Số 23 - Tam giác tăng trưởng và sự phát triển nền kinh tế quốc gia, khu vực

03:57 27/03/2012

Tam giác tăng trưởng và sự phát triển nền kinh tế quốc gia, khu vực

Tác giả: Nguyễn Hải Yến.

Trong những thập kỷ qua, việc tăng cường hợp tác kinh tế khu vực nhằm đạt được tỷ lệ tăng trưởng cao đã trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu của các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông A'. Một trong những mô hình hợp tác kinh tế đó đang được các Chính phủ, các nhà đầu tư và các nhà kinh tế hết sức quan tâm, đó là mô hình hợp tác kinh tế khu vực, hay còn gọi là "lãnh thổ kinh tế tự nhiên", "vùng kinh tế đặc biệt" hay "tam giác tăng trưởng"1.

Loại hình hợp tác mới mẻ này được hình thành và phát triển từ cuối những năm 1980. Nó được xem như một giải pháp độc đáo của các quốc gia Đông A' trong quá trình hội nhập giữa các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế cũng như hệ thống chính trị, xã hội hết sức khác biệt. Mặt khác, có thể nói tam giác tăng trưởng kinh tế hình thành như là kết quả của sự kết hợp hai nhân tố: xu thế hợp tác khu vực và luồng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Cuối những năm 80, với sự chấm dứt của chiến tranh lạnh, những căng thẳng về chính trị giữa các quốc gia cũng giảm đáng kể, điều này thực chất đã dẫn đến những mong muốn hợp tác khu vực cũng như toàn cầu. Đồng thời các quốc gia Đông A' cũng bắt đầu nhận thấy sự cần thiết phải ứng phó với những xu thế bảo hộ của các quốc gia phát triển, những khó khăn trong việc kết thúc vòng đàm phán Urugoay của GATT và sự ra đời của các khối kinh tế khu vực như Cộng đồng chung Châu Âu (EC) và khối thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Cũng đúng vào thời điểm đó, đầu tư của Nhật Bản và một số quốc gia phát triển khác vào Trung Quốc và các nước Đông Nam A' cũng tăng nhiều do đồng yên tăng giá đã làm giảm sức cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Nhật, khiến họ phải dịch chuyển sang các cơ sở sản xuất mới ở nước ngoài.

Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan, việc hình thành ở châu A' một khối kinh tế khu vực như EC, NAFTA, chỉ có thể được đặt ra như là một mục tiêu lâu dài, nó không có tính khả thi trong giai đoạn phát triển trước mắt bởi lẽ kim ngạch buôn bán giữa các nước trong khu vực còn ở mức thấp, Mỹ và EC vẫn là thị trường chủ yếu cho các sản phẩm xuất khẩu và nguồn nhập khẩu của khu vực. Các quốc gia Đông A' không có được hệ thống luật pháp và các thể chế điều phối thương mại, đầu tư giống nhau, mức thu nhập bình quân đầu người còn quá chênh lệch, hệ thống thông tin liên lạc và giao thông còn quá nghèo nàn khiến chi phí cao và kém hiệu quả. Trong hoàn cảnh đó, mô hình tam giác tăng trưởng quả là thiết thực hơn đối với các quốc gia Đông A' như Trung Quốc và các nước ĐNA bởi nó đòi hỏi ít thời gian cũng như chi phí chuẩn bị hơn và nó có thể được áp dụng như những thử nghiệm của các quốc gia này để phục vụ cho quá trình hợp tác kinh tế ở một mức độ cao hơn- đó là hợp tác khu vực và toàn cầu.

Như đã nêu ở trên, mô hình hợp tác kinh tế tiểu khu vực này được đề cập đến với những tên gọi khác nhau. Tuy nhiên, "tam giác tăng trưởng" là một khái niệm được chấp nhận rộng rãi và trở nên tương đối phổ cập. Để hiểu được nguyên tắc hoạt động và vai trò của "tam giác tăng trưởng" đối với việc phát triển kinh tế khu vực, bài viết này trước hết xin đi sâu làm rõ khái niệm này. Theo Mohamed Ariff: "Tam giác tăng trưởng" là một khối sản xuất trong đó nhân công, vốn và công nghệ có thể di chuyển một cách tự do. Mục đích của nó là giảm tối thiểu chi phí và tăng tối đa hiệu quả, tạo nên một trung tâm có sức hấp dẫn đầu tư và những sản phẩm có tính cạnh tranh toàn cầu(2). Có thể tóm lại đây là một tổ chức sản xuất xuyên quốc gia mà các nhân tố của các quá trình sản xuất như đất đai, vốn, công nghệ, nhân công cho một sản phẩm thuộc về một vài quốc gia và được bố trí trên một lãnh thổ của các quốc gia đó. Về cơ bản, tam giác tăng trưởng khai thác tính bổ sung, lợi thế so sánh của các vùng địa lý lân cận thuộc lãnh thổ của ba hay nhiều các quốc gia khác nhau để hình thành một số khu vực sản xuất có tính cạnh tranh cao trong việc thúc đẩy XK. Trong tam giác tăng trưởng, lợi ích của các quốc gia thành viên là nguồn thu ngoại tệ và công ăn việc làm, còn lợi ích của các nhà đầu tư là có được những cơ sở sản xuất hàng XK với chi phí tương đối thấp. Có thể nêu một số đặc điểm chung của các tam giác tăng trưởng trong các khu vực sau: (a) được hình thành gần như cùng thời điểm nhằm đối phó với lực lượng thị trường; (b) hầu hết được bố trí trong các khu vực kinh tế và thương mại tự do(1) do các Chính phủ hình thành nhằm tăng cường phát triển kinh tế trong những khu vực chọn lọc; (c) có định hướng XK và thu hút đầu tư; (d) khai thác lợi thế so sánh của các vùng tham gia; (e) sự phát triển của tam giác tăng trưởng năm trong chính sách phát triển khu vực và quốc gia của các chính phủ liên quan.

