Số 22 - Dân tộc và quốc tế từ cách tiếp cận hệ thống kinh tế toàn cầu

07:56 26/03/2012

Dân tộc và quốc tế từ cách tiếp cận hệ thống kinh tế toàn cầu

Tác giả: Nguyễn Đình Luân.

Nhân loại đang đứng trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21. Các quốc gia, dân tộc đang chuẩn bị hành trang cho một kỷ nguyên mới mà một trong các đặc trưng cơ bản của nó là toàn cầu hoá về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và môi trường. Tư duy toàn cầu là một hình thức tư duy biện chứng của thế kỷ sắp đến. Nó là sản phẩm của lịch sử và đồng thời cũng là đòi hỏi của hiện tại và tương lai.

Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến giữa các sự vật và hiện tượng là một trong những cơ sở lý luận của cách tiếp cận toàn cầu. Đồng thời bản chất nhân văn của các dân tộc cũng là một động lực mạnh mẽ thức tỉnh và thúc đẩy loài người đến với các giá trị chung như hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội... Có như vậy mới có thể hiểu được tại sao phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các châu lục từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã giành được sự cổ vũ, động viên, giúp đỡ to lớn của đại đa số loài người tiến bộ.

Gần một thập kỷ đã trôi qua kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, nhưng có thể do quán tính cũng như do lợi ích nước lớn mà ở đây đó trên thế giới tư duy chiến tranh lạnh vẫn còn đang chi phối rất mạnh mẽ quan hệ quốc tế. Cuba vẫn tiếp tục bị bao vây cấm vận. Chiến tranh vẫn treo lơ lửng trên bầu trời vùng Vịnh. Nhân quyền vẫn được dùng như một công cụ gây áp lực trong quan hệ quốc tế. Vẫn còn những mưu toan "cá lớn nuốt cá bé" v.v... Đó cũng là một tất yếu khách quan khó tránh bởi vì thế giới vẫn còn đang ở thời kỳ quá độ chuyển sang một trật tự mới; cái cũ và cái mới đang cùng tồn tại, đan xen, cạnh tranh và đấu tranh với nhau. Mối quan hệ giữa dân tộc và quốc tế cũng đang vận động và có nhiều nét mới.

Xu thế toàn cầu hoá đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ hơn và tiếp tục phát triển tư tưởng của Lênin về mối quan hệ và sự chuyển hoá giữa các mặt "đối lập" và sự vận dụng tuyệt vời của Người vào hình thức chủ nghĩa tư bản nhà nước - con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của các nước chậm phát triển. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh đã từng tồn tại những quan niệm cực đoan về hai thế giới với hai loại quy luật hoàn toàn khác nhau. Nhưng dần dần thực tế khắc nghiệt và bướng bỉnh đã làm cho những quan niệm đó trở nên lỗi thời. Một kiểu tư duy kinh tế mới đã hình thành và đang tiếp tục được phát triển. Một trong những đặc trưng cơ bản của nó là tư duy bằng các phạm trù năng động có liên kết với nhau và tư duy một cách có hệ thống cả ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Sau chiến tranh lạnh, loại hình tư duy này lại càng trở nên phổ biến và cấp thiết. Hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu đã trở thành một tất yếu. Từ cách tiếp cận hệ thống kinh tế toàn cầu có thể thấy là cấu trúc hệ thống này đang chi phối mạnh mẽ quá trình vận động của quan hệ quốc tế ở các khu vực.

Thứ nhất, đó là sự chi phối của hệ thống các công ty xuyên quốc gia - cốt vật chất của quá trình toàn cầu hoá.

Một mặt, nó có thể gây ra sự tổn thương về chủ quyền và lợi ích đối với các nước đang phát triển, nhưng có thể dần dần vượt qua được thách thức này nếu các nước đang phát triển có chiến lược và sách lược đúng đắn. Mặt khác, chỉ có hợp tác được với các công ty xuyên quốc gia thì mới có thể rút ngắn được thời gian công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đồng thời như thực tế cho thấy: chỉ có các tàu lớn vượt đại dương mới có thể hạn chế và khắc phục được những rủi ro trên biển cả; cũng như vậy, các công ty xuyên quốc gia mới có nhiều khả năng hơn trong việc khắc phục các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong nền kinh tế thị trường. Có thể nói, chủ nghĩa tư bản xuyên quốc gia - nhà nước là một hình thức hội nhập, liên kết kinh tế phù hợp có hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay, là con đường ngắn nhất để các nước đang phát triển công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Từ đây xuất hiện một hệ quả kéo theo là cần có một hình thức ngoại giao giữa nhà nước với các công ty xuyên quốc gia. Bên cạnh các chính khách, các nguyên thủ quốc gia còn phải tiếp và làm việc với đại diện các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia, và tháp tùng các vị nguyên thủ trong các chuyến viếng thăm đối ngoại thường còn có nhiều đại biểu của giới kinh doanh. Kinh tế và chính trị gắn với nhau như hình với bóng.

