Số 19 - Asean: Con đường ba mươi năm

02:41 22/03/2012

Asean: Con đường ba mươi năm

Tác giả: Lưu Văn Lợi.

I

Có một thời người ta hay dùng từ Viễn Đông để chỉ cả Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam A'. Ngày nay người ta lại phân biệt rõ hơn Đông Bắc A'(ĐBA) và Đông Nam A'(ĐNA). Đông Nam A' là một khu vực bao gồm bán đảo Đông Dương kéo đến tận Myanma và các đảo hợp thành nước Indonesia và nước Philippin. Khu vực này nằm giữa Thái Bình Dương và Â'n Độ Dương, có các đường hàng hải, hàng không quốc tế nối liền Đông - Tây. Về tầm vóc, chế độ chính trị có sự khác biệt lớn giữa nước này với nước kia. Có nước rộng 1,9 triệu km2, có nước chỉ rộng hơn 600 km2, có nước gần 200 triệu dân, có nước chỉ có gần 300.000 dân. Có nước theo Thiên chúa giáo, theo Hồi giáo, Phật giáo và Indonesia là nước Hồi giáo lớn nhất thế giới. Có nước theo chế độ cộng hoà, có nước theo chế độ quân chủ lập hiến hay quân chủ chuyên chế, có nước theo chủ nghĩa xã hội. Nhiều nước có nền kinh tế khá phát triển nhưng nhìn chung kinh tế khu vực phát triển không đồng đều.

Nhưng điều làm cho người ta phải ngạc nhiên là các nước trong khu vực đều chung một ý nguyện hợp tác với nhau. Để giải thích vấn đề này cần tìm hiểu các đặc điểm của khu vực và từng nước. Điều quan trọng đầu tiên là các nước ĐNA có những điểm đồng tạo nên một bản sắc khu vực : đều nằm trong một tổng thể địa lý ở Đông Nam Châu A'. Tất cả các nước trong khu vực đều giữ một vị trí chiến lược trên các đường hàng hải và hàng không quốc tế. Trong hơn một trăm năm, eo biển Malacca là cái cửa duy nhất giữa Châu Âu và Viễn Đông. Trừ Thái Lan theo chế độ quân chủ lập hiến, các nước sáng lập khối ASEAN đều theo định hướng dân chủ theo mẫu của các nước đô hộ họ trước đây và theo cách hiểu của mỗi nước. Tất cả nền kinh tế của các nước ĐNA đều mang dấu ấn của chế độ thuộc địa cũ, do đó đòi hỏi việc huy động nội lực và một chiến lược phát triển cộng với vốn đầu tư của nước ngoài, tạo nên một chiến lược vùng kinh tế ổn định để cùng tiến lên.

Các nước ĐNA lại có những nguyện vọng chung là : ổn định khu vực và trong từng nước, xúc tiến phát triển kinh tế của từng nước đồng thời tạo dựng một thị trường chung của khu vực ; tạo thành một tổng thể chặt chẽ để có thể chống lại sức ép từ bên ngoài và nâng cao vai trò ngoại giao của các nước trong các cuộc thương lượng quốc tế.

