Số 33 - Giới thiệu một số khái niệm an ninh

07:30 29/03/2012

Giới thiệu một số khái niệm an ninh

Tác giả: Hà Hồng Hải.

Cùng với việc kết thúc chiến tranh lạnh, những nhận thức về an ninh cũng thay đổi rất nhanh chóng. Đặc biệt khi chủ nghĩa can thiệp mới do NATO đứng đầu là Mỹ tiến hành chống Nam Tư - một quốc gia có chủ quyền - ở ngay trung tâm châu Âu, và cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính xảy ra ở châu A', thì vấn đề an ninh và những khái niệm của nó cần được nghiên cứu một cách đầy đủ và kịp thời. ở khu vực châu A'-Thái Bình Dương(CA-TBD), vấn đề an ninh ngày càng được quan tâm. Dưới đây xin giới thiệu một số khái niệm chủ yếu về an ninh.

1. An ninh tập thể: (COLLECTIVE SECURTY)

Khái niệm này xuất hiện rõ nét sau CTTG I do hệ thống cân bằng quyền lực lúc đó có nguy cơ sụp đổ. Năm 1917, trong bài diễn văn đọc trước Thượng viện, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã phê phán sự thất bại của hệ thống cân bằng quyền lực là không duy trì được hoà bình ở châu Âu. Ông ta hứa hẹn khi chiến tranh kết thúc, ông ta sẽ nỗ lực để thay thế cân bằng quyền lực bằng một "cộng đồng quyền lực". Từ đó, dần dần hình thành ý niệm hiện đại về "an ninh tập thể" và đưa đến việc thành lập Hội Quốc liên (Tổ chức này không tồn tại được bao lâu, chỉ trong giai đoạn ngắn ngủi giữa hai cuộc CTTG).

Cơ sở của an ninh tập thể là "tất cả chống lại một". Các quốc gia tham gia vào hệ thống an ninh tập thể cam kết tham gia một liên hiệp để chống lại kẻ xâm lược nào đó. Khi các quốc gia hợp tác với nhau thành lập một tổ chức để đối phó với những mối đe doạ như vậy, thì một tổ chức hay một dàn xếp an ninh tập thể được thành lập, có hiến chương hoặc điều lệ mang tính ràng buộc đối với các thành viên. Nếu một quốc gia nào đó trong liên hiệp bị tấn công, thì các thành viên khác cũng coi là bị tấn công và phải có nghĩa vụ tham gia các biện pháp trừng phạt, cấm vận về kinh tế hay quân sự để chống lại kẻ xâm lược đó. Như vậy, an ninh tập thể là một "liên minh tiềm tàng thường trực chống lại kẻ thù vô hình nhân danh nạn nhân vô hình", nhằm đảm bảo an ninh cho tất cả các quốc gia chống lại những quốc gia nào có thể thách thức trật tự hiện hành hoặc nhằm đối phó với "những mối đe doạ chưa được xác định hoặc đã được giải quyết". Tuy nhiên, đó chỉ là về mặt lý thuyết; trên thực tế, các thành viên thường bị chia rẽ và có lập trường khác nhau về "hành động xâm lược" do khác nhau về lợi ích quốc gia. An ninh tập thể được nhiều học giả cho là ngăn chặn xâm lược hiệu quả hơn hệ thống cân bằng quyền lực trong môi trường "vô chính phủ". Những người chủ trương an ninh tập thể lập luận rằng vì bất kỳ kẻ xâm lược nào cũng sẽ bị giáng trả bằng một sức mạnh áp đảo nên dần dần việc sử dụng vũ lực sẽ giảm đi và quan hệ quốc tế sẽ trở nên hợp tác hơn và ít xung đột hơn.

Các tổ chức an ninh tập thể rất khác nhau: từ những hình thức an ninh tập thể lý tưởng - một tổ chức an ninh có thể giải quyết được mọi cuộc xung đột - đến những dàn xếp dựa trên cơ sở hoà hợp - một cấu trúc rất lỏng lẻo. Hệ thống an ninh lý tưởng bao gồm tất cả các quốc gia trên thế giới, tất cả khu vực của thế giới và đòi hỏi các quốc gia thành viên phải có cam kết mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhằm chống lại bất kỳ sự xâm lược nào vào bất kỳ thời điểm nào và bất kỳ ở đâu. Hệ thống này đòi hỏi mức độ song trùng lợi ích cao giữa các quốc gia. Thực tế không bao giờ có một tổ chức đáp ứng mọi yêu cầu của một hệ thống an ninh tập thể lý tưởng. Về mặt này, Hội quốc liên và Liên Hợp Quốc gần với ý tưởng này hơn cả. Hệ thống an ninh tập thể trên cơ sở hoà hợp là các thành viên của một nhóm nước hoà hợp có xu hướng kiềm chế trong hành động của mình. Họ tham khảo ý kiến không chính thức trên sơ sở thường xuyên và nếu cần, sẽ tiến hành hành động tập thể. Các quyết định được đưa ra trên cơ sở đồng thuận. Nền chính trị cạnh tranh sức mạnh không hoàn toàn triệt tiêu, nhưng hệ thống hoà hợp giả định rằng mối quan tâm bao trùm của các thành viên của hệ thống này là bảo vệ hoà bình và ngăn ngừa việc tranh giành ảnh hưởng dẫn đến xung đột.

Hệ thống an ninh tập thể cần 3 điều kiện tiên quyết để hình thành và hoạt động hiệu quả:

Thứ nhất, không một quốc gia nào quá mạnh đến mức một liên hiệp các quốc gia khác không thể tập hợp lực lượng đủ mạnh để chống lại được quốc gia đó.

Thứ hai, tất cả các cường quốc phải có chung quan điểm cơ bản về một trất tự quốc tế ổn định và được chấp nhận; một hệ thống an ninh tập thể không thể hoạt động hiệu quả khi có một cường quốc muốn đảo lộn trật tự quốc tế đã được xác lập vì lý do hệ tư tưởng hay liên quan đến quyền lực.

