Số 35 - Thành lập Lực lượng phản ứng nhanh EU: hệ quả tất yếu của cuộc chiến Kosovo?

11:53 29/03/2012

Thành lập Lực lượng phản ứng nhanh EU: hệ quả tất yếu của cuộc chiến Kosovo?

Tác giả: Nguyễn Diệu Hương.

Tháng 12/1999, trong cuộc họp thượng đỉnh EU tại Helsinki diễn ra một sự kiện đáng chú ý: các nhà lãnh đạo Tây Âu thông qua quyết định thành lập Lực lượng phản ứng nhanh EU. Với biên chế từ 50.000 đến 60.000 lính, tương đương với ba sư đoàn lục quân đặt dưới sự kiểm soát của EU, có chức năng "triển khai và thực thi các sứ mệnh nhân đạo, cứu hộ và gìn giữ hoà bình", có khả năng hoạt động độc lập, có thể được gửi ra nước ngoài trong vòng hai tháng và được duy trì ít nhất trong một năm. Mục tiêu cụ thể của lực lượng này là "lập ra một khả năng phản ứng nhanh bằng không quân mang tính tập thể của EU đối với các cuộc khủng hoảng quốc tế". Hội nghị cũng đã thông qua việc thành lập Uỷ ban Chính trị và An ninh thường trực có trụ sở tại Brucxen với đội ngũ nhân viên quân sự cố vấn cho các nhà lãnh đạo EU trong việc hoạch định chính sách, Uỷ ban Quân sự gồm các nhà lãnh đạo quốc phòng theo hình mẫu tổ chức của NATO, và từ tháng 3/2000 các cơ quan lâm thời sẽ được lập ra trong Hội đồng EU. Quyết định của EU diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Tây Âu vừa cùng nhau tiến hành cuộc chiến Kosovo, kỷ niệm trọng thể 50 năm ngày thành lập NATO và hân hoan với "chiến thắng" tại Kosovo.

Điều này dường như mâu thuẫn với sự hợp tác "ăn ý" giữa Mỹ và Tây Âu trong cuộc chiến Kosovo. Thực chất nguyên nhân dẫn đến quyết định này là gì? Thái độ của Mỹ đối với việc này như thế nào?... Đó sẽ là những câu hỏi mà tác giả bài này cố gắng giải đáp.

Nguyên nhân của quyết định thành lập Lực lượng phản ứng nhanh EU?

Trong nhiều thập kỷ thời kỳ Chiến tranh lạnh, EU đã có không ít nỗ lực nhằm xây dựng một khả năng quân sự thực sự có ý nghĩa của riêng mình nhưng đều không thành công. Sau Chiến tranh lạnh, với việc Liên Xô tan rã, các nước Tây Âu có điều kiện hơn để trở nên độc lập, giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ về an ninh, chính trị và quân sự. Chủ đề chính sách đối ngoại chung (CFP) và bản sắc an ninh và phòng thủ Châu Âu (ESDI) đã trở nên quen thuộc trong các hội nghị của EU. Tới tháng 12/1991, Tây Âu đã biến ý đồ của mình thành chính sách lớn trong Hiệp ước Maastricht: "Chính sách đối ngoại và an ninh chung sẽ bao gồm tất cả các vấn đề liên quan đến an ninh của Liên minh bao gồm một khuôn khổ cuối cùng của một chính sách quốc phòng chung có thể dẫn tới một hệ thống phòng thủ chung". Mục tiêu của Tây Âu là thiết lập nền an ninh và phòng thủ chung châu Âu với bản sắc riêng và độc lập nhằm hạn chế ảnh hưởng và lệ thuộc vào Mỹ. Liên minh Tây Âu (WEU) được xem là có vai trò chính trong tiến trình liên kết châu Âu trên lĩnh vực an ninh và phòng thủ chung. EU chủ trương "phát triển WEU như một phương tiện để tăng cường trụ cột châu Âu của Liên minh Bắc Đại Tây Dương", tức nâng cao vai trò trụ cột của WEU trong NATO. Do đó, ý đồ độc lập vẫn luôn là ý tưởng in sâu trong tiềm thức của các nhà lãnh đạo EU, trở thành một chính sách lớn của Tây Âu thời kỳ sau chiến tranh lạnh và cũng là nguyên nhân sâu xa của quyết định thành lập Lực lượng phản ứng nhanh. Tuy nhiên, tại sao đến thời điểm này các nhà lãnh đạo EU mới đi đến quyết định thành lập Lực lượng phản ứng nhanh EU. Để tìm hiểu nhân tố trực tiếp dẫn đến quyết định này, ta cần xem xét việc Mỹ và Tây Âu thử nghiệm Khái niệm chiến lược mới (KNCLM) tại Kosovo.

