Số 26 - Về việc mở rộng EU sang phía Đông

09:50 27/03/2012

Về việc mở rộng EU sang phía Đông

Tác giả: Nguyễn Thị Bình.

Trong khi Châu Á đang vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ mà người ta lo ngại có thể gây tác động lan tỏa trên quy mô toàn cầu thì ở Châu Âu, EU vừa đưa ra một quyết định quan trọng không chỉ đối với Liên hiệp mà còn có tác động tới hệ thống tiền tệ quôc tế và các trung tâm tài chính thế giới. Đó là việc thực hiện đúng lịch trình đồng EURO vào đầu năm 1999. Có được quyết định 11/15 nước tham gia đợt đầu vào Liên minh tiền tệ Châu Âu (EMU) chứng tỏ quyết tâm cao của các nhà lãnh đạo EU.

Nếu như đồng tiền chung ra đời theo đúng lịch trình như là một lời chứng cho việc Châu Âu đang thực hiện những bước liên kết kinh tế cao, thì vấn đề liên kết theo chiều rộng (mở rộng thành viên) có tiến hành đồng thời không ? Hiện nay đã có một danh sách dài các nước Trung - Đông Âu xin gia nhập EU. Nếu đợt mở rộng lần này đối với các nước Trung - Đông Âu thì sẽ là đợt mở rộng sang phía đông với các nước "dân chủ" và một nền kinh tế chuyển đổi. Liệu sẽ có nhiều khó khăn đối với EU trong khi cùng lúc phải thực hiện liên kết chiều sâu và vừa phải thực hiện liên kết chiều rộng. Ngay chính trong EU cũng có những tranh luận có nên mở rộng hay thực hiện liên kết giữa các nước thành viên thật sâu sắc trước khi kết nạp thêm.

Để làm rõ thêm khả năng hiện thực của việc kết nạp các nước Trung - Đông Âu trong các năm tới, bài viết xem xét một số khía cạnh chính trị, kinh tế cũng như vấn đề EU phải điều chỉnh cho việc mở rộng lần này.

Quá trình ra đời và phát triển EEC (EU)

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, sức mạnh và ảnh hưởng của các cường quốc Châu Âu bị suy giảm nghiêm trọng. Các nước dù thắng hay bại trận đều bị suy kiệt về kinh tế, quốc phòng và vị thế chính trị bị yếu kém. Từ vị trí là những cường quốc thế giới, là trung tâm tài chính ngân hàng thế giới, nay phải nhường bước cho Mỹ. Một trật tự thế giới mới hình thành với vai trò Mỹ - Xô chi phối. Có lẽ đứng trước tình hình đó, một mặt Tây Âu dựa vào Mỹ về an ninh (cơ chế NATO) và về kinh tế (Kế hoạch Marshall) để khôi phục lại kinh tế xã hội. Mặt khác các nước Tây Âu cũng đã thấm thía cái giá phải trả của một Châu Âu chia rẽ bởi những tư tưởng dân tộc cực đoan ích kỷ. Làm thế nào để tránh được những xung đột trong tương lai và bắt tay vào khôi phục Châu Âu một cách tốt nhất ? ý tưởng về một Châu Âu thống nhất trên cơ sở tự nguyện bình đẳng đã phát triển và trở thành một xu hướng ở Tây Âu.

