Số 34 - Một số đánh giá về tác động của tình hình Inđônêxia đối với an ninh khu vực

10:28 29/03/2012

Một số đánh giá về tác động của tình hình Inđônêxia đối với an ninh khu vực

Tác giả: Hoàng Anh Tuấn.

Sau hơn ba mươi năm cầm quyền, chính quyền "Trật tự mới" của Inđônêxia do cựu Tổng thống Suharto liên tục lãnh đạo đã mang lại một số thành quả nhất định cho đất nước này. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục hơn 6% trong hai thập kỷ (từ giữa những năm 1970 cho đến 1997), Inđônêxia đã vươn lên từ một đất nước nghèo nàn, chủ yếu dựa vào nông nghiệp, thành một trong những con rồng mới về kinh tế ở Châu A'. Mặc dù khoảng cách thu nhập theo đầu người còn có sự chênh lệch khá lớn, nhưng mức sống của người dân đã được nâng lên đáng kể. Đối với bên ngoài, và đặc biệt trong ASEAN, Inđônêxia đã khẳng định được vai trò nước lớn của mình trong nhiều vấn đề quan trọng.

Bên cạnh mặt tích cực, chính quyền "Trật tự mới" cũng để lại nhiều di sản tiêu cực cho xã hội Inđônêxia như độc tài, tham nhũng tràn lan, nạn bè cánh, đặc quyền đặc lợi v.v... Những di sản này càng ngày càng bộc lộ rõ hơn kể từ khi Inđônêxia rơi vào khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng thể chế và ngay cả hiện nay khi nước này đang tìm các bước đi phù hợp cho quá trình cải cách kinh tế theo hướng thị trường thực sự và dân chủ hóa đời sống xã hội. Mặc dù cựu Tổng thống Suharto đã rời khỏi vũ đài chính trị hai năm, nhưng tình hình Inđônêxia vẫn còn chứa đựng nhiều bất ổn : nền kinh tế phục hồi mong manh và vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng; xã hội công dân vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc; dàn xếp chính trị mới được thực hiện ở cấp chóp bu và còn cần nhiều cải cách sâu rộng trong giới quân đội, quan hệ trung ương, địa phương, v.v... Điều này một phần do những di sản nặng nề mà Suharto đã để lại cho nước này, một phần do những phức tạp nảy sinh vì các khủng hoảng kinh tế, chính trị diễn ra đồng thời và đòi hỏi phải có cải cách sâu rộng ngay tức khắc.

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả không bàn đến tác động về mặt nội trị của tình hình Inđônêxia mà sẽ đi sâu phân tích tác động của nó đối với khu vực.

Thật vậy, trong thời gian qua tình hình Inđônêxia được các nước trong và ngoài khu vực, vì những lý do khác nhau, theo dõi với mối quan tâm sâu sắc.

Thứ nhất, Inđônêxia là quốc gia lớn nhất về mặt lãnh thổ và dân số ở Đông Nam A'. Với dân số hơn 210 triệu người (chiếm tới 40% dân số các nước ASEAN) lại nằm ở vị trí trung tâm Đông Nam A', nên bất cứ sự biến động nào trong tình hình Inđônêxia đều có tác động trực tiếp hay gián tiếp tới an minh của cả khu vực.

Thứ hai, Inđônêxia là nước lớn có vai trò quan trọng không chỉ trong ASEAN mà còn ở khu vực Đông A' và Châu A'- Thái Bình Dương. Trước đây, chính sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Inđônêxia, cụ thể là với các nước láng giềng Đông Nam A', đã là một nhân tố quan trọng dẫn đến việc thành lập ASEAN. Inđônêxia đã đóng vai trò tích cực, nếu không muốn nói là trụ cột, trong sự lớn mạnh của ASEAN về các mặt kinh tế, chính trị trong hơn ba thập kỷ qua, và ngược lại sự lớn mạnh của ASEAN lại giúp Inđônêxia tăng cường vị thế của mình trên trường quốc tế. Xét trên khía cạnh đó, sự biến đổi chính trị hiện nay của Inđônêxia sẽ có tác động và ảnh hưởng sâu rộng đối với sự năng động kinh tế, chính trị của ASEAN cũng như sự phát triển của tổ chức này trong tương lai.