KNCLM được xây dựng trên những quan điểm và nội dung chính của KNCL 1991. Ngoài ra, KNCLM còn mở rộng phạm vi hoạt động của NATO, tự cho phép NATO đưa quân can thiệp ngoài phạm vi lãnh thổ NATO để thực hiện "nhiệm vụ xử lý khủng hoảng, ngăn chặn xung đột và tăng cường an ninh và ổn định của khu vực châu Âu-Đại Tây dương thông qua đối tác và đối thoại, mở rộng NATO, và kiểm soát vũ khí". Đặc biệt, điểm khác nhau cơ bản giữa hai văn bản này là KNCLM đã chính thức được thông qua trong Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 50 năm thành lập NATO tại Washington còn KNCL 1991 đã không được thông qua. Hơn thế, KNCL 1991 không hề đề cập đến việc phát triển Bản sắc an ninh và phòng thủ châu Âu (ESDI) trong NATO. Đây là điều hết sức đáng chú ý vì lần đầu tiên trong một văn bản chính thức của NATO, Mỹ đã đồng ý ủng hộ Tây Âu phát triển Bản sắc an ninh và phòng thủ châu Âu trong NATO. KNCLM đã tạo ra một khuôn khổ chiến lược mới của NATO bằng văn bản thể hiện sự nhất trí giữa Mỹ và Tây Âu về việc tăng cường vai trò của EU trong NATO. Bước đi tiếp theo là thử nghiệm trên thực tế để chứng minh sức sống và tính hiệu quả của KNCLM. Nhân cơ hội Nga đang gặp khó khăn kinh tế và khủng hoảng chính trị, Kosovo chính là một cơ hội cho Mỹ và Tây Âu thực hiện mục tiêu, ý đồ trên.

Việc thử nghiệm KNCLM tại Kosovo cho thấy Mỹ và Tây Âu theo đuổi những mục tiêu riêng và Mỹ được lợi hơn nhiều so với Tây Âu. Do NATO tăng cường sức mạnh và phạm vi hoạt động nên Mỹ đã khẳng định và tăng cường thêm sức mạnh của mình. Mỹ đóng vai trò đầu tầu và chủ đạo trong NATO trong các quyết sách và hành động của toàn bộ chiến dịch chống Nam Tư, chứng minh được sự cần thiết và sức sống của NATO đối với an ninh châu Âu theo cách có lợi cho Mỹ. Còn EU vẫn không đưa ra được quyết định của riêng mình và không thể hiện vai trò chủ động tại Kosovo, sau hàng loạt những thất bại trước đó tại Bosnia mặc dù an ninh Nam Âu có ảnh hưởng trực tiếp tới họ. Với tư cách là một tổ chức đang hướng tới việc thực hiện một chính sách an ninh và phòng thủ chung, Tây Âu đã tỏ ra rất mờ nhạt và không đưa ra được một sáng kiến nào trong suốt cuộc chiến. Chẳng hạn, ngày 24/3 NATO bắt đầu không kích Nam Tư thì ngày 25/3 EU mới thụ động đưa ra tuyên bố ủng hộ hành động của NATO. Trong khi đó, một số thành viên Tây Âu như Pháp và Đức lại hành động đơn lẻ nhằm phục vụ những ý đồ riêng của mình. Hơn thế, qua cuộc chiến, Mỹ đã phô bày được sức mạnh quân sự hiện đại và hùng mạnh, vai trò và khả năng lãnh đạo quân sự của mình đối với Tây Âu. Chiến dịch không kích Kosovo cho thấy một cách sống động và chi tiết vai trò mờ nhạt của lực lượng quân đội và sự phụ thuộc của Tây Âu vào Mỹ như máy bay của Mỹ đã thực hiện 2/3 các chuyến không kích còn Tây Âu phần nhiều không tham gia tích cực sau vài ngày ném bom đầu tiên, hay các nước Tây Âu có khoảng 2 triệu quân nhưng đã rất khó khăn và lúng túng khi triển khai 40.000 quân vào Kosovo...