Do đặc điểm của tam giác tăng trưởng là dính líu đến 3 hay nhiều quốc gia (tuy chỉ là một phần), nên việc phối hợp chính sách đặc biệt là phân bổ lợi ích đóng vai trò hết sức quan trọng, phần nào quyết định thành công của tam giác tăng trưởng. Ngoài ra còn có một số yếu tố khác đóng vai trò tương tự, ví dụ như tính bổ sung cho nhau về kinh tế; sự gần gũi về địa lý của các vùng tham gia, cam kết chính trị, sự phát triển cơ sở hạ tầng. Các quốc gia đang ở những giai đoạn phát triển khác nhau có những đóng góp bổ sung cho nhau về vốn, đất đai, trình độ nhân công, mức độ công nghệ... Sự gần gũi về địa lý giúp giảm bớt về chi phí vận chuyển và liên lạc. Ngoài ra, sự tương đồng về ngôn ngữ, văn hoá (thường tồn tại ở các vùng đất ở lân cận về địa lý) cũng tăng sự hiểu biết lẫn nhau và tạo mối quan hệ làm ăn gần gũi, thân thiện hơn. Cuối cùng, cam kết chính trị của các chính phủ liên quan là yếu tố thúc đẩy các quốc gia xây dựng và đưa vào áp dụng những chính sách thuế quan, tài chính, đầu tư, hối đoái hợp lý, hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển của tam giác tăng trưởng. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng giúp tạo nên một môi trường kinh tế thuận lợi cho việc hình thành và phát triển của một tam giác tăng trưởng.

Cho đến nay, tam giác tăng trưởng tuy không phải là loại hình hoạt động kinh tế xuyên quốc gia duy nhất ở Đông Nam A', song nó vẫn được đánh giá như một động lực kinh tế chủ yếu của khu vực. Thực tế của tam giác tăng trưởng đang hoạt động trong khu vực có thể là những minh chứng cho đánh giá trên. Có ít nhất 4 tam giác tăng trưởng đáng được kể đến. Đó là (1) Tam giác SIJORI gồm Singapore- Johor- Riau; (2) Tam giác IMT- GT gồm Indonesia- Malaysia- Thái Lan; (3) Khu vực tăng trưởng Đông á bao gồm Sabah Sarawak và Labuan của Malaysia - Bắc Salawesi, Đông - Tây Kalimantan của Indonesia và vùng Mindanao của Philippines; (4) Tứ giác tăng trưởng gồm tỉnhVân Nam của Trung Quốc-Lào-Thái Lan và Myanmar.

Tam giác tăng trưởng SIJORI và sự thử nghiệm đầu tiên của loại hình hợp tác tiểu khu vực này ở khu vực Đông Nam A' . Y' tưởng thành lập một tam giác tăng trưởng giữa Singapor, Johor và Riau lần đầu tiên được đề cập đến trong cuộc họp giữa Tổng thống Indonesia- Suharto và Thủ tướng Singapore- Lý Quang Diệu. Đến tháng 6/1990 kế hoạch này đã được Suharto và Mahathir tuyên bố ủng hộ, tuy nhiên phải đến tận cuộc họp thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN lần thứ IV vào tháng 12/1992 tại Singapore, kế hoạch này mới chính thức được thông qua. Đề xuất này một phần dựa trên cơ sở sẵn có về kinh tế giữa Johor và Singapore. Như vậy có thể thấy tam giác tăng trưởng SIJORI được hình thành trên cơ sở những động năng về kinh tế cũng như chính trị.