Những thất bại và sự kém hiệu quả của những tổ chức an ninh, chính trị ra đời sau chiến tranh như Hội đồng Châu Âu (1949) Hiệp ước Dunkirt (1947) Hiệp ước Brucxen (1948) Cộng đồng phát triển Châu Âu (1952) Liên minh Tây Âu WEU (1954) đã cho người Châu Âu rút ra ý kiến : một Liên hiệp chính trị sẽ xuất hiện thông qua liên kết kinh tế (Schuman). Trong liên kết kinh tế, công nghiệp than thép là lĩnh vực có nhiều tiềm năng cho một sự hợp tác chung ở Châu Âu với lý do : Than và thép là những ngành cơ bản của nền công nghiệp và công nghiệp thép có xu hướng tạo ra các cartel. Sự hợp tác sẽ loại bỏ được tình trạng lãng phí, trùng lặp, làm cho sản phẩm than thép có hiệu quả và có sức cạnh tranh hơn, khuyến khích phát triển công nghiệp. Liên kết sẽ đảm bảo cho Đức trở thành bạn hàng đáng tin cậy với các đối tác ở Châu Âu. Sau khi thảo luận với Monnet và thủ tướng Đức Konrat Adenauer, Ngoại trưởng Pháp Schuman mở rộng ý tưởng này trong cuộc họp báo 9/5/1950. Ngày này được biết đến như là ngày sinh của ý tưởng thống nhất Châu Âu với tuyên bố Schuman. Chính phủ 6(1) nước đã ký Hiệp ước Paris thành lập cộng đồng than thép Châu Âu (CSCE) ngày 18/4/1951 và tổ chức này đi vào hoạt động tháng 8/1952. CSCE là một bước nhỏ nhưng nó đã thể hiện lần đầu tiên chính phủ các nước Châu Âu đã đem lại cho tổ chức xuyên quốc gia này những sức mạnh có ý nghĩa. Người ta cho phép CSCE giảm hàng rào quan thuế, loại bỏ trợ cấp, định mức giá và tăng tiền bằng cách thu thuế sản phẩm than thép.

(1) Pháp, Đức, ý, Bỉ, Hà Lan, Lúc Xăm Bua

Việc thành lập CSCE cho thấy rằng liên kết là có thể thực hiện được, các nước buộc phải cùng nhau làm việc. Mặc dù CSCE chưa đạt được hết những mục tiêu đặt ra như tạo ra một thị trường chung về than thép, nhưng những gì CSCE làm đã mang lại động lực cho xu hướng liên kết hợp tác. Với đà đó, tháng 6/1955, hội nghị ngoại trưởng 6 nước CSCE họp tại Messinia (Italy) đã đạt được sự nhất trí với đề nghị của các nước Benelux "nhằm thành lập một Châu Âu thống nhất với việc phát triển những thể chế chung, liên hiệp những nền kinh tế các quốc gia và tạo ra "thị trường chung và hài hòa các chính sách xã hội".

Việc ký 2 hiệp ước Roma 3/1957, một thành lập Thị trường chung Châu Âu (EEC) và một thành lập cộng đồng năng lượng nguyên tử Châu Âu (EURATOM) đã tạo nền tảng mới cho quá trình liên kết Tây Âu.

Mặc dù còn có những vấn đề, nhưng EEC đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm đầu. Hiệp ước Roma quy định thời hạn 12 năm các nước thành viên điều chỉnh, loại bỏ những cản trở để thiết lập thị trường chung giữa 6 nước như thuế của từng nước được giảm xuống để cho phép đồng ý về một khung thuế chung vào năm 1968. Loại bỏ những hạn chế mà các nước dựng lên để bảo vệ công nghiệp trong nước đã đưa lại kết quả trong thời gian 1958-1965 thương mại nội bộ EEC tăng gấp 3 lần so với quan hệ thương mại của họ với các nước thứ ba. Tăng trưởng GNP trung bình của 6 nước là 5,7%, thu nhập đầu người và tiêu dùng tăng 4,5%, phần đóng góp của nông nghiệp trong GDP giảm 50%. Lưu thông hàng hóa qua biên giới bị những hàng rào phi quan thuế như chuẩn mực và quy định khác nhau về y tế, an toàn, bảo vệ hàng tiêu dùng đã được thống nhất vào giữa những năm 1960 - 1970. Chính sách nông nghiệp chung đã đạt được vào năm 1968. Chính sách này xây dựng một thị trường cho sản phẩm nông nghiệp ở Châu Âu, trợ cấp nông nghiệp và đảm bảo cho người nông dân Châu Âu về giá sản phẩm. Chính sách này đã khuyến khích được quy mô sản xuất và năng suất.