Như vậy, chính việc thử nghiệm KNCLM tại Kosovo đã tiếp tục cho thấy sự kém thống nhất ý chí của Tây Âu trong việc thể hiện bản sắc quốc phòng và an ninh như đã đề ra trong KNCLM, nên vô hình chung Mỹ lại càng tiếp tục củng cố và tăng cường vai trò lãnh đạo đối với Tây Âu - vừa là đối thủ đáng gờm nhất vừa là đồng minh chiến lược của Mỹ. Do đó, việc thử nghiệm chính là nguyên nhân trực dẫn đến quyết định của các nhà lãnh đạo Tây Âu. Cuộc họp thượng đỉnh Cologne diễn ra ngay sau cuộc chiến Kosovo đã bàn về ý tưởng thành lập Lực lượng phản ứng nhanh và khẳng định sẽ "đưa ra những quyết định cần thiết vào cuối năm 2000" để biến liên minh quân sự thành hiện thực. Hội nghị đã chỉ định cựu tổng thư ký NATO Javier Solana làm người đại diện cho chính sách đối ngoại đầu tiên của châu Âu. Các nhà lãnh đạo Tây Âu càng nhận thấy tầm quan trọng của ý tưởng "Quân đội châu Âu" và nhanh chóng thông qua quyết định đó như một ý tưởng to lớn tiếp theo ý tưởng đồng tiền chung châu Âu. Hơn thế còn có một nhân tố tích cực nữa ở đây là thái độ hợp tác đầy đủ của Anh, xuất phát từ ý tưởng xây dựng một lực lượng phòng thủ chung của Anh trong Hội nghị cấp cao Anh-Pháp tại St. Malo tháng 12/98 khi hai nước đưa ra sáng kiến đặt vấn đề thực thể phòng thủ và an ninh châu Âu lên hàng đầu chương trình nghị sự của EU cũng như của NATO. Vai trò tích cực của Anh lần này đánh dấu một bước chuyển đổi trong chính sách của Anh vốn gần gũi và hậu thuẫn cho Mỹ từ trước tới nay đối với mọi quyết định của EU mà chính Anh là một thành viên. Điều đó đã góp phần khích lệ các nhà lãnh đạo khác của EU trong việc thực hiện quyết định này. Vậy thực chất những lợi ích mà Lực lượng phản ứng nhanh của EU sẽ đem lại cho Tây Âu khi triển khai Lực lượng phản ứng nhanh là gì?

EU sẽ đạt được những lợi ích gì trong quyết định này?

Lực lượng phản ứng nhanh tạo cho EU một khả năng giải quyết khủng hoảng thực sự bằng quân sự tại châu Âu và một số khu vực có lợi ích sát sườn với Tây Âu mà không có sự lãnh đạo hay tham gia của Mỹ. Mục tiêu của EU là có thể tiến hành các hoạt động quân sự riêng ở những nơi mà NATO không tham gia để đảm nhận trách nhiệm lớn hơn về an ninh khu vực chủ yếu trong biên giới EU, và nếu cần thiết cả ở bên ngoài biên giới nữa. Do vậy quyết định về Lực lượng phản ứng nhanh chính là một bước tiến trong việc khẳng định một bản sắc an ninh và phòng thủ châu Âu (ESDI) trong NATO, thực hiện chính sách đối ngoại chung (CFP), giúp Tây Âu từng bước giải quyết các vấn đề an ninh của chính mình. Theo đó, nếu bấy lâu nay châu Âu vẫn luôn được coi là có thế mạnh về chính trị và kinh tế thì quyết định này sẽ giúp biến những thế mạnh đó của Tây Âu từng bước chuyển hoá có hiệu quả thành sức mạnh quân sự. Thông qua việc lập ra "một khả năng an ninh có hiệu quả", EU có thể sử dụng những công cụ sẵn có để đưa châu Âu tiến một bước dài gần tới vị thế ngang bằng hơn về chính trị với Mỹ, tiếng nói có trọng lượng hơn với thế giới. Hơn thế, theo chiều ngược lại, việc phát triển sức mạnh quân sự sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bởi lẽ xây dựng một lực lượng quân sự sẽ đòi hỏi phải hiện đại hoá sức mạnh quân sự, phát triển các loại vũ khí mới. Điều này sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm, giải quyết phần nào vấn đề thất nghiệp của Tây Âu. Do đó, những lợi ích kinh tế này sẽ là một trong những nhân tố thúc đẩy liên minh quân sự trong vài năm đầu tiên tồn tại của nó. Ngoài ra, một lợi ích nữa cũng cần được tính đến, đó là quyết định này sẽ đem lại một di sản lịch sử cho chính bản thân từng cá nhân các nhà lãnh đạo EU. Lịch sử hình thành và phát triển của Liên minh châu Âu sẽ khó có thể bỏ qua những nỗ lực đáng kể này của thế hệ các nhà lãnh đạo EU trong việc đi tới một liên minh quân sự. Điều này sẽ góp phần củng cố vai trò và vị trí của họ trên trường chính trị của từng quốc gia nói riêng. Tuy nhiên, đó là những tính toán trên lý thuyết còn những công việc Tây Âu phải làm trên thực tế để biến ý tưởng đó thành hiện thực thì còn rất nhiều và không hề dễ dàng chút nào.

