Thẩm định chương trình đào tạo Cử nhân ngành Kinh tế Quốc tế và Kinh doanh Quốc tế (khoa Kinh tế Quốc tế) – Học viện Ngoại giao
Vào lúc 8h30, ngày 28 tháng 11 năm 2023 đã diễn ra buổi Thẩm định chương trình đào tạo Cử nhân hai ngành Kinh tế Quốc tế và Kinh doanh Quốc tế của Khoa Kinh tế Quốc tế Học viện Ngoại giao. Sau gần 3 giờ làm việc nghiêm túc, kết quả thu được là 100% số phiếu bầu của Hội đồng thẩm định đồng ý thông qua chương trình đào tạo.
Hội đồng Thẩm định Chương trình Đào tạo Bậc Đại học ngành ngành Kinh tế Quốc tế và Kinh doanh Quốc tế với 5 thành viên là những chuyên gia đi đầu trong lĩnh vực Kinh tế và kinh doanh quốc tế đến từ những trường đại học uy tín ở trong và ngoài nước: Chủ tịch Hội đồng là TS. Nguyễn Thị Thìn (Trưởng ban Đào tạo Học viện Ngoại giao), Phản biện 1 là TS. Vũ Thanh Hương (Phó Trưởng khoa, Khoa Kinh tế và kinh doanh Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), Phản biện 2 là TS. Cao Thị Hồng Vinh (Giảng viên, Viện Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương), 2 ủy viên phản biện là TS. Nguyễn Thị Thanh Mai (Phụ trách Ngành Kinh doanh Quốc tế, Đại học Swinburne), ThS. Phạm Thị Thanh Huyền (Q. Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng, Học viện Ngoại giao) và thư ký là ThS. Đỗ Thuỳ Linh (Phòng Đào tạo Đại học, Học viện Ngoại giao).
Về phía đơn vị đào tạo, có PGS.TS. Đặng Hoàng Linh – Trưởng Khoa, TS. Nguyễn Thị Minh Phương- Phó Trưởng Khoa, cùng toàn thể thành viên tổ xây dựng chương trình Cử nhân hai ngành Kinh tế Quốc tế và Kinh doanh Quốc tế của Khoa Kinh tế Quốc tế Học viện Ngoại giao.
Phát biểu mở đầu buổi thẩm định, PGS.TS. Đặng Hoàng Linh, đại diện tổ xây dựng chương trình báo cáo sơ bộ mục tiêu, ý nghĩa, giá trị và định hướng đào tạo của chương trình Cử nhân hai ngành trước Hội đồng. TS. Nguyễn Thị Thìn, Chủ tịch Hội đồng đã ghi nhận sự nỗ lực của Khoa Kinh tế Quốc tế trong quá trình vươn lên phát triển trong thời gian gần đây. Khoa đã đạt được một số thành tích đáng kể trong năm học 2021-2022 và năm học 2022-2023 vừa qua trong lĩnh vực tuyển sinh và xây dựng các chương trình đào tạo mang tính liên ngành.
Nội dung chương trình đào tạo được Hội đồng Thẩm định đánh giá rất tích cực, do được xây dựng dựa trên Chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có tham khảo chương trình một số trường đại học uy tín trong và ngoài nước, đáp ứng được nhu cầu người học, đặc biệt là phù hợp với thực trạng kinh tế xã hội của Việt Nam và khu vực. Bên cạnh đó, mục tiêu của chương trình đào tạo đảm bảo tính tổng quát, mô tả được chuẩn đầu ra của người học, sau khi hoàn thành chương trình học có đủ kiến thức và kỹ năng đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp. Mặt khác, các phần trong chương trình đào tạo được phân bố hợp lí, coi trọng cả lý thuyết và thực hành, phù hợp với xu thế chung.
Song song với đó, Hội đồng cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm cần bổ sung hoàn thiện. Bố cục, nội dung chương trình cần bám sát theo quy định của Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT ngày 06/9/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; một số học phần cần phân bố lại cho từng nhóm kiến thức sao cho hợp lí hơn.
Sau gần 3 giờ làm việc khẩn trương, nghiêm túc với hàm lượng khoa học cao, Hội đồng ghi nhận, ủng hộ và đánh giá cao chương trình đào tạo Cử nhân hai ngành Kinh tế Quốc tế và Kinh doanh Quốc tế của Khoa Kinh tế Quốc tế Học viện Ngoại giao. Hội đồng hoàn toàn đồng thuận thông qua chương trình.
Kết thúc buổi thẩm định, PGS.TS. Đặng Hoàng Linh, thay mặt cho Tổ xây dựng chương trình, đã dành những lời cảm ơn chân thành nhất tới những lời đóng góp, nhận xét quý báu của các chuyên gia trong Hội đồng và khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, để sớm hoàn thiện chương trình đào tạo hai ngành.
Chương trình đào tạo đã được thông qua, là thành quả của sự nỗ lực cố gắng không ngừng của các cá nhân trong Tổ xây dựng chương trình, của tập thể khoa Kinh tế Quốc tế. Kết quả đó lại mở ra những yêu cầu, thách thức mới cho năng lực đào tạo, mong rằng tập thể cán bộ giảng viên của Khoa luôn giữ vững niềm tin, đoàn kết, đồng lòng để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đưa chương trình đào tạo vào giảng dạy và gặt hái được nhiều thành công trong tương lai.
Bài và ảnh: BTT Khoa KTQT