Số 18 - Bàn về quan hệ Trung - Mỹ

02:13 22/03/2012

Bàn về quan hệ Trung - Mỹ

Tác giả: Phan Doãn Nam.

1. Quan hệ quốc tế vốn dĩ rất phức tạp nhưng chưa có mối quan hệ nào lại phức tạp như quan hệ giữa CHDC Trung Hoa và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Suốt 45 năm chiến tranh lạnh, quan hệ Mỹ - Trung luôn luôn thay đổi và sau chiến tranh lạnh quan hệ đó vẫn chưa thể gọi là ổn định. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ - Xô coi nhau là đối thủ chính nhưng chưa bao giờ trực tiếp đánh nhau. Trái lại CHND Trung Hoa mới ra đời chưa được một năm thì đã phải tham gia vào cuộc chiến tranh với quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ đã đặt Triều Tiên và Đài Loan (một tỉnh của Trung Quốc) vào tuyến phòng thủ tiền tiêu của mình ở Viễn Đông và áp đặt lệnh cấm vận đối với Trung Quốc. Đó là giai đoạn I của quan hệ Mỹ và CHND Trung Hoa. Trong giai đoạn này căng thẳng và xung đột là chủ yếu. Mỹ - Trung có duy trì đàm phán cấp đại sứ lúc đầu ở Geneve và sau đó là ở Varsava nhưng chỉ là "cuộc đối thoại giữa những người điếc". Thậm chí ngoại trưởng Mỹ tại Hội nghị Geneve 1954 về Đông Dương đã từ chối bắt tay thủ tướng Chu Ân Lai.

2. Giai đoạn thứ 2 của quan hệ Mỹ - Trung:

Bắt đầu từ những năm 70 bằng "ngoại giao bóng bàn" và sau đó là chuyến thăm Bắc Kinh giật gân của H. Kissinger, cố vấn Hội đồng an ninh Mỹ mở đường cho cuộc đi thăm của Tổng thống Nixon đến Trung Quốc và thông cáo Thượng Hải (2/1972). Cuộc khai thông trong quan hệ Trung - Mỹ thật sự gây ra những chấn động lớn trên thế giới không những mở đầu cho việc hình thành một nền ngoại giao mới, nền ngoại giao tam giác Mỹ - Xô - Trung mà còn làm cho đồng minh của Mỹ nhất là Nhật bị choáng váng vì cái gọi là "cú sốc Nixon". Nhưng sự kiện này chỉ như một cuộc động đất cường độ mạnh nhưng ngắn cho nên không làm cho 2 cao ốc mà người ta hy vọng sẽ sụp đổ đó là : thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và hoà hoãn Xô - Mỹ với việc ký kết một loạt hiệp định giữa hai nước, trong đó nổi bật nhất là Hiệp ước SALT1. Sau khi những lời tuyên truyền rùm beng về một kỷ nguyên mới của quan hệ Trung - Mỹ lẵng xuống, giới lãnh đạo cả 2 nước phải quay về với một loạt vấn đề nội bộ "chết người". Nixon buộc phải từ chức về vụ Watergate, quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết hạn chế quyền của Tổng thống trong việc đưa quân ra nước ngoài. Ơ Trung Quốc, bè lũ 4 tên vẫn lộng hành, Lâm Bưu bị hạ bệ, cái chết của Mao và nền kinh tế Trung Quốc đứng bên bờ sụp đổ. Tất nhiên giai đoạn quan hệ này đã đem lại cho Trung Quốc những cái lợi nhất định. Trung Quốc đã thay thế Đài Loan ở Liên Hợp Quốc kể cả ghế uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trung Quốc đã buộc Mỹ phải hạn chế việc bán vũ khí cho Đài Loan trong lúc Trung Quốc vẫn giành quyền dùng vũ lực để giải phóng Đài Loan nếu cần thiết. Mỹ đã buộc Liên Xô phải tiếp tục mời Nixon và ký các hiệp định hạn chế vũ khí chiến lược ngay trong lúc Mỹ phong toả cảng Hải Phòng và dùng B52 đấnh phá Hà Nội - Hải Phòng.

