Số 30 - Thế giới còn lâu mới an bình?

11:00 28/03/2012

Thế giới còn lâu mới an bình?

Tác giả: Phạm Nam Phương.

Trong vòng 10 năm đã xảy ra khoảng 10 cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột sắc tộc lớn. Rõ ràng thế giới sau chiến tranh lạnh chưa an bình. Đặc biệt cuộc chiến tranh Ban-căng do Mỹ và NATO phát động trong 79 ngày đêm đã làm cho môi trường an ninh thế giới biến động dữ dội đến nỗi nhiều người đặt câu hỏi là liệu hoà bình, hợp tác để phát triển có còn là dòng chảy chính của thời đại nữa hay không. Đây là một vấn đề cần nghiên cứu nghiêm túc, vì nó liên quan đến tất cả các nước trong việc hoạch định chiến lược an ninh và phát triển trước thềm của thế kỷ 21.

1. Trước hết cần phải khẳng định rằng thế giới còn lâu mới an bình một cách trọn vẹn và có thể là khó có an bình vì hai lý do rất đơn giản:

Một là, khoảng 200 quốc gia lớn nhỏ, mạnh yếu khác nhau, gồm hàng trăm dân tộc và sắc tộc với những lợi ích dân tộc và văn hoá khác nhau đang sống chen chúc trên quả đất nhỏ bé này thì làm thế nào tránh được va chạm và xung đột. Ngày nay, người ta gọi quả đất này là một "làng toàn cầu", nhưng là một cái làng đầy mâu thuẫn. Cách mạng khoa học công nghệ đã làm cho quả đất hình như bị "bé lại", các dân tộc gần gũi nhau hơn cả về không gian lẫn thời gian, nhưng mặt khác nó cũng làm cho các dân tộc dễ va chạm nhau hơn. Cách đây gần 100 năm, khi chiến tranh thế giới thứ I nổ ra ở châu Âu, người ta có thể bàng quan xem đó là "nội chiến giữa các nước châu Âu", nhưng ngày nay, chiến tranh Ban-căng nổ ra ở một góc trời nhỏ bé ở Đông Nam châu Âu đã làm toàn bộ môi trường an ninh thế giới rung chuyển.

Hai là, trong khi phần lớn các quốc gia trong số gần 200 quốc gia tồn tại trên quả đất này, tuy có mâu thuẫn với nhau, nhưng đều muốn sống trong hoà bình, thì vẫn có một số nước tuy rất ít, theo đuổi nền chính trị cường quyền, nuôi tham vọng làm bá chủ thế giới, lợi dụng vị thế siêu cường độc nhất của mình sau khi Liên Xô tan rã để áp đặt sự lãnh đạo và những giá trị của mình lên các dân tộc. Đó là nguyên nhân thường xuyên gây mất ổn định trên thế giới, và là nguyên nhân chính gây ra phần lớn các cuộc chiến tranh cục bộ trong 10 năm qua. Đó cũng là nguyên nhân làm cho tình hình nhiều khu vực khác trên thế giới có nguy cơ bùng nổ.

2. Tuy nhiên, sự phát triển của tình hình thế giới trong 10 năm qua sau chiến tranh lạnh cho thấy các lực lượng đấu tranh cho hòa bình, hợp tác để phát triển mạnh hơn hẳn lực lượng chiến tranh:

a) Không ai phủ nhận rằng nước Mỹ sau chiến tranh lạnh trở thành mạnh nhất thế giới. Bộ trưởng ngoại giao Pháp Hubert Ve'drine cho rằng Mỹ "đang thống trị thế giới một cách áp đảo về cả 5 phương diện chủ yếu của một cường quốc: chính trị, kinh tế, quân sự, công nghệ và văn hoá". Song không phải mọi người đều nhất trí với đánh giá của ngoại trưởng Pháp, kể cả các nhà khoa học Mỹ. Ông Joseph Nye, cựu thứ trưởng quốc phòng Mỹ xem Mỹ là một siêu cường đang xuống giá, ( Le Monde 3/8). Còn giáo sư Samuel Huntington thì xem Mỹ là một "siêu cường cô đơn", vì chính sách của Mỹ ngày càng ít bạn và ngày càng bị đại đa số nhân dân thế giới chán ghét, (Foreign Affairs 3 - 4/1999). Còn Ông Garry Wills thì gọi Mỹ là kẻ bắt nạt thế giới tự do, (Foreign Affairs 3 - 4/1999).

Sự thật như thế nào? Đúng là Mỹ còn rất mạnh, nhưng so với nước Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ II, sức mạnh của Mỹ không còn tuyệt đối. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ mạnh hơn tất cả đồng minh của Mỹ cộng lại. Mỹ độc quyền vũ khí hạt nhân. Ngày nay, đồng minh của Mỹ cộng lại mạnh hơn Mỹ. Nga hiện nay tuy suy yếu, nhưng mạnh hơn chục lần so với Liên Xô sau chiến tranh thế giới thứ 2. Kho vũ khí chiến lược của Nga hiện nay có thể tiêu diệt toàn bộ châu Âu và nước Mỹ. Chúng ta nhớ rằng, sau chiến tranh thế giới thứ II, Liên Xô mãi đến năm 1949 mới có bom nguyên tử. Còn CHND Trung Hoa ngày nay chắc chắn mạnh hơn năm 1949 hàng mấy chục lần. Song chỗ yếu nhất của Mỹ là nhân dân Mỹ thấy không cần thiết phải hao tổn công của để giành bá quyền thế giới, (Samuel Huntington). Trong một cuộc thăm dò dư luận năm 1997, chỉ có 13% người được hỏi tán thành Mỹ có vai trò nổi trội trên thế giới, trong lúc 74% cho rằng họ muốn Mỹ san sẻ quyền lực với các nước khác. Rõ ràng, "Mỹ thiếu cơ sở chính trị trong nước để xây dựng một thế giới đơn cực" (SH) . Đó cũng là lý do tại sao khi tấn công Nam Tư, Tổng thống Mỹ ngay từ đầu đã phải tuyên bố là Mỹ sẽ không đưa bộ binh đến Nam Tư. Rõ ràng, nhân dân Mỹ không thể chịu đựng cảnh đưa con em họ đến chết ở một nơi xa xôi, mà họ không hiểu được nó quan trọng đến lợi ích quốc gia của Mỹ như thế nào. Như vậy là hội chứng Việt Nam vẫn chưa rút khỏi nước Mỹ!

b) Điều đáng tiếc là, những người cầm quyền nước Mỹ của cả hai đảng đều không nhận thấy được những hạn chế trong sức mạnh của mình. Cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ William Perry tuyên bố: "Hoa Kỳ là nước duy nhất có lợi ích toàn cầu, nên Hoa Kỳ là người lãnh đạo đương nhiên của Cộng đồng quốc tế". Còn đương kim Bộ trưởng quốc phòng W. Cohen thì tuyên bố: "Hoa kỳ là nước duy nhất có đủ tên lửa để bắn đến bất kỳ nơi nào trên thế giới!". Thật ra, những tuyên bố này chẳng có gì ghê gớm nếu so với tuyên bố nổi tiếng của Tổng thống J. Kennedy năm 1961 rằng: "Hoa Kỳ sẽ trả bất cứ giá nào, chịu đựng bất cứ gánh nặng nào, đối phó với bất kỳ khó khăn nào để ủng hộ bất cứ người bạn nào chống lại bất cứ kẻ thù nào, để đảm bảo sự sinh tồn và thắng lợi của nền tự do". Ba mươi tám năm sau, ông Robert Mc Namara, nguyên Bộ trưởng quốc phòng dưới thời Tổng thống Kenedy và L. Johnson, đã gọi lời tuyên bố đó chỉ là một sự bốc đồng (soaring languages). Điều nguy hiểm là chính sách của Mỹ lại xuất phát từ sự đánh giá "bốc đồng" đó. Đó cũng là nguyên nhân dẫn Mỹ đến thất bại.