EU sẽ phải đương đầu với những khó khăn gì khi triển khai quyết định này?

Về chính trị, đã có sự chia rẽ giữa các nước thành viên EU về khái niệm Bản sắc quốc phòng và an ninh châu Âu (ESDI). Tuy cùng nhận thức được là phải thực hiện các mục tiêu của mình dưới cái ô một chính sách đối ngoại chung của EU, hai nước hùng mạnh nhất trong châu Âu là Pháp và Đức lại có những ý đồ và mục tiêu riêng. Nước Đức nhận thức được cơ hội tăng thêm trọng lượng của mình trong việc "tự ràng buộc" với chính sách đối ngoại chung của châu Âu so với việc thực hiện chính sách đối ngoại riêng. Pháp muốn biến châu Âu dưới sự lãnh đạo của mình thành một "cực quyền lực" và cho rằng có thể tìm lại vai trò bình đẳng của mình so với các cường quốc khác thông qua con đường châu Âu. Pháp tiếp tục theo đuổi chính sách dân tộc và cạnh tranh với Mỹ, tuy không công khai và trực diện như trước. Bên cạnh đó, các nước Tây Âu chưa nhất trí về vấn đề tài chính để hỗ trợ cho chính sách an ninh mới của châu Âu trong khi hầu hết các nước châu Âu thành viên NATO giờ đây đều có xu hướng chi ít hơn cho quốc phòng chí ít trong khoảng ba năm của thời kỳ xây dựng đồng tiền Euro tới. Vì vậy, đây sẽ tiếp tục là một vấn đề nan giải mà các nước thành viên EU phải giải quyết cho đến khi Lực lượng phản ứng nhanh chính thức được thành lập. Ngoài ra, việc thành lập Lực lượng phản ứng nhanh lại làm nảy sinh mối quan hệ bên trong giữa các tổ chức quân sự hiện có của Tây Âu. Hiện Tây Âu có các tổ chức quân sự như Liên minh Tây Âu (WEU), Quân đoàn châu Âu và sắp tới là Lực lượng phản ứng nhanh. Sẽ có sự chồng chéo nhiệm vụ giữa các tổ chức nói trên: trong những trường hợp nào thì EU dùng đến WEU, Quân đoàn châu Âu và Lực lượng phản ứng nhanh? Có thể thấy Tây Âu chưa sử dụng một cách có hiệu quả các tổ chức quân sự có sẵn trong tay hoặc chưa tập hợp được các lợi ích về chính trị - quân sự của tất cả các thành viên EU để có một tổ chức quân sự duy nhất của riêng mình. Chính vì vậy, hội nghị thượng đỉnh Cologne đã thông qua việc xoá bỏ Liên minh Tây Âu vào cuối năm 2000 và chuyển giao những khả năng của nó sang cho EU.

