Số 25 - Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực đóng góp giúp cho các hoạt động của LHQ vì hòa bình và phát triển

08:39 27/03/2012

Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực đóng góp giúp cho các hoạt động của LHQ vì hòa bình và phát triển

Tác giả: Nguyễn Mạnh Cầm.

(Phát biểu của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm tại Đại Hội đồng LHQ khoá 53 ngày 25-9-1998).

Thưa Ngài Chủ tịch.

Thưa các Bà, các Ông,

1.- Thay mặt Đoàn đại biểu nước CHXHCN Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng Ngài Đi-đi-ơ Ô Pớt-ti được bầu làm Chủ tịch khoá họp lần thứ 53 Đại Hội đồng (ĐHĐ) LHQ. Tôi tin rằng, dưới sự điều hành khéo léo của Ngài, khoá họp lần này sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Tôi cũng xin bày tỏ sự đánh giá cao đối với hoạt động tích cực của vị Chủ tịch tiền nhiệm, Ngài Ghen-na-đi U-đô-ven-cô đã điều hành hiệu quả khoá họp 52 ĐHĐ của chúng ta.

Nhân dịp này, tôi nhiệt liệt chúc mừng Ngài Cô-phi An-nan trong trọng trách Tổng Thư ký LHQ đã có những đóng góp tích cực vào hoạt động và quá trình cải tổ LHQ trong năm qua.

Thưa Ngài Chủ tịch,

2. Từ khoá 52 Đại Hội đồng LHQ đến nay, thế giới đã trải qua trọn một năm đầy biến động. Cùng với những tác động dồn dập khôn lường của cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ chưa từng có, cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục đối mặt với không ít thách thức phức tạp nảy sinh từ tình hình căng thẳng, xung đột ở nhiều khu vực, từ chính sách cường quyền, áp đặt, từ tình trạng bất công xã hội; từ hố ngăn cách giàu nghèo giữa các quốc gia ngày một doãng ra thêm. Mặc dù vậy, hoà bình, ổn định, hợp tác để phát triển vẫn là xu thế chủ đạo của sự phát triển của tình hình thế giới, bởi lẽ đó là khát vọng của loài người qua mọi thời đại, đặc biệt đó là đòi hỏi bức bách, nguyện vọng thiết tha của các dân tộc trong bối cảnh quốc tế biến đổi nhanh chóng và phức tạp ngày nay.

3.- Xu thế chủ đạo đó không ngừng được củng cố trong một thế giới mà tính tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng đậm nét, quá trình toàn cầu hoá đi đôi với khu vực hoá diễn biến với nhịp độ ngày càng nhanh. Tình hình đó đặt các nước trước cả cơ hội lẫn thách thức, trong đó các nước đang phát triển và chậm phát triển chịu nhiều thách thức gay gắt hơn. Tình hình đó cũng đặt sự phát triển của thế giới chúng ta trong một tổng thể với mối liên quan chặt chẽ và sự tác động lẫn nhau giữa chủ thể này với chủ thể khác. Trong điều kiện cách mạng khoa học công nghệ đạt được những thành tựu vượt bậc, không ai có thể phủ nhận vai trò của các nước công nghiệp phát triển cao, nhưng sự phát triển của nền kinh tế thế giới như một tổng thể sẽ không thể có được nếu không có sự tham gia tích cực của các nước đang phát triển chiếm số đông trong cộng đồng các quốc gia dân tộc.

4.- Đặc trưng cơ bản của toàn cầu hoá là sự phát triển nhanh chóng của quan hệ kinh tế thương mại và chu chuyển vốn trên phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, trong xu hướng chung này, mặc dầu giá trị trao đổi buôn bán trên phạm vi toàn cầu đã tăng 12 lần kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II, phần tham gia của các nước đang phát triển lại tăng không đáng kể, trong đó phần của các nước chậm phát triển còn có xu hướng giảm đi, nay chỉ bằng một nửa so với cách đây 2 thập kỷ và chỉ đạt o,4% tổng kim ngạch buôn bán thế giới. Mức chu chuyển vốn quốc tế còn tăng nhanh hơn tăng trưởng thương mại, nhưng phần lớn số vốn đó lại đổ vào các nước công nghiệp phát triển; phần còn lại cũng chỉ tập trung vào một số ít nước đang phát triển.

