Thành lập Trung tâm Hợp tác Việt Nam - Singapore (VSCC) trên cơ sở nâng cấp Trung tâm đào tạo Việt Nam - Singapore (VSTC)

13:00 03/08/2018

Sáng 31/7/2018, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao Singapore, nhân dịp chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Singapore từ ngày 30-31/7/2018,  Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore Vivien Balakrishnan ký Bản Ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Singapore về Các nguyên tắc hoạt động của Trung tâm Hợp tác Việt Nam - Singapore (VSCC).

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivien Balakrishnan tại lễ ký (Ảnh: VTV)

Theo đó, hai Bên nhất trí nâng cấp VSTC hiện đang hoạt động tại Hà Nội thành Trung tâm Hợp tác Việt Nam - Singapore (VSCC), nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển thống nhất. Việc nâng cấp này sẽ tạo cơ sở pháp lý để VSCC mở rộng hoạt động các hoạt động của mình, không chỉ tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho khu vực công, mà còn tổ chức các hoạt động, dự án khác.

Bản Ghi nhớ ghi rõ, phù hợp với pháp luật và các quy định của Việt Nam, VSCC sẽ thúc đẩy các hoạt động tăng cường năng lực do các cơ quan Singapore tổ chức, tập trung vào những hoạt động (nhưng không giới hạn) như sau: (a) Các khóa đào tạo trong nước về các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của phía Việt Nam và tuân theo các mục tiêu của IAI; (b) Các giải pháp phát triển và quy hoạch đô thị bền vững; (c) Các dự án cố vấn hoặc tư vấn nhằm hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển của Việt Nam trong các lĩnh vực mà Singapore có chuyên môn như (i) Chiến lược tổng thể về Công nghệ Thông tin và Truyền thông (“ICT”); (ii) đào tạo kỹ thuật và dạy nghề; (iii) các giải pháp quản lý điện tử; (iv) các giải pháp tăng trưởng thương mại và kinh tế; (v) cải cách hành chính và tư pháp; (vi) quản lý giao thông đô thị; (vii) an ninh mạng; và (viii) vệ sinh và kiểm dịch; và/hoặc (d) Các dự án cộng đồng tại địa phương trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, doanh nghiệp xã hội, nước, vệ sinh môi trường và con người.

Hoạt động của VSCC sẽ do Bộ Ngoại giao hai nước điều phối, giao cho Học viện Ngoại giao Việt Nam (đại diện phía Việt Nam) và Đại Sứ quán Singapore tại Hà Nội (đại diện phía Singapore) làm cơ quan đầu mối tổ chức, quản lý hoạt động hàng ngày của Trung tâm.

Được thành lập năm 2001 theo thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore, đến nay, VSTC đã hoạt động rất hiệu quả tổ chức được 444 khóa đào tạo cho 11.400 lượt học viên của gần 50 bộ, ngành, địa phương của Việt Nam. Nội dung các khóa học thực chất, hiệu quả, có tính ứng dụng cao, tập trung và các lĩnh vực như dầu tư trực tiếp nước ngoài, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, phổ cập WTO, logistics, cơ chế giải quyết tranh chấp, chính sách công, cải cách hành chính, an ninh mạng, quản lý khủng hoảng, quản lý truyền thông và ngoại giao công chúng…

Chuyến thăm Singapore lần này của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (01/8/1973-01/8/2018) và 05 năm thiết lập Đối tác Chiến lược. Tại các cuộc gặp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng các lãnh đạo Singapore đã cùng chia sẻ các đánh giá tích cực về sự phát triển sâu sắc, hiệu quả của quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam- Singapore. Hai bên cũng chia sẻ quan điểm về các mối quan tâm chung, như: việc triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao đạt được, nhất là trong chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tháng 4/2018; phát huy các tiềm năng vốn có để thúc đẩy thương mại hai chiều; phối hợp trên các diễn đàn khu vực và thế giới, đặc biệt là ASEAN; nhất trí về việc giải quyết vấn đề Biển Đông: giữ vững lập trường chung của ASEAN, thúc đẩy thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và nhanh chóng đàm phán ký kết COC,..

Sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, Việt Nam và Singapore đã trở thành đối tác đáng tin cậy, hợp tác toàn diện trên nhiều mặt Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác với Singapore trong những lĩnh vực mà Singapore có thế mạnh, giúp gia tăng giá trị nhanh chóng và phát triển bền vững./.