Bằng việc sử dụng NATO làm công cụ, Mỹ đã phát động chiến tranh không quân và tên lửa chống Nam Tư. Mục đích của Mỹ là nhằm chứng minh cho thế giới thấy rằng, thế giới ngày nay là đơn cực do Mỹ lãnh đạo, ai theo Mỹ thì sẽ được thưởng, ai chống lại thì sẽ bị trừng phạt, không theo luật lệ quốc tế nào cả, dù là của LHQ hay của Tổ chức an ninh hợp tác châu Âu (OSCE). Chúa đã giao cho Mỹ sứ mệnh dẫn dắt các dân tộc đi theo con đường dân chủ kiểu Mỹ, giá trị của Mỹ. Theo quan điểm của Mỹ, chủ quyền quốc gia phải phục tùng nhân quyền; Mỹ không có tham vọng đế quốc, hành động chiến tranh của Mỹ chỉ là vì nhân đạo. ở Nam Tư, chính sách của Tổng thống Milosevich trong việc đối xử với người Kosovo gốc Albanie đã tạo ra cái cớ cho Mỹ "ra oai". Mặt khác, việc Mỹ phát động chiến tranh Balkan, chỉ vài tuần trước khi NATO kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và thông qua khái niệm chiến lược mới của tổ chức này, còn nhằm khẳng định sự cần thiết của NATO phải tồn tại và mở rộng ngay cả khi NATO không phải đối phó với một sự đe doạ nào khi Liên Xô và khôí Vácsava đã tan rã, để khẳng định vai trò lãnh đạo châu Âu và NATO của Mỹ. Một mục đích quan trọng khác của Mỹ trong khi tấn công Nam Tư là, vừa "nắn gân" Nga và Trung Quốc, vừa cho hai nước này thấy trật tự thế giới này là đơn cực và cực đó là Mỹ.

Nếu căn cứ vào các mục đích trên mà xét thì có thể thấy Mỹ đã bị thất bại một bước về mặt chiến lược.

Một là, "mục tiêu nhân đạo" mà Mỹ nêu ra không thuyết phục được ai . Tình hình Kosovo còn lâu mới ổn định. Sự thay đổi duy nhất ở Kosovo là biến người Serb từ đa số thành thiểu số và người gốc Albanie từ thiểu số thành đa số. Còn hận thù sắc tộc giữa 2 bộ tộc này chẳng có gì thay đổi.

Hai là, Mỹ và NATO cuối cùng lại phải nhờ vai trò trung gian của Nga và LHQ để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Ba là, đây là điều quan trọng nhất, cuộc kỷ niệm 50 ngày thành lập NATO ở Washington (25/4/1999) đã diễn ra trong không khí trĩu nặng, vì chiến tranh đã diễn ra 2 tháng nhưng chiến thắng vẫn còn mù mịt, và do đó khái niệm chiến lược mới của NATO mà Washington là tác giả, tuy vẫn được đưa ra nhưng ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Pháp và Đức cho rằng trường hợp Kosovo chỉ là ngoại lệ, (tức là không thể áp dụng nơi nào cũng được).

Bốn là, Mỹ càng trở nên cô lập hơn bao giờ hết trên thế giới. Tình cảm chống Mỹ mà Ngoại trưởng Mỹ trước đó đã đề cập lại càng tăng lên trên toàn thế giới.

