Số 19 - Nga và Trung Quốc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược hướng tới thế kỷ 21

02:53 22/03/2012

Nga và Trung Quốc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược hướng tới thế kỷ 21

Tác giả: Hà Mỹ Hương.

Có thể nói, từ khi M. Gorbachov thực hiện chuyến thăm lịch sử đến Bắc Kinh năm 1989 đến nay, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể. Mấy năm gần đây, các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước đã có nhiều cuộc viếng thăm chính thức, có tính chất định kỳ, nhằm tăng cường sự hiểu biết và hợp tác với nhau về nhiều mặt. Chuyến thăm mới đây - chuyến thăm lần thứ 3 kể từ năm 1994 - của Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đến Moskva là vào cuối tháng 4/1997. Còn Tổng thống Nga B. Elsin sẽ đi thăm chính thức Trung Quốc vào đầu tháng 11/1997 - chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 3 của B. Elsin trên cương vị Tổng thống Liên bang Nga. Hoạt động ngoại giao tấp nập giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước Nga - Trung thu hút sự quan tâm theo dõi của dư luận thế giới và đưa lại những cách đánh giá khác nhau của giới nghiên cứu. Đó là vì, một mặt, đây là hai quốc gia lớn trên thế giới (Nga có diện tích lớn nhất thế giới: 17,1 triệu km2, Trung Quốc có dân số đông nhất thế giới: 1,224 tỷ người). Song điều cơ bản là vì trong quá khứ, quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này không những không mấy êm đẹp, mà còn có những bất đồng lớn, thậm chí đối đầu. Hiện nay, mặc dù quan hệ của họ đã tan băng, có tiến triển rõ rệt, song thái độ nghi kỵ, dè chừng vẫn tồn tại đâu đó ở cả hai phía; ở tầm vĩ mô, đường hướng chiến lược đối ngoại, ưu tiên đối ngoại, ... của họ rất khác nhau. Quan hệ giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực đang có những vấn đề tích tụ chưa được giải quyết. Chính vì vậy, việc Chủ tịch Giang Trạch Dân và Tổng thống B. Elsin, trong chuyến thăm Nga tháng 4/1997 của chủ tịch Giang, đã ký văn kiện "Tuyên bố Nga - Trung Quốc về thế giới đa cực và thiết lập trật tự thế giới mới" là một sự kiện nổi bật. Ngoài ra, cũng trong khuôn khổ chuyến thăm này, B. Elsin và Giang Trạch Dân còn ký với các nguyên thủ quốc gia 3 nước SNG (Cadăcstan, Cưgơrưstan và Tadgikistan) một Hiệp ước về cắt giảm lực lượng vũ trang ở khu vực biên giới chung giữa 5 nước. Đây cũng là một văn kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước đột phá lớn, khai thông và đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa các quốc gia này, khi chúng ta biết rằng biên giới giữa họ dài khoảng 7.000 km, trong đó biên giới giữa Nga và Trung Quốc là 4.209 km.

Điều gì đã thúc đẩy Nga và Trung Quốc ký các văn kiện ở tầm "đối tác chiến lược" kể trên ? Trước hết, chúng ta hãy lướt qua tình hình thế giới từ những năm đầu thập kỷ 90 đến nay.

Thế giới "sau chiến tranh lạnh":