Thứ ba, do tình hình Inđônêxia chứa đựng tất cả các nhân tố mà các nước ASEAN, ở mức đó khác nhau đều đang gặp phải, đó là : (a) các vấn đề sắc tộc (giữa người Java với người dân thuộc các dân tộc khác như A-chê, Irian; giữa người Inđônêxia và người Hoa); (b) tôn giáo (mâu thuẫn giữa những người theo đạo Hồi và đạo Thiên Chúa); (c) phong trào ly khai (ở A-chê, Tây Irian; Đông Timo là trường hợp ngoại lệ vì bị sáp nhập bất hợp pháp vào Inđônêxia); (d) mâu thuẫn giữa trung ương và địa phương (vấn đề phân chia lợi tức. Chẳng hạn trước đây chính quyền trung ương lấy 80% lợi tức thu được từ khai thác dầu lửa và để lại A-chê 20%, trong 20% đó thì chính quyền tỉnh giữ lại tới 90%); (e) vấn đề chuyển biến từ chế độ độc tài sang xã hội công dân (sự biến đổi chính trị ở Inđônêxia được giới quan sát bên ngoài xem là "Làn sóng dân chủ hóa thứ ba" ở Đông Nam A', sau Philipin và Thái Lan. Liệu làn sóng này đã dừng hẳn chưa hay sẽ tiếp tục lan sang các nơi khác như Mianma chẳng hạn).

Tất cả những lý do trên kết hợp lại cho thấy sự cần thiết phải theo dõi và nghiên cứu kỹ lưỡng những gì đang diễn ra ở Inđônêxia để từ đó có thể rút ra một số bài học bổ ích, giảm thiểu những tác động tiêu cực của diễn biến tình hình Inđônêxia, đồng thời đối phó có hiệu quả trước những thay đổi có thể có đối với tình hình an ninh, chính trị khu vực. Điều cần lưu ý là Inđônêxia vẫn đang trong giai đoạn đầu tiên của quá trình chuyển đổi chính trị lâu dài và phức tạp, có thể sẽ còn có nhiều diễn biến bất ngờ và do đó chưa thể đánh giá hết các tác động sâu rộng của nó đối với khu vực.

1) Tác động đối với an ninh và ổn định khu vực Đông Nam A':

Ngay sau khi thay Suharto, Tổng thống Habibi đã quyết định để cho người dân Đông Timo được trưng cầu về sự lựa chọn tiếp tục nằm trong thành phần liên bang Inđônêxia hay trở thành một nhà nước độc lập. Quyết định vội vàng này đã dẫn đến một loạt những xáo động nghiêm trọng sau đó. Điều này diễn ra quá bất ngờ khiến ngay chính bản thân người dân Đông Timo cũng chưa chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận nền độc lập. Còn trong nội bộ Inđônêxia, đặc biệt là giới quân đội, cũng chưa có sự nhất trí. Vì vậy, ngay sau khi người dân Đông Timo bỏ phiếu tán thành nền độc lập thì lực lượng du kích và các phần tử không tán thành độc lập đã tiến hành cướp phá, bắn giết bừa bãi người dân Đông Timo tạo ra một thảm hoạ và cái cớ để Mỹ, U'c và các nước phương Tây tiến hành can thiệp.

Tình hình Đông Timo còn chưa lắng dịu, thì tại một loạt nơi khác như Tây Irian, Ambor, A-chê... liên tục diễn ra các cuộc bạo động. ở A-chê, tình hình nghiêm trọng tới mức Tổng thống Wahid đã từng tuyên bố có thể xem xét việc để A-chê được trưng cầu ý dân về nền độc lập của mình. Tuy nhiên tuyên bố này ngay sau đó đã bị quân đội, nhiều đảng phái chính trị lớn, Mỹ, U'c và các nước ASEAN không tán thành, và sau đó Wahid đã phải rút lại tuyên bố của mình.