Năm là, sau Kosovo xu thế đa cực hoá trên thế giới càng được đẩy mạnh. Các nước châu Âu đồng ý với Mỹ trong việc tiến hành chiến tranh chống Nam Tư, vì họ cho rằng khu vực Balkan là nơi có thể gây ra sự mất ổn định lâu dài cho châu Âu. Họ cho rằng nếu loại trừ hoặc làm suy yếu Nam Tư của Tổng thống Milosovic thì châu Âu sẽ được yên ổn. Nhưng 79 ngày đêm chiến tranh với lực lượng áp đảo, Mỹ và NATO không giải quyết được một vấn đề gì cả, trừ việc làm cho chủ nghĩa dân tộc Serbia càng lớn mạnh hơn. Trong lúc đó, châu Âu trở thành người phụ thuộc vào Mỹ cả về chiến lược lẫn chiến thuật, cả về chỉ huy lẫn tình báo và vô hình chung phải đối đầu với Nga, đặt châu Âu trước nguy cơ chia rẽ mới.

Cuộc phiêu lưu của Mỹ và NATO ở Balkan đã làm cho chủ nghĩa dân tộc Đại Nga thức tỉnh và phản ứng gay gắt. Do còn bị phụ thuộc vào phương Tây về kinh tế - tài chính, nên Nga tránh đối đầu và thúc đẩy hợp tác với phương Tây nhằm tìm một giải pháp cho vấn đề Kosovo và giữ khoảng cách với Beograd, nhưng Nga thấy rõ không thể tin vào lời nói của Mỹ và NATO. Điều này thúc đẩy Nga phải nhanh chóng khôi phục lại vị trí quốc tế của mình. Riêng về mặt quân sự, chiến tranh Nam Tư đã bộc lộ những chỗ yếu và chỗ mạnh của vũ khí hiện đại của Mỹ và NATO. Điều đó sẽ rất có ích trong việc giúp Nga hoàn thiện kho vũ khí của mình. Việc Nga bất ngờ triển khai 200 quân vào Kosovo, dưới ngọn cờ của LHQ trước phương Tây cho thấy: để giữ vị trí thế nước lớn của mình, khi cần thiết phải hành động, Nga đã không chần chừ mặc dù có thể gây đụng độ với NATO. Sự kiện này cũng cho thấy tình báo của Mỹ và NATO đã bị Nga vô hiệu hoá.

Hành động của Mỹ và NATO ở Nam Tư, và nhất là việc sứ quán Trung Quốc ở Beograd trúng tên lửa đã làm cho quan hệ Mỹ - Trung đã xấu lại xấu thêm. Lần đầu tiên trong 30 năm qua, các cuộc biểu tình chống Mỹ lại nổ ra trên đường phố thủ đô Bắc Kinh và nhiều thành phố khác của Trung Quốc. Sự kiện này đã giúp Bắc Kinh lấy lại thế mạnh trong quan hệ với Mỹ.

3. Qua những phân tích trên có thể thấy rằng tham vọng bá quyền của Mỹ rất lớn, nhưng liệu có thực hiện được hay không lại là một chuyện khác.

Tuy nhiên cần thấy rằng, ngay sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ đã có tham vọng áp đặt cho thế giới một "trật tự quốc tế mới" đơn cực do Mỹ lãnh đạo, (Tuyên bố của Tổng thống G. Bush sau chiến tranh Vùng Vịnh 1991). Hành động của Mỹ và NATO ở Balkan chỉ là sự tiếp tục nền chính trị cường quyền của Mỹ trước đây. Tuy nhiên vấn đề cần xem lại một cách nghiêm túc là, liệu Mỹ và NATO có đảo ngược được xu thế hoà bình, hợp tác để phát triển đang nổi lên trên thế giới trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh hay không.

Không cần phải phân tích nhiều, mọi người đều thấy tình hình thế giới hiện nay, đặc biệt là sau sự kiện Kosovo đã trở nên căng thẳng và phức tạp hơn so với những năm đầu sau khi chiến tranh lạnh kết thúc.

