Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Chiến lược

14:51 30/10/2020

Kỷ yếu kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao

 

Ý tưởng xây dựng Viện Nghiên cứu Chiến lược được nhắc tới từ những năm 2003 – 2004 khi lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhận thức rõ nhu cầu cần phát triển nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu chuyên sâu trong Bộ. Tuy nhiên, ý tưởng đó đến năm 2008 mới được thực hiện khi Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm kiêm nhiệm vị trí Bộ trưởng Ngoại giao.

Trên cơ sở cân nhắc nhu cầu và nguồn lực cũng như nghiên cứu kinh nghiệm của các trường đại học và các viện nghiên cứu lớn trên thế giới và trong khu vực, Lãnh đạo Bộ quyết định thành lập Viện NCCL Ngoại giao trực thuộc Học viện Ngoại giao nhằm nâng cấp vị thế của Viện, đảm bảo Viện vừa được củng cố khả năng nghiên cứu, gắn chặt với các hoạt động của Bộ, vừa đóng góp vào công tác giảng dạy và truyền bá kiến thức. Viện được phân chia thành các trung tâm theo lĩnh vực nghiên cứu hơn là khu vực địa lý. Theo đó, Viện Nghiên cứu Chiến lược thành lập trên cơ sở hợp nhất các ban nghiên cứu sẵn có của Học viện quan hệ quốc tế (gồm Ban nghiên cứu Đông Bắc Á, Ban Nghiên cứu Đông Nam Á và Ban nghiên cứu Âu - Mỹ) để thành lập 4 trung tâm là trung tâm chính trị - an ninh, trung tâm khu vực và chính sách đối ngoại, trung tâm hội nhập phát triển và trung tâm nghiên cứu Biển Đông.

Trong suốt 10 năm qua, Viện NCCL liên tục phát triển, liên tục tự thay đổi và đổi mới, vượt qua các khó khăn để ngày càng phát triển và phục vụ tốt các yêu cầu về đối ngoại của Bộ Ngoại giao.

Thứ nhất, Viện NCCL đã khắc phục nhiều khó khăn ban đầu khi mới thành lập, đặc biệt là về nguồn nhân lực. Anh Đặng Đình Quý được lãnh đạo Bộ cử làm Viện trưởng đầu tiên của Viện NCCL. Tuy nhiên, chỉ với lực lượng cán bộ từ các ban nghiên cứu của Học viện quan hệ quốc tế cũ, Viện sẽ rất khó khăn để đáp ứng được các nhiệm vụ đặt ra, đặc biệt là việc nghiên cứu bám sát các công tác và nhiệm vụ đối ngoại của Bộ. Trước tình hình đó, anh Quý đã vận động các cán bộ từ các đơn vị chuyên môn khác nhau của Bộ chuyển về làm việc tại Viện như Vụ Tổng hợp kinh tế, Vụ ASEAN, vụ châu Âu. Cho đến nay, đội ngũ cán bộ của Viện NCCL ngày càng phát tiển cả về số lượng và chất lượng với đội ngũ cán bộ có trình độ (15 tiến sĩ và 14 thạc sĩ hiện đang làm việc trong nước) và ngày càng chuyên sâu về các lĩnh vực của công tác đối ngoại. Có thể nói, đến nay Viện đã có các chuyên gia có uy tín về Mỹ, Trung Quốc, Campuchia, về quan hệ giữa các nước lớn, chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Thứ hai, dù là một Viện nghiên cứu mới, Viện NCCL được thừa hưởng từ Học viện quan hệ quốc tế cũ và đã thiết lập được một mạng lưới hợp tác với các cơ quan chính phủ, các viện nghiên cứu lớn, có uy tín cả trong và ngoài nước. Viện Nghiên cứu Chiến lược là đầu mối giúp việc Lãnh đạo Học viện trong việc điều phối việc tham gia của Việt Nam vào các mạng lưới, hoạt động ngoại giao kênh 2, kênh 1.5 chủ yếu của khu vực và quốc tế. Các cơ chế như Hội đồng hợp tác an ninh châu Á – Thái Bình Dương (CSCAP), mạng lưới các Viện nghiên cứu chiến lược ASEAN (ASEAN-ISIS), mạng lưới các viện nghiên cứu chiến lược ASEAN – Trung Quốc (NACT), mạng lưới các viện nghiên cứu Đông Á (NEAT)…; các đối thoại song phương thường niên với các viện nghiên cứu lớn, trung tâm tư vấn chính sách quan trọng tại các nước lớn, các nước láng giềng của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, Lào, Campuchia, Nhật Bản là các diễn đàn quan trọng để ta bảo vệ lợi ích của Việt Nam thông qua kênh học giả, đặc biệt là đấu tranh với các luận điểm sai trái trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo, là kênh thử các sáng kiến, ý tưởng mới về đối ngoại. Ngay tại Hà Nội, Viện NCCL duy trì việc trao đổi, tiếp xúc thường xuyên với đại sứ quán các nước như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore.

Thứ ba, Viện NCCL đã tham gia vào hầu hết các đề án, công tác hoạch định chính sách lớn của Bộ Ngoại giao cũng như đóng góp vào công tác tư vấn cho Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cụ thể như việc xây dựng Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế; Nghị quyết 06/NQ-TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định

chính trị - xã hội; tham gia đóng góp vào xây dựng Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về nâng tầm công tác đối ngoại đa phương,… Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Chiến lược cũng tham gia vào các công tác chuẩn bị nội dung của các sự kiện đối ngoại lớn, trọng điểm của Đảng, Nhà nước như Năm Chủ tịch ASEAN 2010, Năm chủ tịch APEC 2017,… Gần đây, để bám sát các hoạt động đối ngoại, Viện NCCL đã thành lập các trung tâm nghiên cứu với cơ chế mềm như Trung tâm nghiên cứu APEC, trung tâm nghiên cứu toàn cầu về Mê Công.

Thứ tư, hàng năm, Viện NCCL thực hiện hàng chục đề tài, chuyên đề nghiên cứu, các báo cáo về tình hình quan hệ quốc tế, công tác đối ngoại. Viện NCCL đã và đang là đầu mối giúp việc Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Học viện chủ trì thực hiện 3 đề tài nghiên cứu trọng điểm cấp nhà nước. Bản thân Viện đã thực hiện 41 đề tài nghiên cứu cấp bộ, 28 đầu sách, xuất bản hàng chục bài báo và chương sách quốc tế. Đây là các nguồn thông tin tham khảo có giá trị không chỉ cho công tác hoạch định chính sách đối ngoại của Bộ Ngoại giao mà còn góp phần vào công tác thông tin – tuyên truyền đối ngoại.