Số 27 - Các giai đoạn phát triển của quan hệ Liên bang Nga - Việt Nam

08:43 28/03/2012

Các giai đoạn phát triển của quan hệ Liên bang Nga - Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Hoàng Giáp.

Quan hệ giữa Liên bang Nga với Việt Nam (quan hệ Nga - Việt) là sự kế thừa quan hệ Xô - Việt hữu nghị truyền thống trước đây. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh lịch sử mới, trước hết là sự đảo lộn thể chế chính trị ở Nga, tính chất mối quan hệ Nga - Việt đã thay đổi sâu sắc. Nếu nền tảng cơ bản cố kết quan hệ Xô - Việt được khơi nguồn từ sự tương đồng về ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa và quan hệ đồng minh chiến lược thì cơ sở của quan hệ Nga - Việt chỉ xuất phát chủ yếu từ lợi ích quốc gia - dân tộc. Do vậy, các nguyên tắc quan hệ cũng thay đổi. Chủ nghĩa quốc tế XHCN - nguyên tắc hàng đầu chỉ đạo quan hệ Xô - Việt được thay thế bằng nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi trong quan hệ Nga - Việt hiện nay.

Chịu sự chi phối của những biến động trong tình hình mỗi nước và các nhân tố quốc tế, quan hệ Nga - Việt đến nay có thể chia làm ba giai đoạn chủ yếu với những nét đặc trưng riêng biệt.

Giai đoạn thứ nhất : Từ cuối năm 1991 đến năm 1993.

Đặc trưng nổi bật nhất của giai đoạn này là tình trạng trì trệ trong quan hệ Nga - Việt, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế - thương mại, mặc dù cả hai bên đã bước đầu có những nỗ lực nhằm vượt qua tình trạng này.

Quan hệ Xô - Việt cuối giai đoạn cải tổ đã bộc lộ những suy giảm rõ rệt, song sự kiện Liên Xô tan rã đã tạo ra khoảng hẫng hụt lớn và đột ngột đối với quan hệ Nga - Việt. Cả hai bên, do nhiều lý do khác nhau, đều thực sự tỏ ra lúng túng trong việc tìm ra phương án khả thi để duy trì mối quan hệ bình thường. Song, đáng chú ý là trong tư duy của ban lãnh đạo Nga lúc đó, Việt Nam không còn vị trí như trong quan hệ Xô - Việt. Nga tiếp tục xúc tiến giảm sự có mặt tại Việt Nam thông qua việc triệt thoái gần như toàn bộ lực lượng quân sự ở Cam Ranh và rút dần số lượng các chuyên gia, kỹ thuật viên đang làm việc trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam. Cộng với những khó khăn ngày càng tăng do khủng hoảng kinh tế - xã hội ở Nga đang ở độ cao trào, Nga không thể thực hiện các cam kết của Liên Xô với Việt Nam mà Nga kế thừa. Hệ quả là sự tụt giảm một cách chưa từng thấy các liên hệ kinh tế vốn có bề dày truyền thống mà hai bên được kế thừa. Khối lượng buôn bán Nga - Việt Nam 1992 chỉ còn bằng 10% kim ngạch mậu dịch Xô - Việt năm 1989 (1,911 tỷ rúp).

Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn rất lớn do Nga hạn chế cung cấp các mặt hàng thiết yếu như nguyên - nhiên liệu, vật liệu, thiết bị máy móc và phụ tùng thay thế cho các cơ sở kinh tế được Liên Xô giúp xây dựng. mặt khác các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam sang Liên Xô như rau quả, thực phẩm, nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ và công nghiệp nhẹ v.v... đã bị thu hẹp mạnh trên thị trường Nga. Trước tình hình đó, Việt Nam buộc phải nhanh chóng tìm kiếm các đối tác mới từ khu vực Đông á, Đông Nam á, Tây Âu, v.v... Việc xác lập và củng cố chỗ đứng trên các thị trường mới, về khách quan đã làm giảm mối quan tâm của các đối tác Việt Nam nhằm vực dậy các quan hệ kinh tế với Nga . Các đối tác nước nogài ở Việt Nam cũng tranh thủ lấp khoảng thiếu hụt do các nguồn cung cấp từ Nga bị suy giảm, củng cố thế đứng trên thị trường Việt Nam.