Thứ hai, đó là chi phối của WTO (Tổ chức thương mại thế giới).

Nhìn lại lịch sử vận động của mối quan hệ giữa kinh tế với chính trị cũng như "sự tiến hoá kinh tế" trong vài thập kỷ gần đây có thể thấy một hiện tượng là: Trong quan hệ quốc tế trên bình diện toàn cầu, các dàn xếp kinh tế thường được giải quyết trước. Trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, ngay từ năm 1944 đã xuất hiện hệ thống Bretton Woods, IMF và WB. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933, các nước phát triển bắt đầu nhận thấy rõ rệt hơn mặt trái của nền kinh tế thị trường tự do và thấy được tầm quan trọng cấp bách của việc thiết lập các tổ chức tài chính quốc tế để điều tiết, quản lý quan hệ kinh tế quốc tế. Có thể nếu không có cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai thì các thiết chế trên sẽ ra đời sớm hơn chăng ? Nhưng dù sao chúng cũng đã ra đời và thực tế đang chứng minh vai trò quan trọng của IMF và WB trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế thế giới theo hướng toàn cầu hoá.

Quá trình thị trường hoá toàn cầu hiện nay đang làm cho các thiết chế quản lý kinh tế vĩ mô ngày càng quan trọng. Tháng 1/1995 WTO đã chính thức đi vào hoạt động. Gia nhập WTO đang trở thành nhu cầu và lợi ích thiết thân của mọi quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian và bước đi thích hợp.

Trong 2 năm : 1996 - 1997, quan hệ chính trị quốc tế có những chuyển động mới, đặc biệt là quan hệ giữa các nước lớn. Mỹ - Nhật nâng cấp Hiệp ước an ninh, Nga chấp nhận ký Định ước NATO - Nga, Trung - Nga tăng cường hợp tác, Mỹ - Trung có cuộc gặp thượng đỉnh, các quan hệ Trung - Nhật, Nga - Nhật đều được thúc đẩy với những kết quả khả quan... Trong số các động lực của những chuyển động mới này phải kể đến tác nhân toàn cầu hoá kinh tế cũng như vai trò của WTO. Vấn đề gia nhập WTO trong một số trường hợp như đối với Nga và Trung Quốc đã trở thành con bài chính trị trong sự mặc cả giữa các nước lớn. Đồng thời, cấu trúc mới của sự phát triển thương mại - dịch vụ trong khuôn khổ WTO hiện tại cũng như tương lai buộc các nước lớn dù muốn hay không cũng phải nhanh chóng thiết lập các khung chính trị - an ninh bảo đảm môi trường hoà bình ổn định cho hợp tác kinh tế toàn cầu.

Vai trò ngày càng tăng của WTO, IMF, WB trong cơ chế quản lý vĩ mô, quan hệ kinh tế - thương mại thế giới cho thấy những biểu hiện mới trong mối quan hệ giữa tính tự phát và tính tự giác trong hệ thống kinh tế quốc tế. Tính tự phát ngày càng bị hạn chế dần và tính tự giác ngày càng tăng trên quy mô toàn cầu. Đây là một trong những lý do giải thích tại sao trong vài thập kỷ gần đây thế giới có thể tránh được khủng hoảng lớp về kinh tế như cuộc khủng hoảng 1929 - 1933.

Sau chiến tranh lạnh, khu vực hoá nền kinh tế thế giới đã trở thành một hiện tượng phổ biến ở các châu lục. Tuy nhiên, khu vực hoá diễn ra không phải theo khuynh hướng biệt lập, bảo hộ mà theo chiều hướng chủ nghĩa khu vực mở : vừa tăng cường hợp tác khu vực vừa đẩy mạnh liên kết liên khu vực và liên kết toàn cầu trong khuôn khổ WTO. Có thể nói gia nhập WTO và hoạt động có hiệu quả là một trong những hình thức tốt nhất của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại hiện nay.

Thứ ba, đó là sự chi phối của xu thế đa trung tâm kinh tế thế giới đang tạo ra những cơ hội tương đối đồng đều cho các khu vực.

