Số 16 - Tranh chấp quần đảo Senkaku

03:15 21/03/2012

Tranh chấp quần đảo Senkaku (Điếu ngư) trong quan hệ Trung - Nhật và khả năng giải quyết

Tác giả: Nguyễn Hồng Yến

Thời gian gần đây, dư luận thế giới đặc biệt là Đông Bắc Á đang chăm chú theo dõi việc tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật) hay Điếu ngư (theo cách gọi của Trung Quốc). Mặc dù đây chưa hẳn là một điểm nóng về chính trị và cũng chưa dẫn đến các xung đột về quân sự song nó lại có những tác động không nhỏ đến quan hệ giữa hai quốc gia Nhật - Trung và phần nào ảnh hưởng đến các nước trong khu vực.

Vậy nguồn gốc của tranh chấp là gì ? Diễn biến của sự việc và phản ứng của các bên liên quan, hướng giải quyết cuộc tranh chấp ra sao ? Bài viết này sẽ tập trung phân tích những vấn đề trên.

* Vài nét về lịch sử Senkaku và diễn biến cuộc tranh chấp.

Quần đảo Senkaku gồm một dãy đảo nhỏ (5 đảo và 3 bãi đá) không có người ở, nằm rải rác, cách đảo Okinawa của Nhật Bản 300 km về phía tây và 200 km về phía đông bắc Đài Loan.

Phía Nhật Bản nói rằng quần đảo Senkaku do một người Nhật tên là Koga Tatsuhiro phát hiện ra vào năm 1879 và được sát nhập vào lãnh thổ Nhật Bản từ năm 1895 theo hiệp ước Shimonoseki. Chính phủ Nhật cũng cho rằng Senkaku không còn là của Đài Loan vì Trung Quốc đã từ bỏ nó theo điều khoản của hiệp ước nói trên. Còn Trung Quốc dựa vào những tài liệu lịch sử để lại từ đời Minh và đời Thanh, khẳng định rằng nhóm đảo này thuộc về Trung Quốc từ thời xa xưa và điều này cũng được Nhật Bản công nhận cho đến năm 1895 khi xảy ra chiến tranh Giáp Ngọ gữa Trung Quốc và Nhật Bản. Sau cuộc chiến tranh này, Trung Quốc thua trận, nhà Thanh ký hiệp ước Mã quan (Shimonoseki) nhượng đất cho Nhật bản trong đó có quần đảo Điếu Ngư.

Năm 1945, Nhật Bản bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đảo Đài Loan và nhóm đảo phụ cận được trả lại cho Trung Quốc nhưng Senkaku không nằm trong vùng đất mà Nhật Bản từ bỏ theo điều khoản 2 - Hiệp ước hòa bình San Francisco, mà Senkaku thuộc địa phận Okinawa nằm dưới quyền kiểm soát của Hoa Kỳ. Vì vậy, Nhật Bản trao cho Mỹ quản lý quần đảo này.

Đến năm 1972, theo thỏa thuận Okinawa, Mỹ trao trả chủ quyền quần đảo Ryukyu và các đảo khác trong đó có quần đảo Senkaku cho Nhật Bản. Việc này gây lên làn sóng phản đối của cộng đồng người Hoa ở khắp nơi. Phía Trung Quốc cho rằng quần đảo này phải được trả lại cho Trung Quốc - điều mà lẽ ra phải thực hiện từ ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Để thiết lập quan hệ ngoại giao (1972) và đạt được Hiệp ước hòa bình giữa hai nước (1978), chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản đã đồng ý gác lại tranh chấp sang một bên và sẽ giải quyết khi có điều kiện.

Tình hình vừa tạm ổn thì đến năm 1979, Nhật Bản xây dựng sân bay trực thăng dã chiến trên quần đảo này và đã bị Trung Quốc và Đài Loan lên tiếng phản đối. Ngày 25/2/1992, Trung Quốc thông qua luật lãnh hải và biển đảo, nhân việc này đưa luôn Điếu Ngư vào vùng chủ quyền của mình. Tất nhiên, Nhật Bản không bỏ qua hành động đó và cũng ra tuyên bố phản đối Trung Quốc.

Gần đây nhất, tháng 7/1996 một nhóm người Nhật Bản đã xâm nhập đảo Kita Kojima - một đảo nhỏ nằm trong quần Senkaku và dựng một cột hải đăng ở đó. Không thấy có dấu hiệu ngăn cấm nào từ phía chính phủ Nhật Bản cho nên ngay tiếp theo đó, tháng 8/1996, một nhóm thanh niên khác lại đổ bộ lên đảo Uotsuri, lần này họ đã cắm quốc kỳ Nhật Bản và dựng đài tưởng niệm. Những hành động này đã làm dấy lên tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku giữa hai nước và khuấy lên phong trào biểu tình rầm rộ chống Nhật Bản, tẩy chay hàng hóa Nhật của dân chúng Hồng Kông, Đài Loan. Thậm chí một số nhóm người Hoa tại Đài Loan và Hồng Kông còn định đem thuyền ra Điếu Ngư để phá vỡ các chướng ngại vật do người Nhật dựng lên.