Ngoài quan hệ kinh tế, các mối quan hệ khác giữa hai nước cũng chỉ được xúc tiến ở mức thấp và nhiều khi mang tính hình thức. Những cuộc tiếp xúc ở cấp cao nhất - một hình thức biểu đạt độ tin cậy và hữu nghị vốn có trước đây - trong suốt giai đoạn 1991 - 1993 đã không diễn ra. Trên diễn đàn quốc tế, do mỗi bên theo đuổi những mục tiêu không giống nhau, cho nên sự phối hợp các nỗ lực ngoại giao và việc tham khảo quan điểm lẫn nhau về các vấn đề quốc tế và khu vực cũng bị gián đoạn, ngưng trệ.

Dĩ nhiên, có hàng loạt nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ của quan hệ Nga - Việt 1991 - 1993. Nhưng một nguyên nhân sâu xa và cơ bản nhất bắt nguồn từ việc xác định lại hệ thống lợi ích quốc gia của mỗi bên trong bối cảnh quốc tế mới. Chính sách đối ngoại Nga giai đoạn này tập trung hướng chủ yếu vào phát triển quan hệ với phương Tây, coi đây là điều kiện giúp Nga thoát khỏi khủng hoảng và hội nhập nhanh với các quốc gia công nghiệp tiên tiến. Đối với Việt Nam lúc đó, hướng ưu tiên hàng đầu trong hoạt động đối ngoại là tăng cường quan hệ với các nước láng giềng khu vực Đông Nam á, Châu á - Thái bình dương. Những kết quả khả quan của công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã từng bước chứng tỏ tính hiệu quả của sự lựa chọn hướng ưu tiên kể trên. Mặt khác, trong quan hệ Nga - Việt còn tồn tại quá nhiều vấn đề trên cả tầm vĩ mô và vi mô. Chẳng hạn, hai bên chưa xác lập được cơ cấu và cơ chế mới thích hợp để thúc đẩy mối quan hệ : từ phương thức thanh toán, hình thức quan hệ, các biện pháp hỗ trợ, lĩnh vực ưu tiên, giải quyết vấn đề nợ đến việc xác lập nền tảng quan hệ mới.

Giai đoạn thứ hai : Từ năm 1994 đến năm 1996.

Bắt đầu từ cuối năm 1993 đầu năm 1994, Nga đẩy mạnh cải thiện quan hệ với các nước khu vực Đông á - Thái Bình dương : Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc v.v... trong nỗ lực điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng "cân bằng Đông - Tây". Sự cải thiện quan hệ Nga - ASEAN được đánh dấu bằng hai sự kiện : Nga tham gia ARF-1 (Băngkoc - 7/1994) và trở thành bên đối thoại đầy đủ của ASEAN vào cuối năm 1996. Tình hình đó tác động tích cực đến quan hệ Nga - Việt. Mặt khác, công cuộc đổi mới của Việt Nam thu được những thắng lợi ban đầu rất quan trọng, giúp Việt Nam từng bước vượt qua khỏi khủng hoảng kinh tế kéo dài và đạt mức tăng trưởng cao. Trên lĩnh vực đối ngoại, cùng với việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Việt Nam năng động thúc đẩy quá trình hội nhập ASEAN và đã trở thành thành viên chính thức của hiệp hội tháng 7- 1995.

Trong quan hệ Nga - Việt giai đoạn 1994 - 1996 nổi lên nét đặc trưng tiêu biểu, đó là các nỗ lực mang tính đột phá nhằm tạo dựng khuôn khổ pháp lý mới đáp ứng nhu cầu phát triển quan hệ của hai nước trong tình hình mới. Nhờ vậy, quan hệ Nga - Việt bắt đầu khởi tiến bằng nhiều bước đi tích cực và thực tế hơn.

Nhu cầu tăng cường quan hệ Nga - Việt xuất phát trước hết từ việc nhận thức lại một cách đầy đủ hơn vai trò của mỗi bên đối với sự phát triển của nhau. Đối với Nga, Việt Nam tuy không có thực lực kinh tế lớn nhưng lại có tiềm năng phát triển mạnh, đặc biệt có vai trò chính trị quan trọng tại khu vực Đông Nam á. Trong tính toán chiến lược của Nga trên con đường thực thi chính sách Châu á - Thái bình dương, Việt Nam có một số thế mạnh hơn các nước Đông Nam á khác mà Nga có thể tận dụng để phục hồi kinh tế và nâng cao vị thế tại khu vực. Việt Nam là nơi Liên Xô đã đầu tư, trợ giúp hơn 10 tỷ rúp chuyển đổi vào những ngành kinh tế then chốt như năng lượng, khai khoáng, luyện kim, giao thông, cơ khí v.v... Việt Nam cũng được Liên Xô đào tạo giúp một đội ngũ rất đông đảo (hơn 3 vạn) các nhà nghiên cứu, chuyên gia, kỹ thuật viên tay nghề cao và các cán bộ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế. Xét về địa - chiến lược, Việt Nam án ngữ vị trí quan trọng ở Đông Nam á, từ địa bàn Việt Nam có thể kiểm soát các tuyến đường hàng hải và hàng không huyết mạch đi qua khu vực biển Đông. Nga vẫn là cường quốc quân sự biển có lợi ích liên quan đến biển Đông và cần thiết phải bảo đảm các quyền lợi an ninh, kinh tế, hàng hải có ý nghĩa chiến lược ở đây.