Lần mở rộng thứ nhất

Những thành tựu đạt được đã có tác động đến các nước Tây Âu khác. Ngay trong kế hoạch Schuman thành lập Cộng đồng than thép đã để ngỏ cho tất cả các nước tham gia. Có 6 nước tham gia CSCE còn các nước khác với những lý do khác nhau không tham gia, ví dụ như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là hai nước độc tài và ít quan tâm tới hợp tác quốc tế; Thụy Điển, áo, Phần Lan muốn giữ trung lập; Ireland có nền sản xuất chính là nông nghiệp và gắn bó chặt chẽ trong quan hệ kinh tế với Anh' còn Anh có quá nhiều lợi ích bên ngoài Châu Âu, hơn nữa xuất khẩu thép của Anh sang các nước khác ở Tây Âu rất ít, chỉ 4 - 6% năm... Thủ tướng Anh lúc đó, ông Clement Attlee nói Anh không chấp nhận nguyên tắc này vì lực lượng công nghiệp sống còn của một đất nước sẽ bị giao vào tay một thể chế có quyền lực một cách không dân chủ và không có trách nhiệm. Với nhận thức trên, Anh cùng một số nước Tây Bắc Âu khác đứng ra thành lập Hiệp hội mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA) năm 1959. Đây là một tổ chức liên chính phủ lỏng lẻo, mục đích chỉ là tự do thương mại. Tổ chức này phù hợp với các nước trung lập như Thụy Điển, áo, Thụy sĩ. Việc cắt giảm thuế quan của EFTA đạt hiệu quả không cao. Nhiều thành viên của EFTA làm ăn kinh tế với EEC hơn là với nhau. Rõ ràng ảnh hưởng chính trị Châu Âu không đặt ở EFTA mà ở EEC. Anh có nguy cơ bị cô lập về chính trị nếu đứng ngoài EEC. Thực sự EEC đang tiến triển tốt, EEC đã tạo ra được những tiến bộ về kinh tế, chính trị. Nền công nghiệp Anh muốn thâm nhập vào thị trường giầu có ở Châu Âu thì Anh phải tham gia EEC. Với những lý do trên, chỉ sau 15 tháng thành lập EFTA, tháng 8/1961 Anh làm đơn xin gia nhập EEC cùng với Ireland và Đan mạch. Động cơ của Đan Mạch muốn tham gia EEC là mong muốn tiêu thụ được nhiều sản phẩm nông nghiệp của mình trong thị trường EEC rộng lớn và nền công nghiệp của mình cũng sẽ được phát triển.

Về phần mình, Ireland lại nhìn thấy EEC sẽ phát triển được các tiềm năng các nhà máy công nghiệp của mình và mong muốn giảm bớt sự phụ thuộc về nông nghiệp với Anh.

Người ta tưởng rằng những ứng cử viên này hoàn toàn không gặp những trở ngại nào cho việc gia nhập. Do tính toán lợi ích, Pháp muốn xây dựng EEC quanh trục Pháp-Đức, Pháp cho rằng nếu Anh trở thành thành viên thì Anh sẽ cạnh tranh vai trò với Pháp trong EEC. Ngoài ra, Pháp cũng sợ rằng quan hệ đặc biệt Anh - Mỹ sẽ làm cho Mỹ càng có thêm nhiều ảnh hưởng ở Châu Âu. Đó là điều mà Pháp, nước có xu hướng độc lập với Mỹ, không muốn có. Nước Pháp dưới chính quyền của Đờ Gôn đã thuyết phục Đức phủ quyết Anh đến lần thứ hai (61/67). Chỉ sau khi Đờ Gôn từ chức năm 1969, các nước này nộp đơn lần thứ ba mới được xem xét và được chấp thuận là thành viên chính thức vào năm 1973, đưa tổng số thành viên từ 6 lên 9 nước.

Không có những vấn đề khó khăn đối với 3 nước thành viên mới trong điều chỉnh các chính sách kinh tế cũng như pháp luật vì ở đây có sự tương đồng của họ với các nước trong EEC.

Qua đợt kết nạp thành viên đợt đầu cho thấy những "ý đồ chính trị nước lớn" có tác động đáng kể. Nếu như không có sự phủ quyết của Pháp thì chắc rằng không phải 12 năm sau các nước này mới được tham gia EEC (thực ra Pháp chỉ muốn phủ quyết Anh, nhưng vì 2 nước kia nộp đơn cùng một đợt với Anh nên cũng không được xem xét gia nhập).

