Đối thoại bàn tròn “Những thực tiễn tốt nhất về bình đẳng giới”

14:53 07/06/2024

Chiều ngày 6/6/2024, Học viện Ngoại giao và Đại sứ quán Chile tại Việt Nam tổ chức Đối thoại bàn tròn với chủ đề “Những thực tiễn tốt nhất về bình đẳng giới” tại Học viện Ngoại giao. Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, TS. Nguyễn Hùng Sơn và Đại sứ Chile tại Việt Nam, ông Sergio Narea đồng chủ trì Đối thoại.

Đối thoại có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ĐS. Nguyễn Phương Nga, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Điều phối viên của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam bà Pauline Tamesis, Trưởng đại diện Liên Hợp Quốc về Phụ nữ bà Caroline Nyamayemombe, 15 vị Đại sứ của các nước tại Việt Nam, đại diện các tổ chức quốc tế hoạt động tích cực trong lĩnh vực bình đẳng giới như UNDP Việt Nam, USAID tại Việt Nam, Action Aid Việt Nam và hơn 40 sinh viên tiêu biểu của Học viện Ngoại giao Việt Nam.

Phát biểu chào mừng, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, TS. Nguyễn Hùng Sơn gửi lời chúc mừng Chile trở thành quốc gia thứ 9 trên thế giới và là quốc gia Nam Mỹ đầu tiên công bố Chính sách Ngoại giao nữ quyền (Feminist Foreign Policy) vào năm 2023. TS. Nguyễn Hùng Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại trong bối cảnh thế giới đang hướng đến kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ trong ngoại giao (24/6/2024). Đây là dịp để tôn vinh sự đóng góp của những nhà ngoại giao nữ trong tiến trình xây dựng hoà bình và phát triển của nhân loại. Đồng thời, tháng 4/2024 vừa qua, Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025 - 2027. Đối thoại tạo cơ hội để Việt Nam lắng nghe bài học thành công của các nước, từ đó học hỏi kinh nghiệm và nâng cao vai trò kết nối các quốc gia có cùng mục tiêu về bình đẳng giới.

Trong phiên khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Chile có video chào mừng Đối thoại, trong đó nhấn mạnh việc công bố Chính sách Ngoại giao nữ quyền là dấu mốc quan trọng, đánh dấu nhiều thập kỷ nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Chile. Chính phủ Chile đang thể hiện cam kết với chính sách bằng việc thông qua Chương trình hành động Chính sách Ngoại giao nữ quyền, để trực tiếp điều phối thực chất tiến trình bình đẳng giới trên tất cả lĩnh vực.

Phát biểu dẫn đề, Phó Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh Hương nêu bật những thành tựu của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới, điển hình như đạt mức gần cân bằng về thu nhập trung bình giữa nam và nữ, lực lượng lao động nữ tăng, đặc biệt trong các cơ quan nhà nước…. Đồng thời, bà Minh Hương cũng chỉ rõ những thách thức phụ nữ Việt Nam đã và đang đối mặt. Việt Nam đã thông qua Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ quyền phụ nữ và bình đẳng giới.

Điều phối viên của Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis khẳng định thế giới đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó Liên Hợp Quốc là cơ quan đi đầu với rất nhiều nghị quyết và cuộc họp toàn thể về nâng cao vai trò của phụ nữ. Trưởng đại diện Liên hợp quốc về Phụ nữ bà Caroline Nyamayemombe tái khẳng định cam kết của Liên Hợp Quốc trong đảm bảo quyền bình đẳng cho nữ giới trên mọi lĩnh vực và ở mọi khu vực trên thế giới.

Trong phiên 1 với chủ đề “Những thực tiễn tốt nhất về bình đẳng giới”, Đại sứ Chile ông Sergio Narea, Đại sứ Đức TS. Guido Hildner, Đại sứ Mexico ông Alejandro Negrín, Đại sứ Canada ông Shawn Stail, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Tây Ban Nha bà Laura Fernandez và đại diện của Raise Partners, bà Mimi Vu chia sẻ về những thành tựu cũng như những biện pháp các nước đã áp dụng để đưa chính sách Ngoại giao nữ quyền vào thực tiễn. Dù các quốc gia áp dụng những khuôn khổ chính sách khác nhau về bình đẳng giới nhưng tựu trung, các chính sách liên quan đến bình đẳng giới yêu cầu các quốc gia cần cam kết trên nhiều mức độ, từ nội luật hóa các quy định trong nước, đến hợp tác song phương, đa phương ở cấp độ khu vực và quốc tế, đồng thời yêu cầu sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của tất cả chủ thể từ Nhà nước, doanh nghiệp đến các tổ chức xã hội.

Trong phiên 2, đại diện các nước và các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới đã chia sẻ về những câu chuyện thành công và định hướng trong thời gian tới để thúc đẩy bình đẳng giới trên toàn cầu. Đại sứ Thụy Điển bà Ann Mawe và Phó Đại sứ Pháp bà Cecile Vigneau nhất trí với quan điểm cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo động lực để phụ nữ phát huy hết tiềm năng trong xã hội thông qua các chính sách giáo dục, việc làm và bảo hiểm; đồng thời, đảm bảo việc nêu gương về đảm bảo bình đẳng giới trong thực tiễn nội bộ của mỗi nước. Các nước cần sử dụng lăng kính bình đẳng giới trong quá trình hoạch định chính sách. Giám đốc điều hành ActionAid International tại Việt Nam, bà Hoàng Phương Thảo và Trợ lý đại diện thường trú UNDP Việt Nam bà Sabina Stein đưa ra một số biện pháp tăng cường hơn nữa sự tham gia của phụ nữ trong khu vực công và bình đẳng giới trong khu vực tư, trong đó, nhấn mạnh vào việc cộng đồng, công ty, các bên liên quan và chính bản thân phụ nữ cần tin tưởng và coi năng lực, đóng góp và thành tựu của nữ giới trong cuộc sống.

Tham dự đối thoại, hơn 40 bạn sinh viên Học viện Ngoại giao – thế hệ những nhà ngoại giao tương lai đã tiếp thu nhiều chia sẻ thú vị về những nỗ lực hướng tới bình đẳng giới trên toàn cầu. Những nỗ lực này sẽ vẫn tiếp tục để đảm bảo rằng trong tương lai, những vấn đề xã hội, khó khăn thách thức về kinh tế, văn hóa hiện nay sẽ không còn là rào cản để phụ nữ khẳng định quyền và vai trò của mình./.

Hoài Vũ, Mai Lan

Cùng chuyên mục