• Khoa lý luận chính trị
< >

Sinh viên DAV say mê học tập tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh

17:54 10/11/2023

Buổi nói chuyện chuyên đề Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh do Đại sứ, GS.TS. Vũ Dương Huân, Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao chia sẻ đã thu hút 140 sinh viên và các giảng viên khoa LLCT tham dự.

Chiều 1/11, tại Hội trường A, Học viện Ngoại giao, Khoa Lý luận Chính trị đã tổ chức buổi nói chuyện đề Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và những bài học kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình học Tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên Học viên, góp phần giáo dục truyền thống và nâng cao ý thức, bản lĩnh chính trị cho sinh viên.

Theo Đại sứ, GS.TS. Vũ Dương Huân: “Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người sáng lập ra ngành Ngoại giao Việt Nam. Trong gần 60 năm hoạt động cách mạng, Bác để lại tư tưởng, phương pháp, phong cách nghệ thuật ngoại giao mà thế hệ ngày nay cần luôn luôn học hỏi và áp dụng vào thực tiễn”. Có thể nhìn nhận ở các điểm nổi bật sau:

Tư tưởng Ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết. Đặc biệt, “dĩ bất biến ứng vạn biến” là phương pháp tiếp cận linh hoạt sâu sắc và mềm dẻo,  lúc nào chúng ta cũng vận dụng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở rằng, muốn làm ngoại giao thì phải có thực lực - thực lực chính là sức mạnh tổng hợp quốc gia ở trong nước - đồng thời, phải coi trọng các nước láng giềng, phải phối hợp quân sự, chính trị, ngoại giao. Nghệ thuật ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho đường lối đối ngoại, chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngoại giao Hồ Chí Minh đề cao việc kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại. Thế giới mà chúng ta đang sống tuy đầy mâu thuẫn nhưng là một thể thống nhất. Các dân tộc sống trên thế giới này tuy có bản sắc riêng, lớn nhỏ giàu nghèo, chế độ chính trị và trình độ phát triển khác nhau nhưng đều là một bộ phận của tổng thể đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã tiến hành những biện pháp đối nội mà bao hàm  cả tác dụng về đối ngoại. “Ví dụ: Khi về Hà Nội, Bác đổi Ủy ban giải phóng thành Chính phủ và mở rộng thành phần Chính phủ cho các lực lượng khác tham gia. Điều này giá trị ở chỗ khẳng định Chính phủ đại diện cho rộng rãi nhân dân Việt Nam…” – GS.TS Vũ Dương Huân nói.

Vấn đề độc lập tự chủ và đoàn kết, hợp tác quốc tế: Độc lập tự chủ là “tự điều hành đất nước, không có sự can thiệp của nước ngoài”, tức là dựa vào sức mình là chính. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Muốn người ta giúp cho, thì trước hết mình phải tự cứu lấy mình”. Độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường nghĩa là nội lực là quyết định, song ngoại lực rất quan trọng, góp phần làm tăng khả năng tự lực tự cường của đất nước.

Hiểu rõ các yếu tố trên, chúng ta cũng cần coi trọng và xử lý đúng đắn quan hệ với các nước lớn, xây dựng, giữ gìn quan hệ hữu nghị và lâu dài, bền vững với các nước láng giềng. Trong lịch sử thế giới cận đại và hiện đại, chính sách các nước lớn, quan hệ giữa các nước lớn với nhau thường mang tính quyết định cục diện và tiến trình quan hệ quốc tế. Sau Chiến tranh Lạnh, quan hệ quốc tế có chiều hướng dân chủ hóa hơn và tiếng nói của nước vừa và nhỏ có trọng lượng lớn hơn, những nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật, Tây Âu, Ấn Độ vẫn có vai trò rất lớn trong các vấn đề quốc tế.

Kết luận, GS.TS Vũ Dương Huân, Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng lý luận cũng như nền tảng thực tiễn để chúng ta thực hiện đường lối chính sách đối ngoại hiện nay. Một cái khó hiện nay chính là cân bằng lợi ích, cân bằng quan hệ đặc biệt với các nước lớn. Và Bác Hồ đã để lại một bài học kinh nghiệm để chúng ta vận dụng trong bối cảnh hiện nay. Ví dụ Bác nói phải coi trọng quan hệ với nước lớn, đừng để mình bị kẹp giữa các nước lớn và phải hiểu chiến lược của họ cũng như vị trí của Việt Nam trong chiến lược của họ. Chúng ta thực hiện chính sách ngoại giao hiện nay chính là tư tưởng của Bác Hồ, nghĩa là trung lập trên cơ sở lợi ích quốc gia dân tộc. Tất nhiên cân bằng không phải là dễ, vì thế Đảng và Nhà nước phải rất khéo, tài, hiểu biết về đối tác mới có thể làm được”.

Qua buổi chuyện chuyên đề, các bạn sinh viên đã nêu nhiều ý kiến sôi nổi xung quanh cuộc đời, hoạt động và triết lý ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những bài học dành cho ngoại giao Việt Nam hiện nay;… Qua đó, sinh viên đã học hỏi được được những kiến thức bổ ích.

Một số hình ảnh của hoạt động nói chuyện chuyên đề:

Đại sứ, GS.TS Vũ Dương Huân tại buổi nói chuyện chuyên đề.
Các giảng viên và sinh viên có mặt từ rất sớm để tham dự buổi nói chuyện

 

Các thầy cô khoa Lý luận chính trị tặng hoa cảm ơn Đại sứ, GS.TS Vũ Dương Huân
Và cùng chụp ảnh chung để kỷ niệm

Cùng chuyên mục