Đặc biệt, EU cũng cần tính đến việc Lực lượng phản ứng nhanh sử dụng các phương tiện có sẵn của NATO và WEU. EU có thể sử dụng các phương tiện của WEU và NATO khi tiến hành hành động quân sự không có đồng minh tham gia. Tuy nhiên, giữa NATO và WEU đã có sự xác định rõ ràng những sắp xếp và cơ chế cho sự hợp tác cũng như thủ tục pháp lý để châu Âu sử dụng các phương tiện của NATO trong trường hợp có các hoạt động của WEU. Chính vì vậy, Mỹ và Tây Âu sẽ phải cùng nhau thảo luận việc "trao đổi, hợp tác và minh bạch giữa EU và NATO". Mặt khác, việc sử dụng các phương tiện và khả năng của NATO cũng lại hạn chế khả năng của Lực lượng phản ứng nhanh EU vì lực lượng này không có sẵn phương tiện và khả năng độc lập tác chiến. Khi có khủng hoảng xảy ra sẽ lại xảy ra tình trạng lúng túng vì thiếu phương tiện trong tay và thiếu thời gian để xem xét tính chất của cuộc khủng hoảng để quyết định có nên tham gia hay không. Đến khi lực lượng này thực sự được triển khai thì có lẽ đã quá muộn, không còn mang tính chất "phản ứng nhanh" hoặc vai trò đi đầu đã bị Mỹ nẫng tay trên. Còn trong trường hợp sử dụng các phương tiện của NATO thì EU vẫn sẽ lại chịu sự chi phối nào đó của Mỹ và NATO vì các nước NATO không phải là thành viên của EU sẽ được quyền tham gia.

Trong khi đó, thực trạng sức mạnh quân sự của các nước Tây Âu nói chung và từng nước thành viên nói riêng hiện nay còn tồn tại rất nhiều yếu kém. Chi tiêu quốc phòng của EU ít hơn rất nhiều so với Mỹ (khoảng 140 tỷ so với 290 tỷ/năm), công nghệ và nghiên cứu cao cấp (30 tỷ so với 10 tỷ/năm) và được đầu tư vào những lĩnh vực đem lại ít hiệu quả như các dự án giống nhau ở nhiều nước thành viên EU. Hơn thế, quân đội của Tây Âu có số lượng quá đông (một số nước hiện có hơn 1% dân số mặc quân phục) không phù hợp với nhu cầu quân sự hiện nay và không có hiệu quả kinh tế. Chính vì vậy, kinh tế Mỹ và Tây Âu có qui mô gần bằng nhau (khoảng 8000 tỷ đôla), nhưng tiềm năng quân sự của Tây Âu chỉ bằng 1/5 sức mạnh quân sự của Mỹ. Thủ tướng Anh Blair viết trên Thời báo New York rằng EU cần xác định được khoảng cách trong khả năng quân sự của mình và chấm dứt tình trạng đó, lập nên kế hoạch quốc phòng ở cấp độ châu Âu chứ không phải ở từng quốc gia, và xây dựng lại lực lượng quân đội để chi tiêu dành cho quốc phòng đáp ứng yêu cầu. Do đó, để xây dựng Lực lượng phản ứng nhanh, Tây Âu cần xây dựng một đội quân chiến đấu nhỏ gọn, tinh nhuệ, có khả năng chiến đấu cao, được trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Chính vì vậy, mục tiêu của EU như đã được thông qua tại một loạt các cuộc gặp thượng đỉnh liên tiếp trong năm 1999 vừa qua là xây dựng những khả năng quân sự mới về thực chất.

Với những khó khăn kể trên, để biến quyết định này thành hiện thực, Tây Âu còn phải làm rất nhiều và phải có những nỗ lực thực sự chứ không chỉ là những lời nói hay tuyên bố của các nhà lãnh đạo. Chính giới chức và học giả Mỹ cũng cho rằng điều đó sẽ phức tạp đối với châu Âu vì đòi hỏi châu Âu phải có những nỗ lực to lớn hơn. Đồng thời, ngay bản thân các nước Tây Âu cũng hiểu một cách sâu xa thực chất sức mạnh quân sự của mình. EU luôn đưa ra các đảm bảo với Mỹ về ý định "tốt lành" của việc thành lập quân đội châu Âu và khẳng định rằng những cố gắng đó của Tây Âu không phải là để phá vỡ mối quan hệ bên trong NATO, và nhấn mạnh môí quan hệ mật thiết giữa WEU và NATO. Ông J. Solana nói quyết định của Hội nghị cấp cao Helsinki "không nhất thiết là quân sự hoá EU và không có nghĩa là lập một đội quân châu Âu" và "không có sự mâu thuẫn giữa mục tiêu của EU và NATO vì tăng cường bản sắc an ninh và quốc phòng châu Âu sẽ không làm hại vai trò của NATO". Chính sách an ninh quốc phòng châu Âu không phải là phòng thủ tập thể và NATO vẫn là "nền tảng phòng thủ tập thể đối với các nước thành viên của nó". Từ đó có thể thấy kịch bản nhiều khả năng nhất là Lực lượng phản ứng nhânh EU chỉ đạt được một số kết quả hạn chế và EU tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ nhưng mức độ phụ thuộc có giảm bớt; trong một số cuộc khủng hoảng hạn chế, lực lượng này sẽ thực hiện phần nào vai trò nhất định của mình nhưng chỉ ở mức của một lực lượng cảnh sát và cứu trợ nhân đạo.