Cùng với việc khối Vacsava giải thể (7/1990), các chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, Liên bang Xô viết tan rã (12/1991), thế giới bước sang một thời kỳ lịch sử mới gọi là thời kỳ "sau chiến tranh lạnh", "hậu Xô viết", "hậu chủ nghĩa xã hội hiện thực" như các học giả phương Tây hay gọi. Tuy nhiên cho đến nay, những đường nét đặc trưng của thời kỳ này vẫn chưa được định hình rõ rệt. Chiến tranh lạnh kết thúc là xét trên bình diện toàn cầu, còn ở nơi này nơi kia vẫn có biểu hiện tiếp diễn. Đặc biệt một số cuộc chiến tranh nóng cục bộ, xung đột vũ trang vẫn xảy ra và kéo dài. "Với việc chấm dứt chiến tranh lạnh, thế giới trở nên ít nguy hiểm hơn và khó tiên đoán hơn"(1). Song có thể nói, xu thế chủ đạo trong thời đại ngày nay vẫn là hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển. "Cục diện vừa đấu tranh (thậm chí bằng chiến tranh lạnh cục bộ hoặc từng phần), vừa hợp tác vẫn là đặc điểm chính chi phối quan hệ quốc tế và trật tự thế giới mới ít nhất là trong nửa phần đầu của thế kỷ tới"(2). Các quốc gia - dân tộc lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu đều tăng cường hợp tác, liên kết với nhau theo nhiều tầng nấc, trước hết vì lợi ích và sự phát triển của quốc gia - dân tộc mình. Tuy nhiên, vẫn như từ ngàn xưa trong lịch sử loài người, các cường quốc luôn luôn có vai trò, vị trí quyết định trật tự thế giới và chi phối hệ thống các quan hệ quốc tế. Chẳng hạn, trong suốt gần nửa thế kỷ "chiến tranh lạnh", Liên Xô và Mỹ đã tồn tại với tư cách là hai siêu cường đối địch, chi phối lẫn nhau và chi phối mọi mặt đời sống quốc tế trong trật tự hai cực.

Sau khi Liên Xô tan rã, thế giới chỉ còn lại một siêu cường duy nhất là Mỹ, nước luôn muốn duy trì địa vị bá chủ thế giới của mình. Song các cường quốc khác - dù là những cường quốc lâu đời hay mới nổi lên - không dễ chấp nhận mô hình trật tự thế giới như vậy. Trong bối cảnh đó, quan hệ giữa các cường quốc đang tạo ra cục diện thế giới sau chiến tranh lạnh. Thời kỳ quá độ này có lẽ còn diễn biến phức tạp và kéo dài, vì có nhiều nhân tố với những vectơ thuận nghịch đang cùng tác động vào đó. Các cường quốc thế giới đang trong quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh với nhau và ra sức tập hợp lực lượng, để từ đó xác lập vai trò, vị trí có lợi nhất cho mình. Tuy nhiên, với tiềm năng, sức mạnh khác nhau, các cường quốc cũng có những lợi thế so sánh khác nhau trên con đường xác lập vị trí quốc tế cho mình. Nga và Trung Quốc cũng vậy.

Liên bang Nga-một cường quốc đang suy yếu:

Liên bang Nga kế thừa phần lớn tiềm lực kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nhất là tiềm lực quân sự hùng hậu với kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Liên Xô cũ. Với đất đai mênh mông, tài nguyên giàu có, nhất là vùng Xibêri và Viễn Đông, Liên bang Nga còn có nhiều tiềm năng để phát triển về kinh tế và kỹ thuật. Về khoa học cơ bản, Nga vẫn là một trong những nước hàng đầu thế giới. "Nga nói chung là một cường quốc nguyên trạng. Quả thực vậy, họ thậm chí sẵn sàng chấp nhận một cái gì đó không hẳn là nguyên trạng"(3). Tuy nhiên, do tác động của các nhân tố khách quan và chủ quan, bên trong và bên ngoài, nên hiện nay các tiềm lực đó của Liên bang Nga đã tự suy yếu đi rất nhiều. Tình trạng khủng hoảng trầm trọng và kéo dài về chính trị, kinh tế - xã hội và cuộc nội chiến Tresnia đã làm kiệt quệ nước Nga. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu như vào 12/1991, Nga kế thừa khoảng 70% tiềm lực kinh tế của Liên Xô, thì hiện nay thực lực kinh tế của Nga chỉ đạt khoảng hơn 40% so với thời đó. Mức sống của người dân lao động giảm nghiêm trọng, tình trạng tham nhũng, tội phạm, buôn lậu, khủng bố... hoành hành. Còn quân đội Nga thì "chỉ trong một vài năm, lực lượng quân sự đã từng làm cho phần lớn thế giới khiếp sợ bị lâm vào cảnh đói rét và bị xỉ nhục"; "tình trạng thiếu tiền đang tiêu diệt lực lượng vũ trang Nga có hiệu quả hơn bất kỳ quả bom hạt nhân nào"(4).