Trước tình hình căng thẳng như vậy, hai chính phủ Nhật Bản - Trung Quốc bày tỏ thái độ, quan điểm như thế nào ? Họ phản ứng và hành động ra sao ?

* Phía Nhật Bản

Nhật Bản không còn tỏ thái độ mập mờ, nước đôi như "truyền thống" trước đây mà đã khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo này. Một trong những biểu hiện này là lời tuyên bố về chủ quyền Senkaku của ngoại trưởng Nhật bản Ikeda Yukihiko trong chuyến thăm Hồng Kông cuối tháng 8/1996 và trong cuộc gặp với ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham ngày 24/9/1996, cũng như việc tăng cường các tàu tuần tra, tuần tiễu xung quanh vùng biển Senkaku. Rõ ràng, Tokyo đã tỏ ra cương quyết trong vấn đề được gọi là "nhạy cảm" này. Điều đó cũng dễ hiểu bởi vì Tokyo có một chỗ dựa vững chắc là "chiếc ô" Mỹ vừa được củng cố bằng việc tái khẳng định Tuyên bố chung Nhật - Mỹ tháng 4/1996 dựa trên nền tảng của Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ trước đây. Hơn nữa, có thể Nhật Bản cũng cần phải có thái độ cứng rắn trước việc Trung Quốc không ngừng tăng cường khả năng quân sự và sau những hoạt động như cuộc diễn tập quy mô lớn ở eo biển Đài Loan tháng 3/1996, trong đó có các cuộc đổ bộ quân sự chiếm đảo. Nhật Bản rất lo lắng trước việc Trung Quốc có thể dùng các biện pháp tập trận tương tự để chiếm đảo Senkaku.

Trong các cuộc gặp gỡ giữa ngoại trưởng Nhật Bản Ikeda và ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham tại New York ngày 24/9/1996 và Philippin ngày 23/11/1996, ông Ikeda đều nói rằng Nhật Bản sẽ thận trọng trong việc công nhận ngọn hải đăng do một nhóm người Nhật xây dựng ; phương châm của chính phủ Nhật Bản là không ủng hộ và không chính thức công nhận ngọn hải đăng đó. Chính phủ Nhật Bản cho rằng hành động của những người này không có quan hệ gì với chính phủ và hứa sẽ ngăn chặn những sự việc tương tự. Thực tế, trước hành động của nhóm người này, chính phủ Nhật Bản hình như đã phớt lờ sự phản đối của Trung Quốc, không áp dụng hành động ngăn chặn nào đối với công dân của mình. Có thể những người đứng đầu chính phủ lo ngại làm như vậy sẽ gây nên sự phản đối nhiều hơn của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Nhật Bản - vốn cho rằng những biểu hiện như vậy là sự chùn bước trước sức ép của Trung Quốc - và họ cũng sợ rằng nhân đà đó sẽ có nguy cơ trỗi dậy của phái hữu muốn phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Và như vậy, vị trí và quyền lực chính trị của họ sẽ bị lung lay. Tuy nhiên, cần thấy rằng, các nhà lãnh đạo Nhật Bản không nên để những nhóm người hay những cá nhân chi phối chính sách ngoại giao của mình và làm ảnh hưởng đến một vấn đề mang tính chất quốc tế như vậy.

Ngoài ra, Nhật Bản vừa phê chuẩn công ước Liên Hợp Quốc về luật biển và luật về vùng đặc quyền thềm lục địa đầu năm 1996, qua đó khẳng định chủ quyền và quyền lợi của mình đối với các vùng biển liên quan. Theo một số điều tra, vùng biển xung quanh Senkaku là vùng có nhiều cá, dưới đáy biển lại chứa đựng tiềm năng dầu lửa và khí đốt. Do vậy, Nhật Bản càng muốn khẳng định Senkaku thuộc chủ quyền lãnh thổ của mình.

Như vậy, có thể thấy chính phủ Nhật Bản đã có những quan điểm rõ ràng hơn đối với vấn đề chủ quyền lãnh thổ - vấn đề mà trước đây họ thường hay nhượng bộ, nhưng cũng thể hiện phần nào sự thiếu quyết đoán trong việc xử lý các hành động trong nước. Các nhà quan sát quốc tế cho rằng, mọi hành động của Nhật Bản chỉ nhằm mục đích nêu cao ý thức dân tộc và mang tính chất phòng thủ, chứ không hẳn là hành động khiêu khích đối với Trung Quốc bởi vì đó không phải là "bản chất" của Nhật Bản.