Do những đặc điểm địa - chính trị và nguyện vọng chung nói trên, các nước ĐNA đã có những cuộc thử nghiệm về tập hợp lực lượng trong khu vực; ở đây không nói đến các tổ chức do các nước ngoài khu vực thành lập như ECAFE (Uỷ ban kinh tế về Châu A' và Viễn Đông - dưới sự bảo trợ của Liên Hợp quốc), SEATO (Tổ chức hiệp ước Đông Nam A' do Hoa Kỳ bảo trợ). Tổ chức khu vực đầu tiên của các nước ĐNA là ASA ( Hiệp hội Đông Nam A') thành lập ngày 31 tháng 7 năm 1961 bao gồm Thái Lan, Liên bang Malaysia và Philipin. Tổ chức này nhằm "tương trợ lẫn nhau trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, khoa học và hành chính" với ý định giảm bớt sự lệ thuộc quá đáng của các nước thành viên vào Hoa Kỳ. Nhưng hơn một năm sau, tổ chức này vấp phải cuộc tranh chấp đất Sabah ở Bắc Borneo giữa Philipin và Liên bang Malaysia, dẫn tới việc cắt quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Dù sau này cuộc khủng hoảng Sabah được giải quyết do cố gắng hoà giải của Thái Lan, ASA cũng mất tác dụng đối nội của nó. Tổ chức khu vực thứ hai ra đời tháng 8 năm 1963 là MAPHILINDO bao gồm Malaysia, Philippin và Indonesia. Mục đích của MAPHILINDO là "khôi phục và tăng cường sự thống nhất lịch sử và di sản chung của các dân tộc Malaysia, xích họ lại gần nhau thông qua hợp tác kinh tế và văn hoá chặt chẽ". Nhưng do mỗi nước theo đuổi một ý đồ riêng, và sau những biến cố ở Jakarta, sự thay đổi chính phủ ở Manila đã dẫn tới sự tan rã của tổ chức này. Tuy ASA và MAPHILINDO không thọ được lâu nhưng lại có tác dụng xúc tiến quá trình hình thành tổ chức ASEAN sau này, nhất là sau khi năm nước khởi xướng yêu cầu Liên Hợp quốc giúp họ hoạch định một dự án kế hoạch hoá kinh tế và xem xét khả năng hợp tác giữa các nước ASEAN.

Vẫn kiên trì mục tiêu hợp tác khu vực, ngày 8 tháng 8 năm 1967 Bộ trưởng Ngoại giao các nước Indonesia, Thái Lan, Philippin, Singapore và Phó thủ tướng Malaysia ký tại Bangkok bản Tuyên bố thành lập Hiệp hội các nước ĐNA (ASEAN). Bản tuyên bố đó là hiến chương của ASEAN. Căn cứ nội dung của Tuyên bố, có thể thấy ba mục tiêu lớn của tổ chức này là :

1. Hợp tác kinh tế và xã hội giữa các quốc gia thành viên với niềm tin tưởng rằng sự tăng cường kinh tế là nguồn gốc của tiến bộ xã hội và văn hoá.

2. Hợp tác vì hoà bình và ổn định khu vực bằng việc triệt để tôn trọng công bằng và ưu tiên luật pháp trong quan hệ giữa các nước trong khu vực và nghiêm chỉnh tuân theo các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

3. Hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực khác.

Tuy vậy Tuyên bố Bangkok không có sức ràng buộc. Cũng có thể nói đó là bản tuyên bố ý định chung của các chính phủ hữu quan.

Ngày 27 tháng 11 năm 1971, ngoại trưởng các nước ASEAN ký bản Tuyên bố Kuala Lumpur, đánh dấu quá trình chính trị hoá ASEAN. Theo Tuyên bố này, năm nước thành viên tán thành trung lập hoá khu vực và bày tỏ quyết tâm phấn đấu để giành sự công nhận ĐNA là khu vực hoà bình, tự do và trung lập (ZOPFAN) thoát khỏi mọi hình thức và biện pháp can thiệp của các cường quốc bên ngoài. Tuyên bố cũng lưu ý các nước khác của ĐNA về các mục tiêu được nêu.

Nhưng tình hình quốc tế và khu vực phát triển nhanh chóng, do tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nhất là sau cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973, các nước lớn điều chỉnh chiến lược của mình và lấy chạy đua kinh tế thay cho chạy đua quân sự. Mỹ rút quân khỏi Đông Dương và Subic, Clark. Việt Nam, Lào và Campuchia được giải phóng. Khu vực ĐNA hình thành hai nhóm nước : Nhóm Đông Dương có quan hệ với cả Liên Xô, Trung Quốc và nhóm ASEAN thân phương Tây. Nội bộ ASEAN thấy cần phải đẩy mạnh hợp tác giữa họ với nhau.

