Phiên họp giả định Liên hợp quốc của Luật Quốc tế K36

04:22 01/08/2012

Luật quốc tế - một chuyên ngành mới lạ, tưởng chừng rất khô khan và khó hiểu nay đã trở nên dễ dàng và hấp dẫn hơn khi chúng được áp dụng vào tình hình thực tế đang diễn ra hàng ngày. Với sinh viên Khoa Luật quốc tế, những buổi đàm phán và những phiên tòa giả định đã không còn xa lạ. Lý thuyết không còn là những câu chữ khô khan của ngôn ngữ chuyên ngành luật khi nó được áp dụng một cách tinh tế vào các buổi tranh luận, buổi đàm phán đầy thú vị và bổ ích. Lý thuyết không còn là nỗi “ám ảnh”, “sợ hãi” mỗi khi nghĩ đến nữa mà trở thành những trải nghiệm thú vị, những tiếng cười và đôi khi là những kỉ niệm khó quên nhất của thời sinh viên Khoa Luật - Học viện Ngoại giao.

Liên hợp quốc (UN) - môn học mà tại đó sinh viên được tìm hiểu và bàn luận về cơ cấu và hoạt động của tổ chức quốc tế có ảnh hướng lớn nhất trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, một cuộc họp tại Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an thực sự diễn ra thế nào, lập trường các nước thành viên ra sao là những điều mà có lẽ không sách vở nào có thể miêu tả hết.

Trong khi các quốc gia Liên hợp quốc vẫn còn tranh cãi về một giải pháp thích hợp cho tình hình đang diễn ra ở Syria, thì các sinh viên Khoa Luật K36 đã thử sức mình với bài tập mô phỏng đàm phán về vấn đề này. Buổi đàm phán của các thành viên Hội đồng Bảo an về những diễn biến mới nhất tại Syria do sinh viên Khoa Luật K36 tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Toàn cảnh buổi đàm phán môn học Liên hợp quốc – LQT36

Cuộc họp được diễn ra vào ngày 30/5/2012, bao gồm các Ủy viên thường trực và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an. Chủ đề của cuộc họp là vấn đề Syria. Các nhóm sẽ đóng vai đại diện ngoại giao của các quốc gia tại Liên hợp quốc tham dự phiên họp, phát biểu ý kiến và đưa ra quan điểm của đất nước mình. Trang phục được lựa chọn cho những buổi đàm phán như thế này thường là những bộ vest lịch sự hay những bộ đồng phục của Học viện. Buổi đàm phán kéo dài 5 giờ đồng hồ và được chia thành hai phiên họp, sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính.

7h15 sáng mọi công tác lễ tân đã được chuẩn bị chu đáo cho một cuộc họp vô cùng quan trọng. 7h30, Chủ tịch bước vào và cuộc họp của Hội đồng Bảo an phiên khẩn cấp về tình hình Syria chính thức bắt đầu.

Đầu tiên, Chủ tịch tuyên bố lý do triệu tập khẩn cấp phiên họp và những nội dung cần thảo luận. Các quốc gia Ủy viên Hội đồng Bảo an được chia thành 3 nhóm: (i) Nga – Trung Quốc; (ii) Các nước phương Tây; (iii) Các quốc gia không liên kết. Ngoài ra, các quốc gia Ả Rập và Syria cũng được mời tham dự cuộc họp.

Tại phiên họp thứ nhất, các quốc gia thể hiện quan điểm của mình về vấn đề Syria và việc thực hiện mục tiêu 6 điểm của nguyên Tổng thư kí Liên hợp quốc Kofi Anna. Phần lớn các quốc gia đều đồng ý việc thực hiện Kế hoạch 6 điểm này mặc dù Syria vẫn còn đang băn khoăn do e ngại tình hình diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên mọi việc không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”. Sự bất đồng quan điểm giữa các quốc gia về vấn đề lực lượng giữ gìn hòa bình, lực lượng quan sát viên, viện trợ nhân đạo làm cho cuộc hội đàm trở nên căng thẳng và “nóng” hơn bao giờ hết, đúng với nghĩa của một cuộc đàm phán quốc tế đa phương.

Ngoài những ý kiến đã được chuẩn bị từ trước, các bên sẵn sàng phát biểu quan điểm của mình một cách thẳng thắn về vấn đề được đưa ra. Dường như khó khăn về “ngôn ngữ nước ngoài” không ảnh hưởng đến các “quốc gia” tham gia buổi đàm phán. Các bên đã thể hiện nhất quán quan điểm của mình, họ liên tục đưa ra tín hiệu xin phát biểu, thể hiện thái độ không khoan nhượng một cách mạnh mẽ nhưng không “quá đà” mà tiêu biểu là Nga, Trung Quốc và các nước Phương Tây.

Trước khi kết thúc phiên họp thứ nhất đã có hai quan điểm đối lập nhau được chia thành hai nhóm nước. Một bên là Nga -Trung Quốc - Syria với quan điểm chỉ tăng số lượng quan sát viên lên 600 người và không được trang bị vũ khí. Một bên là các quốc gia phương Tây, các quốc gia Ả Rập với quan điểm là tăng số lượng quan sát viên lên 1000 người, họ phải được trang bị vũ khí, sẽ có nhiệm vụ bảo vệ số hàng hóa viện trợ nhân đạo và hành lang nhân đạo.

