Cuộc họp lần thứ nhất của Nhóm Nghiên cứu về An ninh nguồn nước - Hội đồng Hợp tác An ninh Châu Á – Thái Bình Dương (CSCAP)

03:48 01/04/2011

Trong hai ngày 22-23/3/2011 tại Hà Nội, Hội đồng Hợp tác An ninh Châu Á – Thái Bình Dương (CSCAP) đã tổ chức Cuộc họp lần thứ nhất của Nhóm Nghiên cứu CSCAP về An ninh nguồn nước theo sáng kiến của Học viện Ngoại giao với vai trò là thành viên của Việt Nam trong CSCAP.Cuộc họp đã quy tụ nhiều học giả, chuyên gia về nguồn nước và an ninh trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương,tập trung đánh giá thực trạng sử dụng và quản lý các nguồn nước hiện nay ở khu vực; các tác động an ninh khác nhau của việc sử dụng và quản lý tài nguyên nước của các nước liên quan; xem xét cơ sở luật pháp quốc tế và việc xây dựng các thể chế quốc tế liên quan đến việc quản lý và sử dụng nguồn nước.

01

Ảnh 1: Toàn cảnh cuộc họp diễn ra tại KS Melia - Hà Nội.

Đánh giá thực trạng nguồn nước trong khu vực hiện nay, các chuyên gia nhất trí nhận định khan hiếm nước đang ngày càng trở nên gay gắt, song chất lượng nguồn nước giảm sút nhanh chóng và thay đổi chế độ dòng chảy sẽ còn là các thách thức lớn hơn. Học giả Maria Larsson (Thụy Điển) cho rằng tuy hiện nay mức nước trung bình đầu người của các nước trong khu vực chưa tới mức báo động, song với cách thức sử dụng và quản lý nguồn nước hiện nay, 10 năm nữa khu vực này sẽ trở nên thiếu nước, nhất là vùng hạ lưu sông Mê-kông. Nhiều học giả cảnh báo, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh, việc sử dụng ngày càng nhiều phân hóa học trong nông nghiệp, xả nước thải đô thị chưa qua xử lý vào các dòng sông đang khiến các nguồn nước bề mặt và nước ngầm trở nên ngày càng ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc xây dựng 8 con đập ở vùng thượng nguồn sông Mê-kông (Trung Quốc), và 12 con đập ở hạ nguồn sẽ thay đổi nghiêm trọng dòng chảy của sông, giảm trên 50% lượng phù sa chảy xuống hạ nguồn, hủy diệt sự đa dạng sinh thái vùng lưu vực sông Mê-kông và nhiều hệ lụy chưa thể lường hết ở vùng cửa sông (do chưa có các nghiên cứu khoa học về vấn đề này). Học giả Mark Brindon (Úc) cảnh báo việc tích trữ nhiều nước phục vụ các con đập ở thượng nguồn làm tăng nguy cơ vỡ đập dây chuyền trong trường hợp có sự cố (động đất), thảm họa đối với hạ nguồn sẽ lớn hơn nhiều sóng thần ở Nhật Bản vừa qua.

Về tác động an ninh của vấn đề nguồn nước, đa số các học giả cho rằng có rất nhiều vấn đề cần xem xét. Học giả Tarek Ketensen (Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường) cho rằng việc xây đập dọc sông Mê-kông sẽ có tác động đa chiều đến lợi ích và an ninh chiến lược của các nước trong khu vực, như tạo ra nguồn lợi thủy điện (tạo ra sản lượng điện khá lớn, nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu gia tăng trong giai đoạn 2015-2025, không đáng kể so với nhu cầu năng lượng của các nước liên quan); các lợi ích kinh tế (có thể tạo ra tổng doanh thu 3-4 tỷ USD/năm; và tổng đầu tư 25 tỷ USD cho một số nước); gây tổn hại môi trường (đa dạng sinh thái bị phân khúc và hủy hoại); tác động tới an ninh lương thực (sẽ mất 3000-4000 tấn cá/năm; tác động trực tiếp tới 60 triệu dân sống dọc sông và 300 triệu người sử dụng lúa gạo); ngoài ra không gian văn hóa của các dân tộc sống dọc theo sông có thể bị tổn hại nghiêm trọng do thay đổi môi trường sống. Ông kết luận các con đập sẽ thay đổi vĩnh viễn không gian kinh tế, văn hóa xã hội ở hạ lưu sông Mê-kông, và có thể gây ra xung đột lợi ích nghiêm trọng giữa các nước trong khu vực.

