Tọa đàm: Xây dựng hoài bão cũng Gen Z
Sáng ngày 16/8/2022, Khoa tiếng Anh – Học viện Ngoại giao đã tổ chức buổi tọa đàm về “Xây dựng Hoài bão cùng Gen Z” để chào đón những tân sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Khóa 49 (K49) của Học viện Ngoại giao (HVNG).
Tham dự buổi tọa đàm có thầy Lê Văn Khánh, Giáo viên của Khoa tiếng Anh, phụ trách các học phần tiếng Anh cho K49, anh Đặng Thanh Sơn, Đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành Công ty Luật TNHH DNA Việt Nam cùng các em tân sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh (K49) và các em sinh viên thuộc các chuyên ngành khác quan tâm đến chủ đề này.
Mở đầu buổi tọa đàm thầy Lê Văn Khánh đã giới thiệu mục đích của buổi tọa đàm và giải thích cụm từ “Gen Z”. Đây là cụm từ để nói đến những người được sinh trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2012. Hầu hết các bạn thuộc thế hệ Z đều được tiếp xúc và sử dụng công nghệ từ nhỏ, nên họ cảm thấy rất thoải mái, dễ đón nhận với công nghệ, Internet và các phương tiện truyền thông xã hội. Thế hệ Z đều có thể sử dụng và tìm kiếm thông tin nhanh chóng, không tốn nhiều công sức, nhưng không nhất thiết là phải có trình độ kỹ thuật số cao. Do đó, các em có thể có những hoài bão rất khác so với các thế hệ trước.
Tiếp theo là phần giới thiệu của anh Đặng Thanh Sơn về bản thân. Anh Đặng Thanh Sơn tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội và Thạc sỹ Luật tại Mỹ. Trước khi đồng sáng lập ra Công ty Luật TNHH DNA Việt Nam, anh Sơn là Luật sư Hợp danh (partner) tại Baker McKenzie, một trong số các công ty luật lớn nhất thế giới. Anh Sơn là một chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực mua bán sáp nhập doanh nghiệp, tài chính – ngân hàng và công nghệ thông tin.
Anh Sơn tiếp tục chia sẻ: “bài học đầu tiên luôn dành cho những người đầu tiên nhìn thấy nó, dám đảm nhận sứ mệnh của mình. Cơ hội cho tất cả mọi người trên trái đất này đều như nhau và mỗi một người cần phải thực hiện sứ mệnh nào đó dù không biết sứ mệnh đó có lợi ích hay không”. Anh nhấn mạnh rằng ngoài những kiến thức được học trong bốn năm thanh xuân tại HVNG, các em sinh viên cần trang bị thêm nhiều kỹ năng mềm như tư duy phản biện (Critical thinking), kỹ năng giao tiếp (Communication), kỹ năng hợp tác (Collaboration). Các kỹ năng này sẽ giúp người học nắm bắt một sự việc và phản hồi về sự việc đó với nhiều góc độ khác nhau. Khi xã hội ngày càng phát triển thì xã hội lại càng đòi hỏi các kỹ năng khó và kiến thức sâu rộng. Vì vậy người học phải biết hợp tác và tập hợp mọi người lại để giải quyết các vấn đề của xã hội.
Ngoài ra, anh Sơn cũng nhắc người học phải đọc sách và nên dành thời gian đọc sách hàng ngày như một thói quen và có một mục tiêu đọc sách rõ ràng vì đọc sách giúp người học hiểu những người khác, hiểu các vấn đề và áp dụng các kiến thức trong các cuốn sách vào thực tiễn. Mạng xã hội giúp ích cho nhu cầu giải trí nhưng sách giúp chúng ta đào tạo sâu kiến thức chuyên môn.
Vấn đề cuối cùng anh Sơn muốn chia sẻ là: “mỗi sinh viên, mỗi cá nhân, phải có trách nhiệm với cộng đồng”. Anh đưa ra một minh chứng rõ ràng với khán giả rằng trước khi chúng ta khởi nghiệp hoặc làm bất kì một điều gì đó như thành lập công ty, chúng ta phải cân nhắc xem quyết định của mình có làm ảnh hưởng đến những con người khác hay không. Lúc đó chúng ta sẽ có ý chí của những người thành công, xây dựng được lòng tin. Chúng ta nên quan tâm đến thân phận của con người như trẻ em thiệt thòi hay những người nghèo và chúng ta nghĩ rằng những quyết định của chúng ta không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ thì nghĩa là chúng ta có trách nhiệm với cộng đồng.
Kết thúc buổi tọa đàm, một số sinh viên đặt câu hỏi về cách duy trì hoài bão. Với quan điểm cá nhân, anh Sơn nhấn mạnh rằng chúng ta cần xây dựng một mục tiêu cụ thể cho mỗi hoạt động. Để xây dựng được các mục tiêu này, chúng ta phải có chiến lược và thời gian để thực hiện các chiến lược. Chúng ta không được từ bỏ đam mê. Các bạn sinh viên có tuổi trẻ, có nhiều khát vọng, nhiều cơ hội nên hãy làm một phiên bản tốt của những niềm đam mê này. Sinh viên thế hệ Z rất nhạy bén về công nghệ và các mạng xã hội, nhưng giới trẻ nên dùng mạng xã hội và áp dụng công nghệ một cách thông minh để liên hệ, kết nối, phát triển các mối quan hệ và không phá vỡ khung thời gian của mình. Chúng ta cần dậy sớm để đọc sách, xem một bộ phim ngắn, nghe một bản tin hay làm một điều gì đó để thoát khỏi vỏ bọc của mình, để cứu chính mình khỏi sự lười nhác. Người học cần phải thay đổi thái độ, hành vi của họ thì sẽ tạo ra được nhiều giá trị cho cuộc sống, cho nhân loại và sẽ là người thành công.
* Diễn giả Đặng Thanh Sơn tốt nghiệp Cử nhân Luật tại Đại học Luật Hà Nội và Thạc sỹ Luật chuyên nghành Kinh doanh Thương mại tại Đại học William S. Richardson School of Law (Hoa Kỳ). Anh Sơn có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp lý, bao gồm Mua bán và Sáp nhập (M&A), Công nghệ và Tài chính – Ngân hàng. Trước khi thành lập DNA Việt Nam, Anh Sơn là Luật sư Hợp danh (Partner) tại hãng luật Baker McKenzie. Rất nhiều khách hàng của anh là các công ty trong Danh sách Fortune 500. Anh Đặng Thanh Sơn là diễn giả quen thuộc tại các hội thảo về M&A, Tài chính và Công nghệ. Anh Sơn là một người hết lòng vì giới trẻ và luôn lan tỏa một nguồn năng lượng rất lớn cho giới trẻ.