Lần mở rộng thứ hai

Một số nước Nam Âu như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha phát những tín hiệu cho thấy muốn được tham gia EEC. Hiệp ước Roma thành lập EEC nói rằng bất cứ nước Châu Âu nào cũng có thể nộp đơn xin gia nhập EEC. Nhưng trên thực tế thì dân chủ, nhân quyền và một chính sách kinh tế theo hướng thị trường tự do là những đòi hỏi tiên quyết. Ba nước kể trên đều có vấn đề về dân chủ và nhân quyền. Ngoài ra, nền kinh tế của họ cũng nghèo kém hơn các nước thành viên EEC. ở Hy Lạp, chỉ sau khi chính phủ dân sự được lập lại vào năm 1974, nước này đã thuyết phục EEC rằng tư cách thành viên EEC sẽ giúp Hy Lạp xây dựng lại nền dân chủ và kinh tế. Và do vậy, Hy Lạp đã được chấp nhận và trở thành thành viên thứ 10 của EEC vào năm 1981. Cũng tương tự như vậy, ở Bồ Đào Nha, chỉ sau khi chính quyền độc tài Caetano bị lật đổ năm 1973 và thiết lập một chính quyền dân sự, ở Tây Ban Nha sau khi Franco chết năm 1975 thì EEC mới xem xét nghiêm túc đến vấn đề thành viên của hai nước. EEC cho rằng cũng như Hy Lạp, việc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là thành viên EEC sẽ khuyến khích dân chủ trên bán đảo Iberian và giúp liên kết hai nước này gần gũi hơn với Tây Âu và NATO. Năm 1986 hai nước này đã trở thành thành viên của EEC, nâng tổng số thành viên từ 10 lên 12 nước.

Nhìn nhận đợt mở rộng thành viên đối với các nước Nam Âu lần này cho thấy "tiêu chuẩn chính trị" đã được đề cao hơn. Khi các nước đã đáp ứng được đòi hỏi về nhân quyền, dân chủ thì tình trạng kinh tế yếu kém không phải là sự cản trở lớn. Hiện nay "tiêu chuẩn này" vẫn được nhấn mạnh; quyết định của ủy ban Châu Âu 1997 không xét đơn của Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này vẫn còn những vấn đề về nhân quyền, dân chủ.

Việc tăng thành viên lên gấp đôi đã có những hiệu quả về kinh tế và chính trị. Nó giúp tăng cường ảnh hưởng của EEC vì lúc này EEC là khối kinh tế rộng lớn nhất thế giới. Nhưng trong nội bộ EEC, tiến trình ra quyết định cũng có những phức tạp hơn. Nó cũng làm giảm ảnh hưởng bao trùm của Pháp và Đức. Việc các nước nghèo ở Địa Trung Hải gia nhập cộng đồng cũng đã làm thay đổi cán cân kinh tế nội bộ.

Lần mở rộng thứ ba

Như đã đề cập ở phần trên, sau khi Anh, Đan Mạch và Ireland gia nhập EEC, các nước còn lại kể cả các nước theo đuổi chính sách trung lập như Thụy Điển, áo, cũng lần lượt xin làm thành viên không đầy đủ của EEC, quan hệ kinh tế thương mại giữa họ với EEC còn phát triển mạnh mẽ hơn nhiều so với trong nội bộ EFTA. Thực tế cho thấy, do sự gần gũi về địa lý và chính trị, mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa EEC và EFTA được xúc tiến mạnh mẽ dưới nhiều hình thức như đầu tư trực tiếp, liên doanh và hợp tác kỹ thuật. Ngoài những lĩnh vực trọng yếu trên, hợp tác về giao thông và môi trường cũng đã có những phát triển mới. Một bước tiến quan trọng nữa trong sự hợp tác giữa EEC và EFTA là thiết lập Khu vực kinh tế Châu Âu (Europe Economic Area).

Ngay sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, tư cách trung lập không còn là sự cản trở các nước "đứng giữa các khối" tham gia EEC. Và họ lần lượt xin gia nhập tổ chức này : Áo (1989), Thụy Điển (1991) và Phần Lan (1992). Việc đàm phán về tư cách thành viên giữa cộng đồng Châu Âu và 3 nước kể trên không gặp vấn đề, trở ngại nào.