Ngày 24 tháng 2 năm 1976, tổng thống Indonesia Soeharto, Thủ tướng Malaysia Datuk Hussein Onn, Tổng thống Philippin Ferdinand E. Marcos, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và Thủ tướng Thái Lan Kukrit Pramoj họp tại Den Pasar, Bali, và ký "Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ở ĐNA" nhằm mục tiêu "xúc tiến giữa nhân dân nước họ một nền hoà bình vĩnh cửu, một tình hữu nghị và một sự hợp tác bền vững có thể phát huy sức mạnh, tình đoàn kết và thắt chặt các quan hệ của họ". Hiệp ước hướng về các vấn đề nội bộ của ASEAN. Cũng trong dịp này, các vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ còn ký bản "Tuyên bố về hoà hợp của ASEAN". Bản tuyên bố này bao gồm một chương trình hành động làm khung cho sự hợp tác chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá và an ninh nhằm xoá bỏ nghèo nàn, xoá nạn mù chữ, mở rộng bổ sung kinh tế lẫn cho nhau. Chương trình có ba ưu tiên kinh tế tập trung vào ba mục tiêu : công nghiệp, sản phẩm cơ sở và thương mại.

Đến đây, các nước ASEAN coi như đã hoàn chỉnh khung pháp lý cho sự hợp tác giữa họ với nhau, đồng thời mở cửa đón nhận các nước láng giềng trong khu vực.

II

Việt Nam cũng như các nước khác ở ĐNA đã từng là thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, cho nên có sự thông cảm sâu sắc. Thời kỳ còn hoạt động ở Pháp, Nguyễn A'i Quốc, qua tờ báo Le Paria, đã kêu gọi các dân tộc thuộc địa A' - Phi đoàn kết chống chủ nghĩa thực dân. Khi mới ra đời, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã nêu rõ chính sách đoàn kết với nhân dân các nước thuộc địa cùng chống thực dân đế quốc. Cho tới giữa thập kỷ 50 nhân dân các nước ĐNA đều đứng lên chống thực dân Anh, Pháp, Hà Lan và đoàn kết với nhau, ủng hộ lẫn nhau. Nhưng từ nửa cuối thập kỷ 50, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, lôi kéo một số nước khu vực vào khối xâm lược ĐNA SEATO, tìm cách chia rẽ các nước trong khu vực. Nhưng ngay trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trong điều kiện bị bao vây bốn phía, nhân dân Việt Nam đã được sự giúp đỡ của các chính phủ Thái Lan, Mianma, Â'n Độ, Indonesia và lập được những cơ quan đại diện tại các nước này, nhờ đó mà bước đầu phá được vòng vây.

Sau khi buộc Mỹ phải rút quân và đánh đổ hai chính quyền Sài Gòn, miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam thống nhất một nhà... Sau khi ra đời, ngày 2 tháng 7 năm 1976, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã công bố rõ ràng chính sách đối ngoại của mình. Ngày 5 tháng 7 năm 1976, trả lời phỏng vấn của Việt Nam thông tấn xã, Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Duy Trinh đã công bố chính sách bốn điểm của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với các nước ĐNA, mà chủ yếu là các nước ASEAN(1).

Ngày 24 tháng 2 năm 1976, năm nước thành viên của ASEAN ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác tại Bali, nêu các nguyên tắc về hữu nghị, hợp tác, giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên và sẵn sàng nhận các nước khác ở ĐNA tham gia Hiệp ước Bali. Khi đó là đã gần một năm sau khi chính quyền miền Nam Việt Nam sụp đổ mà không một nước nào trong ASEAN bị tấn công. Phải chăng ở đây cũng bao hàm ý nghĩa thăm dò Việt Nam sau đại thắng Mùa Xuân ? Bất kể thế nào, Tuyên bố của Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh rõ ràng là một bàn tay hữu nghị và hợp tác của Việt Nam chìa ra với các nước ĐNA, chủ yếu là ASEAN.

