• Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao
< >

Viện Nghiên cứu chiến lược Ngoại giao

09:00 20/12/2019

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP

CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC NGOẠI GIAO

  1. Lịch sử hình thành và cơ cấu tổ chức của Viện

Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao chính thức được thành lập theo Quyết định số 82/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/06/2008 về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao, dựa trên nền tảng là các Ban nghiên cứu của Học viện Quan hệ Quốc tế (1987-2008), và trước đó là Viện Quan hệ Quốc tế (1977-1987).

Viện được lập ra nhằm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về công tác nghiên cứu và hoạt động kênh II, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các trường đại học và các viện nghiên cứu lớn trên thế giới và trong khu vực, Lãnh đạo Bộ đã quyết định thành lập Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao trực thuộc Học viện Ngoại giao. Sự ra đời của Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao là một bước nâng tầm vị thế công tác nghiên cứu của Học viện, bảo đảm vừa củng cố khả năng nghiên cứu, gắn chặt với các hoạt động của Bộ, vừa đóng góp vào công tác giảng dạy và truyền bá kiến thức. Trên cơ sở các Ban nghiên cứu Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Âu-Mỹ của khối nghiên cứu, Viện phân chia thành các Trung tâm theo lĩnh vực nghiên cứu, gồm: Trung tâm Nghiên cứu Các nước lớn, Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Phát triển và Trung tâm Nghiên cứu Khu vực và Chính sách Đối ngoại.

Bên cạnh các Trung tâm, Viện đã xây dựng các Nhóm nghiên cứu theo đối tượng nghiên cứu cụ thể, bao gồm Nhóm nghiên cứu Trung Quốc, Nhóm nghiên cứu Mỹ, Nhóm nghiên cứu ASEAN/Đông Á, Nhóm nghiên cứu Biển Đông, và Nhóm nghiên cứu Lịch sử Ngoại giao Việt Nam. Việc duy trì song song hai cơ chế Trung tâm và làm việc theo Nhóm vừa xác định những định hướng nghiên cứu lớn cho Viện trong những năm tiếp theo, giúp tiếp nối truyền thống phát triển đội ngũ cán bộ theo hướng chuyên gia, chuyên sâu, đồng thời thúc đẩy sự tương tác, trao đổi và hợp tác chuyên môn giữa các cán bộ thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau.

  1. Quá trình phát triển và những đóng góp của Viện

Trong giai đoạn đầu khi mới thành lập, trên cơ sở nền móng nghiên cứu của Khối nghiên cứu trước đây, dưới sự lãnh đạo của Viện trưởng đầu tiên là Tiến sỹ Đặng Đình Quý, Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao đã đạt được những thành tích đáng khích lệ, là cơ sở quan trọng cho sự phát triển của Viện sau này. Về tổ chức, Viện đã kiện toàn các quy trình, quy chế làm việc cụ thể cho các Trung tâm, Nhóm và cán bộ, đưa hoạt động nghiên cứu vào chuyên nghiệp, nề nếp. Về nghiên cứu, Viện đã thực hiện thành công nhiều công trình nghiên cứu, trong đó có các đề tài thuộc bốn chương trình nghiên cứu dài hạn về Mỹ, ASEAN, Biển Đông, và Lịch sử ngoại giao. Đặc biệt, Viện đã đảm nhiệm vai trò thư ký khoa học, đóng góp chính cho đề tài khoa học cấp Nhà nước về “Xu thế phát triển của thế giới đến năm 2020 và định hướng chiến lược đối ngoại của nước ta”, đề tài có ý nghĩa thiết thực đối với công tác đối ngoại của Bộ Ngoại giao. Trong công tác nghiên cứu phục vụ hoạch định chính sách của Bộ, các lãnh đạo cũng như cán bộ của Viện đã phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trực tiếp tham gia vào các tổ nội dung chính sách, hoặc làm nhiệm vụ thu thập thông tin, báo cáo chuyên sâu cho lãnh đạo Bộ, tổ chức hội thảo, tọa đàm để tham khảo ý kiến chuyên gia. Về hoạt động ngoại giao kênh II, Viện đã làm tốt công việc duy trì và mở rộng mạng lưới quan hệ, tham vấn với hơn 80 tổ chức, cơ quan nghiên cứu chính sách trong khu vực và trên thế giới, góp phần làm tăng danh tiếng và uy tín của Học viện Ngoại giao.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Lãnh đạo Viện đã chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu chuyên sâu về Biển Đông. Với tinh thần không ngại khó khăn, hầu hết các cán bộ của Viện đều tích cực đóng góp công sức vào quá trình này, từ sưu tầm và thu thập tư liệu, tài liệu, bản đồ trong và ngoài nước, đến dịch thuật và chuẩn hóa công tác dịch thuật các từ ngữ, thuật ngữ chuyên môn, đến tổ chức các hoạt động tọa đàm, hội thảo trong nước và quốc tế. Công tác nghiên cứu về chủ đề Biển Đông được thực hiện ngày một bài bản và khoa học. Từ Nhóm Nghiên cứu Biển Đông, đến năm 2011, Nhóm đã trở nên lớn mạnh và trở thành Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông, và đến năm 2012, tách ra khỏi Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao để xây dựng Viện Biển Đông độc lập, nhằm đáp ứng nhu cầu của tình hình đặt ra.