Trong lĩnh vực đối ngoại, Liên bang Nga chưa xác lập được vị thế quốc tế với tư cách là một cường quốc. Các con "át chủ bài" của Nga - chiếc ghế uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, kho vũ khí hạt nhân khổng lồ - dường như chẳng còn mấy hữu hiệu trong tay chàng khổng lồ đã kiệt sức qua những biến thiên của lịch sử. Phương Tây bỏ mặc nước Nga vật lộn với những khó khăn của mình, không hề coi Nga là đồng minh của họ. Thực tế cho thấy Mỹ và phương Tây luôn đặt Nga vào "sự đã rồi" khi giải quyết các vấn đề quốc tế. Biểu hiện mới nhất là việc khối NATO, bất chấp sự phản đối của Nga, đã quyết định kết nạp thêm ba thành viên mới ở Đông Âu là Ba Lan, Séc và Hungari. Dù Mỹ và các nước NATO có biện hộ như thế nào đi nữa thì việc NATO "đồng tiến" cũng rất bất lợi cho Nga. Động thái này không những đe doạ an ninh Nga, mà điều cốt lõi hơn, là sẽ kiềm chế Nga, để "con gấu trắng" không thể ngóc đầu dậy, phục hồi địa vị cường quốc Âu - A' thực sự của mình. Người ta cho rằng Mỹ có thể buộc Nga chấp nhận việc NATO tiến sang phía Đông là vì Nga quá yếu nên không thể cản trở được. Quả thật, chìa khoá cho bất kỳ sự cải thiện lâu dài nào vị thế quốc tế của Nga phụ thuộc vào cải cách kinh tế và chính trị trong nước, mà những cải cách đó chưa mấy thành công. Tuy nhiên, ngay cả các học giả phương Tây cũng cảnh báo rằng, chính sách của Mỹ nhằm kiềm chế và lợi dụng sự suy yếu của Nga có hại hơn là có lợi cho Mỹ, vì "nước Nga là một nước, do số phận quy định, bằng cách này hay cách khác vẫn là một cường quốc trong các vấn đề thế giới, bất luận những khó khăn mà nó đang gặp phải"(5).

Trung Quốc đang nổi lên:

Do những đặc thù lịch sử, nhất là dân số quá đông (lớn gấp khoảng 4,6 lần so với Mỹ), mà cho đến nay, Trung Quốc vẫn thuộc hàng các nước đang phát triển. Năm 1996, GDP của Trung Quốc là 637 tỷ USD, GDP/người là 520 USD, trong khi GDP của Mỹ là 5.600 tỷ USD, GDP/người là 28.400 USD (còn GDP của Nga là 438 tỷ USD, GDP/người là 2960 USD). Tuy nhiên những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng GDP trên dưới 10% mỗi năm, Trung Quốc đang lớn mạnh nhanh chóng. Nhất là hiện nay, khi Trung Quốc đã thu hồi Hồng Kông sau hơn một thế kỷ lãnh thổ này nằm dưới quyền cai trị của nước Anh (Hồng Kông có dân số 6,1 triệu người, GDP 165,9 tỷ USD, GDP/người: 27.040 USD)(6), thì sức mạnh của Trung Quốc tăng tỷ lệ thuận theo thời gian cả về kinh tế lẫn quân sự. Có thể nói, sự trỗi dậy của Trung Quốc là một nhân tố rất mới của thế giới sau chiến tranh lạnh, nên đã gây sự quan tâm, chú ý của các nước khác. Ngoại trưởng Mỹ M. Abbright nói: "Không một quốc gia nào có vai trò định hình sự phát triển của châu A' ở thế kỷ XXI lớn hơn Trung Quốc. Với số dân đông, đất rộng, sự xuất hiện của Trung Quốc với tư cách một nền kinh tế đang tăng trưởng, hiện đại và một cường quốc quân sự, là một sự kiện lịch sử lớn"(7). Ngân hàng thế giới thì cho rằng trong 5 năm (1996-2000), Trung Quốc có thể duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 8-10%/năm. Nếu vậy thì 20 - 30 năm nữa, Trung Quốc sẽ nổi lên là một siêu cường thế giới, đủ sức cạnh tranh với Mỹ. Còn nếu lấy sức mua của đồng tiền để đánh giá nền kinh tế - cũng theo cách tính của Ngân hàng thế giới - thì Trung Quốc hiện nay được xếp vào vị trí thực thể kinh tế lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, khi đánh giá về thực lực và sức mạnh quân sự, các nước phương Tây nhìn chung đều cho rằng Trung Quốc chưa mạnh lắm, trang bị quân sự của Trung Quốc còn khá lạc hậu, cách xa các nước phát triển khoảng 15 - 20 năm. Trên con đường phát triển, Trung Quốc cũng đang gặp phải những khó khăn, thách thức không nhỏ. Ban lãnh đạo Trung Quốc nêu 10 khó khăn trong quá trình phát triển của quốc gia họ. Báo chí nước ngoài nhắc đi nhắc lại vấn đề nhân quyền, nạn tham nhũng, vấn đề Đài Loan, đặc biệt nhấn mạnh gánh nặng dân số không những đè nặng lên đất nước Trung Hoa, mà còn có những ảnh hưởng, tác động xấu đến các nước xung quanh. Họ cho rằng với mức tăng dân số hàng năm 13 triệu người, những thành tựu kinh tế của Trung Quốc sẽ bị số dân tăng lên triệt tiêu hết. Giáo sư, tiến sĩ sử học Mỹ Paul Kennedy thì cho rằng sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển kinh tế của Trung Quốc so với các nước phát triển phương Tây đã quyết định việc Trung Quốc không thể đuổi kịp các nước này, ông dự báo trong thế kỷ XXI, Trung Quốc vẫn là một nước nghèo so với các nước phát triển, v.v...

Quan hệ Nga - Trung trước thềm thế kỷ XXI:

Như vậy, trên bức tranh địa - chính trị thế giới trước thềm thế kỷ XXI có hai mảng màu khác nhau khá đậm nét: sự suy yếu của Nga và sức mạnh lên của Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng như tất cả các quốc gia lớn nhỏ trên hành tinh này, cả Nga và Trung Quốc vừa có cơ hội, vừa có những thách thức lớn khi bước vào thế kỷ XXI. Song điều làm hai nước quan ngại, là các cường quốc thế giới khác - ngấm ngầm hay công khai, nhiều hay ít - không muốn Nga và Trung Quốc gia tăng vai trò và ảnh hưởng tại các khu vực lợi ích sống còn của họ, chẳng hạn, Mỹ muốn giữ địa vị bá chủ toàn cầu nói chung, khống chế châu Âu và châu A' - Thái Bình Dương trong vòng cương toả của mình nói riêng. Mỹ không muốn nước Nga quá suy yếu, nhưng lại càng không muốn một nước Nga hùng mạnh. Còn sự nổi lên của Trung Quốc làm Mỹ lo ngại rằng sự gia tăng địa vị của Trung Quốc trên thế giới sẽ tạo nên mối đe doạ lớn đối với Mỹ. Theo báo chí nước ngoài, thì hiện nay trong con mắt của Chính phủ Mỹ và của những nhà hoạch định chính sách Mỹ, thì về lâu dài, đối thủ chủ yếu có thể tạo nên mối đe doạ thực sự đối với Mỹ là Trung Quốc và Nga. Do vậy, Mỹ thực hiện chính sách vừa hợp tác, vừa kiềm chế đối với hai nước này. Việc Mỹ và Nhật tiếp tục củng cố liên minh quân sự qua Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ là một minh chứng.