Tại sao vấn đề A-chê lại gặp phản ứng dữ dội như vậy? Về bề ngoài, chúng ta thấy mâu thuẫn giữa người A-chê và người Java và xung đột sắc tộc giữa những người A-chê Hồi giáo và người theo Thiên chúa giáo (chủ yếu là người Hoa). Nhưng thực chất đó là xung đột vì lợi ích kinh tế. Như đã biết, A-chê là một trong những tỉnh giàu có nhất về tài nguyên của Inđônêxia (dầu lửa), nhưng lại là một tỉnh có thu nhập đầu người vào loại thấp của Inđônêxia. Dưới thời Suharto, hầu hết lợi tức thu được từ dầu lửa đã bị chính quyền trung ương thu về. Người A-chê hy vọng nếu tách ra thành quốc gia độc lập thì có thể họ sẽ trở thành một Kuweit hoặc một Brunây khác. Nếu A-chê tách thành quốc gia độc lập thì điều này sẽ khuyến khích phong trào ly khai ở các tỉnh khác và do đó sẽ đẩy liên bang Inđônêxia đến bờ vực của sự tan rã.

Bản thân Mỹ và các nước phương Tây không muốn điều này xảy ra vì sự tan rã của Inđônêxia chắc chắn sẽ dẫn đến bất ổn định của toàn bộ khu vực Đông Nam A'. Một số nước ASEAN khác, như Philipin chẳng hạn, lo ngại điều này có thể khuyến khích phong trào ly khai Mặt trận giải phóng dân tộc Monro đẩy mạnh các cố gắng thành lập nhà nước riêng của mình trên đảo Mindanao. Để giúp giải toả mâu thuẫn giữa chính quyền trung ương và A-chê, Mỹ đã gửi các chuyên gia trợ giúp về pháp lý và chuyên môn để giúp dàn xếp thỏa hiệp giữa hai bên chính quyền, Wahid cũng cậy nhờ các lãnh tụ tôn giáo và tinh thần A-chê giúp đạt được giải pháp thông qua thương lượng hòa bình chứ không phải bằng giải pháp quân sự. Mặt khác chính quyền trung ương cũng đang soạn thảo luật về quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương, trong đó quan trọng nhất là xác định lại tỷ lệ phân chia lợi nhuận khai thác tài nguyên giữa trung ương và địa phương. Thay vì lấy 80% lợi tức như trước kia, nay chính quyền trung ương chỉ lấy 20% còn để lại địa phương tới 80%.

Những lý do trên đã phần nào giúp giải tỏa căng thẳng ở A-chê. Tuy nhiên tình hình ở đấy vẫn còn chứa nhiều nhân tố bất ổn vì không rõ mức độ quyết tâm của những người chủ trương ly khai cũng như quyết tâm và khả năng của chính quyền trung ương trong việc giữ A-chê trong thành phần liên bang.

Quá trình ly khai ở Inđônêxia, nếu diễn ra, sẽ là một tiến trình mang tính xung đột và bạo động cao. Điều này có thể đẩy hàng triệu người Inđônêxia trở thành thuyền nhân sang lánh nạn các nước láng giềng Đông Nam A' và U'c; ở Malaixia hiện đã có trên 1 triệu lao động Inđônêxia đang làm việc, còn ở Singapore con số này cũng lên tới hàng vạn. Nếu có bất ổn xảy ra chắc chắn số người này chẳng những sẽ không về nước mà còn tìm cách đưa thân nhân sang lánh nạn. Điều này có thể sẽ dẫn đến việc phá vỡ sự cân bằng chủng tộc vốn rất mong manh ở hai nước này. Đó là chưa kể đến tác động trực tiếp về mặt an ninh của tình hình Inđônêxia đối với nước nằm gần kề là Singapore, nơi án ngữ đường hàng hải quan trọng trên thế giới (80% nhu cầu dầu của Nhật được chuyển chở qua eo biển Malacca). Đồng thời Singapore còn là một trung tâm tài chính lớn, một thương cảng quan trọng của khu vực và thế giới. Do đó khó có thể lường hết tác động của sự bất ổn thị trường tài chính Singapore đối với nhu cầu tài chính, đầu tư và phát triển kinh tế của khu vực Đông A'.