3. Giai đoạn thứ 3 bắt đầu khi hai nước bình thường hoá và lập quan hệ ngoại giao chính thức với nhau (1/1979) đến sự kiện Thiên An Môn (6/1989).

Sau khi đánh đổ bè lũ 4 tên và trở lại cầm quyền, Đặng Tiểu Bình đưa ra kế hoạch 4 hiện đại hoá nhằm cứu nền kinh tế Trung Quốc trước nguy cơ sụp đổ và đưa Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu vào cuối thế kỷ. Để làm được việc này, Trung Quốc phải dựa vào vốn và kỹ thuật của phương Tây. Trong lúc đó, sau vụ Watergate và thất bại ở Việt Nam, Jimmy Carter, người của đảng Dân chủ trúng cử Tổng thống chủ trương tiếp tục hoà hoãn với Liên Xô và tiến tới bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. 10/1977, Mỹ thôi không phủ quyết việc Việt Nam tham gia Liên Hợp Quốc và 11/1978 ký kết với Việt Nam hiệp định bình thường hoá quan hệ hai nước. Năm 1978, Ngoại trưởng Mỹ C. Vance đi Liên Xô mang theo những đề nghị mới nhằm thúc đẩy việc ký hiệp định SALT2. Tình hình diễn biến bất lợi cho Trung Quốc. Tháng 6/1978 Trung Quốc mời cố vấn an ninh quốc gia của Carter là Bêrzinski sang Trung Quốc. Bêrzinski là một người chống cộng cực đoan và đại diện cho phái diều hâu trong chính quyền Carter đối lập với Ngoại trưởng C. Vance. Sau khi Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp ước hợp tác hữu nghị (11/78), đích thân Đặng Tiểu Bình đã gặp Trưởng văn phòng đại diện của Mỹ ở Trung Quốc là Leonard Woodcock và thông báo Trung Quốc gác tất cả các yêu sách đòi Mỹ không được bán vũ khí cho Đài Loan đã nêu ra trong đàm phán và quyết định bình thường hoá quan hệ với Mỹ với 2 điều kiện. Một là, sau khi bình thường hoá một tháng Mỹ phải mời Đặng Tiểu Bình sang thăm. Hai là, ngày 15/12/1978 hai bên phải công bố việc bình thường hoá từ 1/1/1979. Cho đến 13/12 không bên nào được tiết lộ vấn đề này. Phía Mỹ đã chấp nhận và cuối tháng 1/1979 Đặng Tiểu Bình đi thăm Mỹ. Thoả thuận này đã đạt được giữa Đặng Tiểu Bình và Leonard Woodcock vào 13/12/1978. Sau khi thăm Mỹ về ngày 10/2/1979 Đặng Tiểu Bình họp quân uỷ Trung ương và quyết định "dạy cho Việt Nam bài học". Lợi dụng việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia và việc Liên Xô sau đó một năm đưa quân vào Apghanistan, Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi Mỹ, Nhật, phương Tây và ASEAN cùng họ lập mặt trận thống nhất chống đại bá (Liên Xô) và tiểu bá (Việt Nam).

4. Với việc Trung Quốc và Mỹ cùng có một kẻ thù chung là Liên Xô và Việt Nam, người ta tưởng rằng quan hệ Mỹ - Trung sẽ bước vào một thời kỳ mới đầy thuận lợi. Nhưng sự thực không phải như vậy.

