va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực này là một trong những nét đặc trưng trong quan hệ giữa hai nước này từ nhiều năm nay. Đỉnh cao của sự đụng độ có tính chất hệ tư tưởng này là chính sách cô lập Trung Quốc của Mỹ sau sự kiện Thiên An Môn. Mỹ không che giấu ý đồ và mục tiêu lâu dài của Mỹ chuyển hoá Trung Quốc thành một nước "đi theo mô hình kinh tế thị trường, đa nguyên hoá chính trị và pháp trị". Mặc dù từ năm 1994, Mỹ đã không còn gắn vấn đề dân chủ nhân quyền với việc trao cho Trung Quốc quy chế thương mại bình thường (quy chế tối huệ quốc), Mỹ vẫn theo dõi sát sao hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc và hai năm gần đây, năm 1999 và 2000 ,Mỹ đều bảo trợ nghị quyết lên án những vấn đề nhân quyền của Trung Quốc tại Hội nghị hàng năm của Uỷ ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Những khác biệt có tính chất ý thức hệ này cùng với sự khác biệt về hệ thống chính trị, sẽ tiếp tục là một trong những nguồn gốc gây căng thẳng trong quan hệ hai nước.
Chiều hướng phát triển quan hệ Mỹ-Trung trong thời gian tới.
Căn cứ vào những mâu thuẫn về chiến lược và lợi ích cùng với mức độ những tổn hại gần đây trong quan hệ Mỹ-Trung, có thể dự đoán quan hệ Mỹ-Trung sẽ tiếp tục trong tình trạng căng thẳng ít nhất trong vài năm tới. Có thể thấy 3 lý do chủ yếu:
Thứ nhất, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đã trở thành một trong những tiêu điểm trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2000. Bản báo cáo Cox về việc đánh cắp bí mật hạt nhân đã góp phần đáng kể vào việc này. Chính quyền Clinton cũng phải thừa nhận vấn đề tình báo hạt nhân là một trong những mối đe doạ chủ yếu đối với an ninh của Mỹ trong Bản báo cáo về Chiến lược an ninh quốc gia tháng 12/ 1999. Người ta bắt đầu nghe thấy ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hoà, Bush, lớn tiếng chỉ trích Clinton vì đã quá dung túng Trung Quốc, và chính sách Trung Quốc của chính quyền Clinton đã thất bại thảm hại, tương tự như những lời chỉ trích mà Clinton đã đưa ra trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với bố ông ta 7 năm về trước. Bởi vậy, từ nay cho đến bầu cử, Clinton mặc dù vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách can dự với Trung Quốc, sẽ không dám có hành động gì cải thiện quan hệ với Trung Quốc và sẽ phải cứng rắn hơn đối với Trung Quốc để phần nào xoa dịu những chỉ trích mạnh mẽ trong một Quốc hội do Đảng Cộng hoà chi phối và cũng để bảo vệ cho Gore trước sự chỉ trích của Đảng Cộng hoà đối với chính sách Trung Quốc của chính quyền Clinton. Trong cuộc họp của Uỷ ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc tháng 3/2000, Ngoại trưởng Mỹ M. Albright đã trình bày một bản báo cáo lên án mạnh mẽ hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc và điều này đã ngay lập tức được phản hồi bởi quyết định của Trung Quốc đình chỉ đối thoại nhân quyền giữa Mỹ và Trung Quốc. Tổng thống mới của Mỹ lên cầm quyền, dù là ứng cử viên Đảng Cộng hoà hay Dân chủ thắng cử, nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì chính sách tương đối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc để phần nào giữ những lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình, ít nhất là trong thời gian đầu của nhiệm kỳ tổng thống mới. Clinton đã cứng rắn với Trung Quốc trong suốt nhiệm kỳ thứ nhất. Chỉ đến nhiệm kỳ thứ hai, Clinton mới có những điều chỉnh đáng kể trong chính sách Trung Quốc của mình .
Thứ hai, những rạn nứt mới trong quan hệ Mỹ-Trung và đặc biệt là việc Mỹ tấn công Kosovo thể hiện xu hướng bá quyền của Mỹ, việc ném bom Đại sứ quán Trung Quốc và bản báo cáo Cox tố cáo Trung Quốc ăn cắp công nghệ hạt nhân của Mỹ, và việc Mỹ tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan đã làm cho tình cảm chống Mỹ ở Trung Quốc tăng mạnh. Bởi vậy, nhiều khả năng sự cứng rắn của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc cũng sẽ gặp phải một thái độ đối đẳng.