Tuyên bố bốn điểm của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được các nước ASEAN hoan nghênh, vì nó phù hợp với các nguyên tắc của Hiệp ước Bali. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Philippin ngày 12 - 7 - 1976, với Thái Lan ngày 6-8-1976. Nếu tính cả Indonesia đã có quan hệ ngoại giao với ta từ 1964, Malaysia và Singapore đã có quan hệ với ta từ năm 1973 sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, thì ta đã có quan hệ ngoại giao với cả năm nước ASEAN (khi đó chưa có Brunei) mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ giữa nước ta và các nước trong khu vực. Các cuộc viếng thăm các nước ASEAN của Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh cuối năm 1976 và đầu năm 1977, của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tháng 9 và tháng 10/1978 đã giúp các nước ASEAN hiểu rõ hơn chính sách hữu nghị và hợp tác của Việt Nam, làm tăng thêm hứa hẹn về tương lai quan hệ giữa các nước trong khu vực.

Sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết, quan hệ Việt Nam với ASEAN trở lại bình thường. Các cuộc thăm viếng qua lại giữa các nhà lãnh đạo các nước càng thúc đẩy quan hệ hữu nghị và tin cậy lẫn nhau. Tháng 7 - 1992 Việt Nam ký Hiệp ước Bali và trở thành quan sát viên của ASEAN. Ngày 27 - 7 - 1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN. Đây là một sự kiện rất quan trọng trong lịch sử ĐNA. Đối với Việt Nam, đây là sự hội nhập khu vực theo đúng chính sách truyền thống của Việt Nam và chính sách 4 điểm tháng 7 năm 1976. Đối với ASEAN, đây là một sự mở rộng cần thiết để tiếp tục kế hoạch của tổ chức nhằm bao gồm cả 10 nước của khu vực, làm cho ĐNA đóng vai trò to lớn hơn trong khu vực và trên thế giới.

III

Ngày 24 tháng 7 năm 1997, tại Kuala Lumpur, Hội nghị lần thứ 30 Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã trọng thể kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập ASEAN. Các vị đại biểu đều vui mừng nhận thấy sự lớn mạnh của ASEAN trong sự nghiệp duy trì hoà bình, ổn định và phát triển ở ĐNA cũng như CA-TBD.

Trước hết cần nêu bật ý nghĩa của việc kết nạp thêm hai nước Lào và Mianma ngày 23 tháng 7 vừa qua và Campuchia trong tương lai không xa. Đây là sự hoàn chỉnh ý tưởng một ASEAN gồm đầy đủ 10 thành viên trong khu vực ĐNA, một sự tự vượt mình bằng nghị lực và bao dung. Đây là sự biểu dương sức mạnh của ASEAN, một tổ chức có 4,3 triệu km2, với dân số hơn 480 triệu người, có tổng sản phẩm quốc nội 632,5 tỉ USD và tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm 339,2 tỉ USD.

Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế ASEAN cũng đã đạt thể tích to lớn thể hiện trong việc xây dựng mậu dịch tự do AFTA trong năm năm qua, đưa xuất khẩu giữa các nước ASEAN trong 6 tháng đầu năm 1996 tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong các lĩnh vực khác như sở hữu trí tuệ, công nghiệp, dịch vụ, giao thông vận tải, viễn thông, năng lượng, tài chính, ngân hàng cũng đã có nhiều tiến bộ. Hiện nay ASEAN đang mở rộng quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), Diễn đàn hợp tác châu A' - Thái Bình Dương (APEC). Nhiều nước Đông Âu đã ngỏ ý thiết lập quan hệ với ASEAN. Triển vọng hợp tác giữa ASEAN với khu vực Nam A' và Nam Phi cũng trong tầm tay. Tương lai ASEAN thật là xán lạn. Tuy nhiên, hiện đang có những hoạt động nhằm gây mất ổn định đối với tình hình tiền tệ của ASEAN. Các nước ASEAN đã thoả thuận tăng cường sự hợp tác để bảo vệ lợi ích của mình.