5.- Mặt khác, trong điều kiện mở cửa mà xu hướng tự do hoá thương mại, tự do hoá đầu tư đang được đẩy nhanh, các nước đang phát triển với những doanh nghiệp trang bị công nghệ lạc hậu, lại thiếu vốn, năng lực quản lý có hạn đang phải đương đầu với sự cạnh tranh không cân sức, có khi cực kỳ gay gắt, trong đó ưu thế tuyệt đối thuộc về các nước có nền công nghệ cao kể cả các công ty đa quốc gia với doanh thu lớn hơn cả GDP của nhiều quốc gia. Điều đó không thể không tạo nên mối lo đối với các nước có nền kinh tế đang phát triển và chậm phát triển đang bước vào con đường hội nhập với nền kinh tế khu vực và nền kinh tế thế giới.

6.- Thêm nữa, cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ đang diễn biến tuy xuất hiện trước hết ở Đông A', nhưng không chỉ là "hiện tượng Đông A'", mà nó đang lan rộng như một vết dầu loang trên mặt nước, như một cơn lốc đang tràn qua nhiều nước thuộc các châu lục khác nhau, gây nên những tổn thất nặng nề không lường trước được. Điều này nói lên mặt tiêu cực của toàn cầu hoá, đồng thời đó cũng là một bằng chứng nữa cho thấy quá trình toàn cầu hoá càng phát triển thì nền kinh tế của các nước dù phát triển hay đang phát triển cũng đều càng liên quan mật thiết với nhau, càng tác động và ảnh hưởng lẫn nhau.

7.- Tình hình ấy đặt lên hàng đầu chương trình nghị sự của cả cộng đồng quốc tế yêu cầu bức bách gia tăng hợp tác, thúc đẩy hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước phát triển và chậm phát triển, gắn các nước có nền kinh tế mạnh và các định chế tài chính quốc tế với các nước đang bị khủng hoảng hoành hành. Trên quan điểm tổng thể, sự hỗ trợ như vậy sẽ tạo điều kiện cho các nước đang phát triển và các nước đang bị khủng hoảng hoà nhịp bước với các nước phát triển trên con đường khắc phục khó khăn, đưa nền kinh tế thế giới phát triển ổn định, có lợi cho tất cả, có lợi cho lâu dài. Rõ ràng sự hợp tác ấy, sự hỗ trợ ấy phải được xây dựng trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi (win-win option). Trong cơn hoạn nạn chung, giúp người cũng chính là tự giúp mình.

8.- Với cách đặt vấn đề như vậy, chúng tôi cho rằng, bản thân các nước đang phát triển cũng như các nước đang bị khủng hoảng phải ra sức phát huy tối đa nội lực, khơi dậy mọi tiềm năng vốn có của mình đi đôi với việc tăng cường hợp tác quốc tế một cách có hiệu quả. Với cách đặt vấn đề như vậy, chúng tôi thiết nghĩ, sự trợ giúp từ bên ngoài cần tính đến đặc thù của mỗi quốc gia, tránh áp đặt những phương thuốc có thể đẩy con bệnh vào cơn bệnh nguy kịch hơn, gây ra những bất an xã hội với những hậu quả khôn lường. Với cách đặt vấn đề như vậy, chúng tôi tin rằng, những biện pháp thúc đẩy tự do hoá cần phải chú ý đến tính đa dạng và tính không đồng đều của nền kinh tế các nước và các khu vực. Chỉ có như vậy thì sự trợ giúp mới thực sự có ý nghĩa, sự hợp tác mới thực sự có hiệu quả, sự liên kết mới thực sự được bảo đảm.