Chính quyền Carter sau khi bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc đã từ chối đề nghị lập liên minh với Trung Quốc. Đồng thời, dưới sức ép của quốc hội theo đạo luật quan hệ với Đài Loan, chính quyền Carter tìm cách nối lại việc bán vũ khí cho Đài Loan nhất là trong thời điểm tranh cử tổng thống ở nước Mỹ. R. Reagan đã trúng cử tổng thống và tìm cách lật ngược quan hệ với Trung Quốc và có ý định nối lại quan hệ với Đài Loan. Một thời kỳ sóng gió mới nổi lên trong quan hệ Trung - Mỹ khiến Ngoại trưởng Alexander Haig và phó tổng thống Bush phải hết sức vất vả để thuyết phục tổng thống Reagan không lật lại quan hệ với Bắc Kinh. Cuối cùng ngày 17/8/82 Haig đã ký với Ngoại trưởng Trung Quốc một thông cáo mới về vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan, thường gọi là thông cáo Thượng Hải II. Tiếp sau đó Reagan đã thăm Trung Quốc (1984), mở đầu nhiệm kỳ 2. Có thể nói quan hệ Mỹ - Trung thời kỳ này là êm thấm nhất khiến Trung Quốc trước đây hết sức chống Reagan nay quay sang ca ngợi hết lời ông ta và người kế nhiệm. Với việc George Bush trúng cử (nhậm chức 1/1989) người ta tưởng rằng quan hệ Trung - Mỹ sẽ lên đến đỉnh cao vì Bush từng làm việc ở Trung Quốc với tư cách là Trưởng văn phòng liên lạc của Mỹ. Nhưng sau khi Bush nhậm chức không bao lâu đã nổ ra sự kiện Thiên An Môn và kéo theo chính sách cấm vận của Mỹ và Phương Tây đối với Trung Quốc.

5. Điều trớ trêu là trong khi không khí chung trên thế giới, đặc biệt giữa các nước lớn bắt đầu ấm lên do sự kết thúc chiến tranh lạnh và sự tan rã của hệ thống thế giới 2 cực thì quan hệ Mỹ - Trung lại lạnh đi, với "một ngàn lẻ một" lý do, từ vấn đề sở hữu trí tuệ, vấn đề Mỹ thâm thuỷ trong quan hệ buôn bán với Trung Quốc cho đến nhân quyền, vấn đề Đài Loan mà đỉnh cao là việc Trung Quốc cho thử tên lửa và tập trận ở eo biển Đài Loan trước ngày bầu cử tổng thống. Ơ đây và lần đầu tiên sau hơn 40 năm kể từ sau chiến tranh Triều Tiên, Mỹ đã đưa hạm đội trong đó có hai tàu sân bay đến eo biển Đài Loan để cảnh cáo Trung Quốc và hỗ trợ cho cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Loan (3/1996). Trung Quốc đã lớn tiếng phê phán việc gia hạn hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật và đặc biệt là việc mở rộng vai trò giữ gìn an ninh của Nhật từ địa bàn Viễn Đông ra toàn Châu A' - Thái Bình Dương. Trung Quốc đã ký với Nga hiệp định về đối tác chiến lược cho thế kỷ 21 (4/1996) và tháng 4/1997 chủ tịch Giang Trạch Dân đã thăm Nga và ký với Nga tuyên bố chung khẳng định lại quan hệ đối tác chiến lược này cũng như quan điểm của Nga - Trung về một trật tự thế giới đa cực.

6. Rõ ràng, như Thủ tướng Lý Bằng đã tuyên bố, quan hệ Trung - Mỹ là hết sức bất ổn.

Nhiều chính khách và học giả của hai nước đã tỏ ra bi quan về khả năng hợp tác Trung - Mỹ trong thế kỷ tới. Mặc dù chính phủ của hai nước đã có những cố gắng để tăng cường sự hợp tác với nhau qua các cuộc gặp gỡ cấp cao kể cả cấp thượng đỉnh, nhưng mối nghi kị lẫn nhau hầu như ngày một tăng. Trong lúc Clinton đưa ra chính sách "dính líu tích cực" đối với Trung Quốc, thì Mỹ vẫn không ngừng tuyên truyền về "mối đe doạ của Trung Quốc" và vẫn tìm cách kiềm chế Trung Quốc, như đặt ra rất nhiều điều kiện cho việc Trung Quốc gia nhập WTO, chưa cho Trung Quốc hưởng quy chế tối huệ quốc (MFN) thường xuyên, tiếp tục can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc như Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Kông và khuyến khích Đài Loan thi hành chính sách ngoại giao thực dụng nhằm vĩnh viễn tách Đài Loan khỏi Trung Quốc. Nội bộ Mỹ tuy không thống nhất về cách đánh giá Trung Quốc nhưng đều cho rằng trong vài ba thập kỷ tới Trung Quốc với tốc độ phát triển kinh tế và tăng cường quân sự như hiện nay, dù muốn hay không vẫn là trở ngại lớn nhất thách thức quyền lãnh đạo thế giới của Mỹ. Về phần mình, những người lãnh đạo Trung Quốc trong khi vẫn muốn tăng cường quan hệ với Mỹ nhất là về kinh tế và khoa học công nghệ, nhưng lại nghi ngờ Mỹ chưa từ bỏ ý đồ chia cắt Trung Quốc, làm sụp đổ chính quyền trung ương và làm thất bại hoặc kìm hãm công cuộc hiện đại hoá Trung Quốc.

