Sự phát triển trong chính sách đối ngoại của Việt Nam sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng

16:00 17/09/2021

TS. Lê Đình Tĩnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao và nghiên cứu viên Lại Anh Tú đã có bài viết trên trang The Diplomat về một số phát triển trong chính sách đối ngoại Việt Nam sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Bài viết của TS. Lê Đình Tĩnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao và nghiên cứu viên Lại Anh Tú trên trang The Diplomat ngày 10/3. (Ảnh chụp màn hình)

Được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 25/1 đến 1/2, Đại hội lần thứ XIII của Đảng là kỳ đại hội lớn nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong kỳ đại hội kéo dài 1 tuần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba. Mười tám Ủy viên Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng 200 Ủy viên Trung ương Đảng, nhận nhiệm vụ lèo lái đất nước qua thời kỳ đầy biến động hiện nay.

Được tổ chức 5 năm một lần, Đại hội Đảng là hoạt động hoạch định chính sách tập thể lớn nhất ở Việt Nam. Tại Đại hội, các đại biểu thảo luận và thông qua các chiến lược an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại, chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như lựa chọn nhân sự cấp cao cho nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo và trong các năm tới.

Do đó, chính sách đối ngoại được quyết định tại Đại hội có hàm ý to lớn về mặt chính sách. Nghị quyết Đại hội XIII đã được thông qua với số phiếu tuyệt đối, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của đối ngoại.

Quan trọng hơn, nghị quyết này biểu thị nỗ lực tổng hợp sự ủng hộ nội bộ đối với chiến lược đối ngoại của Việt Nam, khi 1.587 đại biểu dự Đại hội đại diện cho toàn bộ các lĩnh vực, bộ, ngành, địa phương của cả nước.

Lần đầu tiên trong 15 năm qua, 4 nhà ngoại giao cấp cao được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh được bầu vào Bộ Chính trị. Những điểm nhấn trên sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy sự phối hợp giữa các bộ, ngành và cách tiếp cận toàn diện về đối ngoại..

Kiên trì những nguyên tắc dẫn dắt

Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá. Báo cáo cũng tái khẳng định nguyên tắc “4 không” trong chính sách quốc phòng, trong đó mục tiêu tối thượng là bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Hơn nữa, báo cáo khẳng định lại cam kết của Việt Nam tiếp tục là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Những nguyên tắc mang tính định hướng này không những không thay đổi từ Đại hội Đảng lần thứ XII diễn ra vào năm 2016, mà còn bổ sung nhiều sắc thái cho việc triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam trong 5 năm tới, cũng như biểu thị sự tích cực và ngày một tự tin của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đặt trong bối cảnh rộng lớn đó, kỳ Đại hội vừa qua có nhiều bước phát triển mới đáng chú ý liên quan đến chính sách đối ngoại.

Điểm đầu tiên và đáng chú ý nhất là sự nhấn mạnh đến vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Bước phát triển mới này có 2 thành tố chính, mang hàm ý rằng, ngoại giao cần giữ vai trò trung tâm và tích cực hơn trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, nâng cao năng lực quốc gia và gia tăng uy tín quốc tế của Việt Nam.

Tương tự, bước tiến trên đã công nhận tầm quan trọng và đóng góp của ngành đối ngoại trong việc xây dựng một chiến lược quốc gia toàn diện cho Việt Nam. Bước phát triển mới này cũng hàm ý rằng, ngoại giao nên ở “tuyến đầu” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh nhu cầu xây dựng một nền ngoại giao “toàn diện, hiện đại” – bao gồm 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân cũng như sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa những trụ cột trên.

Bằng việc bổ sung nội hàm “toàn diện”, Việt Nam sẽ thúc đẩy một cách rõ ràng tất cả các hình thái ngoại giao: chính trị, kinh tế, quốc phòng, công chúng, văn hóa và nghị viện.

Xét đến mục tiêu phát triển một nền ngoại giao “hiện đại”, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng cường đầu tư nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và hạ tầng đối ngoại cũng như thúc đẩy các sáng kiến mới như “ngoại giao số”.

Thứ ba, nếu báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XII của Đảng tập trung chủ yếu vào nhận diện cơ hội, báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XIII của Đảng tập trung đánh giá một cách biện chứng và toàn diện hơn về môi trường chiến lược của Việt Nam, trong đó xác định cả những thách thức mà Việt Nam có thể phải đối mặt trong những thập niên tới.

Trong khi xác định hòa bình, độc lập, hợp tác, phát triển, cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn là những xu thế lớn của thế giới, Đại hội cũng chỉ ra rằng, cạnh tranh nước lớn, xung đột cục bộ, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và tác động nghịch của toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế và nhiều thách thức khác, có thể đe dọa đến an ninh và phát triển của Việt Nam.

Thứ tư, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã quyết định nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam, nhấn mạnh đến vai trò và sự tham gia của Việt Nam trong ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mekong và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế khác.

