• Khoa lý luận chính trị
< >

Sinh viên DAV tìm hiểu về một số vấn đề dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

11:22 14/11/2023

Tọa đàm chuyên đề “Một số vấn đề dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam hiện nay” do PGS. TS. Nguyễn Thanh Xuân - Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ chia sẻ, thu hút 600 sinh viên và các giảng viên khoa Lý luận chính trị của Học viện Ngoại giao tham dự.

Sáng ngày 02/11/2023 tại Hội trường A, khoa Lý luận chính trị - Học viện Ngoại giao tổ chức chương trình tọa đàm chuyên đề với nội dung “Một số vấn đề dân tộc và tôn giáo Việt Nam hiện nay” và những bài học kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình Học phần Chủ nghĩa xã hội khoa học dành cho sinh viên Học viện, góp phần giáo dục giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và nâng cao ý thức, bản lĩnh chính trị cho sinh viên.

Mở đầu tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân đã giới thiệu chung về hai vấn đề dân tộc và tôn giáo trên thế giới và ở Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân khẳng định, dân tộc và tôn giáo là một trong những nội dung cơ bản, có ý nghĩa chiến lược trong cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Ở Việt Nam vấn đề dân tộc và tôn giáo đang là tiêu điểm mà chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền chống phá cách mạng. Do vậy giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc và tôn giáo vừa mang ý nghĩa lâu dài, vừa mang tính thời sự cấp bách, đòi hỏi chúng ta phải giải quyết đúng đắn, thận trọng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

PGS. TS Nguyễn Thanh Xuân tại buổi toạ đàm

Nhận xét về bối cảnh này, PGS. TS Nguyễn Thanh Xuân cho rằng: “Cần đổi mới nhận thức và ứng xử đối với hai vấn đề tôn giáo và dân tộc thông qua việc áp dụng các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo và dân tộc, đồng thời bổ sung và phát triển những vấn đề mà thực tiễn đã vượt qua”. Đi vào phân tích, PGS.TS. Nguyễn Thanh Xuân đã chia thành hai vấn đề cụ thể như sau:

Khi đề cập đến vấn đề dân tộc ở Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thanh Xuân khẳng định Việt Nam có một vị trí đặc biệt, là cửa ngõ của khu vực bán đảo Đông Dương, là nơi hội tụ nhiều nền văn hóa lớn. Việt Nam là một quốc gia có nhiều dân tộc, bao gồm 54 dân tộc. Mỗi dân tộc có những đặc điểm, giá trị bản sắc văn hóa đặc sắc riêng tạo nên sự đa dạng, phong phú cho văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, các dân tộc sinh sống ở Việt Nam cũng đồng thời tạo nên sự thống nhất lớn trong văn hóa Việt Nam: cùng chung vận mệnh, cùng chung các truyền thống, sự sáng tạo và đồng hành cùng nhau trong quá trình dựng nước và giữ nước. Vì vậy, tính thống nhất trong đa dạng là đặc điểm nổi bật của vấn đề dân tộc ở Việt Nam. Nhờ sự nghiên cứu lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và các yếu tố xã hội liên quan, PGS.TS. Nguyễn Thanh Xuân đã thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến sự đa dạng và thách thức mà dân tộc đối mặt. Trong tư duy của ông, bảo tồn và phát triển cộng đồng dân tộc không chỉ dựa trên việc hiểu biết về quá khứ, mà còn cần tạo điều kiện cho mỗi dân tộc  phát triển với những giá trị riêng.

Về vấn đề tôn giáo, PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân đã đưa ra những đặc điểm có tính khái quát nhất về tình hình, đặc điểm tôn giáo ở Việt Nam. Thầy không chỉ nghiên cứu về tín ngưỡng và giá trị trong từng tôn giáo, mà còn quan tâm đến vai trò của tôn giáo trong cuộc sống hàng ngày và phát triển kinh tế văn hóa của quốc gia. Bên cạnh những tôn giáo hoạt động theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, vẫn còn một số Hiện tượng tôn giáo mới mà dấu hiệu cơ bản đó là tính “lành ít dữ nhiều”, phức tạp của chúng.  Đây cũng là nội dung mà sinh viên của DAV rất quan tâm, có nhiều thắc mắc, nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh các Hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam hiện nay; những câu hỏi về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước với những hiện tượng đó như thế nào, thái độ của sinh viên ra sao?,... Với với kinh nghiệm thực tiễn quản lý tôn giáo ở Việt Nam cũng như bằng những nghiên cứu của mình, thầy đã trả lời rõ ràng về những tích cực và hạn chế của tôn giáo nói chung và của các Hiện tượng tôn giáo mới nói riêng, những nguy cơ có thể gặp phải. PGS.TS.Nguyễn Thanh Xuân nhấn mạnh lại Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam về  tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Kết luận tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân đã khẳng định công tác dân tộc và tôn giáo là vấn đề chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức thực tiễn áp dụng linh hoạt những giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để khẳng định và bảo vệ những giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin về tôn giáo và dân tộc trong tình hình mới.

Qua buổi tọa đàm chuyên đề, các sinh viên đã tham gia thảo luận sôi nổi về vấn đề dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Mỗi ý kiến đều đóng góp vào việc mở rộng kiến thức và khám phá sâu hơn về các vấn đề đa dạng và phức tạp trong xã hội. Nhờ vào sự trao đổi và thảo luận này, sinh viên đã giải quyết những nút thắt trong suy nghĩ và tích lũy được những hiểu biết mới.

Một số hình ảnh của hoạt động nói chuyện chuyên đề:

Các giảng viên và sinh viên có mặt từ rất sớm đề tham dự buổi nói chuyện.
Buổi tọa đàm có đông đảo sinh viên tham gia
Các thầy cô và sinh viên tặng hoa cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Thanh Xuân

Cùng chuyên mục