Phản ứng của Mỹ và tác động tới quan hệ Mỹ-Tây Âu:

Mỹ cho thấy họ đồng ý với việc Tây Âu phát triển bản sắc an ninh và quốc phòng châu Âu bằng cách ký một hiệp định chung ủng hộ một liên minh quân sự của châu Âu vào Hội nghị thượng đỉnh NATO tháng 4/1999 vừa qua. Dù vậy, Mỹ đã không khỏi bất ngờ trước quyết định chóng vánh này của EU vì Mỹ cũng có phần lo ngại trước viễn cảnh Tây Âu lớn mạnh về quân sự, tách khỏi phụ thuộc vào Mỹ và tác động tiêu cực đến liên minh xuyên Đại Tây Dương. Việc thành lập các uỷ ban quân sự và chính trị rõ ràng làm cho Mỹ và đặc biệt là các thành viên NATO không thuộc EU lo lắng về các vấn đề như EU sẽ phát triển lãng phí những khả năng và nguồn lực trùng lặp với những khả năng và nguồn lực của NATO, các quốc gia EU sẽ giảm cam kết với NATO; sự phân chia không rõ ràng chức năng quyền hạn giữa NATO và Lực lượng phản ứng nhanh EU; sự phân biệt đối với các thành viên NATO không thuộc EU; và sự trệch hướng đối với những cam kết về an ninh với những nước không phải thành viên NATO thuộc EU; tạo ra một công thức giúp các nước Tây Âu tránh được lá phiếu veto của Mỹ trong việc sử dụng những tài sản của NATO cho những hoạt động của Tây Âu. Chính vì vậy, các quan chức Mỹ đã đưa ra các khuyến cáo nhắc nhở Tây Âu thận trọng trong việc làm của họ. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ William S. Cohen đã nói sau cuộc họp tại Brucxen ngày 2/12: "Chúng tôi hoan nghênh việc thành lập Lực lượng phản ứng nhanh EU chừng nào điều này được hiểu rằng nó được thực hiện theo chủ trương khả năng quân sự của châu Âu sẽ tăng cường sức mạnh cho chính NATO. Mỹ không muốn thấy một sự phát triển năng lực quân sự riêng rẽ không tương thích với năng lực quân sự của NATO". Còn Ngoại trưởng Mỹ M. Albright đã phát biểu tại Bruxen vừa qua rằng Mỹ muốn lực lượng quân đội của Tây Âu hoạt động hữu hiệu hơn nhưng không thách thức vai trò của NATO. Quan điểm của Mỹ đối với quyết định thành lập Lực lượng phản ứng nhanh có thể được tóm gọn thành "ba không" tức không cạnh tranh, không trùng lặp và không chia rẽ với NATO.