Bảng 1: Lợi thế so sánh ở SIJORI

Loại hình kinh doanh hoạt động Singapor Johor/Riau

Điện tử Trung tâm sản xuất chính của khu vực, cơ sở mua bán quốc tế Giá công /đất đai thấp thuận tiện cho các hoạt động lắp đặt dây chuyền đòi hỏi nhiều nhân công và đất đai.

Dầu lửa Chế biến lọc/ hoá dầu, buôn bán, lưu giữ và buôn bán dầu Các hòn đảo của Riau là những vị trí tương đối tách biệt để lưu giữ dầu.

Dịch vụ hàng hải Đóng, sửa chữa và bảo dưỡng tàu biển Các hòn đảo Johor và Riau là những địa điểm tốt cho nghành công nghiệp này.

Dịch vụ viễn thông và kinh doanh Cơ sở công nghệ thông tin hàng đầu thế giới và các hoạt động dịch vụ rộng khắp, là trụ sở của nhiều công ty đa quốc gia lớn. Nhiều hoạt động sản xuất, quảng cáo, tiếp thị, mua bán và kỹ thuật của các công ty đa quốc gia đòi hỏi sự phối hợp.

Công tác hậu cần và phân phối Các phương tiện viễn thông, vận chuyển và hậu cần tuyệt hảo Các sản phẩm XK đòi hỏi sự hỗ trợ về vận chuyển và hậu cần

Kinh doanh về nông nghiệp Công nghệ chế biến thực phẩm và khả năng nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học Nguồn đất đai dồi dào cho trồng trọt và chăn nuôi.

Lợi thế so sánh của tam giác tăng trưởng này là ở chỗ ba vùng lãnh thổ này có những nhân tố mang tính đóng góp bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh lẫn nhau (Xem bảng 1). Johor có đất đai và nguồn nhân công trung bình với giá thuê phải chăng; Singapore có thể đóng góp hệ thống cơ sở hạ tầng rất phát triển và lực lượng sản xuất có tay nghề cao nhưng giá thuê đắt; điểm mạnh của Riau là sẵn đất công nghiệp, nguồn nước dồi dào, bãi biển hấp dẫn du lịch và nguồn nhân công rẻ. Với những lợi thế so sánh đó, Singapore là một quốc gia đầy sức hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia trong những dự án cần vốn và công nghệ cao. Trong khi đó, Johor và Batam lại có những lợi thế thu hút những dự án cần sử dụng nhiều sức lao động. Tính bổ sung này đã dẫn đến nhu cầu phân phối lại quá trình sản xuất và các hoạt động dịch vụ, giúp giảm bớt giá cả sản xuất và hoạt động. Tam giác tăng trưởng SIJORI đã tận dụng và phát huy triệt để vai trò của khu vực kinh tế tập thể cũng như tư nhân. Các Chính phủ và các cơ quan chức năng của ba quốc gia luôn thể hiện ý chí chính trị và những nỗ lực củng cố SIJORI. Bên cạnh đó, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân cũng ngày càng trở lên quan trọng hơn ở khía cạnh đầu tư và tạo ra một nền kinh tế tự duy trì sự bền vững. Sự phát triển của SIJORI đã mang lại những lợi ích đa dạng cho các quốc gia thành viên. Cụ thể, nó đã giúp Singapore đạt được những mục tiêu của mình như cơ cấu lại nền kinh tế. Với việc chuyển dịch các ngành công nghiệp sử dụng nhiều sức lao động và vốn đất đai sang Johor và Riau, Singapore có cơ hội để tập trung vào những lĩnh vực có lợi thế như công nghiệp sản xuất trị giá gia tăng và công nghiệp dịch vụ như Ngân hàng, Du lịch... Tuy nhiên, SIJORI cũng giúp Singapore củng cố địa vị của mình như là một trung tâm thương mại, tài chính, giao thông, thông tin liên lạc... của khu vực. Một mục tiêu khác nữa mà Singapore đạt được nhờ sự phát triển của tam giác tăng trưởng là việc khu vực hoá và quốc tế hoá các doanh nghiệp của mình. Trong nhiều năm qua, Chính phủ Singapore luôn kêu gọi các công ty lớn, nhỏ, đẩy mạnh việc thâm nhập thị trường khu vực và quốc tế. Tam giác tăng trưởng đóng vai trò như những bài thực hành để tiến tới đạt được những định hướng trên.