9.- Với nhận thức như vậy, chúng tôi momg rằng : - hơn lúc nào hết, các nước công nghiệp phát triển cần mở rộng cửa thị trường, dành quy chế tối huệ quốc (MFN) và bảo đảm chế độ ưu đãi thuế quan toàn diện (GSP) cho các nước đang phát triển, nhất là các nước đang trải qua hoặc hứng chịu hậu quả nặng nề của khủng hoảng; hỗ trợ tích cực các nước đang phát triển và chậm phát triển.

- Hơn lúc nào hết, cần duy trì viện trợ phát triển chính thức (ODA) không những ngăn chặn đà giảm sút, mà còn phải phấn đấu đạt mục tiêu 0,7% thu nhập quốc dân như LHQ đã đề ra. Đối với các nước đang phát triển , nguồn viện trợ này có ý nghĩa quan trọng vì nó bổ sung nguồn lực, góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội cho sự phát triển và cho việc tiếp thu nguồn vốn đầu tư nước ngoài,

- Để khắc phục khủng hoảng trước mắt và những khó khăn lâu dài của các nước đang phát triển, các thể chế đa phương, nhất là LHQ có vai trò rất quan trọng. Rất tiếc rằng, nguồn lực từ hệ thống LHQ dành cho các nước đang phát triển cũng đang có xu hướng thu hẹp dần. Chúng tôi hoan nghênh việc LHQ đã thông qua một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển, kể cả sáng kiến của Ngài Tổng thư ký LHQ hình thành tài khoản dành cho phát triển từ nguồn kinh phí tiết kiệm chi tiêu hành chính.

10.- Hiện nay, Chương trình phát triển LHQ (UNDP), các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống LHQ, các nhà tài trợ song và đa phương khác đang tiếp tục hỗ trợ việc giải quyết những vấn đề thuộc về ưu tiên phát triển của nhiều nước đang phát triển và chậm phát triển. Việt Nam trong những năm qua đã nhận được sự giúp đỡ quý báu của UNDP và các tổ chức quốc tế này trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và trong nhiều hoạt động cụ thể trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là vấn đề xoá đói giảm nghèo. Gần đây nhất, Tổ chức Lương - Nông LHQ (FAO) đã hỗ trợ có hiệu quả thông qua sự hợp tác tay ba với Việt Nam và một số nước châu Phi về nông nghiệp, đưa lại những kết quả đáng khích lệ... Từ thực tế đó, chúng tôi mong rằng LHQ sẽ quan tâm hơn nữa đến vấn đề phát triển, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc hỗ trợ cho các nước đang phát triển và chậm phát triển.

11.- Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự hình thành và mở rộng mối liên kết giữa các quốc gia trong quá trình phát triển không chỉ thông qua các tổ chức khu vực, mà còn thông qua các tổ chức liên khu vực, liên châu lục cho tới quy mô toàn cầu. Sự liên kết nhiều tầng nấc khác nhau như vậy tạo thêm điều kiện thuận lợi cho các quốc gia phát huy lợi thế so sánh của mình, và cũng là chất xúc tác thúc đẩy sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các đối tác vì sự phát triển đồng đều hơn, bền vững hơn trong từng khu vực cũng như giữa các khu vực với nhau.

Thưa Ngài Chủ tịch,

12.- Hoà bình, ổn định và phát triển có mối liên hệ hữu cơ mật thiết với nhau, có thể gọi là những người bạn đồng hành trên con đường tiến tới phồn vinh. Kinh nghiệm bản thân cho phép chúng tôi khẳng định rằng, môi trường hoà bình và ổn định chính trị xã hội là điều kiện không thể thiếu được để mỗi nước tập trung sức lực phát triển kinh tế. Ngược lại, kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng cao lại góp phần củng cố sự ổn định chính trị xã hội và gìn giữ hoà bình.