Sự kiện mang ý nghĩa cột mốc đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ Nga - Việt là chuyến đi thăm hữu nghị chính thức đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt sang Liên bang Nga với việc ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hữu nghị giữa CHXHCN Việt Nam và Liên bang Nga (6-1994). Sự kiện này phản ánh quyết tâm của cả hai phía nhằm tạo lập cơ sở - nền tảng mới định hướng toàn diện cho sự phát triển của quan hệ hai nước trong tình hình mới.

Tại các cuộc tiếp xúc Nga - Việt trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hai bên đã thẳng thắn nhìn nhận về sự ngưng trệ của hợp tác Nga - Việt và bày tỏ nỗ lực cao nhất để cải thiện tình trạng đó. Việc ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ Nga - Việt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với triển vọng quan hệ hai nước. Nó tạo ra nền tảng pháp lý mới và những nguyên tắc chỉ đạo hoạt động đối ngoại của mỗi nước với nhau. Hiệp ước khẳng định hai nước tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Hai bên coi trọng việc phối hợp hoạt động quốc tế, góp phần duy trì và củng cố hòa bình và an ninh thế giới, ngăn ngừa các cuộc xung đột vũ trang ; đồng thời thường xuyên tham khảo ý kiến của nhau về mọi vấn đề liên quan đến lợi ích của hai bên.

Được thúc đẩy bởi những cơ sở pháp lý mới và bầu không khí hữu nghị hiểu biết lẫn nhau, hợp tác Nga - Việt đã tiến triển tích cực hơn trong giai đoạn 1994 - 1996. Nga tiếp tục cung ứng theo thỏa thuận cho Việt Nam nhiều mặt hàng thiết yếu và thiết bị toàn bộ phục vụ các hạng mục công trình do Liên Xô và Nga giúp xây dựng. Việt Nam tỏ rõ sự tích cực hơn trong việc cung cấp hàng hóa trả nợ cho Nga (mỗi năm khoảng hơn 100 triệu USD). Trong điều kiện cả hai nước còn khó khăn về kinh tế, mỗi bên đã chủ động tìm kiếm những hình thức hợp tác phù hợp để thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại. Chẳng hạn để khắc phục trở ngại trong khâu thanh toán, các đối tác Nga và Việt Nam liên kết với các đối tác nước ngoài lập ra các liên doanh nhiều bên hoặc xúc tiến từng thương vụ cụ thể. Quan hệ kinh tế - thương mại Nga - Việt trong giai đoạn 1994 - 1996 tiếp tục ghi nhận những đóng góp không nhỏ của một chủ thể mới, đó là các công ty tư nhân của người Việt Nam tại Nga. Số lượng các công ty này khoảng trên 300 và hoạt động dưới hình thức công ty tư nhân 100% vốn nước ngoài hoặc công ty liên doanh Nga - Việt với năng lực vốn khoảng 200 triệu USD. Lĩnh vực hoạt động của các công ty rất đa dạng : kinh doanh xuất - nhập khẩu hàng tiêu dùng, vật tư thiết bị sản xuất, ăn uống công cộng, du lịch, dịch vụ, đầu tư, ngân hàng, bảo hiểm, đào tạo v.v... Sau một thời gian hoạt động còn phân tán và gặp nhiều trở ngại từ phía Nga, các công ty này đi vào ổn định, mở rộng quy mô và đóng góp đáng kể vào việc khắc phục sự ngưng trệ của quan hệ kinh tế Nga - Việt.

