Hội thảo về thách thức, cơ hội và xu hướng phát triển dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam
Trong hai ngày 30-31/3/2022, Học viện Ngoại giao đã phối hợp với Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (NFLP), Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh (VietTESOL), và đơn vị tài trợ - Văn phòng Tiếng Anh Khu vực (RELO) thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thách thức, cơ hội và xu hướng phát triển dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam”.
Hội thảo đã diễn ra thành công với sự tham dự của các lãnh đạo Bộ GDĐT, lãnh đạo các Sở GDĐT, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các khoa Ngôn ngữ Anh, Sư phạm tiếng Anh, hiệu trưởng các trường phổ thông, các nhà quản lý các trung tâm ngoại ngữ trên toàn quốc. Hội thảo cũng có sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh, đại diện các nhà xuất bản, các đơn vị sử dụng lao động, lãnh đạo các doanh nghiệp từ nhiều tỉnh thành trên toàn quốc.
Hội thảo nhằm tập hợp mạng lưới các giáo viên giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam; tìm hiểu nhu cầu về dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam; thảo luận các thách thức và cơ hội trong dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam để không ngừng nâng cao chất lượng; chia sẻ các bài học và kinh nghiệm thành công trong dạy và học tiếng Anh từ các cơ sở giáo dục; nhận định các xu thế dạy và học tiếng Anh trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam trong thời gian tới cũng như đề xuất các chính sách mới, các dự án, huy động các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà xuất bản hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao công nghệ trong giảng dạy tiếng Anh giúp đẩy mạnh chất lượng đào tạo và tạo ra nguồn nhân lực giỏi tiếng Anh cho xã hội và thị trường lao động.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh rằng hội thảo là một trong những sự kiện trọng đại về dạy và học tiếng Anh đầu tiên tại Việt Nam. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Độ, đại dịch Covid-19 tuy là thách thức nhưng cũng là cơ hội để đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Anh trong nước. Đại sứ Marc Knapper, đại diện cho Đại sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, bày tỏ niềm vinh dự khi có mặt tại hội thảo này. Chứng kiến sự thay đổi về kinh tế, văn hoá xã hội tại Việt Nam, Đại sứ Marc Knapper nhận định rằng nhu cầu dạy tiếng Anh cũng sẽ phải có những thay đổi tương xứng. Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám Đốc Học viện Ngoại Giao, cũng đã phát biểu trong phiên khai mạc. Tiến sĩ Phạm Lan Dung chia sẻ, Học viện Ngoại Giao rất tự hào khi được trở thành đơn vị tổ chức cho hội thảo lần này. Tiến sĩ Dung mong rằng hội thảo sẽ trở thành sự kiện thường niên để việc dạy và học tiếng Anh luôn được theo dõi và quan tâm. Theo tiến sĩ, vấn đề cấp thiết nhất trong việc học và dạy tiếng Anh tại Học viện Ngoại Giao nói riêng và Việt Nam nói chung là làm cách nào để mỗi giờ học tiếng Anh có thêm giá trị. Giá trị ấy không chỉ được tạo ra cho người dạy mà còn cho những học sinh, sinh viên tham dự giờ học đó. Tiến sĩ Dung khẳng định rằng, để đưa được con thuyền mang tên “Dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam” ra biển lớn thì cần có sự lãnh đạo và những đường lối sáng suốt của những người tiên phong. Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Hoà, chủ tịch Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh (VietTESOL) khẳng định rằng, thời điểm tổ chức hội thảo tuy muộn nhưng lại vô cùng tốt, nhất là sau khi việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam vừa trải qua đại dịch Covid-19. Ông cũng khẳng định rằng, việc học trực tuyến không còn chỉ là một phương pháp “chữa cháy” mà đang dần trở thành một bộ phận không thể thiếu trong việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam.
