Số 19 - Asean hướng về tương lai

02:35 22/03/2012

Asean hướng về tương lai

Tác giả: Phạm Cao Phong.

Được thành lập cách đây vừa tròn 30 năm (8/1967), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam A' (ASEAN) đã tuyên bố mục tiêu chính của tổ chức là tăng cường hợp tác về kinh tế. Về chính trị, mục tiêu cơ bản của ASEAN là đảm bảo ổn định, an ninh và phát triển của toàn khu vực Đông Nam A'(ĐNA) và từng nước ASEAN. ASEAN đại diện cho ý chí tập thể của các nước thành viên. Các nước này gắn bó với nhau và phấn đấu để đảm bảo cho nhân dân và các thế hệ mai sau có hoà bình, tự do và thịnh vượng(1) .

Nhưng bối cảnh quốc tế và khu vực trong thời kỳ chiến tranh lạnh đã không cho phép ASEAN thực hiện được mục tiêu về hợp tác kinh tế và chỉ tập trung vào hợp tác về chính trị là chủ yếu. Trong thời gian này, khu vực ĐNA là một trong những khu vực bất ổn định nhất trên thế giới. Ngoài những bất ổn định trong nội bộ từng nước còn có cuộc chiến tranh nóng do Mỹ tiến hành. Tình hình không ổn định của khu vực kéo dài cho đến khi chiến tranh lạnh kết thúc. Sự tan rã của Nhà nước Xô Viết đã tạo ra sự thay đổi về chất trong quan hệ quốc tế. Hiệp định Paris về Campuchia năm 1991 đánh dấu sự chấm dứt đối lập giữa hai nhóm nước trong khu vực và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác khu vực cả về kinh tế và chính trị phát triển, nâng cao vị trí của tổ chức ASEAN không chỉ trong khu vực ĐNA mà còn trong cả khu vực Châu A' - Thái Bình Dương (CA-TBD). Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập ASEAN là dịp tốt nhất để nhìn lại chặng đường phát triển đã qua của tổ chức này, đồng thời nhìn tới tương lai nhằm xác định con đường phát triển đi tới phồn vinh của cả khu vực.

Trong bối cảnh đó, Đại hội ASEAN lần thứ hai đã được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia từ ngày 21 đến 23 tháng 7 năm 1997 (Đại hội ASEAN lần thứ nhất được tổ chức năm 1992 cũng tại đất nước với biểu tượng cây cọ này). Với chủ đề ASEAN : Tầm nhìn năm 2020, Đại hội đã giành một phần thời gian kiểm điểm lại những thành công và thất bại của ASEAN trong vòng 30 năm qua, đồng thời giành phần lớn thời gian phân tích những thách thức và thời cơ đối với sự phát triển của tổ chức ASEAN trong thời gian cho đến năm 2020.

30 năm ASEAN : Thành công và tồn tại:

Kể từ khi thành lập đến nay, ASEAN đã đạt được những thành tựu đáng kể. Đó là việc ASEAN đã hoạt động tích cực nhằm duy trì an ninh trong nội bộ từng nước và xoá bỏ những nghi kỵ, tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau và lòng tin giữa các nước thành viên. Trong vòng 30 năm qua đã không xảy ra một cuộc chiến tranh nào giữa các nước thành viên. Từ một khu vực liên tiếp có chiến tranh, ngày nay ĐNA đã trở thành một khu vực có nền hoà bình và ổn định tương đối trên thế giới. Tuy trên phạm vi thế giới, sự khác biệt về những hệ tư tưởng khác nhau vẫn còn tồn tại, nhưng ngày nay khu vực ĐNA không còn bị chia cắt bởi những khối nước có hệ tư tưởng khác nhau, không còn hàng rào ngăn cách sự hợp tác giữa các nước trong khu vực. Tất cả các nước đều mong muốn và hướng về một sự hợp tác khu vực tốt đẹp. Trong thời gian không xa, ASEAN sẽ thực hiện được ý nguyện ban đầu là thành lập một tổ chức bao gồm tất cả các nước trong khu vực ĐNA, vì cho đến nay, việc Campuchia tham gia tổ chức chỉ là vấn đề thời gian. Như vậy, có thể nói ASEAN đã đạt được mục tiêu ban đầu về mặt chính trị. Đây là thành công lớn nhất, quan trọng nhất trong 30 năm tồn tại và phát triển của ASEAN.