7. Nhìn lại gần 1/2 thế kỷ quan hệ Trung - Mỹ có thể thấy mối quan hệ này lên xuống thất thường và đầy mâu thuẫn.

Thời đại ngày nay, thương lượng hoà bình là con đường duy nhất để giải quyết mâu thuẫn giữa các nước. Điều này lại càng đúng đối với quan hệ Trung - Mỹ. Nhà báo Mỹ Walter Lippmann đã từng nói rằng "Mỹ là con cá voi còn Trung Quốc là con voi". Cá voi không làm gì được voi và ngược lại voi cũng chẳng làm gì được cá voi. Hơn nữa, sau cuộc đụng độ ở Triều Tiên, các nhà lãnh đạo Mỹ đã rút ra kết luận là chớ nên lao vào một cuộc chiến tranh trên lục địa châu A" với Trung Quốc. Do vậy không có con đường nào khác là cùng tồn tại hoà bình thông qua đàm phán hoà bình. Có hàng trăm vấn đề mà hai bên cần đàm phán với nhau nhưng trước hết theo báo chí Mỹ thì hai bên có thể tập trung vào mấy vấn đề lớn sau đây :

a. Trách nhiệm của Mỹ và Trung Quốc là hai hội viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đối với việc duy trì một trật tự quốc tế ổn định.

b. Trách nhiệm của Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thế kỷ tới đối với sự phồn vinh và ổn định của nền kinh tế và thương mại thế giới.

c. Sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc để cải thiện môi trường thế giới do hậu quả quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá quá nhanh của Trung Quốc gây ra.

d. Trung Quốc và Mỹ phải làm gì để duy trì sự ổn định về chiến lược ở Châu A', cụ thể là làm sao để Nhật không thấy an ninh của mình bị đe doạ, việc làm cho Nga trở thành một nhân tố đóng góp vào nền an ninh và ổn định của khu vực, và vai trò của Mỹ trong việc giúp giải quyết hoà bình các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

e. Sự phối hợp giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm làm giảm căng thẳng và ngăn ngừa chiến tranh ở các điểm nóng như Triều Tiên, Vịnh Ba Tư, Nam A'...

f. Hai bên phải làm gì để ngăn chặn việc phổ biến vũ khí giết người hàng loạt và hạn chế việc chuyển giao vũ khí cho các nước nằm trong các khu vực nóng bỏng.

g. Vấn đề ngăn chặn việc buôn bán ma tuý.

h. Vấn đề nhân quyền

i. Vấn đề Đài Loan, v.v...

8. Tất nhiên có thể thêm vào danh sách này nhiều vấn đề nữa. Nhưng theo ý kiến riêng của chúng tôi, sự chìm nổi trong quan hệ Trung - Mỹ không phải vì giữa 2 nước có quá nhiều vấn đề phải giải quyết, mà chính là do 2 nước có cách đề cập khác nhau đối với các vấn đề.

