Workshop “Sinh viên Truyền thông x Tuồng: Đường tới trái tim”
Chiều ngày 13/04, Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại đã tổ chức buổi workshop “Sinh viên Truyền thông x Tuồng: Đường tới trái tim”. Đây là một sản phẩm truyền thông tốt nghiệp nhằm giúp sinh viên Học viện Ngoại giao hiểu hơn về giá trị và sức hút của nghệ thuật Tuồng. Từ đó, dự án cung cấp cơ hội có được kinh nghiệm và trải nghiệm cho các bạn có định hướng làm truyền thông trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật thông qua Chương trình thực tập sinh phối hợp cùng Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Tham dự workshop có sự góp mặt của NSUT Chu Quang Cường - trưởng Đoàn Truyền thống Nhà hát Tuồng Việt Nam đồng thời là thành viên Hội đồng Nghệ thuật Nhà hát Tuồng Việt Nam (2018 - nay); NSUT Trần Văn Long - Phó đoàn Truyền thống Nhà hát Tuồng Việt Nam; chị Bùi Yến Linh, trưởng bộ phận Marketing, Nhà hát Tuồng Việt Nam và Ths. Nguyễn Lương Diệu An - Giảng viên Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Cố vấn chuyên môn dự án Tuồng Date cùng gần 200 bạn sinh viên Học viện Ngoại giao.
Phát biểu khai mạc workshop, Ths. Nguyễn Lương Diệu An khẳng định giá trị của nghệ thuật Tuồng đối với lịch sử, văn hóa và xã hội Việt Nam. Cô cũng nhấn mạnh tầm quan trọng việc phải xây dựng một đội ngũ truyền thông trẻ, được đào tạo chuyên sâu về truyền thông văn hoá để cùng Tuồng kể những câu chuyện mới và truyền tiếp những giá trị nghệ thuật lý thú và hấp dẫn của Tuồng đến công chúng trẻ. Đồng thời, Ths. Nguyễn Lương Diệu An gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến Nhà hát Tuồng Việt Nam vì đã đóng góp và đồng hành cùng dự án Tuồng Date 2024.
Tham gia sự kiện, các bạn sinh viên được thưởng thức trích đoạn Tuồng Cổ “Ngũ biến” và lắng nghe những phân tích, chia sẻ từ đoàn diễn viên tại Nhà hát Tuồng Việt Nam. Qua việc phân tích các hình thức nói lối, hóa trang và các làn điệu được sử dụng trong vở diễn, NSUT Chu Quang Cường đã nêu bật được những nét đặc trưng của thể loại Tuồng lịch sử nói riêng và Tuồng Bắc nói chung. Bên cạnh đó, diễn giả cũng chỉ ra những chi tiết lịch sử có thật được cài cắm trong vở “Ngũ biến”.
Buổi workshop tiếp tục với phiên tọa đàm mang tên “Tỏ Tuồng - Tỏ Tình: Bàn luận chuyện Tuồng Xưa - Tuồng Nay”. Tại đây, NSUT Trần Văn Long đã phân tích lịch sử hình thành của Tuồng và nghệ thuật Hí Kịch từ Trung Quốc nhằm khẳng định bộ môn nghệ thuật của nước ta có sự phát triển lâu đời, thấm đượm tinh thần và văn hóa của dân tộc. Chia sẻ về đặc trưng của nghệ thuật Tuồng, NSUT Chu Quang Cường - trưởng Đoàn Truyền thống Nhà hát Tuồng Việt Nam, đã tiến hành thị phạm lần lượt 3 yếu tố rường cột trong Tuồng: tính ước lệ, tính cách điệu và tính biểu trưng.
Buổi workshop “Sinh viên Truyền thông x Tuồng: Đường tới trái tim” kết thúc thành công tốt đẹp trong bầu không khí thân thiện, cởi mở. Đây là cơ hội để sinh viên trong và ngoài Học viện trang bị những hiểu biết cần thiết về nghệ thuật Tuồng, trân quý hơn các yếu tố và giá trị nghệ thuật mà Tuồng mang lại. Từ đó, dự án giúp các bạn có thêm động lực tham gia vào công tác truyền thông, quảng bá cho nghệ thuật biểu diễn truyền thống Tuồng cũng như tiếp tục theo đuổi lĩnh vực truyền thông về văn hóa nghệ thuật trong tương lai.