Để làm được điều đó, ASEAN đã đề ra một số luật lệ và cách ứng xử giữa các nước thành viên. Những luật lệ này đã tạo nên bản sắc riêng biệt của ASEAN, và đã trở thành một bộ phận của nền văn hoá ASEAN. Đó chính là nội dung của phương thức ASEAN - một phương thức riêng biệt của ASEAN, không giống bất cứ một tổ chức khu vực nào khác trên thế giới. Và chính phương thức này là nguyên nhân quan trọng đóng góp vào việc tạo nên sức mạnh của ASEAN, chống lại sức ép từ bên ngoài, duy trì được sự thống nhất chung, tình hữu nghị và sự đoàn kết giữa các nước, các dân tộc với nền văn hoá, tôn giáo, thể chế chính trị và trình độ phát triển kinh tế khác nhau. Ngày nay, SEAN đã trở thành một lực lượng chính trị lớn trong khu vực ĐNA nói riêng và CA-TBD nói chung mà tất cả các nước lớn đều phải tính đến khi triển khai chính sách của họ đối với khu vực. Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) đã tập hợp được tất cả các nước lớn trên thế giới, và đã trở thành một diễn đàn quan trọng trong việc duy trì hoà bình và an ninh trong khu vực. Bên cạnh đó, diễn đàn hợp tác A' - Âu (ASEM) đã được hình thành nhờ vào sáng kiến của ASEAN.

Như trên đã phân tích, tuy mục đích chính của ASEAN là hợp tác về kinh tế, nhưng trong giai đoạn đầu (1967-1975) việc chung sống hoà bình giữa các nước đã thu hút toàn bộ các hoạt động của ASEAN. Chỉ từ năm 1976, ASEAN mới bắt đầu tiến hành những bước hợp tác kinh tế đầu tiên và trong 8 năm (1985-1992), ASEAN đã củng cố mối quan hệ kinh tế này. Từ năm 1992, cùng với quá trình toàn cầu hoá về kinh tế diễn ra mạnh mẽ, ASEAN đã tích cực đẩy mạnh hợp tác kinh tế khu vực mà tiêu biểu nhất là việc thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), khu vực đầu tư ASEAN (AIA) v.v... Hiện nay ASEAN đứng thứ tư trên thế giới về thương mại. Kim ngạch thương mại giữa các nước ASEAN đã tăng từ 10 tỉ đô la Mỹ năm 1967 lên tới 620 tỉ đô la Mỹ năm 1995. Với những kế hoạch xây dựng một số công trình giao thông xuyên khu vực, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nhân nước ngoài, sự hợp tác giữa các nước ASEAN ngày càng tăng, đồng thời cũng làm tăng tính phụ thuộc về kinh tế giữa các nước thành viên và sự thịnh vượng về kinh tế cho từng nước. Trong thời gian qua, nền kinh tế của các nước thành viên có sự chuyển đổi. Một số nước đang thực hiện công nghiệp hoá với tốc độ cao trong bối cảnh khu vực ĐNA là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất thế giới. Hiện nay, Singapore là một trong những nước NICs, là một con rồng châu A'. Singapore và Brunei nằm trong số những nước có thu nhập theo đầu người cao nhất thế giới: 28.666 đô la Mỹ ở Singapore và 16.500 đô la Mỹ ở Brunei. Các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia với sự quản lý thận trọng đang tiến dần tới mức trên. Philippines và Việt Nam có mức tăng trưởng cao : hiện nay Philippines có mức tăng trưởng là 5,5%, và sẽ tăng lên 6,6% vào đầu thế kỷ tới. Từ năm 1990 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam là 8,6%. Hai nước mới gia nhập ASEAN cũng có tốc độ phát triển khả quan : 6,2% ở Myanmar (năm 1996) và 8% ở Lào (năm 1994).