Sau khi Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông tách ra, Viện tiếp tục duy trì và có những đóng góp tích cực trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu về chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế. Bên cạnh các mảng nghiên cứu truyền thống tập trung vào chính sách đối ngoại và quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, Mỹ, và ASEAN, Viện đã tiến thêm một bước, đi sâu tìm hiểu tình hình nội trị và tác động của chính trị trong nước đến việc hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của các quốc gia. Trong thời gian này, hai vấn đề nghiên cứu mới nổi lên cũng được đặc biệt chú trọng, đó là tác động của cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung đến cục diện thế giới và khu vực, và các vấn đề an ninh phi truyền thống, đặc biệt là vấn đề an ninh nguồn nước sông Mê Công.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI với chủ trương hội nhập toàn diện, Viện Nghiên cứu Chiến lược, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Học viện lúc này là Tiến sỹ Đặng Đình Quý, đã tổ chức hàng loạt các hoạt động nghiên cứu, tọa đàm với các Bộ, Ngành và địa phương trong cả nước để thu thập ý kiến, đóng góp và dự thảo Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế. Cũng trong thời gian này, các cán bộ của Viện đã đóng góp chính trong việc triển khai đề tài khoa học cấp Nhà nước về “Hội nhập quốc tế và những vấn đề đặt ra với Việt Nam”, qua đó góp phần quan trọng vào việc xây dựng Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 07/1/2016.

Tháng 9/2015, trước những yêu cầu mới về nghiên cứu chiến lược do biến đổi mới của cả tình hình chính trị thế giới, khu vực, Viện tiến hành thay đổi cơ cấu, chia thành ba Trung tâm bao gồm: (i) Trung tâm các Nước lớn, tập trung vào nghiên cứu Mỹ, Trung Quốc, quan hệ Mỹ-Trung và quan hệ của Việt Nam với hai cường quốc này; (ii) Trung tâm Khu vực và Chính sách đối ngoại, tập trung nghiên cứu chiều hướng phát triển của khu vực Đông Nam Á, ASEAN và các cơ chế liên quan, các nước láng giềng Đông Nam Á và quan hệ của Việt Nam với các nước này; và (iii) Trung tâm An ninh và Phát triển, tập trung vào các vấn đề hội nhập quốc tế, kinh tế quốc tế và các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là vấn đề Mê Công và nguồn nước.

Năm 2016, để chuẩn bị cho việc Việt Nam chủ trì Năm APEC 2017,  Học viện đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu APEC – trực thuộc Viện nhằm hỗ trợ các hoạt động của năm APEC 2017 tại Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu APEC được tổ chức linh hoạt, dựa trên cơ sở là Trung tâm An ninh và Phát triển. Năm 2017, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC (SOM 2), Viện đã tổ chức thành công Hội nghị quốc tế Mạng lưới các Trung tâm nghiên cứu của Diễn đàn hợp tác châu Á – Thái Bình Dương (ASCCC) thu hút đông đảo đại biểu đại diện cho các trung tâm nghiên cứu APEC, các trường đại học trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các viện nghiên cứu của Việt Nam cùng nhiều tổ chức quốc tế tham dự.