Trong suốt hội nghị, các đại biểu đã nêu ra nhiều vấn đề đáng chú ý trong dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia phát biểu và khẳng định rằng, những chính sách của Đảng và Nhà nước với việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam vừa thể hiện sự quan tâm đúng mức cho một nhu cầu ngày càng quan trọng tại nước ta; nhưng cũng là một thách thức với ngành giáo dục để làm sao đạt được các mục tiêu do Đảng và Nhà nước đề ra. Thạc sĩ Nguyễn Nhật Quang, Giám đốc Công ty Giáo dục HQT, Phó Chủ tịch Hiệp hội ISTAR báo cáo rằng, giáo viên rất cần sự hỗ trợ từ toàn xã hội trong việc giáo dục học sinh thời đại mới bởi lẽ bên cạnh những nỗ lực từ người thầy luôn cần có những hỗ trợ về cơ sở vật chất kỹ thuật, chính sách định hướng, cũng như sự đồng thuận, trợ giúp từ phụ huynh. PGS. TS. Lâm Quang Đông, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ các bài học và kinh nghiệm thành công trong dạy và học tiếng Anh từ các cơ sở giáo dục toàn quốc. Về việc cải thiện chất lượng kì thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, ông Đông cho rằng cần giảm việc thương mại hoá các kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ. Ông cũng cho rằng, cơ sở vật chất cần phải tương xứng với nhu cầu học và dạy tiếng Anh trong thời đại mới. Đại biểu đến từ trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên, thạc sĩ Trần Thị Thuý cũng đã trình bày bản tham luận về “Đổi mới trong trong giảng dạy tiếng Anh tại cấp phổ thông”. Theo cô Thuý, quá trình cần đổi mới cần diễn ra liên tục, cả trước và sau dịch Covid-19. Cô cũng chia sẻ rằng quá trình đổi mới trong việc dạy và học tiếng Anh cần đảm bảo được ba yếu tố “Kết nối; Hợp tác và Nuôi dưỡng” (Connection; Collaboration; Cultivation).
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ và nhận định về các xu thế dạy và học tiếng Anh trên thế giới và giải pháp cho Việt Nam, từ đó tìm hiểu vai trò của giáo viên trong thời đại mới. Các đại biểu cũng cho rằng, giáo viên không chỉ đơn thuần là người thầy, mà còn phải là người truyền lửa, người tạo ra các sân chơi lý thú và cũng phải rất bổ ích cho học sinh. Các đại biểu cũng nêu ra được thách thức lớn nhất trong quá trình dạy và học trực tuyến hiện nay chính là điều kiện kinh tế khác nhau giữa các sinh viên, cũng như thái độ của người học trong thời điểm học trực tuyến. Các đại biểu khẳng định rằng, cần có những thay đổi mới để thích ứng, phù hợp với các yêu cầu của thời đại mới cũng như cải thiện, thay đổi mô hình dạy học sau đại dịch để tiết học có thể đạt được hiệu quả cao nhất. Các đại biểu đều thống nhất một ý kiến, đó là phải làm sao để tìm ra được mô hình học mới phù hợp với giai đoạn hậu Covid-19, cũng như tạo được những điều kiện và cơ hội để học sinh, sinh viên được tham dự vào hoạt động học tập một cách hiệu quả hơn.
Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch đại học FPT đánh giá về chất lượng đào tạo tiếng Anh dưới góc nhìn của cơ sở đào tạo đại học. Ông nhận thấy rằng không chỉ đại học FPT, mà các trường đại học khác đều nên tạo thêm cơ hội để đào tạo và sử dụng tiếng Anh cho sinh viên. Tiến sĩ Tùng còn nhận thấy rằng, mục tiêu lớn nhất của việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam chính là có thể đưa Việt Nam ra khỏi “vùng trũng tiếng Anh” của khu vực, từ đó hướng tới mục tiêu xây dựng các đặc khu nói tiếng Anh tại các địa danh có lượng khách du lịch lớn như Sapa, thành phố Đà Nẵng, thành phố Nha Trang…nhằm đưa Việt Nam trở thành một đất nước nói tiếng Anh như một ngoại ngữ thứ hai. Thạc sĩ Lê Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Ngoại Giao cũng có bài tham luận để chia sẻ những mong đợi từ phía nhà tuyển dụng về việc đào tạo tiếng Anh. Thay mặt cho các nhà tuyển dụng, ông Thiện chia sẻ, các nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên cần có tiếng Anh không chỉ để để phục vụ cho các mục đích sau giao tiếp, mà còn để phát huy tri thức của các ứng viên trong công việc. Ông cũng mong muốn các cơ sở đào tạo, các tổ chức giáo dục tiếp tục hỗ trợ Bộ Ngoại giao trong việc tạo nguồn nhân sự có phẩm chất, năng lực tốt, phục vụ cho công tác tuyển dụng của ngành.
Kết thúc hội thảo, Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao bày tỏ sự vui mừng khi hội nghị diễn ra thành công tốt đẹp. Bà tin rằng với những cống hiến và đóng góp của các đại biểu trong suốt ba phiên họp chính và các phiên song song, những chính sách và sáng kiến mới sẽ được đề ra để việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam có thể vượt qua những thách thức và ngày càng phát triển.