Vì những lẽ đó, cả Nga và Trung Quốc đều có nhu cầu dựa vào nhau, hợp tác với nhau để phát huy tiềm năng sẵn có của mỗi bên, khắc phục những khó khăn mà vươn dậy, nâng cao vị thế của từng nước trên trường quốc tế. Tuyên bố chung Nga - Trung tháng 4/1997 nêu rõ: Hai bên bày tỏ mối quan tâm về ý đồ mở rộng và tăng cường các khối quân sự, vì xu thế đó có thể tạo ra mối đe doạ đối với an ninh của các nước, làm tăng thêm tình hình căng thẳng trong khu vực và trên thế giới", "các nước, không phân biệt lớn nhỏ, mạnh yếu, giàu nghèo, đều là những thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế, bất kỳ nước nào cũng không được tìm kiếm bá quyền, thi hành chính trị cường quyền, lũng đoạn công việc quốc tế", "hai bên kêu gọi các nước trên thế giới hãy tiến hành một cuộc đối thoại tích cực về việc thiết lập trật tự quốc tế mới hoà bình, ổn định, công bằng, hợp lý"(8) v.v...

Như vậy, chúng ta thấy mặc dù không nói trực tiếp đến Mỹ hay NATO, tuyên bố chung Nga - Trung là sự cảnh báo đối với tham vọng bá chủ toàn cầu của Mỹ và nguy cơ đe doạ an ninh các nước khác của khối NATO. Nước Nga coi việc nâng cấp quan hệ với các nước châu A' nói chung, Trung Quốc và Â'n Độ nói riêng, là câu trả lời cho việc NATO Đông tiến. Tổng thống Nga B. Elsin đánh giá cao Tuyên bố chung Nga - Trung này, nói rằng Nga chưa từng ký với nước nào một văn kiện tương tự - một văn kiện có ý nghĩa lịch sử. Về phần mình, Chủ tịch Giang Trạch Dân nói, kết quả chuyến thăm Nga của ông vào tháng 4/1997 vượt ra ngoài khuôn khổ các quan hệ song phương và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự ổn định và hoà bình ở khu vực và trên thế giới. Trung Quốc coi quan hệ đối tác chiến lược với Nga là kiểu mẫu để xử lý mối quan hệ giữa các nước lớn không cùng ý thức hệ.

Tuy nhiên, quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung mà hai nước đang tích cực xây dựng không chỉ có nội dung và ý nghĩa chính trị - đối ngoại, hành động phối hợp trên trường quốc tế. Nhìn chung, đường lối hợp tác tin cậy, bình đẳng, cùng có lợi giữa Nga và Trung Quốc hiện nay và đối tác chiến lược trong thế kỷ XXI là nhu cầu khách quan của hai quốc gia, nó củng cố vị thế của Nga và trung Quốc trên trường quốc tế và đáp ứng những lợi ích quốc gia sống còn của hai nước.

Trong lĩnh vực kinh tế, sự bổ sung cho nhau của nền kinh tế hai nước sẽ rất có lợi cho cả đôi bên. Chẳng hạn, vùng Xibêri và Viễn Đông của Nga đất đai mênh mông, giàu tài nguyên, nhưng dân cư lại rất thưa thớt và luôn vẫn là một trong những khu vực trì trệ nhất của Liên bang Nga. Trong khi đó, Trung Quốc đất chật người đông, mặc dầu đang nổi lên về kinh tế nhưng theo một loạt thông số thì vẫn là một nước đang phát triển, về nhiều mặt còn kém xa Liên bang Nga. Sự tiếp tục phát triển của nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc khá nhiều vào các yếu tố bên ngoài, vào quan hệ hợp tác với các nước khác. Do vậy, cả hai nước đều cần củng cố và phát triển hợp tác chặt chẽ với nhau và với các nước khác trong khu vực. Đối với Nga, Trung Quốc là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga. Có thể nói, vai trò trong tương lai của Nga ở châu A' - Thái Bình Dương(CA-TBD) gắn liền với việc biến Xibêri - Viễn Đông thành một trung tâm phát triển và hợp tác mới của các nước trong khu vực, trong đó Trung Quốc là một nhân tố hết sức quan trọng. Nếu không, sự lạc hậu và dân cư thưa thớt của Xibêri - Viễn Đông lại có thể sẽ trở thành nhân tố đe doạ toàn vẹn lãnh thổ và vị thế của Liên bang Nga trong khu vực. Còn Trung Quốc đang rất cần hợp tác với Nga trong những ngành công nghiệp quan trọng như chế tạo máy năng lượng, năng lượng nguyên tử, giao thông, hàng không dân dụng, v.v... Kim ngạch buôn bán giữa hai nước năm 1997 dự kiến đạt 8 - 10 tỷ USD (năm 1996 là 7 tỷ), cố gắng đạt mức 20 tỷ USD năm 2000.