Năm 2017, Viện thành lập Trung tâm Nghiên cứu Mê Công nhằm điều phối các hoạt động nghiên cứu, hoạt động kênh 2 của Cơ chế hợp tác Lan Thương – Mê Công tại Việt Nam.

Trong giai đoạn 2016-2019 cán bộ của Viện đã thực hiện được tổng cộng 67 đề tài nghiên cứu khoa học, tính riêng trong năm 2019 là 26 đề tài nghiên cứu khoa học và cán bộ của Viện cũng đã có hàng trăm bài báo nghiên cứu trong và ngoài nước. Đặc biệt cán bộ của Viện tham gia thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước về “Đối ngoại đa phương của Việt Nam: Thực trạng, vấn đề và giải pháp”. Đây là đề tài quan trọng nhằm đưa ra kiến nghị về định hướng chiến lược đối ngoại đa phương của Việt Nam nói chung và sự tham gia của Việt Nam ở từng tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương nói riêng.

Từ đầu năm 2019, Viện tiến hành nhiều hoạt động nhằm phục vụ các nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm của Bộ như chuẩn bị cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc 2020 – 2021.

Từ khi được thành lập, Viện luôn hướng đến mục tiêu là trở thành Think-tank số 1 của Việt Nam về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại, với 4 phương châm bao gồm: (1) Kết hợp nghiên cứu của Viện với công tác tham mưu, hoạch định và triển khai chính sách của Bộ Ngoại giao; (2) Đưa thành quả nghiên cứu vào giảng dạy và truyền bá kiến thức; (3) Hội nhập trong nước và quốc tế; và (4) Phát triển mạng lưới ngoại giao kênh II.

Kể từ khi thành lập, Viện đã có nhiều may mắn khi nhận được sự quan tâm của các lãnh đạo Bộ Ngoại giao như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh, Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm. Đặc biệt, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm là người đã quyết tâm thành lập Viện với tầm nhìn Bộ Ngoại giao phải có Viện nghiên cứu Chiến lược ngang tầm với Viện Chiến lược của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, sánh vai với các viện nghiên cứu chiến lược trong khu vực. Viện cũng có may mắn được thừa hưởng truyền thống nghiên cứu của các thế hệ tiền bối như đồng chí Lưu Đoàn Huynh, Dương Danh Dy, Chu Công Phùng, Nguyễn Phương Bình và tiếp theo là thế hệ như đồng chí Bùi Thanh Sơn, Nguyễn Vũ Tùng, Hoàng Anh Tuấn, Lê Linh Lan, Đặng Đình Quý, Lê Hải Bình và Lê Đình Tĩnh. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sự đóng góp, chỉ dẫn nhiệt tình về mặt chuyên môn của các cố vấn là những nhà ngoại giao kỳ cựu, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp của Bộ Ngoại giao như đồng chí Nguyễn Văn Thơ, Hoàng Như Lý, Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Tâm Chiến, Nguyễn Phú Bình, Lê Công Phụng, Nguyễn Nguyệt Nga.

Trong giai đoạn tới, Viện sẽ tập trung nghiên cứu những vấn đề cốt lõi, lâu dài và gắn bó chặt chẽ với lợi ích quốc gia – dân tộc trong giai đoạn chuyển mình cùng thời đại. Viện cũng hướng tới những bước chuyển về chất trong năng lực nghiên cứu và tư duy khoa học, góp phần thiết thực vào những nhiệm vụ trọng yếu của đất nước trong giai đoạn mới. Trong nỗ lực chung của Học viện Ngoại giao, Viện tiếp tục là chỗ dựa vững chắc về học thuật và tham mưu chính sách đối ngoại cho Lãnh đạo Cấp cao và Lãnh đạo Bộ.

Đội ngũ lãnh đạo của Viện NCCL hiện nay gồm:

1. Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng.

2. Trần Thanh Hải, Phó Viện trưởng.

3. Trần Chí Trung, Phó Viện trưởng

Ảnh Báo Thế giới Việt Nam