Bên cạnh những thành tựu nêu trên, còn nhiều lĩnh vực ASEAN chưa vươn tới hoặc chưa giải quyết được. ASEAN chưa thể chế hoá hết những quy tắc ứng xử giữa các nước, gây ra một số trở ngại cho việc giải quyết bất đồng giữa các nước thành viên. Giữa các nước ASEAN có khoảng cách khá xa về phát triển kinh tế, tạo thành hai nhóm nước: ASEAN giầu và ASEAN nghèo. Ngoài ra, cho đến nay, sau 30 năm tồn tại và phát triển, ASEAN vẫn chưa thực hiện được một cách hoàn hảo ý tưởng ban đầu là thành lập một tổ chức bao gồm tất cả các nước trong khu vực với mục đích chính là tăng cường hợp tác về kinh tế. Việc các nước ASEAN ít tiến hành nghiên cứu về chính tổ chức của mình là một trong những nguyên nhân đưa đến những khuyết điểm nói trên. Cựu Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Thái Lan Thonat Khoman - một trong những người ký thoả ước thành lập ASEAN 30 năm trước đây - phát biểu ý kiến riêng cho rằng trong thời gian qua, ASEAN mới chỉ đáp ứng được 50% yêu cầu do các nhà lãnh đạo ASEAN đề ra trước đây. ASEAN đã tạo ra sự hoà đồng về văn hoá giữa các nước thành viên (cultural harmony) nhưng vị trí và vai trò của ASEAN còn bị hạn chế, chưa có vai trò đi đầu trong việc giải quyết các vấn đề khu vực.

ASEAN : hướng tới tương lai:

Mục tiêu của ASEAN trong thời gian tới là biến ĐNA thành khu vực hùng mạnh và tự chủ về chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh, có phúc lợi tốt nhất cho con người. Đó là cộng đồng năng động, tự chủ gồm các quốc gia tiến bộ, được hưởng hoà bình, thịnh vượng và quyền hạn. ĐNA sẽ trở thành một khu vực có nền hoà bình kiểu ASEAN - một nền hoà bình không cần bảo vệ biên giới giữa các quốc gia, sống trong nền hoà bình chung và hợp tác. Về kinh tế, ĐNA sẽ là khu vực thịnh vượng chung, một cộng đồng kinh tế khu vực có tổng thu nhập sản phẩm quốc nội (GDP) lớn hơn GDP của Mỹ hoặc của Nhật Bản.

Trên con đường đi tới của mình, lẽ dĩ nhiên ASEAN sẽ gặp phải những khó khăn và thách thức nhất định. Khi đề cập đến vấn đề này, có hai luồng quan điểm khác nhau: bi quan và lạc quan. Một số quan chức cao tuổi có cách nhìn lạc quan về thành tích cũng như tương lai xán lạn của ASEAN, trong khi các nhà nghiên cứu và quan chức khác thiên về quan điểm cho rằng, để có thể vươn tới những đỉnh cao mơ ước nói trên, ASEAN phải phấn đấu rất nhiều, phải vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách, trong số đó có rất nhiều những thách thức từ bên ngoài, nằm ngoài ý muốn của ASEAN.

Những thách thức từ trong nội bộ ASEAN:

Với đặc điểm là các nước trong khu vực có hệ thống chính trị và trình độ phát triển khác nhau, có quan điểm và chiến lược phát triển khác nhau, nhất là trong bối cảnh mở rộng thành viên và nhiều quy hoạch trong nội bộ tổ chức chưa được thể chế hoá, thì việc duy trì sự liên kết và nhất trí chung giữa các nước thành viên là một thách thức đối với sự thành bại của Hiệp hội trong tương lai. Bên cạnh đó, một yêu cầu đặt ra là phải nâng cao chất lượng hợp tác, phải có kế hoạch hợp tác cụ thể giữa các nước thành viên, đặc biệt là kế hoạch giúp đỡ các nước có nền kinh tế kém phát triển hơn để thực hiện mục tiêu là tiến tới một nền kinh tế khu vực phát triển hơn, nền thịnh vượng chung trong khu vực. Hiện nay tăng cường hợp tác trong ASEAN là một việc làm cần thiết, nhất là trong bối cảnh nhiều vấn đề, nhiều thách thức đã vượt khỏi biên giới của một quốc gia như vấn đề môi trường, vấn đề chống ma tuý và cướp biển, hậu quả của tình trạng phân bố tài nguyên không đồng đều v.v...