Tháng 8/2018, Ban Bí thư khóa XII đã ban hành Chỉ thị 25, văn bản chiến lược đầu tiên về nâng tầm đối ngoại đa phương. Đây là bước phát triển quan trọng về lý luận trong chính sách đối ngoại Việt Nam, khi chủ nghĩa đa phương luôn là một chiến lược hạn chế rủi ro, tránh phụ thuộc quá mức vào một vài đối tác, trong khi vẫn bảo đảm tự chủ chiến lược và mở rộng mạng lưới bạn bè, đối tác của Việt Nam.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chính sách đối ngoại của Việt Nam chỉ tập trung vào đối ngoại đa phương mà thay vào đó, Việt Nam sẽ kết hợp cân bằng giữa các nỗ lực ngoại giao song phương và đa phương.

Thúc đẩy và mở rộng quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, cùng các đối tác quan trọng khác - theo thứ tự kể trên - vẫn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại Việt Nam.

Động lực mới, vị thế mới

Có nhiều nhân tố mang tính then chốt cả về đối nội lẫn đối ngoại, có thể lý giải động lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy những sáng kiến kể trên.

Thứ nhất, sự thay đổi trong chính sách đối ngoại tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng phản ánh một sự thay đổi lớn hơn trong tư duy chiến lược của lãnh đạo Việt Nam.

Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, một trong những chiến lược gia hàng đầu về đối ngoại của Việt Nam, an ninh, phát triển và ảnh hưởng luôn là ba mục tiêu chiến lược mà Việt Nam hướng đến.

Tại các kỳ Đại hội trước, chiến lược an ninh và phát triển của Việt Nam luôn chiếm ưu thế áp đảo trong các cuộc thảo luận chính sách. Chính sách đối ngoại Việt Nam trước đây về cơ bản được xây dựng nhằm thúc đẩy hai mục tiêu trên.

Hiện nay, chính sách đối ngoại Việt Nam đã hướng đến cả việc nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của đất nước.

Lãnh đạo Việt Nam cũng nhận thấy sự cần thiết của việc tăng cường tính hiệu quả trong hoạch định chiến lược thông qua việc kết hợp chính sách đối ngoại với các chính sách khác nhau nhằm tạo thành một chiến lược quốc gia tổng thể đến năm 2030.

Hơn nữa, các tiến bộ về khoa học và công nghệ có thể thay đổi luật chơi trong tương lai sẽ đòi hỏi mỗi quốc gia có khả năng thích nghi và linh hoạt hơn trong các mối quan hệ đối ngoại. Một lần nữa, các giá trị cốt lõi về độc lập, tự chủ và có quan hệ cân bằng với mọi cường quốc lại được nhấn mạnh.

Thứ hai, kể từ Đại hội lần thứ XII của Đảng đến nay, định vị quốc gia của Việt Nam cũng đã khác trước. Với năng lực cao quốc gia ngày càng tăng, Việt Nam đang hướng đến một vai trò chủ động hơn trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, có lợi cho việc theo đuổi các mục tiêu an ninh và phát triển.

Năm ngoái, Việt Nam đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng Chỉ số Quyền lực châu Á 2020 nhờ vào sự gia tăng ảnh hưởng về đối ngoại, và thứ 2 trong bảng Chỉ số ứng phó với Covid-19 của Viện Lowy, Australia.

Về kinh tế, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực, đã hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, có độ mở cao và hoàn toàn gắn kết với hệ thống thương mại thế giới. Việt Nam hiện là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do, bao gồm CPTPP và RCEP – hai hiệp định thương mại tự do lớn nhất khu vực.

Về chính trị, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện với 30 quốc gia, trong đó bao gồm cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và toàn bộ 10 nước thành viên ASEAN.

Năm 2020, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, sáng kiến Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh (27/12) của Việt Nam ngay lập tức được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua.

Thứ ba, môi trường chiến lược quốc tế thay đổi nhanh chóng đã mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức mới.

Ví dụ, các nước nhỏ ở châu Á, bao gồm cả Việt Nam, phải đánh giá kỹ sự thay đổi chiến lược của các nước lớn trong quá trình hoạch định chính sách.

Ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang, đặt Việt Nam và các nước ASEAN khác trước nguy cơ bị buộc phải chọn bên.

Tương tự, tranh chấp và xung đột trên Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp. Không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống khác như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và an ninh mạng. Thay vào đó, hợp tác quốc tế và các nỗ lực ngoại giao là cần thiết.

Sự gia tăng về uy tín và năng lực đã cho phép Việt Nam theo đuổi một chính sách đối ngoại chủ động hơn. Thành công trong đối phó với đại dịch Covid-19 và sự tăng trưởng kinh tế thông qua mối liên kết với thế giới và khu vực đã đóng góp cho thành công của chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Uy tín và vị thế của Việt Nam cũng được nâng cao nhờ các nỗ lực trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực, thông qua vai trò dẫn dắt trong ASEAN và đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, việc đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 năm 2019, và đặc biệt là sự tham gia ngày một tích cực vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Tổng hợp lại, những nhân tố trên giải thích nguyên nhân Việt Nam quyết định chủ động và tích cực hơn trong chính sách đối ngoại. Tuy vậy, liệu Việt Nam có thành công với những chính sách mới hay không không chỉ phụ thuộc vào những nỗ lực tự thân, mà còn vào dựa vào sự ủng hộ và hợp tác của mạng lưới bạn bè và đối tác của mình.

 

Cùng chuyên mục