13.- Nhìn lại tình hình an ninh thế giới từ sau khoá họp thứ 52 tới nay, chúng ta chứng kiến hai chiều hướng trái ngược nhau. Một mặt, không ít sự kiện chứng tỏ xu thế hoà bình, cải thiện quan hệ giữa các quốc gia vẫn đang dọn đường tiến bước, một số cuộc xung đột kéo dài hàng mấy chục năm, nay đã đi vào con đường giải quyết hoà bình; sự bang giao giữa nhiều nước, kể cả giữa một số nước lớn đang được cải thiện. Mặt khác, hàng ngày cảnh máu chảy đầu rơi hoặc đối đầu căng thẳng vẫn diễn ra ở nhiều khu vực, từ Trung Cận Đông tới Châu Phi, từ vùng Ban-căng tới Nam A'... Tình trạng chạy đua vũ trang chưa thuyên giảm bao nhiêu. Khủng bố nối tiếp khủng bố. Danh mục đối tượng bị "trừng phạt" mà nạn nhân trực tiếp là người già, phụ nữ, trẻ em vẫn không rút ngắn. Như vậy, hành tinh mà chúng ta đang sống vẫn chưa thoát khỏi thanh gươm Damocles của sự bất an.

14.- Những bài học đau đớn của thế kỷ 20 sắp kết thúc - một thế kỷ đầy rẫy xung đột và chiến tranh, trong đó có hai cuộc chiến tranh thế giới cướp đi hàng mấy chục triệu sinh linh, cũng như những ước vọng cháy bỏng của loài người về một cuộc sống yên bình hơn, tốt đẹp hơn khi bước vào thiên niên kỷ mới đòi hỏi tất cả chúng ta gia tăng gấp bội nỗ lực để có được một nền hoà bình bền vững, lâu dài.

15.- Trong thế giới ngày nay, một nền hoà bình như vậy chỉ có thể có được nếu mọi dân tộc, mọi quốc gia, không phân biệt lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, ở khu vực này hay khu vực khác đều góp phần xây dựng.

Một nền hoà bình như vậy chỉ có thể có được nếu nó được xây dựng trên căn bản triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không áp đặt, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực cũng như những biện pháp "trừng phạt" trong quan hệ quốc tế, cô lập về chính trị hay cấm vận về kinh tế.

Một nền hoà bình như vậy chỉ có thể có được nếu đạt tới mục tiêu giải trừ quân bị toàn diện và triệt để, trước hết là giải trừ các loại vũ khí giết người hàng loạt theo tinh thần mọi quốc gia phải chấm dứt việc sản xuất, thử nghiệm, tàng trữ, phổ biến, đe doạ sử dụng và sử dụng chúng. Một nền hoà bình như vậy chỉ có thể có được nếu như các cuộc xung đột, bất đồng đều được giải quyết thông qua thương lượng, đối thoại bình đẳng, xây dựng.

16.- Là một bộ phận cấu thành của thế giới, Đông-Nam A' không nằm ngoài quỹ đạo vận động của các chiều hướng chủ yếu diễn ra trên thế giới. Trong hơn 50 năm qua, Đông - Nam A' là nơi hội tụ nhiều mâu thuẫn, tranh chấp, do đó đã phải trải qua những cuộc chiến tranh, xung đột đẫm máu triền miên. Số phận rủi ro ấy dường như đang qua đi, thay vào đó là không khí hoà bình, ổn định, hợp tác để phát triển ngày càng ngự trị. ASEAN từng bước được mở rộng và đang tiến tới ASEAN-10, chấm dứt lịch sử Đông-Nam A' bị chia năm sẻ bảy. Hiệp ước biến Đông-Nam A' thành khu vực không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) đã được ký kết. Tuy nhiên ở đây còn một số vấn đề tồn tại cần được giải quyết để bảo đảm hoà bình, ổn định cần thiết cho tất cả các nước ở khu vực, trong đó có vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Chúng tôi cho rằng hoàn toàn có thể tránh được căng thẳng nếu như mọi bên hữu quan đều tự kiềm chế, không làm gì phức tạp thêm tình hình, bảo đảm tự do hàng hải quốc tế, thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 để giải quyết; trước mắt tìm kiếm những hình thức hợp tác mà tất cả các bên có thể chấp nhận được. Điều đó phù hợp với việc các nước trong khu vực đang ra sức xây dựng quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau. Chính với tinh thần này, là nước láng giềng gần gũi của Cam-pu-chia, chúng tôi chào mừng thành công vượt mọi dự kiến của cuộc bầu cử tự do, công bằng, được cả cộng đồng quốc tế thừa nhận diễn ra tháng 7 vừa qua, và mong rằng trên cơ sở kết quả đó Chính phủ mới của Cam-pu-chia sẽ sớm được thành lập để chỉ đạo nhân dân Cam-pu-chia xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện hoà bình, ổn định.