Để thực hiện được mục tiêu về kinh tế như trên đã nêu, các nước ASEAN đều cần duy trì môi trường hoà bình và ổn định trương đối đã đạt được trong khu vực do chiến tranh lạnh kết thúc, trong đó cần phải giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ, kể cả tranh chấp đa phương tại Biển Đông - vốn được coi là một trong những nguồn dễ gây mất ổn định trong khu vực, trong thời gian ngắn nhất. Các nước ASEAN đều coi đây là một điều kiện cần thiết để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu phát triển khu vực hoà bình và thịnh vượng. Trước một thực tế là trong thời gian qua hầu hết các nước ASEAN đều tăng chi phí quốc phòng, vấn đề đặt ra là các nước ASEAN cần phải giữ làm sao cho việc tăng cường chi phí quân sự không đưa đến xung đột về quân sự, duy trì được nền hoà bình khu vực mà trong suốt thời gian chiến tranh lạnh không kiến tạo được. Một trong những biện pháp mà ASEAN phải tiến hành là công khai hoá và tích cực thi hành các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các nước trong khu vực.

Một câu hỏi được đặt ra là với những thay đổi bên trong Hiệp hội cũng như môi trường địa - chính trị ở CA-TBD thì ASEAN sẽ phải hành động như thế nào: ASEAN sẽ duy trì nguyên tắc hoạt động vốn có hay là phải đề ra những nguyên tắc mới? Một số đại biểu đề nghị ASEAN nên áp dụng những nguyên tắc như "dính líu tích cực" (constructive involvement) và "can thiệp tích cực" (constructive interference, constructive intervention) đối với các vấn đề nội bộ của các nước trong khu vực và các vấn đề giữa các nước lớn liên quan đến khu vực. Xét quá trình phát triển của ASEAN trong thời gian qua, chúng ta thấy việc đề ra những nguyên tắc hoạt động mới là một việc làm không dễ dàng, cần phải xem xét và cân nhắc đến nhiều yếu tố : trước hết là những tôn chỉ mục đích ban đầu của Hiệp hội - một tổ chức khu vực chứ không phải là tổ chức siêu quốc gia. Thứ hai là phải cân nhắc đến sự tự nguyện chấp nhận và thi hành của tất cả các nước thành viên trong bối cảnh còn tồn tại nhiều khác biệt giữa các nước này. Thứ ba là khả năng, vai trò của ASEAN đối với an ninh khu vực ĐNA nói riêng và CA-TBD nói chung. Thứ tư là cần tính đến phản ứng của các nước ngoài khu vực, nhất là các nước lớn.

Việc mở rộng thành viên đã tạo nên thực tế là ASEAN bị chia thành hai nhóm nước có trình độ phát triển kinh tế khác nhau. Điều đó gây ra những khó khăn nhất định trong việc tăng cường hợp tác về kinh tế giữa các nước thành viên. Một điều có thể thấy rõ là quá trình thực hiện AFTA bị kéo dài, gây ra những khó khăn nhất định trong việc thiết lập thị trường hàng hoá chung trong khu vực. Ngoài ra, sự thịnh vượng chung của toàn khu vực còn phụ thuộc vào sự thịnh vượng của từng nước thành viên. Thách thức lớn nhất đối với các nước ASEAN là trong khi điều chỉnh cơ cấu kinh tế, các nước này cần phải xác định đúng đắn mục tiêu và con đường phát triển kinh tế của mình nhằm thoả mãn nhu cầu ngày càng cao về vật chất và tinh thần của nhân dân. Việc nâng cao trình độ dân trí cũng như những hiểu biết về khoa học kỹ thuật tiên tiến là một thách thức đối với các nước này. Bên cạnh đẩy mạnh hợp tác khu vực, tinh thần tự cường dân tộc phải được đề cao.

