Sinh viên Truyền thông ứng dụng môn Tổ chức sự kiện vào thực tiễn tại Ninh Bình

21:51 18/06/2022

Trong hai ngày 13-14/6/2022, sinh viên khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại Khóa 46 Hệ Tiêu chuẩn đã tổ chức thành công chương trình trải nghiệm thực tế tại Làng thêu ren Văn Lâm, Ninh Bình với nhiều hoạt động bổ ích và thú vị.

Với tên gọi “Ninh Bình và Tiềm năng phát triển làng nghề với công cụ truyền thông mới”, chương trình là bài thi thực tế cuối kỳ trong khuôn khổ môn học Tổ chức sự kiện do thầy Nguyễn Đồng Anh - Phó Trưởng khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại phụ trách.

Thầy Nguyễn Đồng Anh cùng tập thể sinh viên Khóa 46 Tiêu chuẩn khoa TT&VHĐN chụp ảnh cùng chị Nguyễn Thị Thu Trang - Phó Giám đốc công ty TNHH Thêu Minh Trang 

Khác với những hình thức thi truyền thống, chuyến đi tạo cơ hội cho sinh viên Truyền thông trực tiếp ứng dụng những kiến thức và kỹ năng đã học từ môn “Tổ chức sự kiện” vào thực tế. Tất cả các khâu tổ chức bao gồm lên ý tưởng, khảo sát địa điểm, tìm kiếm nhà tài trợ, liên hệ diễn giả, khách mời cũng như các công tác hậu cần xuyên suốt sự kiện đều được các bạn sinh viên trực tiếp lên kế hoạch và triển khai.

Tập thể sinh viên và thầy giáo thực hiện tổ chức workshop tại Công ty TNHH Thêu Minh Trang 

Chiều ngày 13/6, workshop với chủ đề "Ninh Bình và tiềm năng phát triển làng nghề với công cụ truyền thông mới" đã được tổ chức tại Công ty TNHH Thêu Minh Trang trong không gian của làng nghề thêu ren truyền thống Văn Lâm, tỉnh Ninh Bình. Workshop vinh dự có sự góp mặt của ông Chu Văn Trinh - Trưởng thôn Văn Lâm, chị Nguyễn Thị Thu Trang - Phó giám đốc công ty TNHH Minh Trang, thầy Nguyễn Đồng Anh và hơn 50 sinh viên khóa 46 Tiêu chuẩn Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao.

Workshop "Ninh Bình và tiềm năng phát triển làng nghề với công cụ truyền thông mới” 

Trong buổi workshop, sinh viên Truyền thông Khóa 46 có cơ hội lắng nghe, trò chuyện với các diễn giả cũng như các nghệ nhân thêu ren tại làng Văn Lâm. Những câu chuyện về truyền thống cũng như thực trạng sản xuất và quảng bá của làng thêu hiện tại đã được các khách mời chia sẻ một cách chân tình, gần gũi, mang đến những cái nhìn thực tế cho các sinh viên. 

Thầy Nguyễn Đồng Anh đại diện BTC tặng quà và chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn giả

Sau khi lắng nghe những khó khăn, thách thức mà làng thêu đã và đang phải đối mặt trong giai đoạn hậu Covid-19 cũng như trong bối cảnh hoạt động quảng bá còn nhiều hạn chế, các bạn sinh viên Ngoại giao đã đề xuất một số định hướng và giải pháp truyền thông với hy vọng có thể đóng góp một phần nhỏ giúp bảo tồn và gìn giữ nghề thêu không bị mai một. 

Cụ thể, một số ý kiến được đề xuất với các đại diện tại workshop bao gồm: kết hợp với đội ngũ trẻ của địa phương để thực hiện công tác tuyên truyền thông qua các trang mạng xã hội như TikTok, Instagram, Facebook…; đẩy mạnh sản phẩm qua sàn thương mại điện tử như Shopee - một trong những trang TMĐT lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm địa phương thông qua du lịch và truyền thông sử dụng nguồn lực của tỉnh, các cơ quan báo chí...

Bạn Võ Thu Trang (TT46A) phát biểu tại sự kiện

Tại buổi workshop, sinh viên Truyền thông còn có cơ hội trực tiếp quan sát, hỏi đáp về các bước để làm nên một sản phẩm thêu ren tinh xảo. Nhờ sự hướng dẫn tỉ mỉ từ các diễn giả và nghệ nhân, các bạn sinh viên đã có cái nhìn sâu sắc hơn về công việc này, nắm được phần nào quy trình để làm nên một bức tranh hoàn hảo, từ việc lên ý tưởng, thuê họa sĩ thiết kế trước khi bắt tay vào thêu, các công đoạn thêu và đóng gói...

“Đây là lần đầu tiên mình có cơ hội quan sát những công đoạn để hoàn thiện một sản phẩm thêu ren. Thực sự nó rất khác so với tưởng tượng của mình hay những gì mình biết về công việc thêu thông thường. Công việc này không chỉ cần kỹ năng, mà còn cần có sự kiên nhẫn và tỉ mỉ tuyệt đối. Cùng với đó, khi nghe những chia sẻ từ bác Trinh và chị Trang, khách hàng chủ yếu của những sản phẩm này lại là người nước ngoài. Do đó, mình hy vọng các sản phẩm "made in Vietnam" như thế này được chính người Việt Nam quan tâm nhiều hơn, để những sản phẩm thủ công không bị thời gian lãng quên” - bạn Thành Duy chia sẻ. 

Các bạn sinh viên Truyền thông chụp ảnh tại workshop

Sau khi kết thúc trải nghiệm tại Làng thêu Văn Lâm, các bạn sinh viên đã cùng nhau dành thời gian tham quan Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư, khép lại chuyến đi với những phút giây thư giãn và đầy tiếng cười.  

Hai ngày tại Ninh Bình đã mang lại nhiều kinh nghiệm thực tế cũng như những kỷ niệm vô cùng đáng nhớ cho các sinh viên Truyền thông. “Trở lại Hà Nội, mình nhớ nhất câu nói của các bạn trong team: “chuyến đi này quản trị rủi ro mệt nghỉ”, từ việc liên hệ khách mời tham gia sự kiện giữa thời điểm sản xuất và mùa du lịch bận rộn, cho đến dự trù phương án khi thời tiết không thuận lợi… Đến cuối, khi đi qua hết timeline hành trình, tất cả mọi người đều thở phào vì đã cùng nhau tạo nên một chương trình an toàn và thành công.” - bạn Diện Đàm chia sẻ.

Thu Huyền, Nhật Trinh

Cùng chuyên mục