Mô phỏng Hội nghị Cấp cao ASEM: Trải nghiệm thực tế với cán bộ trẻ và sinh viên Ngoại giao về hoạt động đối ngoại đa phương

15:00 09/09/2021

Sáng ngày 30/3, tại Hà Nội, Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương và Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) phối hợp tổ chức Chương trình Đối thoại sinh viên theo hình thức mô phỏng Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM).

Bà Nguyễn Minh Hằng, Trưởng SOM ASEM Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương Bộ Ngoại giao và Tiến sỹ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao tham dự và phát biểu tại hội nghị mô phỏng Hội nghị Cấp cao ASEM.

Đối thoại nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm Ngày ASEM (01/3), nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Diễn đàn (1996-2021) với sự tham gia của gần 160 đại diện sinh viên Học viện Ngoại giao và các thí sinh vừa trúng tuyển Kỳ thi tuyển dụng công chức của Bộ Ngoại giao.

Hội nghị mô phỏng được tổ chức theo hình thức, cách thức và nội dung thảo luận của một Hội nghị Cấp cao ASEM với sự tham dự của 53 Lãnh đạo Cấp cao của các thành viên ASEM.

Tại Hội nghị mô phỏng, với chủ đề “Tăng cường kết nối Á-Âu”, các cán bộ trẻ và sinh viên Ngoại giao, trong vai trò các Nguyên thủ quốc gia, Lãnh đạo Cấp cao đại diện cho các nước thành viên ASEM đã chia sẻ đánh giá về triển vọng kết nối giữa hai khu vực Á-Âu trong thời đại số và đưa ra các đề xuất nhằm đẩy mạnh hơn nữa kết nối giữa hai châu lục trong bối cảnh Covid-19.

Trong phần trình bày của mình, các sinh viên đã thể hiện sự tâm huyết, cách tiếp cận và tư duy sáng tạo trong nhìn nhận, đánh giá và định hướng giải quyết đối với một vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu. Các bạn trẻ cũng thể hiện sự tự tin, bản lĩnh và khả năng tiếng Anh qua các phần trao đổi và thảo luận tại Hội nghị mô phỏng.

Tại Đối thoại, bên cạnh Hội nghị mô phỏng còn diễn ra Phiên giới thiệu và trao đổi về công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam với mục đích để các bạn trẻ có cái nhìn tổng thể về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thực tiễn triển khai đối ngoại đa phương hiện nay của đất nước. Phiên trao đổi đã diễn ra rất sôi nổi với nhiều câu hỏi được đặt ra và giải đáp.

Chia sẻ tại Đối thoại, Tiến sỹ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao đánh giá cao ý nghĩa của hoạt động giúp các sinh viên có thêm những trải nghiệm thực tiễn trong tham gia các hoạt động đối ngoại. Bà cũng khẳng định trong giai đoạn phát triển mới, Học viện Ngoại giao sẽ tiếp tục đổi mới sáng tạo, thúc đẩy những phương thức giảng dạy mới mang tính thực tiễn cao để đào tạo những sinh viên đáp ứng được các yêu cầu việc làm trong thời đại số.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Trưởng SOM ASEM Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, là một trong những nền tảng quan trọng của hợp tác quốc tế, hợp tác đa phương đã góp phần thúc đẩy xu thế đối thoại và hợp tác, duy trì hòa bình, an ninh thế giới, thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Hơn bao giờ hết, chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ được các nước coi trọng và đề cao.

Các cán bộ trẻ trao đổi tại hội nghị mô phỏng.

Đối với Việt Nam, đối ngoại đa phương là một trong những ưu tiên triển khai đối ngoại mở cửa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế. Đối ngoại đa phương Việt Nam không ngừng được phát triển và đang có sự chuyển mình từ “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”. Chủ trương đó đã được khẳng định và phản ánh qua sự tham gia, đóng góp của Việt Nam với vai trò là thành viên sáng lập trong 2 thập kỷ rưỡi vừa qua tại ASEM.

Không chỉ là dịp để nâng cao hiểu biết về Diễn đàn ASEM nói riêng và trau dồi thêm kiến thức về đối ngoại đa phương nói chung, Đối thoại lần này còn là cơ hội giúp thanh niên Ngoại giao có được cảm nhận và trải nghiệm chân thực về nhiệm vụ của cán bộ làm công tác đa phương; dù nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi bản lĩnh, nhạy bén, linh hoạt nhưng cũng rất thú vị.

Hội nghị mô phỏng cũng là hình thức giảng dạy sinh động giúp sinh viên Ngoại giao có cách tiếp cận và tư duy sáng tạo, đa chiều trong giải quyết các vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu; quan trọng hơn, góp phần hình thành và phát triển nhận thức về trách nhiệm, đóng góp đối với cộng đồng, với khu vực và thế giới của thế hệ “thanh niên kỷ nguyên số” và “công dân toàn cầu Việt Nam”.

Việc tham gia với tư cách thành viên sáng lập ASEM năm 1996 đánh dấu bước triển khai quan trọng chủ trương đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của Việt Nam. Trong 25 năm qua, Việt Nam đã đóng góp hết sức mình, năng động, trách nhiệm, góp phần tạo dựng những dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của ASEM, nâng cao vai trò, vị thế của diễn đàn.

Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất trong khởi xướng, đề xuất và thúc đẩy nhiều ý tưởng, nội dung hợp tác mới, trực tiếp triển khai và đồng bảo trợ gần 60 sáng kiến trên các lĩnh vực. Thông qua các sáng kiến hợp tác, Việt Nam đã cùng các thành viên ASEM đề cao lợi ích của hòa bình, an ninh và ổn định, giải quyết những vấn đề cấp bách, thúc đẩy quan tâm chung. Chúng ta đã thúc đẩy nhận thức chung và sự ủng hộ của các thành viên ASEM đối với nỗ lực của ASEAN và Việt Nam về duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và giải quyết tranh chấp tại khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế. Có thể nói, tham gia đóng góp thúc đẩy hợp tác ASEM không chỉ giúp nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần thúc đẩy các lợi ích về an ninh và phát triển của đất nước.

Trên nền tảng hợp tác ASEM, quan hệ song phương giữa Việt Nam và các thành viên ASEM ngày càng được đẩy mạnh và nâng tầm. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) có hiệu lực từ tháng 10-2016 và FTA Việt Nam-EU có hiệu lực từ tháng 8-2020 đánh dấu những mốc phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác châu Âu, đồng thời là minh chứng sinh động khẳng định quyết tâm của các nước Á-Âu trong đẩy mạnh kết nối, liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.

Cùng chuyên mục