Những thách thức từ bên ngoài:

Việc kết thúc chiến tranh lạnh đã mở ra một thời kỳ mới trong sự phát triển của thế giới. Nhưng cho đến hiện nay, xu hướng phát triển của thế giới vẫn không rõ ràng. Trong tương lai, liệu chúng ta sẽ sống trong một thế giới một cực hay thế giới đa cực hay thế giới một cực đa trung tâm vẫn là một câu hỏi lớn đối với các nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế trên thế giới. Các nước lớn đang trong quá trình điều chỉnh chính sách và cần có thêm một thời gian nữa mới có thể đánh giá đầy đủ về việc điều chỉnh chính sách này. Ơ CA-TBD, môi trường địa - chính trị cũng đã thay đổi, trong đó nổi lên khả năng hình thành tam giác chiến lược Mỹ - Trung - Nhật với mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc là quan trọng nhất. Việc thiết lập cơ chế an ninh khu vực cần được đặt trong bối cảnh sự tiến triển của quan hệ Mỹ - Trung. Xét về cân bằng lực lượng, trong vòng 20 năm tới, Trung Quốc chưa thể khống chế nhiều vùng trên thế giới, chưa thể trở thành đối thủ của Mỹ. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng CA-TBD sẽ bị phân cực do tác động của quan hệ Mỹ - Trung, Trong bối cảnh đó, thách thức đặt ra với các nước ASEAN là phải làm gì và làm thế nào để duy trì hoà bình và an ninh trong khu vực, và liệu ASEAN có thể đóng vai trò gì góp phần vào việc phát triển quan hệ Mỹ - Trung theo hướng lành mạnh, không đưa đến đối đầu? Phải chăng ASEAN nên có vai trò chủ động hơn trong các tổ chức như ARF, Cộng đồng kinh tế Châu A' - Thái Bình Dương (APEC) v.v. .. ?

Về kinh tế, quá trình toàn cầu hoá với sự liên kết và phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các nước trên thế giới sẽ tác động đến quá trình hợp tác kinh tế của các nước ASEAN. Trong 30 năm qua, ASEAN có lợi thế so sánh tương đối lớn về kinh tế, nhưng hiện nay cùng với quá trình toàn cầu hoá và khu vực hoá về kinh tế, các nước này sẽ gặp phải những khó khăn lớn hơn : cạnh tranh về thị trường, về nguồn vốn đầu tư sẽ ngày càng gay gắt hơn. Một ví dụ điển hình là việc tăng giá đồng đô la Mỹ đang tác động xấu đến sự phát triển kinh tế của các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện AFTA có khả năng bị chậm lại sẽ gây thêm khó khăn cho các nước này do quá trình toàn cầu hoá về kinh tế đang diễn ra với mức độ nhanh, việc thực hiện các thoả thuận trong APEC sẽ bao trùm và diễn ra nhanh hơn so với việc thực hiện các thoả thuận về AFTA. Hơn thế nữa, mô hình hợp tác kinh tế giữa các nước ASEAN sau khi thực hiện AFTA vẫn chưa được xác định. Nhiều nhà phân tích cho rằng do những đặc điểm khác nhau, ASEAN không thể áp dụng những mô hình hợp tác sẵn có như Liên minh Châu Âu (EU).

Thay lời kết:

Một câu hỏi được đặt ra là trong thời gian tới liệu tổ chức khu vực này có thể đạt được những thành công như trong 30 năm qua hay không ? Phải chăng đây là thách thức lớn nhất, bao trùm lên mọi thách thức đối với ASEAN ? Để trả lời câu hỏi này, cần thấy rõ cơ sở cho việc phát triển của ASEAN trong thời gian tới dựa vào việc xem xét sự phát triển của ASEAN trong thời gian qua. Để đạt được mục tiêu ban đầu đã đề ra, trong 30 năm qua, ASEAN đã áp dụng chiến lược phát triển với hai nội dung chủ yếu là phát triển theo chiều sâu và phát triển theo chiều rộng.