Một là, trong quan hệ giữa các nước lớn đã mất đi sự tin cậy lẫn nhau và thay vào đó là sự nghi ngại cảnh giác đối với ý đồ của nhau đã tăng lên. Cuộc đấu tranh giữa một bên là những nước chủ trương xây dựng một thế giới đa cực và bên kia là những nước chủ trương đơn cực hoá thế giới đã trở thành đặc trưng của quan hệ giữa các nước lớn. Do còn cần một thời gian dài nữa, ít nhất là từ 10 - 15 năm, mới có thể có một nước nào đó nổi lên có sức mạnh tổng hợp tương đương với Mỹ, cho nên cuộc đấu tranh này còn dài và thế giới không tránh khỏi những lúc căng thẳng.

Hai là, chỉ trong 10 năm qua, số nước có vũ khí hạt nhân đã từ 5 lên 7 nước. Sự kiện Kosovo đã khuyến khích nhiều nước theo gương Â'n Độ và Pakistan phát triển vũ khí hạt nhân hoặc mua sắm vũ khí hiện đại để tự vệ. Đây là một yếu tố làm cho tình hình hiện nay không khác gì thời kỳ chiến tranh lạnh lắm.

Ba là, bằng việc gây ra cuộc khủng hoảng Kosovo, Mỹ và NATO đã khuyến khích các phần tử ly khai cực đoan ở nhiều nước trên thế giới bắt chước kiểu KLA ở Kosovo, vì chúng cho rằng chúng sẽ được Mỹ và NATO can thiệp bảo vệ. Bằng chứng rõ nhất là hoạt động của bọn ly khai ở Kashimir, gây nên cuộc xung đột Â'n Độ - Pakistan. Việc ông Lý Đăng Huy tuyên bố: quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc không phải là quan hệ giữa hai bờ, mà là quan hệ "giữa hai quốc gia", trước hết nhằm tranh thủ phiếu cho Quốc dân Đảng, nhưng qua cuộc khủng hoảng Kosovo, ông ta nghĩ rằng ông ta có thể dựa vào chủ nghĩa can thiệp mới của Mỹ. Điều này cần gắn liền với việc Đài Loan đề nghị được tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường (TMD) mà Mỹ đã ký với Nhật, cũng như việc quốc hội Mỹ đang xem xét thông qua dự luật "tăng cường bảo vệ Đài Loan".

Bức tranh còn nhiều phức tạp hơn nếu chúng ta tính đến các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo đang diễn ra hầu như khắp các khu vực trên thế giới.

Song, những rắc rối phức tạp và mâu thuẫn này có làm cho xu thế nổi trội của thế giới ngày nay là hoà bình, hợp tác để phát triển đổi dòng hay không?

Trước hết, nếu nhìn vào quan hệ giữa các nước lớn (vì đây là mối quan hệ rất quyết định trong việc làm cho không khí thế giới nóng lên hay nguội đi) thì có thể thấy, tuy họ có mâu thuẫn với nhau nhưng không một nước nào muốn làm cho quan hệ đổ vỡ, trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh dù đó là Mỹ - Nga, Mỹ - Trung, EU - Nga, EU - Trung hay Trung - Nhật, Nhật - Nga v.v... Họ có mâu thuẫn với nhau nhưng họ rất cần nhau trong việc duy trì nền hoà bình thế giới để cùng phát triển. Nga được nhận vào G8, Trung Quốc sẽ được kết nạp vào Tổ chức thương mại thế giới WTO. Vấn đề phát triển kinh tế vẫn là chương trình nghị sự hàng đầu của họ không những đối với Nga và Trung Quốc, mà cả với EU và Mỹ. Vấn đề tồn tại hay không tồn tại của EU là vấn đề kinh tế và số phận của đồng EURO. Chỉ qua 79 ngày chiến tranh ở Nam Tư, EURO đã mất đi 17% giá trị so với hồi đầu năm. Các cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ đã bắt đầu. Qua phát biểu của các ứng cử viên có thể thấy, vấn đề kinh tế-xã hội là những vấn đề ưu tiên hàng đầu. Nó quyết định không những sự thắng cử của cá nhân này hoặc các nhân khác, mà nó liên quan đến cả khả năng của Mỹ trong việc duy trì sự lãnh đạo thế giới.