Thứ ba, Đài Loan, vấn đề gai góc nhất trong quan hệ Mỹ-Trung, trong thời gian tới có khả năng tiếp tục làm cho quan hệ hai nước thêm căng thẳng. Sau khi thu hồi Hồng Kông và Macao, sự nghiệp thống nhất đất nước của Trung Quốc chỉ còn lại vấn đề Đài Loan. Vì vậy, việc thống nhất Đài Loan về Trung Quốc lục địa đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong thế kỷ 21. Mặc dù cuốn Sách trắng về Đài Loan của Trung Quốc vừa qua chủ yếu nhằm tác động vào cuộc bầu cử ở Đài Loan, nó vẫn là một minh chứng rõ ràng về lập trường cứng rắn, không nhượng bộ của Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan. Hệ luỵ trực tiếp của sự đe doạ sử dụng vũ lực của Trung Quốc có thể sẽ dẫn đến việc Mỹ tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan. Và điều này đương nhiên sẽ làm cho Trung Quốc tức giận và có tác động bất lợi đối với quan hệ Mỹ-Trung. Bên cạnh đó, quá trình dân chủ hoá ở Đài Loan và việc Trần Thuỷ Biển thuộc Đảng Dân chủ cấp tiến Đài Loan thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Loan ngày 18/3/2000 không hứa hẹn biển êm sóng lặng ở eo biển Đài Loan. Mặc dù vậy, bài học khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996 khi chỉ còn trong gang tấc hai nước đã đụng độ quân sự chắc hẳn vẫn còn là một bài học đáng ghi nhớ cho các nhà lãnh đạo của hai nước.
Tuy nhiên, mặc dù luôn tồn tại mầm mống khủng hoảng, căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước khó có thể dẫn đến tình trạng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong vòng vài thập kỷ tới. Những mâu thuẫn chiến lược cơ bản và lâu dài sẽ tiếp tục tồn tại trong tưong lai có thể thấy được, nhưng không có khả năng trở thành nguyên nhân trực tiếp gây xung đột. Quan hệ hai nước có khả năng sẽ ở trong một tình trạng không ổn định lâu dài, vừa hợp tác vừa đấu tranh với mặt đấu tranh có xu hướng nổi trội. Khả năng đổ vỡ quan hệ dẫn đến đối đầu sẽ gặp phải những lực cản mạnh mẽ từ cả hai phía.
Lực cản thứ nhất là cả hai nước đều nhận thức được tầm quan trọng của nước kia đối với mình. Hiện đại hoá của Trung Quốc khó có thể bỏ qua nền kinh tế lớn nhất với thị trường rộng lớn như nước Mỹ. Vai trò chủ đạo của Mỹ trong các thiết chế kinh tế tài chính thế giới cũng là một nhân tố quyết định đối với quá trình hội nhập của Trung Quốc vào dòng chảy chính của thế giới. Đối với Mỹ, ngoài những lợi ích thương mại và đầu tư to lớn của giới kinh doanh Mỹ ở Trung Quốc, vai trò của Trung Quốc cũng không thể bỏ qua trong một loạt các vấn đề có tầm quan trọng sống còn đối với nước Mỹ như vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, vấn đề Bán đảo Triều Tiên v.v..
Lực cản thứ hai, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn giữa các nền kinh tế trên thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hoá là một nhân tố thúc đẩy hợp tác giữa các nước, đặc biệt giữa một nước phát triển lớn nhất thế giới và một nước đang phát triển lớn nhất thế giới. Những vấn đề toàn cầu đang đe doạ tương lai của hành tinh mà không một nước nào dù mạnh như Mỹ có thể đơn phương giải quyết, cũng đòi hỏi sự hợp tác của các nước trong đó quan trọng nhất vẫn là các nước lớn. Bên cạnh đó, với sự chuyển đổi của nền kinh tế thế giới sang một giai đoạn mới thay đổi về chất, kỷ nguyên của nền kinh tế trí thức, sự chạy đua về kinh tế càng gấp rút đòi hỏi tất cả các nước phải tập trung tối đa nguồn lực vào phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ. Đây cũng là một nhân tố kiềm chế xu hướng đối kháng trong quan hệ giữa các nước.
Lực cản thứ ba là, Mỹ có lợi ích cơ bản đối với việc duy trì hoà bình thế giới để phát triển và duy trì thế mạnh áp đảo của mình về mọi mặt. Chính vì vậy, Mỹ không thể cho phép mâu thuẫn giữa các nước lớn, đặc biệt là quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở thành xung đột và đối đầu. Hơn nữa, mặc dù hùng mạnh, khả năng của nước Mỹ là có hạn và nước Mỹ xác định trọng tâm chiến lược của mình là khu vực Âu-A' nơi nước Mỹ đã và đang phải đối phó với những thách thức to lớn. Cho dù mặt kiềm chế và răn đe trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ thể hiện rõ hơn, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì chính sách can dự tích cực đối với Trung Quốc để cột chặt nước này vào hệ thống kinh tế thế giới. Đối với Trung Quốc, một trong những nhân tố quan trọng nhất là cho dù đang trỗi dậy, thế và lực của Trung Quốc còn xa mới có thể trở thành địch thủ ngang sức ngang tài với Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng ngay cả đánh giá của Bộ quốc phòng Mỹ đến năm 2015 Trung Quốc có khả năng thách thức Mỹ cũng là một đánh giá tương đối cường điệu đối với Trung Quốc. Trước đây, Mỹ đã từng dự đoán đến năm 2010, Trung Quốc có khả năng trở thành địch thủ ngang sức của Mỹ. Gần đây, Mỹ đã điều chỉnh dự đoán thành 2015. Con đường tiến đến địa vị siêu cường của đất nước 1,3 tỷ dân này hứa hẹn là một con đường tiềm ẩn những thách thức to lớn. Bởi vậy, Trung Quốc sẽ tiếp tục tập trung vào phát triển kinh tế và tiến hành hiện đại hoá đất nước. Điều này có nghĩa Trung Quốc vẫn là cường quốc chủ trương nguyên trạng trong tương lai ngắn đến trung hạn. Trung quốc sẽ tiếp tục chấp nhận một sự chia sẻ quyền lực không cân bằng với Mỹ trong trật tự hiện hành.