Chiến lược phát triển theo chiều sâu thể hiện ở chỗ ASEAN gạt sang một bên những bất đồng, tập trung thực hiện kế hoạch tự do hoá mậu dịch trong khối, cố gắng thực hiện nhất thể hoá về kinh tế giữa các nước thành viên, và thông qua hợp tác để tăng thêm thực lực chung của cả khối. Trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, lợi ích chính của các nước ASEAN là tập trung phát triển kinh tế trong nước và thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khu vực nhằm thực hiện những mục tiêu ban đầu. Phát huy những thành tích về phát triển kinh tế đã đạt được từ cuối những năm 70 và trong thập niên 80 về xây dựng nền công nghiệp thay thế hàng nhập khẩu, các nước ASEAN tập trung phát triển kinh tế theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là Singapore đang triển khai kế hoạch xây dựng nền kinh tế dựa trên cơ sở phát triển ngành công nghệ cao. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ tư tháng 2 năm 1992, các nước ASEAN đã ký Hiệp định thành lập AFTA nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực và thu hút nhiều hơn nữa đầu tư nước ngoài, nhằm duy trì sự phát triển kinh tế với tốc độ cao của các nước thành viên.

Chiến lược phát triển theo chiều rộng thể hiện ở chỗ ASEAN mở rộng kết nạp thêm các nước thành viên mới với mục đích tăng thêm sức mạnh tổng hợp của cả khối. Việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 đã tạo bước chuyển biến mới trong hợp tác khu vực và tạo tiền đề thuận lợi cho việc mở rộng ASEAN bao gồm tất cả 10 nước trong khu vực. Hợp tác chính trị của các nước ASEAN ngày càng được tăng cường. Các nước ASEAN đã có chung tiếng nói trong nhiều vấn đề như vấn đề phi hạt nhân hoá khu vực, vấn đề dân chủ và nhân quyền v.v... ASEAN đang từng bước trở thành một lực lượng chính trị lớn tại khu vực và có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.

Những thành tích đã đạt được trong việc thực hiện hai chiến lược phát triển trên đây là những tiền đề quan trọng đối với sự phát triển của ASEAN trong thời gian tới. Bên cạnh đó, những yếu tố bên ngoài đã tác động đến triển vọng phát triển của ASEAN trong thế kỷ XXI. Hiện nay, toàn cầu hoá và khu vực hoá trở thành dòng chảy chính của thế giới, tác động đến sự liên kết giữa các quốc gia với nhau. Nhu cầu liên kết khu vực trở thành thiết yếu trong chiến lược phát triển của từng quốc gia. Hơn thế nữa, với bề dày thành tích đạt được trong 30 năm qua, ASEAN không có con đường nào khác là phải tiến lên phía trước, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ tổ chức và tăng cường vai trò chủ động trong quan hệ đối ngoại. Do đó, thách thức tuy nhiều nhưng con đường phát triển của ASEAN là xán lạn. Về chính trị, ASEAN sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với nền hoà bình và an ninh ở CA-TBD nói chung và ở ĐNA nói riêng. Với những nỗ lực của mình, ASEAN sẽ duy trì được nền hoà bình và an ninh trong khu vực nhằm tạo điều kiện cho các nước trong Hiệp hội phát triển hơn nữa đất nước mình. Về kinh tế, với dân số vào khoảng hơn 530 triệu dân vào năm 2020 và tốc độ phát triển kinh tế luôn luôn cao hơn tốc độ phát triển kinh tế chung của toàn thế giới trong gần ba thập kỷ qua, với nguồn tài nguyên phong phú, kết hợp với những chương trình hợp tác kinh tế và xã hội giữa các nước thành viên đang được bàn bạc và soạn thảo, ASEAN có triển vọng trở thành một lực lượng kinh tế đáng kể trong khu vực Châu A' - Thái Bình Dương(2) ./.

Tài liệu trích dẫn:

1. " ASEAN-An Overview", ASEAN Secretariat. Jacarta, 12/1991, tr. 49-50.

2. Trong thập kỷ 70, tốc độ tăng trưởng GDP của ASEAN là 7,12%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của thế giới trong cùng thời gian là 4,8%-Trong thập kỷ 80, các con số tương ứng là 4,53% và 1,6%. Trong nửa đầu thập kỷ 90, những chỉ số này là 8,42% và 2,1%./.

Cùng chuyên mục