Một là về vấn đề Đài Loan. Sở dĩ đây là vấn đề trở ngại hàng đầu là vì, trong gần 50 năm qua nó là nhân tố đã khiến cho quan hệ Trung - Mỹ không bao giờ êm thấm. Năm 1972 khi gặp Nixon, Mao nói : Vấn đề Đài Loan là vấn đề nhỏ, vấn đề thế giới mới là vấn đề lớn. Vấn đề Đài Loan có thể hoãn sau 100 năm. Sở dĩ Mao nói như vậy là vì lúc đó vị thế quốc tế của Trung Quốc còn thấp, chính trường thế giới do hai siêu cường thao túng. Ngày nay tình hình đã thay đổi, Liên Xô đã tan rã. Trong 20, 30 năm tới Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc thế giới có nền kinh tế lớn nhất, và sau khi đã lấy lại Hồng Kông và Ma Cao, liệu Trung Quốc có chịu để cho một bộ phận đất đai của mình tiếp tục bị chia cắt do có sự can thiệp của nước ngoài hay không ? Mặt khác trong 20-30 năm tới, thế hệ lãnh đạo mới ở Đài Loan hoặc gồm những người có gốc ở lục địa nhưng sinh tại Đài Loan hoặc những người chính gốc Đài Loan. Việc mong muốn thống nhất với lục địa sẽ không còn mặn mà như hiện nay. Nhưng cái khó trong vấn đề Đài Loan là ở chỗ Mỹ đã biến nó thành vấn đề của Mỹ, phải xử lý theo luật của Mỹ, tức là "đạo luật về quan hệ với Đài Loan" do Quốc hội Mỹ thông qua năm 1979 khi Trung - Mỹ lập quan hệ ngoại giao.

Hai là sự khác nhau về ý thức hệ và giá trị văn hoá. Từ trước đến nay, giới lãnh đạo Trung Quốc không bao giờ đặt nặng vấn đề ý thức hệ trong quan hệ với Mỹ mà họ chỉ xuất phát từ lợi ích dân tộc. Mao chỉ tuyên bố "nhất biên đảo" tháng 6/1949 sau khi thất bại trong việc tìm kiếm quan hệ hợp tác với Mỹ. Trái lại trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ luôn luôn lấy sự đối lập giữa ý thức hệ cộng sản với tư bản làm đầu. Tuy Trung Quốc đưa 20 sư đoàn vào Triều Tiên năm 1951, nhưng mục đích không phải là giúp Kim Nhật Thành thống nhất bán đảo Triều Tiên mà chỉ nhằm lập lại nguyên trạng như trước khi chiến tranh xảy ra, tức là đẩy quân Mỹ và Nam Triều Tiên trở lại vĩ tuyến 38. Trong lúc đó, Mỹ xem việc Trung Quốc đưa quân vào Triều Tiên là cuộc xâm lược của cộng sản, đặt Triều Tiên và Đài Loan vào tuyến phòng thủ tiền tiêu của Mỹ ở Viễn Đông và áp đặt lệnh cấm vận chống Trung Quốc. Ơ Mỹ thời kỳ này đã dấy lên phong trào chống cộng cực đoan của chủ nghĩa Mc Carthy, cũng vì mê muội với chủ nghĩa chống cộng nên Mỹ đã thiếu nhạy cảm trước những tín hiệu của Trung Quốc muốn khai thông quan hệ với Mỹ. H. Kissinger rất tự hào về việc ông ta đã mở đường cho quan hệ với Trung Quốc, coi chuyến đi thăm Trung Quốc có tính chất giật gân (7/1971), nhưng thực ra thành tích này của Kissinger chẳng khác nào một người đem hết sức mình đẩy một cánh cửa không khoá vì trước đó Mao ít nhất đã 2 lần thông qua nhà báo Edgar Snow bắn tin Trung Quốc sẵn sàng đón Nixon. Ngay George Bush, một người có thể gọi là rất có cảm tình với Bắc Kinh nhưng ông ta đã không ngần ngại lên án Trung Quốc đàn áp cuộc biểu tình ở Thiên An Môn (1989) và ra lệnh trừng phạt Trung Quốc. Ngày nay ngay trong lúc quan hệ nồng ấm, Mỹ vẫn không từ bỏ việc đòi Trung Quốc phải tôn trọng nhân quyền, tự do dân chủ theo kiểu Mỹ và phương Tây. Do đó, tuy vẫn hô hào cải thiện quan hệ với nhau nhưng phía Mỹ không từ bỏ việc áp đặt những giá trị của họ cho Trung Quốc, và phía Trung Quốc cũng thấy rõ ràng Mỹ không bao giờ từ bỏ ý đồ làm Trung Quốc sụp đổ hoặc làm cho chế độ chính trị ở Trung Quốc đổi màu. Cùng với sự lớn mạnh của Trung Quốc mối nghi ngờ này giữa 2 bên lại càng tăng.