Thứ ba, các cường quốc phải có "một sự đoàn kết và tính cộng đồng đạo đức tối thiểu"; những người đưa ra quyết định phải có tầm nhìn chung về hệ thống quốc tế và tin rằng cần có những nỗ lực nhằm "bảo vệ và thúc đẩy đoàn kết chính trị" để biến tầm nhìn đó thành hiện thực.

2. Phòng thủ tập thể: (COLLECTIVE DEFENSE).

Phòng thủ tập thể là hình thức các quốc gia nhất trí hợp tác để tiêu diệt mối đe dọa từ một kẻ thù đã được xác định, dù là hiện thực hay tiềm tàng. Sự hợp tác này thường dưới hình thức quan hệ liên minh, liên hiệp hay hiệp ước hỗ tương nhằm răn đe kẻ âm mưu xâm lược. Những ví dụ điển hình của phòng thủ tập thể là NATO hay Hiệp ước Vácsava trong chiến tranh lạnh. Quyền phòng thủ tập thể hay cá nhân vốn có được công nhận tại điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Trong thực tế, khái niệm phòng thủ tập thể thường nhầm lẫn với khái niệm an ninh tập thể. Về nội dung, hai khái niệm này có một số điểm giống nhau và khác nhau. Chúng giống nhau ở chỗ: trong cả hai trường hợp, các quốc gia cam kết giúp đỡ nhau khi một quốc gia bị tấn công; Sức mạnh của nước bị xâm lược được bổ sung và trợ giúp bởi sức mạnh của các quốc gia khác trong một dàn xếp an ninh. Tuy nhiên, chúng khác nhau cơ bản là về cách nhận dạng kẻ thù. Các quốc gia tham gia phòng thủ tập thể để đối phó với các mối đe doạ đối với an ninh của họ từ "một nước hoặc một nhóm nước cụ thể" được coi là kẻ thù chính của họ, tức là đối phó với một kẻ thù nào đó, dù chưa xác định, từ bên ngoài. Còn các quốc gia tham gia an ninh tập thể để đối phó với các mối đe dọa từ bất kỳ quốc gia nào khi có hành động xâm lược, dù là đồng minh hay bạn bè, tức là đối phó với mối đe doạ từ bên trong.

Một loạt các dàn xếp phòng thủ tập thể được hình thành từ sau CTTG II. Sau khi thành lập LHQ, Mỹ bắt đầu thiết lập hệ thống phòng thủ tập thể nhằm ngăn chặn CNCS. Học thuyết Truman ra đời tháng 3/1947, hứa hẹn Mỹ sẽ giúp đỡ các dân tộc bè bạn chống lại xâm lược và đe dọa từ bên ngoài. Năm 1949, NATO thành lập, trở thành hệ thống phòng thủ tập thể ở Tây Âu và là mô hình cho nhiều dàn xếp phòng thủ đa phương và song phương do Mỹ hỗ trợ, kể cả ở CA'-TBD. Cơ sở của khuôn khổ phòng thủ tập thể của Mỹ ở châu A' là "hệ thống San Francisco": Tháng 5/1951, Mỹ ký Hiệp ước an ninh hỗ tương (MST) với Nhật Bản, với PLP và tham gia ANZUS với Ôxtrâylia và Niu Dilân. Trong phát biểu về Đông dương tại Giơnevơ, Ngoại trưởng Mỹ John Dulles nói rằng các hiệp ước phòng thủ tập thể với các nước trên "chỉ là những bước đầu tiến tới phát triển một hệ thống an ninh tập thể toàn diện hơn ở khu vực". Tiếp sau đó, Mỹ mở rộng mạng lưới liên minh bao gồm Nam Triều Tiên (1953), Đài Loan (1954 - cho đến 1979) và Thái Lan (1962). Ngoài ra, Hiệp ước phòng thủ Đông Nam A' 1954 (SEATO) - còn gọi là Hiệp ước Manila - cũng được thành lập, nhưng giải thể 1977. Hầu hết các dàn xếp phòng thủ tập thể ở khu vực là song phương. Hệ thống này trong chiến tranh lạnh được miêu tả như một chiếc bánh xe trong đó Mỹ là trục, còn các liên minh là nan hoa, hay còn được gọi là "hệ thống hình nan quạt" do cựu Ngoại trưởng Mỹ James Baker đưa ra nnăm 1991.

Kết thúc chiến tranh lạnh khiến nhiều người đặt câu hỏi về lý do tồn tại của các dàn xếp phòng thủ tập thể, nhưng chúng vẫn tồn tại vì nhiều quốc gia còn mong muốn. Mỹ duy trì liên minh với họ. Tháng 12/1995, hai nước Ôxtrâylia và Inđônêxia ký "Hiệp định về duy trì an ninh", trong đó điều 2 quy định hai bên "tham khảo ý kiến lẫn nhau trong trường hợp có những thách thức xấu đối với một trong hai bên hoặc đối với lợi ích an ninh chung và, nếu cần thiết, sẽ xem xét những biện pháp do từng nước hoặc cả hai cùng tiến hành và phù hợp với tiến trình của mỗi bên". Ngôn ngữ được sử dụng giống như Hiệp ước ANZUS cả về thực chất lẫn hình thức. Do đó hiệp ước này được coi là loại hình dàn xếp phòng thủ tập thể.

3. An ninh chung:(COMMON SECURITY).

An ninh chung xuất hiện trong thời kỳ chiến tranh lạnh và được cụ thể hoá trong báo cáo 1982 của Uỷ ban về các vấn đề giải trừ quân bị và an ninh do cố Thủ tướng Thụy Điển, Olof Palme, làm Chủ tịch. Theo báo cáo này, "An ninh chung là một tiến trình lâu dài và thực tế cuối cùng sẽ dẫn đến hoà bình và giải trừ quân bị bằng cách thay đổi tư duy đã gây ra cuộc chạy đua vũ trang giữa hai siêu cường, ngăn cản kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị và được xem như là gây ra xung đột ở mức độ cao". Bản báo cáo của Uỷ ban Palme cho rằng an ninh chung được bảo đảm tốt nhất thông qua hợp tác chứ không phải là nền chính trị tranh giành quyền lực. Báo cáo đã đưa ra 6 nguyên tắc của an ninh chung là: (1) Tất cả các dân tộc đều có quyền chính đáng được bảo đảm an ninh; (2) Sức mạnh quân sự không phải là công cụ chính đáng để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia; (3) Cần phải kiềm chế trong việc thực hiện chính sách quốc gia; (4) Không thể đạt được an ninh bằng ưu thế về quân sự; (5) Giảm và hạn chế chất lượng vũ khí cần thiết cho an ninh chung; (6) Tránh gắn thương lượng về vũ khí với các vấn đề chính trị.