02

Ảnh 2: Các đại biểu tham dự cuộc họp đến từ nhiều nước trên thế giới.

Về môi trường thể chế và hợp tác hiện nay của vấn đề nguồn nước, nhiều học giả cho rằng vẫn chưa đủ để bảo đảm an ninh nguồn nước trong khu vực. Các học giả nhấn mạnh minh bạch thông tin về việc sử dụng nguồn nước, chia sẻ dữ liệu dòng chảy trên sông là những việc các nước dọc sông cần làm ngay. Nhiều học giả kêu gọi Trung Quốc và Mi-an-ma sớm tham gia Ủy ban sông Mê-kông với tư cách thành viên đầy đủ để việc hợp tác được hiệu quả hơn. Học giả Trung Quốc cho rằng vừa qua luật pháp Trung Quốc đã cho phép minh bạch hơn về dữ liệu dòng chảy, và Trung Quốc đã hợp tác tốt hơn với các nước hạ nguồn, thời gian tới sẽ tiếp tục tìm kiếm biện pháp tăng cường hợp tác với các nước hạ nguồn. Các đại biểu cho rằng cần có cách tiếp cận tổng thể, cân bằng để đánh giá các lợi ích và tổn hại có thể có của các dự án sử dụng nguồn nước dọc sông. George Radosevich, tác giả Hiệp định sông Mê-kông năm 1995, nhấn mạnh các nguyên tắc của luật pháp quốc tế trong việc sử dụng nguồn nước là bảo đảm bình đẳng giữa các quốc gia dọc sông; bảo đảm giao thông thông suốt, chia sẻ công bằng tài nguyên trên sông và không gây phương hại cho các nước hạ nguồn. Ông cho rằng cần có các chuyên gia theo dõi sát sao tình hình sử dụng nguồn nước sông Mê-công để có các cảnh báo sớm về các nguy cơ có thể xảy ra.

03

Ảnh 3: Đại biểu Việt Nam tham dự và đóng góp ý kiến tại cuộc họp.

Học giả Thái Lan cho rằng cần tăng cường vai trò của ASEAN trong việc tăng cường các biện pháp hợp tác bảo vệ nguồn nước, nhất là trong quá trình xây dựng Cộng đồng hướng tới người dân; cần đưa vấn đề bảo vệ sông Mê-kông vào chương trình nghị sự của ASEAN. Giáo sư Mikiyasu Nakayama (Nhật) cho rằng cần đưa vấn đề an ninh nguồn nước vào thảo luận ở Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Đại biểu Lê Hữu Tí thuộc Ủy ban kinh tế xã hội Châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP) của Liên Hợp Quốc cho rằng cần nâng cao vai trò của ASEAN, trước mắt ASEAN nên đóng vai trò chủ chốt tại Hội nghị Thượng đỉnh về Nước ở Châu Á – Thái Bình Dương sẽ tổ chức tại Băng-cốc trong năm 2012. Các đại biểu cũng chia sẻ nhiều ý tưởng hợp tác, như hợp tác tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn nước; xử lý nước thải; hợp tác bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng như phát triển các giống lúa cần ít nước, lúa trồng vùng ngập mặn… Một số học giả Mỹ, Úc chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn về việc chia sẻ tài nguyên nước ở các khu vực khác, cho rằng có nhiều bài học có thể áp dụng ở khu vực sông Mê-kông.

Cuộc họp lần thứ hai của Nhóm nghiên cứu sẽ được tổ chức tại Cam-pu-chia nửa cuối năm 2011, và sẽ tập trung bàn các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực nhằm bảo vệ tốt hơn nguồn tài nguyên nước.

(Theo thông cáo báo chí của Viện NCCLNG)

Cùng chuyên mục