2) Tác động đối với sự thống nhất của ASEAN:

Nhìn lại lịch sử hơn 30 năm tồn tại và phát triển của ASEAN, ta thấy Inđônêxia đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Chính sự thay đổi chính sách của Suharto, nhấn mạnh quan hệ với các nước khu vực Đông Nam A' đã đưa đến sự ra đời của ASEAN năm 1967. Đồng thời Inđônêxia đóng góp vai trò tích cực trong sự phát triển của ASEAN sau đó và trong việc mở rộng ASEAN từ ASEAN-6 lên ASEAN-10.

Sau khi Tổng thống mới Wahid lên nắm quyền, chính quyền mới của Inđônêxia vẫn tiếp tục nhấn mạnh chính sách "ASEAN trước hết" trong chính sách đối ngoại của mình. Điều này được thể hiện qua các chuyến viếng thăm đến hầu hết các nước ASEAN của Wahid và trong các phát biểu của Tổng thống và Bộ trưởng ngoại giao về chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, việc nhấn mạnh quan hệ với ASEAN được đặt trong bối cảnh Inđônêxia đã, đang và sẽ mở rộng quan hệ với tất cả các đối tượng như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Chẳng hạn, một trong những chuyến đi đầu tiên của Wahid ra nước ngoài với tư cách Tổng thống là sang Bắc Kinh. Đối với Mỹ, Wahid dựa vào nhóm các nhà kinh tế Mỹ để cố vấn về cải cách kinh tế, chọn Kissinger làm cố vấn chính trị, đồng thời đưa nhiều học giả Inđônêxia có học vị cao ở phương Tây tham gia chính quyền.

Các diễn biến trên cần được theo dõi kỹ để đánh giá xem chính sách "ASEAN trước hết" của Inđônêxia là thực chất hay chỉ là bề ngoài. Hiện nay Inđônêxia đang trải qua biến động chính trị mà nhiều người cho là làn sóng dân chủ hóa thứ ba ở Đông Nam A'. Nếu Inđônêxia thành công trong quá trình biến đổi chính trị và cải cách kinh tế, thì họ có thể sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong vấn đề dân chủ và nhân quyền. Hiện nay ở Đông Nam A' mới chỉ có Thái Lan và Philipin là tích cực trong vấn đề này. Nếu Inđônêxia cũng đứng về phía Thái Lan và Philipin thì cán cân sẽ nghiêng về những nước này. Như vậy sự chia sẻ trong ASEAN có thể nảy sinh giữa một bên là một số nước ASEAN còn bên kia là Philipin, Thái Lan và Inđônêxia có thiên hướng nhấn mạnh các nguyên tắc dân chủ và vấn đề nhân quyền. Hiện lập trường của Inđônêxia về vấn đề nhân quyền và dân chủ đã khác trước (nhất là trong các cuộc họp kênh II); tuy nhiên cho đến nay họ vẫn giữ lập trường như trước là không tán thành việc thay đổi các nguyên tắc cơ bản của ASEAN.

Trong trường hợp Inđônêxia phải vật lộn lâu dài với các cải cách kinh tế và chính trị thì khi đó chính sách coi trọng quan hệ với ASEAN chỉ mang tính hình thức. Khi đó Inđônêxia sẽ rút lui trên thực tế các cam kết khu vực của mình để đối phó với các khó khăn trong nước.

3) Tác động đối với vai trò của ASEAN trong khu vực Châu A'- Thái Bình Dương :

Sự khủng hoảng toàn diện của Inđônêxia trong thời gian qua cộng với khủng hoảng tài chính, kinh tế của đa số các nước ASEAN, sự thiếu nhất trí nội bộ, đoàn kết trong nhiều vấn đề đã làm cho vai trò của ASEAN ít nhiều bị lu mờ. Sở dĩ trước đây ASEAN duy trì được vai trò quan trọng của mình ở khu vực Châu A' - Thái Bình Dương là vì họ duy trì được sự cấu kết chính trị, sức mạnh kinh tế của các thành viên và vai trò đi đầu trong việc thảo luận các vấn đề an ninh khu vực. Nay ta hãy xét đến tác động của tình hình Inđônêxia đối với vai trò của ASEAN trong ba vấn đề trên :