Bản báo cáo bác bỏ khái niệm về an ninh là một trò chơi có tổng số bằng không (zero-sum game), mà có thể đạt được bằng hành động đơn phương. Báo cáo cho rằng có thể xảy ra chiến tranh không có chủ ý do tình trạng tăng cường phòng thủ của một nước được coi là tăng cường khả năng tấn công nhằm vào các quốc gia đối địch và ngược lại. Để tránh kịch bản đó, an ninh chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm yên lòng các địch thủ tiềm tàng. Theo Thủ tướng Palme, "Các quốc gia không thể đảm bảo an ninh của mình khi làm phương hại đến các quốc gia khác; an ninh đạt được không phải là chống lại địch thủ mà hợp tác với địch thủ". An ninh chung "phải thay thế chính sách răn đe hiện nay". Uỷ ban Palme cũng kêu gọi kiểm soát vũ khí, hợp tác đa phương và tăng cường chức năng an ninh tập thể của LHQ.

An ninh chung có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của các biện pháp xây dựng lòng tin, cụ thể là nhằm giảm căng thẳng Đông-Tây. Các biện pháp này bao gồm sự có mặt của các quan sát viên của cả hai bên tại các cuộc tập trận lớn; tăng tính công khai; và chia sẻ thông tin; giảm nguy cơ tấn công đột kích, v.v. An ninh chung phải tránh các tình huống nghịch lý về an ninh bằng việc làm yên lòng đối thủ tiềm tàng trong khi lại phải răn đe kẻ xâm lược tiềm tàng. Do đó, đạt được sự cân bằng giữa yêu cầu răn đe và làm yên lòng là cực kỳ khó. Uỷ ban Palme cũng coi an ninh là một khái niệm đa phương diện mà trước đây mặt này thường bị bỏ qua khi nói tới khái niệm này. Báo cáo của Uỷ ban nêu lên rằng an ninh cần được nhận thức theo nghĩa rộng hơn, bao gồm các vấn đề kinh tế và quân sự. Nó nhấn mạnh mối quan hệ giữa an ninh chung và thịnh vượng chung.

Khái niệm an ninh chung bắt đầu xuất hiện ở CA'-TBD khi nó được gắn với đề nghị của M. Goócbachốp tại Vladivostok và Krasnoyask năm 1986 về việc thành lập tiến trình CSCE ở CA'-TBD. Đề nghị này bị Mỹ và một số đồng minh của Mỹ bác bỏ thẳng thừng vì họ cho đó là ý đồ của Liên Xô nhằm kiểm soát hải quân ở Bắc TBD, nơi hải quân Mỹ đang chiếm ưu thế. Năm 1990, đề nghị này được Chính phủ Ôxtrâylia và Canada nêu lại. Cựu Ngoại trưởng Ôxtrâylia G. Evens sử dụng khái niệm này trong một số bài phát biểu, trong đó có bài đăng trên tờ "International Herald Tribune" với tiêu đề: "Cái mà châu A' cần là một CSCA kiểu châu Âu" trong đó Evans đưa ra "cách tiếp cận tiệm tiến" đi đến thành lập một "khuôn khổ thể chế tập thể tương tự", không phải nhập khẩu toàn bộ cấu trúc CSCE . Tuy nhiên, đề nghị này không được các nước khu vực hoan nghênh. Năm 1992, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia tỏ sự đồng tình với những nguyên tắc của an ninh chung, cho rằng mặc dù mối quan tâm chủ yếu của Uỷ ban Palme là đối đầu hạt nhân, song những nguyên tắc này cũng có giá trị trong bối cảnh phi hạt nhân".

Ngoại trưởng Canada, Joe Clark, trong thời gian đó cũng đề cập tới an ninh chung, lập luận rằng đã đến lúc cần phải phát triển các thể chế đối thoại ở TBD. Trong một loạt các bài phát biểu, Clark kêu gọi thành lập một tổ chức theo kiểu CSCE cho CA'-TBD. Cũng như đề nghị của Ngoại trưởng Ôxtrâylia, đề nghị này cũng bị Mỹ, Nhật Bản và ASEAN bác bỏ. Các học giẩ và quan chức châu A' chỉ trích rằng cả hai đề nghị của Ôxtrâylia và Canada đều dựa vào mô hình an ninh kiểu châu Âu, không thích hợp với CA'-TBD. Tuy nhiên, khái niệm an ninh chung cũng có ảnh hưởng nhất định ở khu vực như trong các tiến trình cụ thể liên quan đến các biện pháp xây dựng lòng tin và sự hình thành các thể chế an ninh đa phương. Cả hai ngoại trưởng Ôxtrâylia và Canada sau này đều chuyển sang khái niệm an ninh toàn diện.

4. Cân bằng quyền lực (BALANCE OF POWER):

Cân bằng quyền lực là một khái niệm còn nhiều tranh cãi. Thuật ngữ này có hai nghĩa chính: Thứ nhất, nó miêu tả "tình trạng cân bằng" trong cục diện thế giới; thứ hai, đó là một hệ thống gồm các quốc gia tham dự vào việc điều hành mang tính cạnh tranh các mối quan hệ quyền lực giữa họ. Các nhà lý luận quốc tế thường chia cân bằng quyền lực thành hai phạm trù: cân bằng đơn giản và cân bằng phức tạp. Cân bằng quyền lực đơn giản chỉ gồm 2 cường quốc, thường là hai siêu cường như Xô-Mỹ, hay hai cực Đông-Tây trong chiến tranh lạnh. Loại cân bằng quyền lực này cần phải có sự cân bằng quyền lực tuyệt đối ở một mức độ nào đó giữa hai chủ thể. Cân bằng quyền lực phức tạp gồm từ 3 cường quốc trở lên, không đòi hỏi có sự cân bằng quyền lực tuyệt đối và một cường quốc có thể có sức mạnh tổng hợp mạnh nhất nhưng không ở vào vị trí có thể chi phối vì các cường quốc khác có khả năng liên kết chống lại cường quốc đó. Cũng có học giả phân cân bằng quyền lực thành hai loại: cân bằng quyền lực chung, trong đó không có cường quốc nào có khả năng chi phối trong hệ thống quốc tế , và cân bằng quyền lực cục bộ, tức là ở một khu vực nhất định.