Cuối cùng, một nhân tố không kém phần quan trọng khác ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung là quan hệ giữa các nước lớn và tương quan lực lượng giữa các nước này. Trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ không thể không tính đến nhân tố khác như Nga, Tây Âu, Nhật Bản. Sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Nga không thể không gây lo ngại đối với Mỹ. Tây Âu và Nhật Bản cũng có những lợi ích kinh tế, chính trị to lớn trong quan hệ đối với Trung Quốc. Mỹ sẽ vừa phải tính đến các lợi ích của đồng minh đối với Trung Quốc cũng như phải cạnh tranh để không mất lợi thế của mình trong quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Ngược lại, trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc cũng sử dụng quan hệ với Nga, Tây Âu và ASEAN để tăng sức mặc cả. Như vậy, mối quan hệ song phương Mỹ-Trung vận động trong một tương quan lực lượng phức tạp giữa các nước lớn. Trong bối cảnh quan hệ nước lớn đang chuyển động phức tạp và chưa định hình như hiện nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều có lợi ích căn bản trong việc duy trì đối thoại giữa hai nước, tránh gây đổ vỡ trong quan hệ và thúc đẩy sự phân cực trong quan hệ giữa các nước lớn.
Nói tóm lại, quan hệ Mỹ-Trung không chỉ là mối quan hệ quan trọng nhất ở Châu A'-Thái Bình Dương, đây còn là mối quan hệ phức tạp nhất, có tiềm năng gây xung đột nhất bởi những mâu thuẫn cơ bản chi phối mối quan hệ song phương này là tổng hợp các mâu thuẫn về thế giới quan, về chiến lược, về ý thức hệ, thương mại. Nhân tố nội bộ hai nước làm cho mối quan hệ này càng trở nên không thể dự đoán trước. Bên cạnh đó, hai nước chia sẻ những lợi ích to lớn cả về kinh tế và chính trị. Sự tồn tại song song của những lợi ích tương đồng cùng với những mâu thuẫn nhiều mặt tạo nên một tình trạng quan hệ giống như một con thuyền nhiều lúc lao đao vì sóng gió, nhưng những người chèo thuyền vẫn cố gắng chèo chống để giữ cho con thuyền khỏi bị sóng gió lật nhào. Điều này cũng thể hiện rất rõ nét ở chính sách dường như là hai mặt của Mỹ: một mặt chính quyền Mỹ đang nỗ lực vận động Quốc hội Mỹ phê chuẩn quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn đối với Trung Quốc; mặt khác chính quyền Clinton lên án mạnh mẽ Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Trên thực tế, bản thân chính sách can dự của Mỹ đối với Trung Quốc hàm chứa hai mặt: hợp tác và phòng bị; dính líu và kiềm chế. Khi khẳng định quyết tâm duy trì chính sách can dự đối với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng đã từng tuyên bố Mỹ vẫn chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất khi những nỗ lực lôi kéo Trung Quốc của Mỹ không mang lại kết quả mong đợi. Tuy nhiên, cho dù những song trùng lợi ích to lớn giữa hai nước và những bài học của quá khứ có thể là những lực cản quyết định đối với khả năng đổ vỡ quan hệ và hai nước đi đến đối đầu trong tương lai ngắn đến trung hạn, người ta vẫn có thể khẳng định ít nhất một điều là thời kỳ trăng mật thứ ba giữa Mỹ và Trung Quốc chắc sẽ không sớm xảy ra./.
Tài liệu trích dẫn:
1. Time., 7/6/1999, tr.24.
2. East Asian Strategic Review, 1997-1998, tr. 105.
3. Robert A. Scalapino. "The Unites Stats and Asia in 1998", Asian Survey, V. 39, n*1, 1999, p. 2.
4. Tn Tham khảo Chủ nhật, 14/6/1998, tr. 2.
5. " Ba nhân tố quyết định an ninh Đông A'". Tài liệu Tham khảo, 2/2000, tr. 21.
6. "Quan hệ Trung - Mỹ: nhìn từ hai phía", Tài liệu tham khảo, TTXVN, 1997.
7. "Thách thức đối với chính sach châu A' của Mỹ", điều trần của Stanley Roth, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông A'-TBD, 10/2/1999.
8. Phát biểu về chính sách đối ngoại của Tổng thống Bill Clinton tại Viện Hoà bình Mỹ. 7/4/1999.,tr. 3./.