Về kinh tế : Các nước này là thành viên EFTA có quan hệ kinh tế với EEC khá mật thiết, nhất là sau khi hai nhóm nước thiết lập Khu vực kinh tế Châu Âu (EEA). Một vài số liệu cụ thể : 55% hàng xuất khẩu của EFTA là sang EEC; 26% hàng xuất khẩu của EEC là sang EFTA. Hơn nữa các nước này đều là những quốc gia giàu có và ổn định, họ chỉ phải điều chỉnh rất ít để hòa nhập vào thị trường nội địa EEC, thậm chí có những điều chỉnh "xuống". Ví dụ : Thụy Điển là nước có những quy định về môi trường chặt chẽ hơn các nước EEC nên không muốn cho phép những loại ô tô chạy đường nội địa EEC kém kiểm soát về ô nhiễm vận chuyển qua nước mình.

Khả năng mở rộng sang các nước Đông Âu trong tương lai

Sau chiến tranh lạnh, khi hệ thống an ninh, kinh tế kiểu Xô Viết sụp đổ, các nước Trung-Đông Âu chuyển sang kinh tế thị trường và thiết lập các nhà nước dân chủ theo mô hình phương Tây. Hơn thế nữa, các nước này đều mong muốn được tham gia các cơ chế kinh tế, an ninh của Tây Âu như EU, NATO.

Ngay từ cuối những năm 80, đầu 90 vấn đề liên kết chiều sâu và liên kết chiều rộng đã được thảo luận trong EEC. Sau hiệp ước Maastricht, EEC được biết đến với tên gọi Liên hiệp Châu Âu (EU: European Union) - Nó thể hiện một bước tiến mới trong tiến trình liên kết toàn diện của cộng đồng. Những người theo trường phái liên kết chiều sâu muốn xây dựng các mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các nước trong khối trước khi kết nạp trong khi một số khác thì ủng hộ việc kết nạp ngay rồi cùng thúc đẩy việc liên kết chiều sâu. Xu hướng thứ nhất được chính quyền Anh ủng hộ với lý do chính Anh muốn tiến trình liên kết chậm hơn. Còn Đức thì ngược lại, ủng hộ việc kết nạp ngay những nước Trung-Đông Âu vốn là khu vực ảnh hưởng truyền thống của Đức. Bởi lẽ, Đức sẽ phát huy vai trò lớn hơn nếu biên giới của EU kéo dài tới sườn phía đông của Đức. Các nước nhỏ trong EU ủng hộ việc kết nạp thêm thành viên mới vì họ sẽ tránh được sức ép của các nước lớn. Do vậy, vấn đề mở rộng thành viên vẫn để ngỏ cho tất cả các nước. Về lý thuyết sẽ có hơn 20 nước có điều kiện gia nhập EU : 4 nước Tây Âu trong EFTA là Na Uy, Băng đảo, Liechtenstein, Thụy Sĩ; 7 nước Trung-Đông Âu là Bungari, Hungari, Ba Lan, Séc, Slovakia, Anbani, Rumani; 3 nước thuộc Liên Xô cũ là Ucraina, Belarusia, Mônđôva, 4 nước ở Địa Trung Hải là Malta, Monaco, Síp, Thổ Nhĩ Kỳ; và 5 nước trong Liên bang Nam tư cũ.

Những lập luận ủng hộ việc các nước Trung - Đông Âu tham gia EU cho rằng, tư cách thành viên EU sẽ là nền tảng cho quá trình chuyển đổi của các nước này như trước đó EU đã làm với các nước Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Mở rộng sẽ là một trong những phương cách chủ yếu để EU tăng cường tự do thương mại, dân chủ, ổn định ở Châu Âu. Mở rộng sang phía Đông sẽ giúp bảo đảm rằng khu vực này sẽ phát triển theo hướng dân chủ và thị trường tự do. Kỷ luật và điều lệ đối với thành viên EU sẽ giúp ngăn chặn tái diễn các cuộc xung đột liên quan đến biên giới lãnh thổ, sắc tộc ở Trung và Đông Âu do lịch sử để lại. Những xung đột này, nếu xẩy ra, sẽ làm cho Tây Âu bất ổn định và sẽ gây ra làn sóng người tị nạn chạy sang Tây Âu. Do vậy EU cần phải kéo các nước Trung - Đông Âu vào các mối quan hệ chiến lược với mình. Những nhận thức trên đây cho thấy các nhà lãnh đạo Tây Âu thấy được lợi ích chiến lược, lợi ích chính trị trong việc mở rộng sang phía đông.