17.- Chỉ tiếc rằng, Đông A' nói chung và Đông - Nam A' nói riêng - vốn nổi tiếng là khu vực phát triển năng động bậc nhất thế giới trong mấy thập kỷ qua - đang gánh chịu một cuộc khủng hoảng nặng nề chưa từng thấy. Trước tình hình ấy, một số người đã vội vã tuyên bố về sự cáo chung của "thần kỳ", của "mô hình" phát triển Đông A', thậm chí lớn tiếng phủ nhận "giá trị châu A'". Thiết tưởng cách đề cập như vậy là không có cơ sở. Cuộc khủng hoảng ở Đông A' không phải là cuộc khủng hoảng đầu tiên và cũng không phải là cuộc khủng hoảng cuối cùng trong nền kinh tế thị trường. Tuy có những sai sót nhất định, nhưng mô hình phát triển Đông A' và Đông - Nam A' cũng đã từng cung cấp không ít kinh nghiệm quý báu và bài học bổ ích. Lẽ nào đặc tính ham học, ham làm, tằn tiện, chắt chiu, bản sắc thông minh, sáng tạo, tinh thần cưu mang đùm bọc lẫn nhau không phải là những giá trị vĩnh hằng và phổ cập ? Hơn thế nữa, vẫn còn đó những cơ sở kinh tế đáng kể, những nền văn hoá độc đáo, những thành tựu không thể phủ nhận đạt được bằng trí sáng tạo và lao động cần cù; đó là chưa kể tới tài nguyên phong phú, thị trường rộng lớn và vị trí địa - chính trị và địa - kinh tế quan trọng của khu vực.

18.- Một nhân tố quan trọng bảo đảm cho sự phát triển của Đông-Nam A' là sự tồn tại và trưởng thành của ASEAN. Bất chấp những khó khăn thử thách, ASEAN đang tiếp tục củng cố đoàn kết, tăng cường hợp tác, phát huy vai trò tích cực ở châu A'-Thái Bình Dương và trên thế giới thông qua sự giao lưu sôi động với các nước đối thoại, với các tổ chức quốc tế và các tổ chức khu vực khác, cũng như thông qua các hoạt động năng nổ trên các diễn đàn đa phương từ ARF, ASEM, APEC đến Không liên kết và ngay tại LHQ.

19. Việt Nam rất vinh dự là nước đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao lần thứ 7 các nước sử dụng tiếng Pháp cuối năm ngoái, nay lại là nước đăng cai Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 sẽ họp vào tháng 12 này tại Hà Nội với chủ đề "Tăng cường đoàn kết, mở rộng hợp tác vì một ASEAN hoà bình, ổn định, phát triển đồng đều". Tại Hội nghị này sẽ thông qua Tuyên bố Hà Nội và Chương trình Hành động Hà Nội làm kim chỉ nam đưa Đông Nam A' bước vào thiên niên kỷ mới. Chúng tôi vững tin rằng, rồi đây Đông Nam A' sẽ vượt qua thử thách, trỗi dậy phát triển phồn vinh và cộng đồng quốc tế vẫn có thể tiếp tục nhìn nhận Đông Nam A' như một đối tác đầy tiềm năng và đáng tin cậy.