* Phía Trung Quốc

Sau khi phía Nhật Bản có một số hành động như đã nêu ở trên nhằm khẳng định chủ quyền trên quần đảo Senkaku, quần chúng người Hoa ở Hồng Kông, Đài Loan liên tiếp biểu tình lên án Nhật Bản chiếm đảo Senkaku. Song về phía mình, chính phủ Trung Quốc đã không đưa quân chiếm đảo Senkaku hay có những hành động mạnh mẽ tương tự mà phản ứng rất thận trọng. Một mặt, Trung Quốc phản đối hành động trên của Nhật Bản và khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Điếu Ngư, coi đó là lãnh thổ không thể chia cắt của Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc kiềm chế tránh xảy ra va chạm hay đụng độ quân sự với Nhật Bản. Theo một số nguồn tin, Bắc Kinh đã đưa ra phản đối chính thức trước hành động của nhóm người Hoa ở Hồng Kông và Đài Loan định đem thuyền đi phá dỡ các chướng ngại vật do phía Nhật Bản xây dựng. Theo Bắc Kinh, sự trả đũa này chỉ đem lại một cuộc đối đầu chẳng hay ho gì. Đó là điều khác với những hành động của Trung Quốc trước đây. Sở dĩ có hành động kiềm chế như vậy là vì Trung Quốc cần duy trì quan hệ kinh tế với Nhật Bản. Ai cũng biết tuy nền kinh tế Trung Quốc có đi lên song vẫn gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Trung Quốc cần vốn đầu tư và viện trợ của Nhật để phát triển, nhất là để tập trung cho hiện đại hóa. Cũng vì mục đích hiện đại hóa mà Trung Quốc muốn có một môi trường hoà bình ổn định trong khu vực, không muốn có sự đối đầu nào với Nhật Bản nói riêng và các nước trong khu vực nói chung làm ảnh hưởng đến cục diện lớn xây dựng và phát triển kinh tế. Hơn nữa, Trung Quốc biết rằng nếu đụng đến Nhật Bản có nghĩa là đụng chạm đến thỏa thuận của Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ. Và như vậy vô hình chung, Trung Quốc càng thúc đẩy thêm mối liên minh chặt chẽ Mỹ - Nhật chống lại Trung Quốc. Vả lại, tuy không được xem là một cường quốc quân sự nhưng Nhật Bản có khả năng quân sự rất lớn với đầy đủ các kỹ thuật hiện đại mà nếu có xảy ra đụng độ thì Trung Quốc cũng khó giành phần thắng. Trong khi đó, Trung Quốc đang bị nhiều nước trên thế giới nhìn nhận như là một mối đe dọa an ninh đối với khu vực Châu á - Thái Bình Dương. Vì thế, nếu có xung đột xảy ra, bất luận phải trái Trung Quốc sẽ không tránh khỏi sự phản đối của dư luận quốc tế và càng chứng minh rõ hơn cho nhận định trên.

Các nhà quan sát quốc tế đều đi đến một nhận định rằng Trung Quốc hoàn toàn không có lợi và chưa chắc đã có đủ khả năng khi đương đầu với Nhật Bản trong tranh chấp này. Trung Quốc liệu được sức mình nên có những đối sách thích hợp, không tán thành hành động cục bộ của các nhóm người Hoa ở Hồng Kông và Đài Loan, mong muốn giải quyết vấn đề một cách hòa bình để không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ Trung - Nhật.

Vậy ngoài hai bên liên quan trực tiếp ra, dư luận của các nước trong và ngoài khu vực như thế nào ?

Trước hết phải đề cập đến Hồng Kông và Đài Loan. ở Hồng Kông dấy lên phong trào biểu tình chống Nhật Bản để bày tỏ tinh thần "đại Trung Hoa" của họ, hay nói khác đi họ đấu tranh là vì quyền lợi của tất cả những người Trung Quốc. Phải chăng người Hồng Kông muốn qua đó kích động Trung Quốc đại lục phải có hành động mạnh mẽ hơn trong tranh chấp quần đảo Điếu Ngư này. Còn ở Đài Loan, phong trào biểu tình của quần chúng cũng mạnh mẽ nhưng nhà cầm quyền Đài Loan không muốn dính líu vào. Họ cho rằng Trung Hoa lục địa có thể tự giải quyết vấn đề. Thực ra họ không muốn làm mất lòng Nhật Bản để tranh thủ Nhật trong chính sách "ngoại giao thực dụng" của mình.