Vì thế ngay từ 1988 tại cuộc họp của Hội đồng Châu Âu tại Rohode, các nước EU đã thống nhất với nhau rằng EU là một lực hút kinh tế có thể kéo Đông Âu tiến tới một khu vực thịnh vượng chung mới của các dân tộc tự do. Một cách tự nhiên, EU trở thành trung tâm và là người bảo trợ cho làn sóng cải cách ở đây. Điều này đã được chính thức hóa tại Hội nghị cấp cao G7 năm 1989. Ngay sau đó, tháng 12/1989, EU đã phát động chương trình Hành động cho sự phục hồi kinh tế của Ba Lan và Hungari (PHARE). Đến nay PHARE đang tiếp tục được mở rộng cho các nước Đông Âu khác. Qua chương trình này, năm 1990 đã trợ giúp cho Đông Âu 600 triệu USD, năm 1991 là 974 triệu USD và năm 1992 là 1,2 tỷ USD. Tiếp theo, EU đã ký với hầu hết các nước Đông Âu hiệp định hợp tác thương mại. Ngân hàng đầu tư Châu Âu dự trữ hàng tỷ đô la sẵn sàng cung cấp tín dụng cho Đông Âu. Đặc biệt, với việc thành lập Ngân hàng tái thiết và phát triển Châu Âu (EBRD) năm 1990 với nguồn vốn từ các nước EU, Mỹ và Nhật trong đó EU chiếm 51%, với số vốn ban đầu 12 tỷ USD nhằm giúp cho thành phần kinh tế tư nhân ở các nước Đông Âu. Chỉ riêng năm 1992, EBRD đã thông qua các dự án trị giá 1,3 tỷ USD trợ giúp các nước này. Người ta coi đây là một "kế hoạch Marshall mới" cho Đông Âu ở thời kỳ sau chiến tranh lạnh. Điều đó cũng nói lên quan tâm của EU khuyến khích các nước Đông Âu phát triển mạnh mẽ thành phần kinh tế tư nhân mà họ cho là đóng vai trò quan trọng nhất trong nền kinh tế thị trường tự do.

Hiện nay ủy ban Châu Âu giữ quyền điều phối nhóm 24 nước (các nước EU, các nước EFTA, Mỹ, Nhật, Canađa, Australia, New Zealand) trong việc hỗ trợ những cải cách ở Đông Âu. Vai trò đi đầu của EU trong chương trình này không chỉ giúp cho EU thêm sức mạnh trong chính sách đối ngoại của mình mà còn có vai trò ngày càng lớn trong tương lai của Đông Âu ở cả phương diện chính trị cũng như kinh tế. Bằng việc ký Hiệp định Châu Âu (Europe Agreements) năm 1990 với các nước Ba Lan, Hungari, Séc, Slovakia, Rumani, Bungari, (có hiệu lực với Ba Lan và Hungari từ năm 1994), các nước sẽ thực hiện tự do hóa thương mại trong hàng hóa công nghiệp kể cả những sản phẩm nhậy cảm như hàng dệt và sắt thép. Người ta cho rằng đây là bước quá độ để các nước này tham gia đầy đủ vào EU.