20.- Để củng cố hoà bình, thúc đẩy phát triển, một yêu cầu cấp thiết được chúng ta thảo luận nhiều là cải tổ LHQ theo hướng dân chủ hơn, phù hợp với những thay đổi sâu sắc trong tình hình thế giới hơn 50 năm qua kể từ khi LHQ ra đời. Chúng ta đều đồng thuận rằng vấn đề then chốt là cải tổ HĐBA theo hướng dân chủ hoá, công khai hoá và nâng cao trách nhiệm của Hội đồng trước ĐHĐ/LHQ - diễn đàn rộng lớn nhất phản ánh đầy đủ nhất tiếng nói của các quốc gia dân tộc. Việt Nam cùng các nước Không liên kết kiên trì lập trường cho rằng, nhất thiết đại diện của các nước đang phát triển phải có mặt tại HĐBA với tư cách là uỷ viên thường trực. Tính đến lợi ích chính đáng của nhiều nước có đủ tiêu chuẩn tham gia HĐBA, Việt Nam sẵn sàng ủng hộ phương thức luân phiên nếu đa số các nước thành viên tán thành. Đồng thời Việt Nam ủng hộ đề nghị giảm thiểu và tiến tới thủ tiêu đặc quyền phủ quyết, trước mắt có thể giới hạn áp dụng quyền phủ quyết trong các quyết định liên quan đến chương VII của Hiến chương LHQ.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa các Bà, các Ông,

2.1 - Năm nay cộng đồng quốc tế kỷ niệm lần thứ 50 ngày ra đời của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người. Chúng tôi xem Tuyên ngôn là thành quả to lớn của nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh lâu dài vì những quyền cơ bản, trong đó quyền cao nhất là được sống trong hoà bình, độc lập, trong hạnh phúc, ấm no, được tự do định đoạt vận mệnh của mình. Rất tiếc là vấn đề quyền con người có lúc đã bị lạm dụng vì mục tiêu áp đặt, can thiệp vào công việc nội bộ các nước. Về mặt này, chúng tôi hoàn toàn tán thưởng quan điểm nêu trong Tuyên bố Đơ-ban của Hội nghị cấp cao lần thứ 12 Phong trào Không liên kết vừa mới kết thúc : "Nhân quyền không được sử dụng như một công cụ chính trị can thiệp vào công việc nội bộ; chúng đòi hỏi môi trường hoà bình và phát triển, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước; những quyền kinh tế-xã hội, kể cả quyền phát triển là bộ phận không tách rời của nhân quyền thực sự". Là một dân tộc đã từng nếm trải nỗi tủi nhục mất nước, nhân phẩm bị chà đạp và phải đổ biết bao xương máu để giành lại quyền thực sự làm người, nhân dân chúng tôi nguyện đem hết sức mình để gìn giữ những quyền cơ bản đã giành được.

2.2 - Vì mục tiêu : "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh", nhân dân Việt Nam đã và sẽ kiên trì công cuộc đổi mới, ra sức thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Để phục vụ mục tiêu ấy và để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp hoà bình, hợp tác để phát triển, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, từng bước hội nhập khu vực và thế giới. Trong khuôn khổ đường lối ấy, Việt Nam luôn luôn là một thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế và khu vực. Trong khuôn khổ đường lối ấy, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực đóng góp cho các hoạt động của LHQ vì hoà bình và phát triển, đặc biệt với tư cách là một thành viên mới được bầu vào Hội đồng Kinh tế-Xã hội (ECOSOC).

2.3.- Loài người chuẩn bị bước vào thiên niên kỷ mới với ước vọng khát khao về một cuộc sống tốt đẹp hơn và thịnh vượng hơn. Trong sự nghiệp cao cả này, chúng tôi trông đợi LHQ có những nỗ lực to lớn hơn nữa nhằm đem lại một nền hoà bình bền vững và một môi trường hợp tác quốc tế thuận lợi để phát triển cho mọi quốc gia. Việt Nam nguyện cùng các nước đóng góp đầy đủ nhất phần mình cho mục tiêu cao cả đó./.

Cùng chuyên mục