Về hợp tác chính trị, từ khi thành lập, ASEAN đã được quan niệm và coi như là công cụ để giảm bớt, nếu không giải quyết được các vấn đề an ninh bên trong từng thành viên hoặc bên ngoài thành viên. Trong thời gian đầu, có các cuộc tranh cãi giữa Philippin và Malaysia, giữa Malaysia và Thái Lan. Philippin đòi đất Sabah là của họ và yêu cầu Malaysia cùng đưa vấn đề ra Toà án pháp lý La Haye. Hai bên gặp nhau tại Bangkok nhưng không giải quyết được vấn đề, và năm 1968 Tổng thống Marcos lại quyết định nhận Sabah vào lãnh thổ Philippin. Sự trung gian của Thái Lan và Indonesia đã có tác dụng bình thường hoá quan hệ Philippin - Malaysia năm 1969 nhưng không phải đã giải quyết triệt để được vấn đề mà tình hình tranh cãi còn tiếp tục cho đến khi Marcos không làm Tổng thống nữa. Khi đó, năm 1987, Philippin thông qua Hiến pháp mới mà không nhắc đến việc coi Sabah là lãnh thổ Philippin nữa. Vấn đề tranh cãi giữa Malaysia và Thái Lan cũng tương tự. Thái Lan chống lại một phong trào ly khai của dân Hồi giáo thuộc 3 tỉnh Nam Thái Lan giáp với Malaysia, được bốn bang của Liên bang Malai tích cực ủng hộ. Đến những năm 60, Bangkok và Kuala Lumpur quyết định chấm dứt cuộc tranh cãi để cùng chống cộng sản ở vùng biên giới chung. Tuy vậy, vấn đề dân Hồi giáo ở hai bên biên giới vẫn còn là vấn đề dễ bùng nổ.

Đến cuộc xung đột ở Campuchia, ASEAN bị phân hoá. Thái Lan công khai ủng hộ chính sách của Bắc Kinh và công khai ủng hộ các lực lượng Polpot. Indonesia và Malaysia chủ trương đối thoại với Việt Nam, vì về lâu dài Việt Nam không phải là nguy cơ đối với ASEAN. Những thất bại liên tiếp của Polpot làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho nhân dân Campuchia. Việc Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia đã tạo thuận lợi cho việc tìm một giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia, trong đó Indonesia và Malaysia đóng một vai trò xây dựng rõ ràng.

Gần đây, khi xẩy ra cuộc khủng hoảng ở Campuchia tháng 7 năm 1997, ASEAN đã khẳng định nguyên tắc không can thiệp vào công việc của Campuchia nhưng sẵn sàng giúp ổn định tình hình và đã hai lần cử đoàn đến Phnompênh tiếp xúc với các nhà cầm quyền Campuchia.

Tình hình Biển Đông đã trở nên phức tạp do sự vi phạm chủ quyền của các nước trong khu vực, ASEAN đã ra tuyên bố Manila năm 1992 kêu gọi các nước trong khu vực tôn trọng chủ quyền của các nước khác, tránh gây tình hình phức tạp đe doạ an ninh khu vực, và triệt để tôn trọng Công ước về Luật biển 1982. ASEAN kêu gọi các nước có biện pháp xây dựng lòng tin và giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.

Sau chiến tranh lạnh, trong lúc nhiều khu vực khác trên thế giới còn bị khủng hoảng về khái niệm an ninh thì ASEAN đã thiết lập được Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), lấy sự tin cậy lẫn nhau thông qua đối thoại xây dựng lòng tin, tiến hành ngoại giao phòng ngừa và giải quyết xung đột bằng biện pháp hoà bình làm nền tảng của an ninh. Hiện nay đã có 21 nước tham gia ARF.

Trong ba mươi năm qua ASEAN đã đạt được nhiều thành công trong hợp tác kinh tế, trong việc xây dựng ĐNA thành khu vực hoà bình, tự do và trung lập, phi hạt nhân, trong việc mở rộng quan hệ ra ngoài khu vực vì hoà bình và phát triển trên thế giới. ASEAN ngày nay có sức nặng, tiếng nói của ASEAN ngày càng được vị nể.

"Chúng ta là ASEAN".

Câu hát đó là lòng tự hào về con đường ba mươi năm đã qua, đồng thời là niềm tự tin đi vào thế kỷ XXI./.

Cùng chuyên mục