Quyết định của Tây Âu đã gây tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ và cả trong các cuộc thảo luận giữa hai bờ Đại Tây dương về tương lai của mối quan hệ này. Cuộc tranh cãi xoay quanh vấn đề liệu những thoả thuận an ninh của Mỹ với Tây Âu trong NATO có đem lại lợi ích cho cả hai như trước đây không. Nhiều học giả và quan chức Mỹ cho rằng thoả thuận chiến lược này giữa Mỹ và Tây Âu có từ thời chiến tranh lạnh đang trở nên lỗi thời và ngày càng "không đem lại lợi ích" cho Mỹ và cần phải có một thoả thuận chiến lược mới vì Mỹ và Tây Âu đã và đang có những cách nhìn nhận khác nhau về cách sắp đặt trật tự thế giới. Điều này không có nghĩa là sẽ dẫn đến đối đầu nhưng sẽ dẫn đến những mục tiêu và hành động khác nhau của mỗi bên. Hơn thế, gánh nặng an ninh không đồng đều mà Mỹ phải gánh vác tại châu Âu đang bắt đầu làm xói mòn khả năng của Mỹ trong việc bảo vệ và thực hiện những lợi ích của Mỹ ở bên ngoài châu Âu. Sự không tương xứng về lợi ích và đóng góp này trong liên minh NATO đã thể hiện rất rõ trong việc gìn giữ hoà bình của NATO tại Bosnia và càng lớn hơn trong cuộc chiến tại Kosovo. Mỹ đã phải làm rất nhiều cho những lợi ích an ninh của châu Âu tại Balkan còn Tây Âu chỉ làm rất ít để giải quyết những vấn đề của chính họ. Vấn đề Serbia liên quan đến an ninh và ổn định châu Âu nhưng nó không trực tiếp đe doạ đến Mỹ như Liên Xô trước đây trong khi đó Tây Âu lại bất đồng và cạnh tranh với chính sách của Mỹ tại vùng Vịnh, Bắc Triều Tiên, Trung Đông, và châu Mỹ, tức đánh vào những lợi ích của Mỹ. Chính vì vậy, Mỹ muốn các nước đồng minh phải chia sẻ trách nhiệm và chi phí quốc phòng trong NATO với Mỹ, đòi các nước Tây Âu phải chi tiêu nhiều hơn nưã cho NATO. Thực chất đây là vấn đề "chia sẻ gánh nặng, chia sẻ quyền lực" giữa hai bên và chỉ khi phần đóng góp của các nước Tây Âu tăng lên gần bằng của Mỹ thì Mỹ mới trao bớt quyền lực của NATO và cụ thể hơn là bộ chỉ huy NATO cho người châu Âu.

Về cơ bản, Mỹ và các đồng minh Tây Âu đóng góp và được lợi không như nhau trong các hoạt động của NATO. Chính vì vậy, cả hai bên nhận thấy cần phải có một thoả thuận chiến lược mới phản ánh một cách thực tế hơn những lợi ích và chi phí của Mỹ và Tây Âu không chỉ tại châu Âu mà cả trên toàn thế giới. John Hulsman, nhà phân tích cao cấp về các vấn đề châu Âu tại Quĩ Heritage đã phác hoạ một thoả thuận mới hứa hẹn giải quyết được vấn đề chia sẻ gánh nặng mà ông gọi là "thoả thuận lớn" trong đó Mỹ nhường bớt quyền cho các nước Tây Âu trong NATO để đổi lại các nước Tây Âu cung cấp thêm các nguồn lực cho quốc phòng của họ. Theo ông, nếu các nước Tây Âu hiện đại hoá các lực lượng quân đội của họ bằng cách tăng chi phí quốc phòng lên 3% tổng sản phẩm quốc nội GDP thì Mỹ sẽ cơ cấu lại bộ tư lệnh NATO bằng cách chuyển giao cho người châu Âu nắm giữ một số chức vụ hiện nay mà người Mỹ đang nắm như tư lệnh trận địa và tư lệnh phía Nam tại Naples. Ngoài ra, cần lập nên "những liên minh cùng chí hướng" để tiến hành những hoạt động như Bosnia hay Kosovo trong đó Mỹ có thể tham gia hoặc không tuỳ theo lợi ích của Mỹ trong từng trường hợp cụ thể. Việc Mỹ không tham gia không có nghĩa là chấm dứt liên minh hay chấm dứt vai trò lãnh đạo của Mỹ trong NATO. Tuy nhiên, điều không rõ ràng trong thoả thuận này chính là mức độ trách nhiệm và quyền lực mà Tây Âu nhận lãnh thêm trong NATO nên đây sẽ tiếp tục là một trong những bất đồng chủ yếu trong quan hệ Mỹ-Tây Âu trong thời gian tới.