Với ý nghĩa chiến lược trong việc thu hút các nước Đông Âu tham gia vào quỹ đạo của mình, EU phải chịu gánh nặng về tài chính cho tiến trình này cũng như phải có những chính sách ưu tiên cho các nước nói trên. Bằng việc mở cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Đông Âu, EU đã góp phần làm sống động hoạt động kinh tế của khu vực này. Có tới gần 80% hàng xuất của Trung - Đông Âu là sang thị trường EU, trong khi chỉ xuất được 5% sang Mỹ. Theo các nghiên cứu gần đây của ủy ban Châu Âu, chỉ riêng việc mở rộng cải cách nông nghiệp và phát triển hạ tầng cơ sở của 10 nước Trung - Đông Âu thì EU đã phải chi thêm 38 tỷ ECU (tương đương 5 tỷ USD) trong ngân sách mỗi năm của mình. Ngoài ra những trợ giúp về kỹ thuật, pháp lý, mạng lưới thông tin toàn Châu Âu, kể cả việc nâng cấp các khoa, các trường đại học những điều kiện cần thiết cho việc Đông Âu hòa nhập vào EU là những khoản chi rất lớn.

Qua đó cho thấy EU rất quan tâm đến việc làm cho các đối tác mới tương đồng về kinh tế khi tham gia EU hơn là những lợi ích kinh tế mà các đối tác này có thể mang lại. Nói như vậy không có nghĩa là EU không có những lợi ích kinh tế nào trong tiến trình mở rộng về phía đông. Chính khi xuất khẩu hàng sang EU thì các nước Đông Âu cũng phải chấp nhận và tuân theo những quy định của EU. Một mặt làm cho các nước này nâng dần tới chuẩn mực chung của EU. Mặt khác, khi Đông Âu chấp nhận những luật lệ và các mô hình pháp lý đó, về cơ bản sẽ làm lợi cho các công ty của EU trong việc xâm nhập vào thị trường của các nước Trung-Đông Âu với một lợi thế mà các đối tác khác không có được.

Mở rộng EU sang phía Đông mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn đối với EU. Mặc dù các nước Đông Âu đang cố gắng điều chỉnh cải cách và đạt được những tiến bộ; nhưng xét về mặt kinh tế cũng như về thể chế luật pháp họ đều chưa sẵn sàng có thể tham gia EU. Việc mở rộng sớm hay muộn phụ thuộc vào khả năng EU tiếp nhận các thành viên mới trong khi vẫn đảm bảo tính cố kết và duy trì tiến trình liên kết. Cải cách thể chế EU là đặc biệt cần thiết. Vì những vòng mở rộng tới không như lần trước với ba nước EFTA (Thụy Điển, áo, Phần Lan), là những nước có trình độ phát triển kinh tế cao, gần gũi về văn hóa, chính trị với Tây Âu. Còn các nước Đông Âu, có lịch sử rất khác nhau trong quan hệ với các nước phương Tây. Liệu sẽ có bao nhiêu nước và khi nào sẽ được kết nạp? Vấn đề đặt ra cho EU là :

- Việc cải cách thể chế và các luật định trong EU phải uyển chuyển hàm chứa sự đa dạng trong thi hành mà vẫn không làm phương hại đến mục tiêu chung của Liên hiệp.

- ưu tiên cao nhất của EU hiện nay là thực hiện đồng tiền chung vào đầu năm 1999. Do vậy các nước thành viên đang phải điều chỉnh chính sách kinh tế theo hướng "thắt lưng buộc bụng". Mặt khác Châu Âu vẫn đang phải chịu nạn thất nghiệp cao và mức tăng trưởng tương đối chậm. Chắc chắn điều này sẽ phải ảnh hưởng đến "tốc độ" mở rộng.

- Một số nước tham gia ký Hiệp định Châu Âu (Europe Agreements) sẽ được xem xét kết nạp sớm hiện đang bước vào giai đoạn thương lượng giữa EU với từng nước không hẳn vì những lợi ích kinh tế mà vì khía cạnh an ninh ổn định thì họ vẫn cần một sự trợ giúp kinh tế lâu dài của EU sau khi gia nhập và sẽ có một thời kỳ quá độ kéo dài hơn.

- EU được đánh giá là tổ chức khu vực thành công nhất trong liên kết kinh tế trên thế giới. Với tiềm lực mạnh, tuy đang phải thực hiện những nhiệm vụ lớn về liên kết tiền tệ song trước những ý nghĩa chính trị của việc mở rộng thành viên sang phía Đông, EU sẽ tìm ra phương cách phù hợp cho việc tiếp nhận các nước Trung - Đông Âu vào Liên hiệp, có thể là trong đầu thập niên tới./.

Cùng chuyên mục