Tuy nhiên, rất khó xác định liệu có cân bằng quyền lực trong một trật tự quốc tế nhất định hay không, vì khó có thể đo được sự phân bố quyền lực tương đối giữa các quốc gia và khó xác định quyền lực cân bằng hay không cân bằng ở một thời điểm cụ thể. Mặc dù vậy, có thể nói có sự cân bằng quyền lực đang tồn tại, hay sự cân bằng tương đối khi mà hai quốc gia hoặc hai khối quốc gia đối kháng nhau có khả năng răn đe đối với nhau. Cân bằng quyền lực tăng cường ý thức kiềm chế giữa các chủ thể, ngăn ngừa chủ nghĩa phiêu lưu và lạm quyền.. Theo Paul Dibb, một sự cân bằng quyền lực hiện đang tồn tại ở CA'-TBD vì "không có cường quốc nào ở vị thế quyết định số phận của các cường quốc khác".

Ngược lại, một số học giả cho rằng do cân bằng quyền lực cần một sự cân bằng tương đối về khả năng của các quốc gia, nên nó không thể có khả năng răn đe một kẻ xâm lược tiềm tàng. Họ lập luận rằng chỉ có một lực lượng chống đối có khả năng áp đảo mới có thể làm được điều đó. Quan điểm này thường gắn trật tự thế giới với chủ nghĩa bá quyền, coi bá quyền là nhân tố duy trì trật tự thế giới. Một trong những nhân vật chống lại cân bằng quyền lực là Winston Churchil trong bài diễn văn "Bức màn thép" đọc tại Fulton (Misouri) năm 1946, trong đó ông ta nói: "Nếu Khối thịnh vượng các quốc gia sử dụng tiếng Anh tập hợp lực lượng cùng với Mỹ, thì sẽ không có sự cân bằng quyền lực bấp bênh, nghiêng ngả; ngược lại sẽ có một sự đảm bảo quyền lực lẫn cho nhau". Những người chỉ trích chính sách cân bằng quyền lực lập luận rằng chính sách này có thể tạo ra tình huống nghịch lý về an ninh và có thể dẫn đến chạy đua vũ trang và thậm chí gây ra chiến tranh. Theo họ, trong lịch sử các hệ thống chính trị quốc tế, cân bằng quyền lực không có khả năng duy trì ổn định, chúng không thích ứng nhanh với những thay đổi của tình hình.

5. Nhóm hoà hợp các cường quốc (CONCERT OF POWERS):

Một nhóm hoà hợp là "một thể chế quốc tế hay một thiết chế an ninh được hình thành giữa tất cả các cường quốc nhằm phối hợp về ngoại giao ở mức độ cao. Nó là một khuôn khổ hợp tác được thể chế hoá tương đối lâu dài, phạm vi rộng, bàn đến nhiều vấn đề. Hình thức này là kết quả của sự song trùng về cách tiếp cận hoặc chiến lược mang tính lâu dài, có cân nhắc và hợp tác của các cường quốc".

Nhóm hoà hợp tập hợp một số cường quốc hoặc một số quốc gia lại nhằm điều hành quan hệ giữa họ, thúc đẩy các hình thức hợp tác và ngăn chặn xung đột từ các quốc gia khác có thể gây ra chiến tranh. Hình thức này khác với ngoại giao ở chỗ nó nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể, tức là những hình thức hợp tác lỏng lẻo hơn về mặt thể chế giữa các cường quốc như hoà hoãn, thoả thuận hay hiệp thương và các liên minh của vài cường quốc để cân bằng với một hoặc các cường quốc khác. Một điều kiện cơ bản để một nhóm hoà hợp hoạt động là sự nhất trí giữa các thành viên của nhóm là không được hành động đơn phương. Thay vì điều đó, các quyết định được đưa ra trên cơ sở đồng thuận sau khi trao đổi ý kiến giữa các cường quốc và thực hiện những quyết định này bằng hành động tập thể. Điều kiện tiên quyết thứ hai để thành lập hệ thống này là các cường quốc hay quốc gia thành viên phải chấp nhận một số những quy tắc ứng xử chung; có cùng quan điểm về một trật tự quốc tế ổn định; phải công nhận lợi ích an ninh của nhau và tôn trọng công việc nội bộ của nhau; không được đơn phương dùng vũ lực chống lại nhau, hoặc không tham khảo ý kiến lẫn nhau. Do mang tính chất không chính thức, nhóm hoà hợp có thêm lợi thế là không cần các cơ chế hành chính phức tạp để hoạt động.