Đối với Johor và Riau, có tam giác tăng trưởng đồng nghĩa với những việc thu nhận được một lượng vốn đầu tư khổng lồ hơn (đầu tư vào Johor và Riau tăng từ 20% đến 25% trong những năm đầu thập kỷ 90), góp phần đáng kể vào mức tăng trưởng công nghiệp và cải thiện GDP của toàn quốc gia. Kể từ khi được thành lập, mỗi năm tam giác tăng trưởng SIJORI đã tạo ra khoảng 30.000 công ăn việc làm cho lực lượng lao động dư thừa của Johor, bằng cách đó đã tăng cường sự ổn định xã hội và lòng tin cho dân chúng. Trên cơ sở hợp tác trong tam giác tăng trưởng của Singapore, đã có những cam kết tiến hành việc đào tạo nhân lực và phát triển hạ tầng cho Riau và Johor. ở mức độ kinh tế vĩ mô, các xí nghiệp trong tam giác tăng trưởng có cơ hội để hợp lý hoá quá trình sản xuất và phân phối thông qua việc chuyên môn hoá theo chiều dọc.

Tóm lại, qua phân tích sự tồn tại và hoạt động của một tam giác tăng trưởng đầu tiên và tiêu biểu ở khu vực Đông Nam á - SIJORI, chúng ta có thể đi đến kết luận về vai trò không thể phủ nhận của tam giác tăng trưởng. Trong quá trình khu vực hoá và toàn cầu hoá của nền kinh tế thế giới, tam giác tăng trưởng tạo nên một sân chơi cho các quốc gia thành viên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau và tận dụng những thế mạnh của nhau nhằm tạo nên những điều kiện, môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Lợi ích của mỗi thành viên trong tam giác tăng trưởng rất đa dạng tuỳ thuộc vào điều kiện và vị thế của mỗi quốc gia. Tuy nhiên những lợi ích nổi bật nhất vẫn là cơ hội tăng thu nhập quốc gia, tăng công ăn việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới thông tin liên lạc, giao thông vận tải, đồng thời đưa các sản phẩm của mình thâm nhập thị trường ngoài nước.

Bên cạnh những đóng góp về kinh tế, tam giác tăng trưởng cũng có những vai trò nhất định trong lĩnh vực an ninh hiểu theo nghĩa rộng. Sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng về kinh tế có tác dụng giảm bớt khả năng về vũ lực; bằng cách đó tăng cường mối quan hệ hoà bình, hợp tác giữa các quốc gia. Phó thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim từng nói: "Thay vì bàn cãi về những tranh chấp biên giới, chúng ta giờ đây đang tăng cường hợp tác kinh tế thông qua tam giác tăng trưởng và các mối liên kết xuyên quốc gia khác"(1).Mặc khác, người ta cũng đánh giá rằng tam giác tăng trưởng đã góp phần vào sự ổn định cho nội bộ các chính phủ, quốc gia thông qua việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, tạo nên sự thịnh vượng về kinh tế- nguồn gốc của lòng tin trong nhân dân, do vậy những mầm mống chống đối, phá hoại cũng suy giảm đáng kể, tức là nền an ninh quốc gia cũng như khu vực trở nên ổn định hơn. Ngoài ra trong kỷ nguyên mà địa- kinh tế có xu hướng lấn át địa- chính trị, sự tồn tại và phát triển của tam giác tăng trưởng khiến các cường quốc nhìn nhận khu vực này như một sân chơi với những cơ hội và tiềm năng to lớn về kinh tế hơn là những chính sách tranh giành quyền lực của mình.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, quá trình xây dựng và quản lý tam giác tăng trưởngcũng còn nhiều vấn đề tồn tại đòi hỏi phải có sự nghiên cứu và khắc phục nhằm xây dựng những tam giác kinh tế có hiệu quả hơn. Đó là những vấn đề như phân phối lợi ích, xử lý các mối quan hệ đối với công nhân làm thuê, quản lý dòng nhân công di tản hòng tìm kiếm lợi thế về công xá...

Là một quốc gia kém phát triển, có thu nhập quốc dân và thu nhập đầu người tương đối thấp so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam đã và đang có những nỗ lực to lớn nhằm tạo cho mình những điều kiện thuận lợi trong quá trình hội nhập khu vực (AFTA) và toàn cầu (WTO). Để hướng tới mục tiêu trên, việc đẩy mạnh sản xuất hướng vào XK là một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển mà Chính phủ đã đề ra cho giai đoạn phát triển trước mắt. Việt Nam cũng đã thành lập những khu công nghiệp, chế xuất như Tân Thuận, Bình Tiên, với những chính sách ưu đãi và những điều kiện thuận lợi đặc biệt cho các nhà đầu tư. Với những tiền đề như vậy, việc hình thành tam giác tăng trưởng với các vùng, miền của các quốc gia láng giềng cũng có thể được xem xét, nghiên cứu như một giải pháp để tăng cường hợp tác, thu hút nguồn vốn đầu tư và tận dụng triệt để hơn nữa những lợi thế so sánh của mình nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển, có được một vị thế có lợi nhất khi hoà nhập vào cộng đồng kinh tế khu vực và thế giới./.

Cùng chuyên mục