Đối với đại đa số các nước trên thế giới cũng vậy. Vấn đề ưu tiên hàng đầu hiện nay vẫn là phát triển kinh tế. Một chính phủ, mỗi đảng chính trị có giữ được uy tín với nhân dân hay không là ở chỗ liệu sự cai trị của họ có đưa lại sự thịnh vượng cho nhân dân hay không. Chỗ đứng của một nước trên trường quốc tế là do sức mạnh tổng hợp của nước đó, trước hết là sức mạnh kinh tế. Điều đó giải thích tại sao tuy thù địch với CHDCND Triều Tiên, nhưng Tổng thống Kim Dâng Sam của Hàn Quốc trước đây đã ngăn cản không để cho Mỹ ném bom các cơ sở hạt nhân bị tình nghi ở Yongbyon của CHDCND Triều Tiên, vì ông ta cho rằng "nếu chiến tranh nổ ra, nền kinh tế (của Hàn Quốc) sẽ bị tàn phá và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ bỏ đi hàng loạt". Ngày nay tuy còn có nhiều khó khăn trong quan hệ với CHDCND Triều Tiên, nhưng Hàn Quốc vẫn xem vấn đề xây dựng kinh tế là ưu tiên hàng đầu. Suy nghĩ sâu xa hơn một chút, chúng ta thấy rằng chủ nghĩa xã hội hiện nay đang tồn tại ở một số nước có đứng vững và phát triển được hay không cũng phụ thuộc vào những thành tựu kinh tế.

Nguyện vọng của nhân dân thế giới muốn có hoà bình để phát triển còn được thể hiện đậm nét qua các cố gắng nhằm giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế, kể cả các cuộc xung đột lâu đời nhất như giữa A Rập và Israel, đến các cuộc xung đột tiềm ẩn sự bùng nổ lớn nhất như trên bán đảo Triều Tiên. Tất nhiên đây là một quá trình rất phức tạp, khi tiến khi lùi, nhưng xu thế chung là cố gắng chấm dứt xung đột trên cơ sở một giải pháp hoà bình.

Bức tranh thế giới quả là rất phức tạp, dễ gây cho người ta nhiều lẫn lộn. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào Đông Nam A', khu vực có quan hệ thiết thân đến nền an ninh và phát triển của đất nước ta, thì có thể thấy dòng chảy chính ở khu vực này không có gì khác hơn là hoà bình, hữu nghị hợp tác để phát triển. 10 năm qua đã như vậy, và tương lai cũng như vậy. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không thấy Đông Nam A' còn có rất nhiều vấn đề phức tạp cần tiếp tục phải giải quyết. Nhưng nếu như hoà bình, hữu nghị và hợp tác để phát triển không phải là dòng chảy chính ở Đông Nam A' thì chúng ta làm sao có được một Đông Nam A' như ngày nay, một Đông Nam A' đoàn kết được tất cả 10 nước trong khu vực, đối thoại bình đẳng với tất cả các nước lớn, một Đông Nam A' phi hạt nhân với sự tham gia của các nước có vũ khi hạt nhân, và một Đông Nam A' với các quy tắc ứng xử chung trong việc xử lý các cuộc tranh chấp ở Biển Đông? Đây tất nhiên là kết quả của sự phấn đấu lâu dài của tất cả các nước trong khu vực, và sự hợp tác của các nước ngoài khu vực, nhưng thành công của nó chính là ở chỗ nó nằm trong xu thế chung của thế giới ngày nay./.

Cùng chuyên mục