Hội nghị tưởng chừng đi vào bế tắc nhưng Chủ tịch thông báo kết thúc phiên họp thứ nhất để các quốc gia có thể trao đổi trực tiếp để “hiểu nhau hơn” trong thời gian nghỉ trước khi bắt đầu phiên họp thứ hai.

Bên cạnh đó, nhóm các quốc gia không liên kết cũng có cùng quan điểm là tăng số lượng các quan sát viên nhưng lại có phần e ngại trước vấn đề về an toàn tính mạng cho các quan sát viên của họ.

Mặc dù là thời gian nghỉ giữa 2 phiên họp nhưng các bên vẫn “lời qua tiếng lại” một cách không khoan nhượng. Đã có từng tốp các cuộc “vận động hành lang” diễn ra giữa các quốc gia nhưng không kém phần quyết liệt. Tiêu biểu là các cuộc trao đổi giữa Nga, Trung Quốc và các quốc gia Ả Rập, giữa Nga với các nước Phương Tây và Syria.

Kết thúc thời gian nghỉ, Chủ tịch tuyên bố phiên họp thứ hai nhằm dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an bắt đầu. Có vẻ như tình hình đã “dịu” đi rất nhiều sau những cuộc trao đổi không chính thức. Thái độ của các bên cho thấy dường như họ đã thống nhất được giải pháp tối ưu cho vấn đề Syria.

Thế nhưng bất đồng một lần nữa nảy sinh khi phía Mỹ đề xuất đưa cụm từ “to use all necessary measures” vào bản nghị quyết. Theo Mỹ, cần cho phép các quốc gia có thể sử dụng mọi biện pháp cần thiết để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ dân thường và hành lang nhân đạo. Đề nghị này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Nga và Trung Quốc. Theo họ, chỉ nên triển khai quan sát viên hoặc lực lượng gìn giữ hòa bình được trang bị vũ khí hạng nhẹ với mục đích tự vệ. Bất đồng giữa hai bên khiến cuộc họp trở nên căng thẳng và đại diện của các nước tham gia cuộc họp đều mệt mỏi. HĐBA tưởng chừng như phải triệu tập cuộc họp thứ hai về vấn đề này khi các quốc gia đều nhận thấy khả năng đưa ra một bản nghị quyết không mấy khả quan. Trong tình thế như vậy, đại diện của nhóm các nước phương Tây là Mỹ đã có “cuộc gọi” khẩn cấp cho đại diện của Nga để thương lượng giải quyết bất đồng và kết quả thu được là sự đồng tâm nhất trí. Thực tế, hoạt động của HĐBA cho thấy những tình huống như thế này cũng thường xuyên xảy ra và các “diễn viên nghiệp dư” của LQT36 đã “nhập vai” một cách hoàn hảo.

Cuối cùng, các bên cũng đã thỏa thuận đưa ra được một bản nghị quyết cho vấn đề Syria. Bản nghị quyết này, mặc dù còn những điểm cần hoàn thiện, tuy nhiên đó đã là một “văn bản quốc tế” đầu tiên mà sinh viên LQT36 trực tiếp tham gia soạn thảo, đàm phán và thông qua một cách thành công.

Sau 5 giờ đồng hồ làm việc nghiêm túc và hiệu quả, Hội nghị đã diễn ra thành công một cách tốt đẹp. Hội nghị kết thúc vào 13h cùng ngày.

Sau giờ đàm phán UN đầy kịch tính nhưng không kém phần lý thú và cực kì bổ ích, các sinh viên khoa Luật K36 tỏ ra rất hồ hởi, phấn khởi. Mọi thứ không chỉ còn là trên sách vở mà được áp dụng một cách hiệu quả và chuyên nghiệp ngay trong “thực tế”. Chúng ta nên gọi đó là một buổi học đặc biệt - nó đặc biệt bởi những nickname mới dễ thương và rất “ngoại giao” đã ra đời từ đây. Nó đặc biệt bởi nó là cây bút nhớ nhắc nhở mỗi sinh viên khoa Luật luôn quan tâm đến tin tức thời sự, phải gắn những kiến thức đã học vào những sự kiện trên thực tế. Chính vì thế, mặc dù buổi học đã kết thúc nhưng sinh viên khoa Luật vẫn thường xuyên theo dõi những diễn biến xảy ra tại Syria và tự hỏi liệu những gì đang diễn ra có đúng như những gì chúng mình đã làm trong cuộc họp?

Nhóm các nhà báo LQT36E

Những hình ảnh trong cuộc họp:

Đại diện của Nga đang phát biểu ý kiến

Liên đoàn Ả rập và Morocco đang chăm chú lắng nghe ý kiến của Nga

Các nước phương Tây thể hiện quan điểm của mình

Tín hiệu xin phát biểu từ đại diện của Azerbaijan

Nhóm các nước Ả Rập (bên phải) và Trung Quốc (bên trái) đang thương lượng

Tranh luận trong cuộc họp kín giữa các nước phương Tây và Nga

Đoàn Trung Quốc vui mừng khi các bên cuối cùng các bên đã đã được một thỏa thuận chung

Chủ tịch (bên phải) đang tuyên bố các thỏa thuận đạt được trong phiên họp

Nhóm báo chí

Cùng chuyên mục