Trước việc Tây Âu quyết định thành lập Lực lượng phản ứng nhanh, Mỹ sẽ đặc biệt chú trọng thúc ép Tây Âu hiện đại hoá lực lượng quân sự và đào tạo quân đội tinh nhuệ. Mỹ muốn quyết định này của EU sẽ làm mạnh thêm NATO trong đó Mỹ vẫn nắm "đằng chuôi" quyền quyết định các vấn đề an ninh châu Âu mà không phải đóng góp thêm tài chính và nhân sự. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ có những biện pháp kiềm chế hoặc buộc Tây Âu có những cam kết để các hoạt động của Lực lượng phản ứng nhanh EU vẫn nằm trong sự kiểm soát của Mỹ hoặc không qua mặt NATO. Nếu chính sách của chính quyền Clinton bấy lâu nay vẫn được xem là cổ vũ mạnh mẽ và công khai nhất cho việc châu Âu khẳng định Bản sắc an ninh và phòng thủ của mình trong NATO thì trong thời gian tới chính sách này sẽ không còn mạnh mẽ như vậy dưới chính quyền mới. Mỹ sẽ thận trọng trong các bước đi của Tây Âu vì Mỹ không có lý do gì để phản đối nhưng cũng không thể tán thành mạnh mẽ việc phát triển lực lượng quân sự của Tây Âu. Đồng thời, xu hướng có thể nhận thấy là Mỹ sẽ tiếp tục chú trọng hơn nữa đến việc phát triển mũi nhọn khoa học công nghệ và hiện đại hoá quân đội, duy trì và tăng chi phí quân sự để đảm bảo ưu thế sức mạnh quân sự của mình so với Tây Âu. Mỹ hiện nay là siêu cường thế giới nhưng sức mạnh đó chỉ có thể được duy trì khi có được sự "hợp tác" và kiềm chế các đối thủ tiềm tàng của mình, đặc biệt là với các đồng minh Tây Âu. Mỹ nhận thức được rằng sức mạnh hay bá quyền của Mỹ sẽ phụ thuộc nhiều vào chiều hướng phát triển của quan hệ Mỹ-Tây Âu. Bằng cách khéo léo tận dụng những ưu thế của mình về quân sự và khoa học công nghệ và khoét sâu những khác biệt trong nội bộ Tây Âu, Mỹ vẫn có thể nắm vai trò chủ đạo của mình đối với Tây Âu thông qua NATO.

Tóm lại, tuy có vẻ ngược đời, nhưng quyết định thành lập Lực lượng phản ứng nhanh của EU chính là hệ quả tất yếu của việc Mỹ và Tây Âu thử nghiệm KNCLM tại Kosovo. Các nước Tây Âu thấm thía sâu sắc được những bài học kinh nghiệm trong quá khứ tại Bosnia và chính từ cuộc chiến Kosovo này nên đã tiến thêm một bước trong việc thực thi chính sách an ninh và quốc phòng chung của mình. Quyết định này sẽ đem lại cho EU cả những lợi ích về kinh tế cũng như chính trị quân sự. Chính vì vậy, nó có ý nghĩa hết sức quan trọng đối vơí việc khẳng định Bản sắc an ninh và phòng thủ châu Âu trong NATO, tiến thêm một bước trong quá trình thực hiện chính sách đối ngoại và an ninh chung và tiến trình nhất thể hoá châu Âu và đặc biệt là trong ý đồ độc lập với Mỹ về an ninh quân sự. Nó cũng phản ánh tình hình mới rằng Tây Âu đang trở nên lớn mạnh hơn không chỉ về kinh tế mà cả chính trị quân sự, góp phần giúp Tây Âu nâng cao vị thế, vai trò của mình trong quan hệ với Mỹ nói riêng và trên bàn cờ thế giới nói chung. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quyết định này sẽ còn gặp nhiều khó khăn vì các nước Tây Âu vẫn chưa thực sự quyết tâm cho một chính sách đối ngoại chung tuy từng thành viên đã nhất trí về tiến trình nhất thể hoá và chính sách an ninh quốc phòng chung. Bộ máy để tạo ra một chính sách như vậy vẫn còn rất hạn chế vì các nước này vẫn còn chần chừ trong việc từ bỏ chủ quyền quốc gia để nhường việc hoạch định chính sách đối ngoại cho một tổ chức chung của châu Âu. Hơn thế, Tây Âu cũng còn phải giải quyết nhiều vấn đề mà cơ bản nhất là sự thiếu thống nhất cũng như những khác biệt về lợi ích giữa các thành viên. Vì vậy, khó có khả năng Lực lượng phản ứng nhanh EU trong tương lai có thể thách thức vị trí lãnh đạo của Mỹ trong NATO. Trong thời gian trước mắt và trung hạn, Mỹ vẫn đóng vai trò chủ đạo đối với an ninh châu Âu, và Tây Âu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ trong việc giải quyết các công việc của mình đúng như nhận định của các quan chức Mỹ rằng EU sẽ phải mất nhiều năm trước khi có thể tập trung được sức mạnh đoàn kết để giải quyết một cuộc khủng hoẳng đòi hỏi phải sử dụng đến sức mạnh quân sự./.

Cùng chuyên mục