Trong lĩnh vực quân sự, Trung Quốc đã đề ra chiến lược hiện đại hoá quân đội để vươn lên thành cường quốc quân sự. Để thực hiện chiến lược này và thích ứng với nhu cầu tác chiến của thế kỷ XXI, quân đội Trung Quốc cần kỹ thuật quân sự tiên tiến với đội ngũ sĩ quan có trình độ chuyên môn cao. Liên bang Nga lại rất có lợi thế về mặt này, do đó Trung Quốc chủ yếu hợp tác với Nga để nhập khẩu kỹ thuật quân sự tiên tiến và đào tạo sĩ quan. Ước tính từ năm 1990 đến nay, Trung Quốc đã nhập khẩu từ Nga các trang bị vũ khí hiện đại (như máy bay chiến đấu SU-27, hệ thống tên lửa phòng không, tàu ngầm (kể cả tàu ngầm hạt nhân hiện đại mang tên lửa, tàu khu trục hiện đại, v.v...) trị giá trên 7 tỷ USD(9). Tuy nhiên, Nga cũng phải cân nhắc việc bán cho Trung Quốc vũ khí ở mức nào vừa có lợi về kinh tế, vừa không ảnh hưởng đến an ninh của Nga, vừa tuân thủ các hiệp ước quốc tế và không nhằm chống lại các nước khác.

Nhìn chung, quan hệ Nga - Trung hiện nay trên các lĩnh vực chính trị - đối ngoại, kinh tế - thương mại, văn hoá - giáo dục... đều phát triển khá thuận lợi. Song hai bên đều cho rằng tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác chưa được khai thác hết, xuất phát từ chiến lược lâu dài, cả hai quốc gia đều đang tích cực tìm kiếm con đường và phương sách tối ưu để phát triển quan hệ "đối tác chiến lược" mang tính xây dựng hướng tới thế kỷ XXI.

Tuy nhiên, quan hệ Nga - Trung là mối quan hệ không đơn giản, đã và đang diễn ra khá phức tạp, khó dự báo. Vấn đề nổi cộm nhất hiện nay trong quan hệ Nga - Trung là việc có số lượng lớn người di cư bất hợp pháp từ Trung Quốc sang vùng Viễn Đông và một số thành phố thuộc Nga, gây ra nhiều điều phức tạp, khó giải quyết cho các cấp chính quyền Nga. Ngoài ra, những đòi hỏi, tranh chấp về lãnh thổ vốn là những vấn đề lịch sử còn tồn đọng, chưa thể nói là đã được giải quyết ổn thoả, mặc dù hiện nay chưa xảy ra xung đột nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ xung đột ở các vùng giáo ranh, v.v...

Những phát triển mới trong quan hệ Nga - Trung gây ra những phản ứng khác nhau của các nước trong khu vực và trên thế giới. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, trục Moskva - Bắc Kinh là không thực tiễn, có hại, gây ra nhiều điều khó chịu cho cả Nga lẫn Trung Quốc, và làm các quốc gia khác trong khu vực e ngại. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, trong khi ở châu Âu khối NATO được củng cố và không tiếc tiền để mở rộng, còn ở châu A' - Thái Bình Dương các Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn Quốc cũng được củng cố, thì đối tác chiến lược Nga - Trung là hành động cần thiết để tạo thế cân bằng, v.v. ..