Mục tiêu cơ bản của hệ thống nhóm hoà hợp là duy trì ổn định, trên thực tế là duy trì nguyên trạng một trật tự quốc tế. Một ví dụ điển hình của hệ thống này là Nhóm hoà hợp các cường quốc châu Âu (Concert of Europe) thành lập sau khi các cuộc chiến tranh dưới thời Napoleon kết thúc và hoạt động trong khoảng thời gian 1815 - 1854 khi nổ ra chiến tranh Crưm. Các quốc gia thành viên là: Phổ, A'o, Anh, Nga và Pháp (tham gia 1818). Một số học giả cho rằng mô hình này có thể thích hợp trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. Một nhóm hoà hợp các cường quốc gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Đức có thể đem lại một hệ thống an ninh tập thể ổn định ở châu Âu; ở CA'-TBD thì gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, còn trên phạm vi toàn cầu thì bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và EU. Một số cho rằng G-7 (hiện nay là G-8) trên thực thế đã thực hiện vai trò của một nhóm hoà hợp. Để tránh tạo ra sự nhạy cảm ở khu vực, mục tiêu của nhóm hoà hợp CA'-TBD cần được nêu ra có mức độ, chí ít là lúc ban đầu, có thể giới hạn vào hai mục tiêu: (1) điều hành quan hệ giữa các cường quốc qua việc chia sẻ thông tin về khả năng và ý đồ quân sự của mỗi quốc gia nhằm giảm những thách thức an ninh có thể nảy sinh; (2) ngăn ngừa xung đột giữa các quốc gia khu vực gây ra xung đột giữa các cường quốc. Tuy nhiên, nhóm hoà hợp CA'-TBD không thể bảo đảm an ninh cho tất cả các quốc gia trong khu vực. Một số cuộc xung đột giữa các quốc gia vừa và nhỏ có thể bùng nổ mà không có sự đối phó của nhóm hoà hợp. Điều này khác với các nhóm hoà hợp cổ điển như Nhóm hoà hợp châu Âu, trong đó các thành viên của nhóm này có thể áp đặt điều kiện đối với các nước láng giềng yếu hơn. Nhóm hoà hợp CA'-TBD cần công nhận tính tự chủ của các cường quốc tầm trung trong hệ thống quốc tế ngày nay. Theo Paul Dibb, khó có thể hình dung rằng nhóm nước ASEAN, Ôxtrâylia hay Hàn Quốc lại cho phép một nhóm hoà hợp áp đặt đối với chính sách quốc gia của họ. Do vậy, tính thực tế của nhóm hoà hợp châu A' bị nhiều học giả đặt dấu hỏi. Họ cho rằng hiện tại không có đủ những giá trị văn hoá chung giữa Đông A' và phần còn lại của CA'-TBD, đặc biệt là Mỹ; không có những niềm tin và giá trị chung như giữa các quốc gia Tây Âu, thì sẽ không thể đạt được một nhóm hoà hợp các cường quốc châu A'.

Có thể phân các nhóm hoà hợp thành hai loại. Loại thứ nhất nhấn mạnh đến tính chất cùng kiềm chế là đặc trưng tiêu biểu trong quan hệ giữa các cường quốc trong nhóm. Trong trường hợp này, các cường quốc xác định lợi ích của họ ở một mức độ nào đó phù hợp với lợi ích chung. Nhóm hoà hợp này mang tính thụ động, trong đó các cường quốc vẫn ứng xử với tư cách cá nhân, nhưng hành động ôn hoà hơn, thậm chí không cần đạt được thoả thuận và phối hợp hành động với các thành viên khác. Loại thứ hai nhấn mạnh đến tính chất điều hành tích cực của các cường quốc đối với hệ thống quốc tế và quan hệ của họ với các cường quốc khác nhỏ hơn trong hệ thống. Tính chất này nhấn mạnh cộng đồng trách nhiệm của các cường quốc trong việc duy trì hoà bình, ổn định và giải quyết xung đột. Nó nhấn mạnh tính tập thể và đòi hỏi cao hơn. Các thành viên cũng có thể phối hợp hành động chung, kể cả sử dụng các biện pháp an ninh tập thể.

6. An ninh toàn diện(comprehensive security):

An ninh toàn diện là một trong những khái niệm an ninh được sử dụng rộng rãi ở khu vực CA'-TBD. Thuật ngữ này được chính thức đưa ra ở Nhật Bản dưới thời chính phủ Ohira vào giữa thập kỷ 70 và được các quốc gia ĐNA ủng hộ, đặc biệt là Indonesia, Malaysia và Singapore. Tiền đề cơ bản của nó là an ninh phải được hiểu một cách toàn diện, bao gồm cả các mối đe dọa quân sự và phi quân sự đối với toàn bộ đời sống của một quốc gia. Tuy nhiên, giống như các khái niệm an ninh khác, nó được sử dụng và giải thích theo nhiều cách khác nhau ở các nơi khác nhau trong khu vực.

Theo khái niệm của Nhật Bản, "an ninh quốc gia toàn diện" được phát triển nhằm thay thế cho khái niệm "an ninh quốc gia" trong thời kỳ trước và sau CTTG II. Sau một loạt công trình nghiên cứu của chính phủ về vấn đề này, Báo cáo về An ninh quốc gia toàn diện được đệ trình lên chính phủ của Thủ tướng Suzuki năm 1980. Báo cáo định nghĩa một cách khái quát về an ninh toàn diện, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu duy trì sự sẵn sàng về quân sự và các liên minh, xác định những mục tiêu như an ninh năng lượng, an ninh lương thực và các biện pháp đối phó với thiên tai. Y' niệm về an ninh toàn diện của Nhật Bản về bản chất mang tính chất đa phương của các mối đe dọa hiện nay hay các thách thức mà một quốc gia phải vượt qua như các vấn đề kinh tế, thương mại, thiên tai cũng như kẻ thù có vũ trang... Khái niệm của Nhật Bản cũng nhấn mạnh nhiều đến chính sách phi quân sự đối với những thách thức an ninh như sử dụng các nguồn lực chính trị, kinh tế, ngoại giao. Công cụ hàng đầu mà Nhật Bản sử dụng để đạt được an ninh quốc gia toàn diện là sức mạnh kinh tế to lớn. Do Nhật Bản sử dụng ODA phần lớn là để đảm bảo ổn định về lương thực và năng lượng, nên có thể hiểu Nhật Bản "theo đuổi an ninh toàn diện thông qua viện trợ". Cách tiếp cận an ninh toàn diện của Nhật Bản là mở rộng khái niệm an ninh sang các lĩnh vực an ninh phi truyền thống, nhưng vẫn nhấn mạnh vai trò của an ninh quân sự. Theo một số học giả, đưa ra khái niệm an ninh toàn diện có lợi cho chính phủ Nhật Bản ở chỗ, nó làm giảm sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước đối với khía cạnh quân sự truyền thống trong chính sách an ninh của họ. Nó giúp tạo thuận lợi cho việc phát triển và hiện đại hoá lực lượng phòng vệ (LLPV), và làm giảm tranh luận về các vấn đề phòng thủ và vai trò của LLPV.