Những cố gắng của cả Nga và Việt Nam nhằm đưa quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước vượt ra khỏi tình trạng ngưng trệ đã đưa lại một số kết quả ban đầu. Kim ngạch mậu dịch Nga - Việt năm 1994 đạt 378,9 triệu USD gần gấp đôi mức 204,9 triệu USD năm 1992. Các năm 1995, 1996 tuy kim ngạch không tăng và còn nhỏ bé (453 triệu USD - 1995, 280 triệu USD - 1996) nhưng ổn định. Tính đến năm 1996, Nga có 36 dự án đang thực hiện với số vốn 160 triệu USD ; trong đó 32 xí nghiệp liên doanh, 2 xí nghiệp 100% vốn của Nga, 2 hợp đồng thỏa thuận kinh doanh chung. Nga xếp thứ 18 trong số 54 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Hợp tác liên doanh sản xuất Nga - Việt đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế hai nước. Thành công nổi bật trên lĩnh vực này phải kể đến liên doanh dầu khí Vietsovpetro. Năm 1994, liên doanh này khai thác được 7 triệu tấn dầu thô, năm 1996 đạt 8,2 triệu tấn, đến tháng 10 năm 1997 đã khai thác tấn dầu thứ 50 triệu. Tổng doanh thu bán dầu từ 1991 đến tháng 10/1997 đạt 6,3 tỷ USD, trong đó nộp ngân sách Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD.

Giai đoạn thứ 3 : Từ 1997 đến nay

Sau chặng đường hơn 5 năm củng cố và phát triển, quan hệ Nga - Việt ngày càng được cải thiện tích cực. Trước những diễn biến của tình hình mới và bối cảnh quốc tế ở vào nửa cuối thập niên 90, hai nước đều đã nhận thức được tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ hai bên lên một giai đoạn mới.

Trên thực tế, quan hệ Nga - Việt từ năm 1997 đến nay đã biểu hiện một số động thái mới, cho phép có những cơ sở để xác lập một giai đoạn quan hệ cao hơn về chất. Có thể khái quát nét đặc trưng cơ bản nhất của giai đoạn này, đó là sự thừa nhận tính cấp thiết và những nỗ lực theo hướng đưa quan hệ Nga - Việt lên tầm chiến lược lâu dài và ổn định. Chính là theo hướng đó, hai năm qua quan hệ Nga - Việt được củng cố bằng những bước đi cụ thể trên nhiều lĩnh vực, trong đó quan hệ chính trị, ngoại giao luôn chiếm giữ vị trí mở đường.

Tháng 2 năm 1997, Chủ tịch Viện Đu ma quốc gia Nga G. Xê-le-giơ-nhi-ốp sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam nhằm xác lập và củng cố mối quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước. Tại các cuộc tiếp xúc cấp cao, ông đánh giá cao tình hữu nghị truyền thống Nga - Việt, coi đó là tài sản quý giá cần bảo vệ giữ gìn và phát triển. Tháng 3 năm 1997, tổng thống Nga B. En-sin lần đầu tiên trong Thông điệp Liên bang đầu năm đã nhấn mạnh tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Tuy nhiên, cột mốc quan trọng nhất đánh dấu bước chuyển biến cơ bản về lập trường của mỗi bên là cuộc đi thăm hữu nghị chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga V. Chec-nô-mư-đin cuối tháng 11 năm 1997. Trước khi sang thăm Việt Nam, trả lời phỏng vấn của ITAR-TASS (21-11-1997), Thủ tướng Nga khẳng định chủ trương phát triển hợp tác hết sức chặt chẽ với các đối tác truyền thống trên cơ sở cùng có lợi và duy trì sự có mặt có tính chất xây dựng về chính trị và kinh tế của mình ở Đông Nam á, cụ thể là ở Việt Nam . Ông nhấn mạnh Việt Nam đã và vẫn là đối tác gần gũi của Nga và mối quan hệ của Nga với Việt Nam là hướng ưu tiên lịch sử đã được hai nước lựa chọn. Tại các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Việt Nam, Thủ tướng V. Chec-nô-mư-đin tuyên bố chủ trương của Tổng thống và Chính phủ Nga coi Việt Nam là đối tác chiến lược và quan hệ Nga - Việt là một trong những hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng khẳng định luôn coi trọng việc củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và sự hợp tác nhiều mặt với Liên bang Nga là sự định hướng chiến lược lâu dài của Nhà nước Việt Nam. Rõ ràng, ở đây có sự gặp gỡ rất lớn về mặt quan điểm chính trị của ban lãnh đạo hai nước về tầm quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác Nga - Việt. Sự tương đồng này phản ánh những nhu cầu bức xúc của mỗi nước, do đó là cơ sở - động lực đưa quan hệ Nga - Việt bước sang giai đoạn phát triển toàn diện, có chiều sâu.

