Chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật quốc tế
Khoa Luật quốc tế của Học viện Ngoại giao là một trong những trung tâm đào tạo cử nhân Luật quốc tế hàng đầu cả nước. Khoa luôn chú trọng cập nhật chương trình đào tạo, phát huy các thế mạnh của một đơn vị đào tạo gắn kết với thực tiễn ngoại giao, có mạng lưới hợp tác quốc tế mở rộng, hướng tới mục tiêu đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của người học, nhà tuyển dụng và xã hội.
ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT:
Kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp được chú trọng
Chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật quốc tế tại Học viện Ngoại giao được xây dựng theo hướng kết hợp chặt chẽ kiến thức lý thuyết, thực tiễn và các kỹ năng nghề luật nhằm tạo cho sinh viên tốt nghiệp có sức cạnh tranh cao trên thị trường lao động. Bên cạnh các nội dung về lý luận pháp luật, chương trình được bổ sung thêm nhiều học phần về các ngành luật quan trọng của quốc tế và Việt Nam và đặc biệt là các học phần về kỹ năng nghề luật.
Khả năng làm việc với nhiều hệ thống pháp luật khác nhau
Bên cạnh kiến thức về luật quốc tế, chương trình cũng cung cấp một khối lượng kiến thức lớn về pháp luật Việt Nam để tạo nền tảng vững chắc cho sinh viên có thể thực hiện các công việc liên quan đến pháp luật Việt Nam.
Với việc thiết kế tỉ trọng hợp lý giữa kiến thức luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, chương trình cung cấp cho sinh viên cách tiếp cận luật so sánh, giúp sinh viên có kiến thức về nhiều hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới, mở rộng nhận thức về lý luận pháp luật vượt khỏi phạm vi hệ thống pháp luật Việt Nam, tạo điều kiện cho sinh viên có khả năng thích ứng nhanh và hiệu quả với các công việc liên quan đến nhiều hệ thống pháp luật khác nhau.
Hoạt động ngoại khóa phục vụ phát triển kỹ năng nghề luật
Trong quá trình học tập, sinh viên được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa đa dạng: các buổi nói chuyện chuyên đề với chuyên gia, luật sư, các hoạt động phiên tòa giả định/diễn án luật quốc tế như Asia Cup International Moot Competition, IHL Moot Competition, Philip C. Jessup International Law Moot Court Competition, Stetson International Environmental Moot Court Competition,…, các hoạt động tham quan, trải nghiệm, kiến tập tại các cơ quan pháp luật như Tòa nhà Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, các công ty và văn phòng luật.
Đội ngũ giảng viên có trình độ cao
Đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản ở các cơ sở đào tạo luật có uy tín trong và ngoài nước, có kiến thức chuyên môn vững chắc và khả năng ngoại ngữ vượt trội. Đa số các giảng viên của Khoa Luật quốc tế tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ tại các nước có truyền thống đào tạo luật lâu đời và có uy tín như Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Hà Lan, Bỉ, và New Zealand. Nhiều giảng viên tham gia giảng dạy trong chương trình đào tạo là thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo Hội luật quốc tế châu Á, các chuyên gia luật học, luật sư, nhà ngoại giao có uy tín.
CÁC HỌC PHẦN TIÊU BIỂU
Về kiến thức cơ sở khối ngành luật, học phần Lý luận về pháp luật và hệ thống pháp luật Việt Nam là một học phần được Khoa Luật quốc tế thiết kết riêng và mang tính đặc thù so với các cơ sở đào tạo luật khác ở Việt Nam nhằm giúp sinh viên có kiến thức nền tảng vững chắc về lý luận pháp luật, có kiến thức cơ bản và tổng thể về hệ thống pháp luật Việt Nam, làm cơ sở cho việc học các học phần chuyên sâu về sau.
Về kiến thức cơ sở ngành, hai học phần Công pháp quốc tế với khối lượng kiến thức lớn so với học phần tương tự ở các cơ sở đào tạo luật khác nhằm bảo đảm cho sinh viên có kiến thức lý thuyết vững chắc về luật pháp quốc tế đề dễ dàng tiếp cận các học phần chuyên ngành. Hai học phần Luật dân sự được thiết kế để bảo đảm sinh viên có kiến thức toàn diện và sâu sắc về ngành luật quan trọng này và có thể học các học phần chuyên sâu về pháp luật Việt Nam cũng như tiếp tục tự học, tự nghiên cứu.
Về kiến thức chuyên ngành, các học phần tiêu biểu như Nguồn của luật quốc tế, Luật biển quốc tế, và Luật nhân quyền quốc tế giúp sinh viên hiểu sâu về các nguyên tắc luật quốc tế và các ngành luật quan trọng.
Về các học phần kỹ năng, sinh viên có thể lựa chọn các kỹ năng nghề luật rất đặc thù như Kỹ năng diễn án luật, Kỹ năng lập luận và viết pháp lý, Kỹ năng tư vấn và hành nghề luật, và Kỹ năng đàm phán, soạn thảo điều ước quốc tế. .
CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí việc làm đa dạng liên quan đến luật quốc tế và luật nói chung:
- Công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị nhà nước có chức năng nhiệm vụ liên quan đến luật pháp quốc tế, pháp chế hoặc hợp tác quốc tế tại các ban, bộ, ngành và các cơ quan nhà nước, đặc biệt tại các đơn vị trực thuộc Bộ Ngoại giao;
- Chuyên viên pháp chế tại các bộ phận pháp chế trong các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt các công ty có quan hệ thương mại, dịch vụ quốc tế;
- Làm việc tại các công ty luật trong và ngoài nước, và thực hiện tư vấn pháp luật độc lập cho các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài;
- Giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước;
- Chuyên viên phụ trách các công việc liên quan đến các lĩnh vực của luật pháp quốc tế hoặc luật pháp nói chung tại các tổ chức liên chính phủ, các tổ chức quốc tế phi chính phủ;
- Phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên phụ trách các vấn đề liên quan đến pháp luật tại các cơ quan thông tấn báo chí.
CƠ HỘI HỌC TẬP Ở BẬC CAO HƠN
Trên nền tảng kiến thức chuyên môn về luật quốc tế và ngoại ngữ tốt, sinh viên tốt nghiệp có khả năng học lên bậc sau Đại học (bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ) thuộc các chuyên ngành Công pháp quốc tế, Luật biển quốc tế, Luật thương mại quốc tế, Luật nhân quyền quốc tế, Luật kinh doanh quốc tế, Luật sở hữu trí tuệ quốc tế, ... tại các trường đại học, học viện, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.
Sau khi tốt nghiệp và có mong muốn hành nghề luật, sinh viên có thể tiếp tục học các chứng chỉ hành nghề luật (như trọng tài viên, hòa giải viên, quản tài viên, luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, …).
Xem chương trình đào tạo chi tiết TẠI ĐÂY.