ASEAN nhiệt tình ủng hộ khái niệm này. Tuy nhiên, cách giải thích của các nước ASEAN về khái niệm này có khác với Nhật Bản. Khái niệm an ninh toàn diện của Nhật Bản gần như chỉ đề cập đến các mối đe dọa từ bên ngoài vì Nhật Bản là quốc gia dễ bị các yếu tố bên ngoài tác động. Cách đề cập của ASEAN lại tập trung vào các mối quan tâm bên trong trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nhưng từ khi xuất hiện các cuộc đối thoại an ninh đa phương ở CA'-TBD, thì khái niệm an ninh toàn diện của ASEAN được giải thích ở cấp độ khu vực. Việc thành lập ARF đánh dấu "sự chuyển biến ý tưởng về an ninh toàn diện của ASEAN dựa trên thuyết ZOPFAN 1971. Việc ASEAN đã vươn tới Bắc A' và bao gồm các quốc gia không cùng chung suy nghĩ là cách tiếp cận "an ninh hợp tác" mới. An ninh hợp tác có thể được xem như là phương tiện để đạt được những mục tiêu trong khái niệm an ninh toàn diện" .

Năm 1996, Nhóm công tác về An ninh toàn diện và An ninh hợp tác của CSCAP, do Malaixia, Niu Dilân và Trung Quốc đồng chủ toạ, công bố Bộ vong lục CSCAP số 3 về An ninh toàn diện và An ninh hợp tác. Bản Bộ vong lục đã mở rộng nghĩa của khái niệm này, mong muốn tạo một khái niệm mang tính chỉ đạo để kiểm soát an ninh ở khu vực có thể được các quốc gia nhất trí. Bộ vong lục nhấn mạnh: "Cả cách tiếp cận an ninh tập thể lẫn cách tiếp cận cân bằng quyền lực đều không có những nguyên tắc chỉ đạo đầy đủ cho khu vực này, vì an ninh đối với các lợi ích an ninh sống còn và các giá trị cơ bản vượt ra ngoài phạm vi quân sự, và an ninh toàn diện chỉ đạt được trên cơ sở lợi ích chung. Do đó, an ninh tập thể và cân bằng quyền lực cần được bổ sung hoặc có khi được thay thế bằng cách tiếp cận an ninh toàn diện".

Bộ vong lục nêu ra 7 nguyên tắc chỉ đạo, gồm: (1) Nguyên tắc toàn diện cho rằng an ninh mang tính nhiều mặt, bao gồm mọi lĩnh vực: kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá, môi trường, quân sự, v.v.; (2) Nguyên tắc phụ thuộc lẫn nhau nhấn mạnh an ninh của một quốc gia không được đảm bảo nếu như nó không được an toàn ở mọi phương diện: ổn định chính trị, thịnh vượng kinh tế, môi trường, tiến bộ xã hội, khả năng quốc phòng; (3) Nguyên tắc hoà bình, hợp tác và an ninh chung, coi hợp tác là "yếu tố chỉ đạo" nhằm điều hoà và cân bằng lợi ích của tất cả các bên; (4) Nguyên tắc tự lực cánh sinh, nhấn mạnh, trong khi coi hợp tác quốc phòng là cùng có lợi, thì tự lực cánh sinh trong phòng thủ cũng có lợi cho cục diện sau chiến tranh lạnh ; (5) Nguyên tắc bao gồm tất cả tránh loại trừ bất kỳ quốc gia nào muốn tham gia vào an ninh khu vực và không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào; (6) Nguyên tắc can dự hòa bình, nhấn mạnh các cách tiếp cận phi quân sự và các tiến trình xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hoà bình các xung đột và mâu thuẫn; (7) Nguyên tắc công dân tốt, đòi hỏi tất cả các quốc gia phải là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng. Như vậy là theo nguyên tắc (6), an ninh toàn diện gồm 3 giai đoạn: các biện pháp xây dựng lòng tin (CBMs); ngoại giao phòng ngừa (PD); giải quyết hoà bình xung đột.

Cách tiếp cận an ninh toàn diện nêu trong Bộ vong lục cho rằng khả năng quân sự chỉ nên mang tính chất "phòng thủ" và không đe dọa; kiểm soát vũ khí và các biện pháp công khai hoá là yếu tố quan trọng của an ninh toàn diện. Bộ vong lục kiến nghị: sử dụng cả cơ chế kênh I và kênh II; công nhận vai trò phối hợp của các thể chế như ARF ở cấp độ khu vực; các vấn đề an ninh toàn diện không nên chỉ được coi là các vấn đề an ninh thuần tuý, mà có thể được đề cập tới tại các diễn đàn như APEC hay tại các tiến trình hợp tác kinh tế song phương hoăc tiểu khu vực; ARF cần phải được tăng cường hơn nữa và chương trình nghị sự cần phải được mở rộng bao gồm những vấn đề phi quân sự. Theo Bộ vong lục, an ninh toàn diện không chủ trương thành lập liên minh, kể cả liên minh hình thành sau chiến tranh lạnh không có địch thủ rõ ràng. Để trả lời cho câu hỏi về sự khác nhau giữa các vấn đề an ninh và phi an ninh, Bộ vong lục lập luận rằng an ninh phải mang tính toàn diện, "một vấn đề được coi là vấn đề an ninh khi người ta nhận thấy nó mang tính chất đe dọa hoặc có khả năng đe dọa rõ ràng trong tương lai đối với lợi ích sống còn hay những giá trị cơ bản của con người, cộng đồng hoặc quốc gia". Như vậy, khái niệm về an ninh toàn diện trong Bộ vong lục của CSCAP được mở rộng hơn khái niệm của Nhật Bản và ASEAN.