Ba là mâu thuẫn giữa cách nhìn của mỗi bên đối với vai trò và vị trí quốc tế của mình. Từ trước đến nay Mỹ luôn tự coi mình có nhiệm vụ lãnh đạo thế giới đi theo con đường "dân chủ". Sau khi Liên Xô tan rã Mỹ đặt cho mình nhiệm vụ hàng đầu là không để bất cứ nước nào trội lên trở thành thách thức đối với quyền lãnh đạo thế giới của Mỹ. Trong chiến tranh lạnh, khi Liên Xô là đối thủ chính, Mỹ chỉ xem Trung Quốc là một con bài để làm đối trọng với Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ lại xem Trung Quốc là thách thức chính và đưa ra cái gọi là "mối đe doạ của Trung Quốc" để tập hợp lực lượng. Trung Quốc tuy đã nhiều lần tuyên bố họ không bao giờ "xưng bá" nhưng từ trước đến nay bản thân Trung Quốc là một "người khổng lồ", là cả một thế giới. Với sự lớn mạnh trong vài ba thập kỷ tới dù muốn hay không Trung Quốc cũng trở thành chướng ngại đối với mưu đồ lãnh đạo thế giới của Mỹ. Trước đây khi xung đột với Liên Xô, Trung Quốc cần có Mỹ làm đối trọng. Sau khi Liên Xô sụp đổ và Trung Quốc lớn mạnh, lẽ tất nhiên Trung Quốc không thể nào chấp nhận Mỹ là người lãnh đạo thế giới, chứ chưa nói đến việc là người lãnh đạo ở châu A'.

Bốn là sự không nhất quán của Trung Quốc giữa lời nói và việc làm đã làm cho Mỹ và cả thế giới mất lòng tin vào họ. Không kể thời gian trước 1980 khi các chính sách và hành động cực tả của Trung Quốc làm cho toàn thế giới lo ngại, ngay hiện nay trong khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách chung sống hoà bình, hữu nghị và hợp tác với các nước thì hành động của Trung Quốc vẫn rất khó lường. Trong khi tuyên bố rất coi trọng quan hệ với các nước Đông Nam A' và sẵn sàng giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ bằng đàm phán hoà bình, Trung Quốc vẫn liên tục có những hành động đơn phương như vụ Mischief đối với Philippine, vụ tàu khoan dầu Kantan-3 đối với Việt Nam, vụ Trung Quốc đưa tàu chiến vào khu vực Trường Sa gần bờ biển Philippine v.v... làm cho dư luận thế giới và Đông Nam A' nghi ngờ liệu Trung Quốc có thực hiện hay không những cam kết, thoả thuận đã đạt được thông qua đàm phán nếu có.

9. Việc đưa quan hệ Trung - Mỹ đi theo hướng nào trong thế kỷ tới là thuộc thẩm quyền của chính phủ và nhân dân hai nước, không ai có thể làm thay được.

Tuy nhiên, trong thế giới hiện nay, khi mà sự phụ thuộc lẫn nhau trở thành quy luật của tồn tại và phát triển, thì cả Mỹ lẫn Trung Quốc cần tính đến nguyện vọng hoà bình hữu nghị và hợp tác khi hoạch định chính sách đối với nhau. Riêng ở Châu A', trong 50 năm qua tình hình vẫn không ổn định một phần là do quan hệ các nước lớn, nhất là quan hệ Trung - Mỹ không ổn định. Hầu hết các nước Đông Nam A' hiện nay đều có quan hệ bình thường, hữu nghị và hợp tác với Mỹ và Trung Quốc. Do đó quan hệ Trung - Mỹ được cải thiện là điều có lợi cho hoà bình ổn định ở Đông Nam A'. Trái lại nếu quan hệ Trung - Mỹ xấu đi sẽ không có lợi cho việc giải quyết các vấn đề tranh chấp ở khu vực này đặc biệt là vấn đề Đài Loan và vấn đề Biển Đông./.

Cùng chuyên mục