Chương trình đào tạo cử nhân ngành Kinh tế quốc tế

21:48 10/04/2024

Với lịch sử hơn 45 năm hình thành và phát triển, Khoa Kinh tế quốc tế của Học viện Ngoại giao là đơn vị đầu tiên được phép đào tạo ngành Kinh tế quốc tế tại Việt Nam. Chương trình trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu về thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế, tài chính quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế; kỹ năng nghiên cứu cũng như các kỹ năng cần thiết để làm việc hiệu quả trong môi trường hội nhập quốc tế sâu rộng.

ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT

  • Chương trình đào tạo cập nhật, theo chuẩn quốc tế

Chương trình đào tạo ngành Kinh tế quốc tế của Học viện Ngoại giao được xây dựng dựa trên sự tham khảo chương trình đào tạo của các trường đại học uy tín trên thế giới như Đại học British Columbia, Canada (Top 34 các trường đại học xuất sắc nhất trên thế giới theo QS World University Rankings 2024). Chương trình được thiết kế nhằm cung cấp cho sinh viên kiến thức nền tảng về kinh tế quốc tế, kiến thức chuyên sâu theo 2 định hướng lựa chọn Thương mại quốc tếTài chính quốc tế; phát triển khả năng nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình kinh tế trong nước và thế giới; rèn luyện các kỹ năng tư duy và thực hành nghề nghiệp; tăng cường sử dụng ngoại ngữ giúp sinh viên có thể làm việc độc lập và hiệu quả trong môi trường quốc tế và hội nhập sâu rộng. Chương trình luôn cập nhật các vấn đề nghiên cứu kinh tế mới, các xu thế phát triển của nền kinh tế thế giới và các nước nhằm mang đến cho sinh viên nhiều kiến thức mới và chuyên sâu.  

  • Đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm

Đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản ở các trường đại học uy tín trên thế giới tại Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc,… Nhiều giảng viên là Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Đại sứ, cán bộ ngoại giao, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế quốc tế và ngoại giao kinh tế. Giảng viên của Khoa tham gia tích cực vào các đề tài nghiên cứu, xuất bản nhiều bài báo trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước và quốc tế nhằm liên tục nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng bài giảng truyền tải đến sinh viên.

  • Môi trường học tập chuyên nghiệp

Sinh viên thường xuyên được tham gia toạ đàm chuyên đề với các diễn giả là những chuyên gia có kiến thức chuyên môn sâu rộng, kinh nghiệm thực tế phong phú đến từ các tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, các trường đại học và viện nghiên cứu có uy tín trên thế giới. Ngoài ra, sinh viên có cơ hội tham gia các cuộc thi học thuật trong và ngoài nước như Sáng tạo Trẻ về Quản trị và Phát triển lưu vực sông Mekong - Youth Innovation Competition on Lancang-Mekong Region’s Governance; Cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka, FOIE Tournament, ...; thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn của giảng viên Khoa Kinh tế quốc tế; có cơ hội tham gia các chương trình trao đổi sinh viên với các trường đối tác nước ngoài và thực tập tại Bộ Ngoại giao, các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức và doanh nghiệp quốc tế. 

Sinh viên ngành Kinh tế Quốc tế tham gia sự kiện DAV Open House

CÁC HỌC PHẦN TIÊU BIỂU

Khối kiến thức chuyên ngành
  • Quan hệ kinh tế quốc tế
  • Kinh tế đối ngoại Việt Nam
  • Kinh tế học ứng dụng
  • Thương mại quốc tế
  • Ðầu tư quốc tế
  • Tiền tệ và thị trường tài chính
Định hướng chuyên sâu

Chuyên sâu Thương mại quốc tế

  • Marketing quốc tế
  • Thanh toán quốc tế
  • Thương mại điện tử

Chuyên sâu Tài chính quốc tế

  • Tài chính doanh nghiệp
  • Phân tích và thẩm định dự án quốc tế
  • Quản trị tài chính quốc tế
Các học phần kỹ năng
  • Kỹ năng quản lý và lãnh đạo
  • Kỹ năng phát triển bản thân và nghề nghiệp
  • Kỹ năng viết báo cáo
Thầy trò ngành Kinh tế Quốc tế tại Lễ trao giải thưởng “Sáng tạo Trẻ về Quản trị và Phát triển lưu vực sông Mê Kông”

CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí việc làm sau:

- Cán bộ, chuyên viên làm việc tại các bộ phận liên quan đến tổng hợp, phân tích thông tin; tư vấn và hoạch định chính sách trong lĩnh vực thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế, tài chính quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế,... tại các Bộ, Ban, Ngành, địa phương;

- Giảng viên, nghiên cứu viên về kinh tế quốc tế tại các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước;

- Chuyên viên làm việc tại các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, văn phòng đại diện của các tổ chức kinh tế quốc tế và các tổ chức phi chính phủ;

- Nhân viên kinh doanh, nghiên cứu thị trường, cán bộ quản lý,… tại các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước và các tổ chức kinh tế khác.

CƠ HỘI HỌC TẬP Ở BẬC CAO HƠN

Được trang bị kiến thức chuyên môn vững vàng và ngoại ngữ thành thạo, sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng tiếp tục học tập ở các bậc học cao hơn (Thạc sĩ, Tiến sĩ) ngành Kinh tế quốc tế và các ngành học khác thuộc lĩnh vực Kinh tế tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.

Xem chương trình đào tạo chi tiết TẠI ĐÂY

Cùng chuyên mục