Tuy nhiên, khi xem xét cách tiếp cận an ninh toàn diện, cần chú ý những điểm sau: (1) An ninh nhìn chung vẫn được coi là an ninh quốc gia bao gồm an ninh đối với chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của nhà nước và nhân dân. Điều này đặc biệt quan trọng ở châu A' vì các nước châu A' vẫn đang trong tiến trình xây dựng quốc gia-dân tộc và ý thức dân tộc ở đây rất cao. Do đó, tôn trọng chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia là nguyên tắc chỉ đạo cơ bản trong hợp tác an ninh giữa các quốc gia. Việc theo đuổi hợp tác an ninh liên quốc gia phải dựa trên cơ sở bình đẳng và cùng tôn trọng lợi ích quốc gia của mỗi nước. (2) Nhận thức về những vấn đề an ninh phi truyền thống (phi quân sự) như vấn đề môi trường và sinh thái, căng thẳng sắc tộc, hoạt động tội ác xuyên quốc gia, an ninh năng lượng và lương thực, an ninh con người, v.v. ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống quan hệ mật thiết với nhau và nhiều khi không thể phân biệt được. (3) Cần tránh hình thành liên minh quân sự; bác bỏ chính sách răn đe và can thiệp từ bên ngoài; thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin và kiểm soát vũ khí.

7. An ninh hợp tác (COOPERATIVE SECURITY):

Nguồn gốc của khái niệm này chưa rõ ràng và được sử dụng rất khác nhau ở khu vực. Cùng với an ninh toàn diện, an ninh hợp tác là một khái niệm được viện dẫn thường xuyên nhất ở CA'-TBD. Một trong những đề cập sớm nhất đến thuật ngữ này là Hội thảo Lòng chảo TBD 1988, trong đó thuật ngữ này được sử dụng đồng nghĩa với hợp tác an ninh (security cooperation), và hội thảo cũng không giải thích gì thêm và không coi đó là một khái niệm. Trong bài viết 1988 của mình, John Steinbruner thuộc Viện Brookings (Mỹ) đã bàn sâu hơn về khái niệm này, nhưng chủ yếu về tính ổn định trong quan hệ Mỹ-Xô ở châu Âu. Bài viết chưa bàn nhiều đến khái niệm. Sau đó cùng với một số học giả Mỹ, Steinbruner phát triển thêm về khái niệm này trong cuốn sách "Một khái niệm mới về an ninh hợp tác".

Từ 1990-1993, chính phủ Canada tài trợ cho dự án "Đối thoại an ninh hợp tác Bắc TBD (NPCSD). Đây là một trong những hoạt động kênh II ở khu vực này. Diễn đàn đối thoại này thảo luận về một loạt các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống. Cựu Ngoại trưởng Canada Clark đã giải thích về khái niệm này (khác với khái niệm của Viện Brookings) là: "Đây là một cố gắng nhằm khái niệm hoá an ninh để giải thích về sự kết thúc chiến tranh lạnh và tính phức tạp mới của các vấn đề an ninh khu vực. Mục tiêu chung của an ninh hợp tác là thay thế nhận thức về an ninh trong chiến tranh lạnh dựa trên cơ sở hai cực, răn đe và cân bằng quyền lực bằng một tiến trình và khuôn khổ đa phương trên cơ sở tham khảo ý kiến lẫn nhau". Cựu Ngoại trưởng Ôxtrâylia, G. Evans cũng sử dụng thuật ngữ này trong cuộc họp Hội nghị bộ trưởng ASEAN mở rộng (APMC) tại Singapore 1993. Evans đã bỏ khái niệm an ninh chung và đề nghị thành lập tiến trình Helsinki ở CA'-TBD và đưa ra khái niệm an ninh hợp tác tương tự như khái niệm đưa ra tại Diễn đàn NPCSD. Trong diễn văn đọc tại LHQ 1993, Evans nêu rõ: "An ninh hợp tác là một cách tiếp cận nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh cho nhau chứ không phải là răn đe; nó bao gồm tất cả chứ không mang tính loại trừ; chủ trương đa phương hơn là đơn phương và song phương; không đặt giải pháp quân sự lên trên giải pháp phi quân sự; giả định rằng các quốc gia là chủ thể chính trong hệ thống an ninh, nhưng chấp nhận các chủ thể phi nhà nước đóng vai trò quan trọng; không nhấn mạnh việc hình thành các thể chế an ninh chính thức, nhưng cũng không bác điều đó; và đặc biệt là nhấn mạnh giá trị hình thành "thói quen đối thoại".

Theo Dewitt và Acharya, an ninh hợp tác có 3 nội dung chính sau: (1) Tầm quan trọng của tính toàn bộ cả về đối tượng tham gia và chủ đề thảo luận. Về đối tượng tham gia, an ninh hợp tác bao gồm các chủ thể có quan điểm giống nhau và khác nhau trong những dàn xếp an ninh. Ngoài nhà nước là chủ thể chính, các chủ thể phi nhà nước như các tổ chức phi chính phủ (NGOs), giới kinh doanh và các thực thể xuyên quốc gia khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và thúc đẩy an ninh. Giống như an ninh toàn diện và an ninh chung, an ninh hợp tác không chỉ giới hạn trong các vấn đề quân sự mà bao gồm cả các vấn đề an ninh phi truyền thống như huỷ hoại môi trường, vấn đề dân số và các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia... Những vấn đề này càng tăng cường quan hệ giữa các quốc gia hoặc có khả năng dẫn đến xung đột tiềm tàng. (2) Tầm quan trọng trong việc xác lập "thói quen đối thoại" giữa các chủ thể khu vực. Các quốc gia cần tham khảo ý kiến lẫn nhau thường kỳ, công nhận lợi ích lâu dài trong việc thiết lập các tiến trình đối thoại chính thức. (3) Nhiều vấn đề an ninh hiện nay (như tội ác xuyên quốc gia, suy thoái môi trường, bệnh tật.. .) không thể giải quyết được bằng hành động đơn phương, mà cần có hành động hợp tác giữa các quốc gia cũng như các chủ thể có liên quan trong một quốc gia.

Như vậy, khái niệm an ninh hợp tác của Canada và Ôxtrâylia có nhiều điểm giống nhau. Những người chủ trương an ninh hợp tác lập luận rằng, an ninh hợp tác thực tế hơn, và nhấn mạnh cách tiếp cận từ từ, tiệm tiến tiến tới việc thành lập các thể chế đa phương. Theo cách tiếp cận trên, an ninh hợp tác cho phép sử dụng các biện pháp chính thức và không chính thức, song phương và đa phương để đề cập đến một loạt các vấn đề an ninh. Khía cạnh này đặc biệt quan trọng cần được xem xét thấu đáo vì nó cho phép các tiến trình đa phương cùng tiến song song với tiến trình song phương như hệ thống an ninh hình nan quạt của Mỹ với các đồng minh ở CA'-TBD.

