Hội thảo “R2P: Vai trò của Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực”
Ngày 06/4/2012, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao, phối hợp với Trung tâm Châu Á - Thái Bình Dương về Trách nhiệm Bảo vệ (APCR2P), Đại học Queensland, Australia, đồng tổ chức Hội thảo về Trách nhiệm Bảo vệ (R2P) với chủ đề “R2P: Vai trò của Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực”. Hội thảo nhằm (i) giới thiệu, làm quen với khái niệm R2P và các vấn đề liên quan tới R2P trong bối cảnh quốc tế hiện nay; (ii) xác định vai trò của Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực trong việc xây dựng và thực hiện khái niệm R2P; và (iii) tìm hiểu quan điểm của các nước về khái niệm R2P.
Tham dự Hội thảo ngoài các đại biểu của Đại học Queensland, có các học giả đến từ các cơ quan nghiên cứu có liên quan của Việt Nam như: Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Chiến lược Quân sự - Bộ Quốc phòng, Viện Kinh tế - Chính trị Thế giới, Đại học Luật Hà Nội, một số cơ quan chuyên trách của Liên Hợp Quốc tại Hà Nội, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, cán bộ Viện Nghiên cứu Chiến lược và giảng viên khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao…
Qua 3 phiên, 7 tham luận và nhiều lượt đóng góp ý kiến, Hội thảo tập trung thảo luận: (i) Giới thiệu về Trách nhiệm bảo vệ, sự ra đời và phát triển của khái niệm này; (ii) Vai trò của Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực trong việc phổ biến và triển khai R2P; (iii) Khả năng áp dụng R2P trong tương lai. Giám đốc điều hành Trung tâm APCR2P, Tiến sỹ Noel Morada, đã phát biểu khai mạc và có bài trình bày về “Sự phát triển và vận động của R2P; xây dựng cơ chế cảnh báo R2P trong khu vực”.
Thông qua Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất khái niệm Trách nhiệm Bảo vệ có những điểm tiến bộ: xác định việc bảo vệ người dân không chỉ là trách nhiệm của quốc gia mà còn là trách nhiệm của cộng đồng quốc tế khi quốc gia thể hiện rõ sự bất lực của mình, tạo ra cơ chế cảnh báo sớm, ngăn chặn trước khi tội ác xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay, khái niệm R2P mới được chính thức nhắc tới trong một số Nghị quyết gần đây của Hội đồng Bảo an, chưa trở thành quy phạm chính thức (vì chưa phải là điều ước quốc tế, chưa được phổ biến để trở thành tập quán hay nguyên tắc của luật quốc tế). Bên cạnh đó, để trở thành quy phạm pháp luật quốc tế, khái niệm R2P còn phải được làm rõ hơn nhiều yếu tố nội hàm như: phạm vi áp dụng, chủ thể có quyền quyết định biện pháp can thiệp, mức độ can thiệp, trách nhiệm của chủ thể ra quyết định can thiệp, biện pháp để đảm bảo tính khách quan của quyết định can thiệp, tránh bị lợi dụng…
Hội thảo diễn ra trong không khí trao đổi thẳng thắn, cởi mở với nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng, có giá trị tham khảo. Nhân dịp này, Tiến sỹ Noel Morada đã có buổi giảng bài cho sinh viên năm thứ 3, khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao về vấn đề Trách nhiệm Bảo vệ vào sáng ngày 09/4/2012.