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng quan hệ đối tác chiến lược hướng tới thế kỷ XXI giữa Nga và Trung Quốc là thiết lập một liên minh quân sự - chính trị làm đối trọng với NATO. Đúng như Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tiền Kỳ Tham nói, quan hệ Trung - Nga hiện nay không phải là liên minh, cũng không phải là đối kháng, mà là quan hệ láng giềng hữu nghị, không nhằm chống lại nước thứ ba. Hiện nay trên vũ đài quốc tế, tuy hai nước Nga - Trung đều bị sức ép với mức độ khác nhau, song chưa phải đứng trước mối đe doạ có tính chất sống còn, nên quan hệ đối tác chiến lược của họ là nhằm tăng cường phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm và nhất là nhằm phát triển đất nước họ.

Bất luận thế nào, quan hệ Nga - Trung cũng có ảnh hưởng lớn đến các nước trong khu vực và trên thế giới. Dù hiện nay Nga có suy yếu và Trung Quốc có khó khăn, đây vẫn là những quốc gia vĩ đại của hành tinh chúng ta. Nga và Trung Quốc đều là những cường quốc hạt nhân, hiện đang giữ 2 trong 5 ghế Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Trong bối cảnh thế giới hiện nay đang quá độ sang trật tự thế giới mới và tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều điều không thể dự báo được, thì quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung có ý nghĩa đặc biệt. Các nước khác không thể xem nhẹ tiềm lực về mặt chiến lược của mối quan hệ này, đặc biệt là ảnh hưởng và sức mạnh bức xạ của nó đối với khu vực châu A' - Thái Bình Dương. Ngay cả hiện nay, khi một nước Trung Quốc không bằng nước Mỹ, một nước Nga kinh tế khó khăn, tình hình chính trị - xã hội bất ổn, cũng kém xa Mỹ, nhưng hai nước này lại hợp tác chặt chẽ với nhau thì rõ ràng là lớn hơn Mỹ và không phải không làm nước Mỹ quan ngại.

Tóm lại, quan hệ đối tác chiến lược hướng tới thế kỷ XXI của Nga và Trung Quốc có ý nghĩa sâu xa nhiều mặt và lâu dài. Nếu từng nước khắc phục được những khó khăn, phát huy được thế mạnh và tiềm năng, tiềm lực sẵn có của mỗi nước, thì họ lại là các cường quốc vĩ đại trong thế kỷ XXI. Nếu hai cường quốc này lại hợp tác chặt chẽ với nhau theo đúng đường hướng được ghi trong Tuyên bố chung Nga - Trung tháng 4/1997, rõ ràng là cục diện thế giới thế kỷ XXI sẽ có những thay đổi đáng kể.

Tài liệu tham khảo:

(1) A. Weber. - ý tưởng về một trật tự thế giới mới và tư tưởng xã hội chủ nghĩa. - Tạp chí Tư tưởng tự do (Nga), số 3/1993.

(2) Phan Doãn Nam. - Thế kỷ XXI: Một nền hoà bình đa cực ? - Tuần báo Quốc tế, Đặc san '96, tr. 12.

(3) Nước Nga phải nhận thấy "sự lựa chọn châu A'" là không tồn tại. - Asia Times, ngày 26/3/1997.

(4) Tài liệu tham khảo đặc biệt, TTXVN, 21/1/1997.

(5) Z. Breginski. - Liên minh chưa chín muồi. - Thông tin công tác tư tưởng, số 12/1994.

(6) Tuần báo Quốc tế, Đặc san '96.

(7) M. Albright. - Chính sách của Mỹ đối với Đông A'. - Tin tham khảo chủ nhật, TTXVN, 27/4/1997.

(8) Tin tham khảo thế giới, TTXVN, 25/4/1997

(9). Chiến lược hiện đại hoá của quân đội Trung Quốc. - Tạp chí Hồng Công "Nhà quân sự", số 2 & 3/1997./.

Cùng chuyên mục