Vai trò chính trị: Là một nước lớn, từng là nhân tố gây bất ổn, sau đó là ổn định đối với khu vực, Inđônêxia nhận thức khá rõ vai trò quan trọng của mình đối với đoàn kết và ổn định khu vực và sẽ cố gắng để đóng vai trò này. Tuy nhiên, như trên đã nói, điều này tùy thuộc rất lớn vào việc nước Inđônêxia mới sẽ ra sao sau quá trình biến đổi chính trị và cải cách kinh tế. Nếu như tình hình Inđônêxia tiếp tục bất ổn thì ASEAN sẽ gặp khó khăn trong việc đóng một vai trò chính trị quan trọng hơn trong khu vực. Inđônêxia khi đó sẽ trở thành đối tượng can thiệp của bên ngoài, còn các nước ASEAN có nguy cơ bị chia rẽ giữa một bên là tăng cường dính líu tích cực vào tình hình Inđônêxia, còn bên kia từ chối vì cho rằng đây là vấn đề nội bộ của nước này.

Vai trò kinh tế : Nếu Inđônêxia thịnh vượng về kinh tế và tiếp tục cam kết vào quá trình hợp tác và tự do hóa thương mại khu vực, thì việc thực hiện AFTA sẽ suôn sẻ hơn. Thành công trong việc thực hiện các mục tiêu của AFTA sẽ giúp ASEAN trở thành nhóm nước đi tiên phong trong vấn đề này trong APEC. Điều tồi tệ nhất là khó khăn kinh tế của Inđônêxia sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của khu vực. Hơn thế nữa, Inđônêxia còn rút các cam kết của mình trong AFTA, gây khó khăn cho hợp tác kinh tế khu vực. Trong trường hợp đó, ASEAN không thể trở thành đầu tàu mà thậm chí còn là gánh nặng cho tiến trình tự do hóa mậu dịch của APEC.

Vai trò an ninh: Nếu thành công trong quá trình biến đổi chính trị và trong việc xây dựng nhà nước liên bang mới, Inđônêxia có thể trở thành một hình mẫu cho việc giải quyết các mâu thuẫn phức tạp thông qua biện pháp chính trị, chứ không phải quân sự, để các nước khác noi theo. Trong trường hợp ngược lại, Inđônêxia sẽ không phải là chủ thể để bàn về các vấn đề an ninh mà là đối tượng an ninh để các nước khác can thiệp. ASEAN khi đó sẽ bị trói chân trong vấn đề Inđônêxia nên không thể phát huy được vai trò của mình trong các vấn đề an ninh ở khu vực Châu A' - Thái Bình Dương.

Hiện nay các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ và U'c quan tâm và cổ vũ tinh thần rất lớn cho quá trình chuyển đổi ở Inđônêxia. Họ hy vọng nếu thành công thì tình hình Inđônêxia sẽ có tác động sâu rộng đối với khu vực Đông A' và trên cả thế giới. ở Đông A', sau quá trình chuyển đổi tương đối suôn sẻ theo hướng dân chủ ở Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Philipin, nếu Inđônêxia thành công sẽ là một minh chứng mới cho thuyết "dân chủ hóa gắn với kinh tế thị trường" của Mỹ. Còn trên trường quốc tế, nếu thành công thì Inđônêxia sẽ trở thành nhà nước Hồi giáo dân chủ lớn nhất trên thế giới, có tác động ôn hòa bớt trào lưu chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đang có nguy cơ phát triển trong thế giới Hồi giáo hiện nay.

Trên đây mới chỉ là một số đánh giá sơ bộ về tác động có thể có của tình hình Inđônêxia đối với khu vực. Về phía mình, các nước ASEAN đều mong muốn tình hình Inđônêxia sớm đi vào ổn định và Inđônêxia sẽ tiếp tục phát huy vai trò tích cực thúc đẩy đoàn kết và ổn định trong ASEAN. Còn người dân và các đảng phái chính trị lớn ở Inđônêxia cũng không muốn xảy ra xáo trộn lớn như tình hình sau 1965 và cố gắng tìm kiếm các giải pháp lớn cho đất nước thông qua thương lượng chính trị và thỏa hiệp. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của tình hình Inđônêxia, các nước khu vực vẫn tiếp tục quan tâm và theo dõi kỹ lưỡng để có những đối sách phù hợp nhất./.

Cùng chuyên mục