Khi nhấn mạnh tới tiềm năng và triển vọng của Châu A' - Thái Bình Dương thì cũng không nên quên Châu Âu - Đại Tây Dương. Mối quan hệ tương hỗ về địa - kinh tế, địa - chính trị cùng sự phụ thuộc lẫn nhau ngày một gia tăng giữa các khu vực đang làm cho quan niệm trung tâm kinh tế thế giới chỉ mang tính tương đối. Đồng thời, nếu tính đến tiềm lực và vai trò của khoa học - công nghệ đối với sự phát triển kinh tế thì Tây Âu và Bắc Mỹ có nhiều lợi thế và triển vọng hơn Đông A'. Cuộc khủng hoảng tài chính ở châu A' hiện nay đang giúp châu A' tự nhận thức rõ hơn mình cũng như mô hình kinh tế cần xây dựng. Đặc thù hoá cái phổ biến và phổ biến hoá cái đặc thù vốn là phép biện chứng khách quan. Quá trình hai mặt này đòi hỏi phải thường xuyên kiểm tra lại mình và tính đến các giá trị của các khu vực khác. Truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cần được kế thừa và phát triển trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng tư duy khỏi sự thống trị của các quan niệm chủ quan, lỗi thời, định kiến.

Xu thế đa trung tâm kinh tế thế giới đòi hỏi và bắt buộc các nước đang phát triển phải có "hành động mang tính toàn cầu" có quan hệ hài hoà với các trung tâm kinh tế trên thế giới. Điều này, một mặt sẽ giúp cho họ phát huy được lợi thế cạnh tranh cũng như tận dụng tối đa thế mạnh của đối tác, và mặt khác, giúp cho các nước đang phát triển có thể hạn chế được những rủi ro có thể xảy ra trong nền kinh tế thị trường vốn có nhiều bất trắc khôn lường.

Đa trung tâm kinh tế thế giới tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành xu thế đa trung tâm quyền lực chính trị, bởi vì xét cho cùng thì kinh tế luôn luôn quyết định chính trị. Đồng thời, lịch sử quan hệ quốc tế khoảng 500 năm trở lại đây cho thấy đa trung tâm quyền lực chính trị là một hiện tượng trội. Từ 1495 đến 1939 trên thế giới có 6 thời kỳ tồn tại trật tự đa trung tâm quyền lực: 1495 - 1521, 1604 - 1618, 1648 - 1702, 1713 - 1792, 1815 - 1914, 1919 - 1939. Như vậy, tổng số thời gian thế giới có trật tự đa cực là 285 năm chiếm 64% so với tổng số thời gian 444 năm. Từ 1947 đến 1991 nền chính trị quốc tế được cấu trúc theo kiểu trật tự "hai cực" nhưng thực ra là hai cực "lỏng lẻo" vì từ cuối những năm 50 đầu những năm 60 đã xuất hiện xu hướng li tâm thể hiện ở mâu thuẫn Xô - Trung, mâu thuẫn Pháp - Mỹ và mâu thuẫn kinh tế giữa Mỹ - Tây Âu - Nhật Bản sau này. Những tiền đề lịch sử này đang tác động mạnh mẽ tới sự hình thành xu thế đa trung tâm quyền lực chính trị trên thế giới sau chiến tranh lạnh.

Tính độc lập tương đối của chính trị so với kinh tế cũng như sự tiến hoá năng động của cấu trúc chính trị theo chiều hướng cạnh tranh với đối tác mạnh hơn cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành trật tự thế giới mới hiện nay. Mặc dù sức mạnh kinh tế còn hạn chế, nhưng Trung Quốc và Nga vẫn đang đóng một vai trò hết sức quan trọng trên sân khấu chính trị thế giới.

Xu thế đa trung tâm quyền lực cả về kinh tế lẫn chính trị đòi hỏi có cách nhìn mới, hình thành nên những quan niệm mới trong vấn đề tập hợp lực lượng để có thể kết hợp tốt nhất sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Bên cạnh việc chú ý quan hệ cân bằng với các đối tượng và không đi với bên này để chống lại bên kia, cũng cần phải định hướng chiến lược phát triển đúng đắn thông qua hình thức chủ nghĩa tư bản xuyên quốc gia - Nhà nước. Tiêu chuẩn cuối cùng để đánh giá hiệu quả của hoạt động đối ngoại vẫn là lợi ích chính đáng của dân tộc./.

Cùng chuyên mục