8. An ninh con người(HUMAN SECURITY):

Từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, khái niệm an ninh con người được quan tâm rất nhiều về tư duy và định nghĩa lại. ý tưởng về "an ninh con người" có từ năm 1945, nhưng gần đây khái niệm này mới thu hút sự quan tâm và chú ý. Một số học giả phương Tây cho rằng khái niệm an ninh trước đây được giải thích theo nghĩa quá hẹp; theo cách suy nghĩ truyền thống, khách thể của nó cần được đảm bảo an ninh là quốc gia (nhà nước); an ninh chỉ liên quan đến việc bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia hoặc những giá trị cơ bản của quốc gia; phương tiện trước tiên được sử dụng là duy trì lực lượng quân sự; sự an toàn của con người ít được quan tâm tới.

Hiện nay, an ninh con người coi khái niệm an ninh theo nghĩa rộng; đồng thời, cũng như khái niệm an ninh toàn diện, an ninh chung và an ninh hợp tác, nó xác định có rất nhiều mối đe doạ tiềm tàng. Theo Báo cáo 1994 về phát triển con người của UNDP, các mối đe dọa bao gồm: thất nghiệp, nghiện ngập, tội ác, ô nhiễm, vi phạm nhân quyền, lo lắng về chiến tranh và bạo lực có tổ chức, v.v. Báo cáo này định nghĩa an ninh con người là "sự an toàn của con người trước những mối đe doạ kinh niên như nghèo đói, bệnh tật và đàn áp, và những sự cố bất ngờ, bất lợi trong đời sống hàng ngày". Báo cáo cũng đưa ra 7 nội dung chủ yếu của an ninh con người, gồm: (1) an ninh kinh tế; (2) an ninh lương thực; (3) an ninh sức khoẻ; (4) an ninh môi trường; (5) an ninh cá nhân; (6) an ninh cộng đồng; và (7) an ninh chính trị.

Trên cơ sở định nghĩa và những nội dung trên, Báo cáo đã nêu ra những đặc tính cơ bản của an ninh con người là: (1) an ninh con người là mối quan tâm chung; (2) các nội dung của an ninh con người quan hệ mật thiết và phụ thuộc lẫn nhau; (3) an ninh con người được đảm bảo dễ dàng bằng biện pháp ngăn ngừa sớm hơn là bằng biện pháp can thiệp sau đó; và (4) an ninh con người lấy con người làm trung tâm. An ninh con người nhấn mạnh tính chất phụ thuộc lẫn nhau giữa các khía cạnh của an ninh. Mối đe dọa đối với an ninh của con người ở một nơi trên thế giới có ý nghĩa đối với tất cả các quốc gia. Nhiều mối đe dọa về an ninh hiện nay như nạn đói, bệnh tật, ô nhiễm, tội ác, khủng bố, xung đột sắc tộc và tan rã về xã hội không còn là những sự kiện biệt lập. Những vấn đề toàn cầu khi trở thành mối đe doạ chung của nhân loại cần có sự phối hợp hành động và hợp tác của nhiều quốc gia, thậm chí là tất cả các quốc gia.

Báo cáo còn chỉ rõ, an ninh con người không đồng nghĩa với phát triển con người vì khái niệm sau mang ý nghĩa rộng hơn khái niệm trước; tuy nhiên, giữa hai khái niệm này có mối liên quan chặt chẽ. Đồng thời, an ninh con người cũng không đồng nghĩa với những vấn đề nhân quyền, nhưng giữa chúng cũng có những mối liên quan với nhau. An ninh con người về cơ bản mang tính tích cực vì có hiệu quả và khả thi hơn khi tiến hành các biện pháp phòng ngừa hơn là can thiệp khi khủng hoảng đã nổ ra. Ví dụ: chi phí cho ngăn chặn bệnh HIV/AIDS lây lan bằng cách đầu tư vào chăm sóc sức khoẻ ban đầu hay giáo dục kế hoạch hoá gia đình ít hơn nhiều khi bệnh này trở thành dịch bệnh. Về phương diện này, an ninh con người được coi là phát triển con người. Do đó, bảo đảm phát triển con người bền vững là nhằm đảm bảo an ninh con người.

Tuy nhiên, một số người chủ trương an ninh con người cho rằng sự nhấn mạnh đến việc đảm bảo an ninh quốc gia làm phương hại đến an ninh con người. Họ cho rằng những mối quan tâm chính đáng đối với những người dân bình thường tìm kiếm an ninh trong cuộc sống hàng ngày thường bị lãng quên; đối với nhiều người dân, an ninh tức là được bảo vệ khỏi bị bệnh tật, nghèo đói, thất nghiệp, tội ác, xung đột xã hội, đàn áp chính trị và huỷ hoại môi trường. Thực tế lịch sử cho thấy, thông thường khi tăng cường an ninh của quốc gia thì trực tiếp làm hại đến an ninh và đờì sống của công dân. Do đó, họ lập luận rằng khái niệm an ninh cần phải thay đổi từ chỗ chỉ nhấn mạnh đến an ninh lãnh thổ sang nhấn mạnh nhiều hơn đến an ninh con người. Đây là một quan điểm cực đoan nên khi nghiên cứu vấn đề an ninh con người chúng ta cần lưu ý.

Thật lý thú khi việc cơ cấu lại hệ thống chính trị quốc tế trong bối cảnh một trật tự thế giới mới chưa hình thành đã làm sống động các cuộc trao đổi về những khái niệm, mô hình hay cách tiếp cận vấn đề an ninh. Trên đây bước đầu chỉ xin giới thiệu với bạn đọc một số khái niệm về an ninh để cùng nhau trao đổi về vấn đề này, bởi vì an ninh là một vấn đề hết sức quan trọng đối với đời sống quốc tế và quốc gia./.

Cùng chuyên mục