Mỹ thì không khẳng định quốc gia nào có chủ quyền đối với Senkaku, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều có những lý lẽ phức tạp để bảo vệ cho mình và việc tranh chấp chỉ có thể do hai phía tự giải quyết. Rõ ràng Mỹ không muốn làm rắc rối thêm vấn đề.

Các nước khác trong khu vực hầu như không đưa ra một lời bình luận nào, đặc biệt là những nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc vì họ lo ngại nếu Trung Quốc giành được Senkaku từ tay Nhật Bản thì họ cũng sẽ đứng trước những đe dọa tương tự.

Nhìn chung, các nước không liên quan trực tiếp đến tranh chấp đều ở vị trí ngoài cuộc, không nghiêng về ủng hộ Trung Quốc hay Nhật Bản. Họ không muốn can thiệp làm phức tạp thêm vấn đề và càng đẩy nó đến chỗ khó giải quyết hơn.

* Khả năng giải quyết tranh chấp trong mối quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản

Một câu hỏi được đặt ra là liệu cuộc tranh này có khả năng leo thang để trở thành một vụ đụng độ bằng quân sự ? Dư luận chung đều nhận định là tuy tranh chấp đang căng thẳng như vậy nhưng nguy cơ xảy ra xung đột là rất thấp và hầu như không có. Cả hai bên đều vẫn khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo này nhưng đồng thời cũng nhận thấy không thể để tranh chấp vượt quá phạm vi dẫn đến xung đột và suy cho cùng thì biện pháp quân sự không thể giúp giải quyết lâu dài tranh chấp này. Thực tế cho thấy, vấn đề này khó có thể gây ra một cuộc chiến tranh toàn diện, tức là hai nước Trung - Nhật đều khó có thể tiến công vào lãnh thổ của nhau. Có lẽ, cả hai bên đều sợ sức ép của dư luận thế giới đồng thời đều muốn tiếp tục tiến hành hợp tác kinh tế. Hơn nữa, nếu sa lầy vào cuộc chiến này, Trung Quốc sẽ gặp phải một loạt những khó khăn trong chính trị nội bộ, còn Nhật Bản sẽ phải đối phó với những diễn biến phức tạp hơn trong tranh chấp lãnh thổ khác với Nga và Hàn Quốc. Từ đó, có thể thấy giải pháp lý tưởng nhất là hai bên ngồi vào bàn thương lượng, gạt bỏ tranh chấp sang một bên, tìm ra một công thức hòa giải mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Song đây là một vấn đề lịch sử lâu đời, không thể giải quyết một sớm một chiều trong khi căng thẳng hãy còn cao. Trong thời gian này, hai bên ít nhất hãy cùng nhau giải tỏa các căng thẳng và cùng kiềm chế bất kỳ một hành động cục bộ nào từ hai phía khiến cho mâu thuẫn sâu sắc thêm.

Phía Nhật Bản cũng đã có những tín hiệu chứng tỏ họ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc qua tuyên bố của Thủ tướng Hashimoto sau khi tái đắc cử rằng Nhật Bản luôn coi trọng và thấy cần phải tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Theo như tinh thần lời phát biểu của ông Tiền Kỳ Tham trong cuộc gặp gỡ gần đây với ngoại trưởng Nhật Bản Ikeda tại Philippin thì phía Trung Quốc chắc cũng có những nỗ lực để đáp lại thiện chí của Nhật Bản. Với chiều hướng như vậy, có thể hy vọng tương lai giải quyết tranh chấp sẽ sáng sủa hơn như đông đảo dư luận mong muốn.

Dù sao Senkaku cũng chỉ là một vấn đề tranh chấp lãnh thổ nhỏ. Tuy còn có những điểm bất đồng và những khó khăn để đi đến một thỏa hiệp nhưng chắc chắn cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều muốn giải quyết với cách nhìn linh hoạt. Cả hai đều không muốn mọi chuyện xấu đi hoặc đẩy vấn đề đến chỗ đối đầu quân sự, tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế và chính trị giữa hai nước - một mối quan hệ đang cần được củng cố với việc kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia vào năm 1997.

Tài liệu tham khảo :

- Tin tham khảo - TTX Việt Nam các ngày 17/9, 21/9, 9/11, 11/11, 26/11 năm 1996.

- Tin A - Bộ Ngoại giao các ngày 27/7, 19/8, 13/9, 26/9, 2/10, 25/11 năm 1996.

- Tin tham khảo chủ nhật - TTX Việt Nam ngày 22/9/1996

- Tạp chí Asiaweek 20/9/1996

- China and Japan 1949 - 1980 - R.K.Jain - Humanities Press, Second Edition./.

Cùng chuyên mục