Sự nhất trí cao về mặt chính trị được cụ thể hóa bằng việc ký kết Tuyên bố giữa hai Chính phủ về thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học kỹ thuật. Bản tuyên bố khẳng định tiếp tục phát triển hợp tác trên mọi lĩnh vực như công nghiệp dầu khí, năng lượng và khai thác tài nguyên, cơ khí, luyện kim và điện tử, đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp nhẹ, công nghiệp hóa chất, vi sinh và dược phẩm; nông nghiệp và chế biến lâm sản; đánh cá và chế biến hải sản; giao thông vận tải; bưu điện và hàng không; xây dựng; bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe và y học; khoa học - công nghệ và đào tạo; dụ lịch và văn hóa v.v... Hai bên cũng nhất trí hỗ trợ cho các tổ chức doanh nghiệp hai nước cùng triển khai các dự án mới về dầu khí tại Việt Nam, Nga hoặc nước thứ ba.

Để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, hai bên nhất trí cần tiếp cận vấn đề nợ một cách linh hoạt, nhất là khi Nga đã tham gia Câu lạc bộ Pari và Luân đôn; đồng thời tích cực tìm giải pháp cho khâu thanh toán - một trở ngại cơ bản hiện nay. Tháng 3 năm 1998 hai nước đã ký kết thỏa thuận khung giữa hai ngân hàng Nga và Việt Nam. Theo đó, xác lập quan hệ giữa các ngân hàng thương mại hỗ trợ cho việc thanh toán buôn bán giữa các doanh nghiệp, bao gồm cả việc thu hút sự tham gia của các ngân hàng bên thứ ba.

Trên lĩnh vực hợp tác liên doanh sản xuất, ngoài việc duy trì các hạng mục có từ trước, gần đây hai nước đã bắt đầu xúc tiến một số dự án lớn. Đầu tháng 3 năm 1998 Petro Vietnam và Liên đoàn dầu khí Nga "Da-ru-be-dơ-nhep" đã ký tắt thỏa thuận chung về liên doanh xây dựng và vận hành nhà máy lọc dầu số 1 ở Dung Quất với công suất 6,5 triệu tấn/năm. Petro Vietnam cùng với Tổ hợp công nghiệp khí đốt Nga "Ga-dơ-prôm" ký biên bản hợp tác tìm kiếm thăm dò khí đốt, nghiên cứu xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt. Với những thuận lợi nhất định, các đối tác dầu khí Nga đã thắng thầu trong việc khai thác một số mỏ dầu mới ở Việt Nam, cho nên rất có khả năng sẽ xuất hiện một liên doanh khai thác dầu khí mới bên cạnh Vietso Petro. Triển vọng về hợp tác trên lĩnh vực năng lượng, trước hết là dầu khí và điện giữa Nga với Việt Nam hiện nay rất khả quan, nó nhất định sẽ góp phần củng cố vị trí của Nga trong nền kinh tế Việt Nam những năm tới. Trong cuộc họp báo chung với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm tháng 3 năm 1998 tại Mát-xcơ-va, Bộ trưởng Ngoại giao Nga lúc đó là E. Pri-ma-cốp hy vọng sẽ đưa hợp tác kinh tế thương mại Nga - Việt lên gấp 10 lần hiện nay.

Trong khung cảnh quan hệ Nga - Việt được củng cố tích cực, cuộc đi thăm hữu nghị chính thức đầu tiên của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đức Lương (8/1998) đánh dấu giai đoạn mới trong nỗ lực ở cấp cao nhất đưa quan hệ hai nước lên bước phát triển cao hơn. Trả lời phỏng vấn ITAR-TASS, Chủ tịch Trần Đức Lương khẳng định lại quan điểm xác định một trong những hướng ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là tiếp tục củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và sự hợp tác nhiều mặt trên cơ sở ổn định, lâu dài và cùng có lợi với Liên bang Nga.

Nhìn lại quan hệ Nga - Việt từ khi kế thừa quan hệ Xô - Việt đến nay có thể thấy ,quan hệ đó đã trải qua các giai đoạn vận động thăng trầm khác nhau, phản ánh sự điều chỉnh và lựa chọn các hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mỗi nước. Với những nỗ lực chung, nhất là sự chủ động của Việt Nam, quan hệ Nga - Việt từ 1994 trở lại đây ngày càng được củng cố một cách rõ nét. Mặc dù còn nhiều trở ngại, song quan hệ Nga - Việt đang đứng trước triển vọng phát triển khá tốt đẹp. Quyết tâm chính trị cao nhằm đưa quan hệ hai nước lên tầm chiến lược lâu dài và ổn định đang được cụ thể hóa bằng những bước đi thiết thực. Với hơn 20 hiệp định giữa hai Chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật và một loạt dự án mới đang được triển khai, hợp tác Nga - Việt sẽ có khả năng lấy lại phong độ của một mối quan hệ vốn giàu truyền thống hữu nghị và hiệu quả./.

Cùng chuyên mục